Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam
- Thứ tư - 31/08/2016 10:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT BỔ SUNG, HOÀN THIỆN
TS. Dương Đình Giám[1]
Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
I. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035
1.1. Giới thiệu khái quát
Sau gần 30 năm "Đổi mới", Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các ngành công nghiệp đã phát triển nhanh chóng và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Một số sản phẩm và doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, công nghiệp Việt Nam còn bộc lộ nhiều yếu kém: tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài, vào giá nhân công rẻ với tay nghề thấp, vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; chưa chú trọng đến công nghệ, kỹ thuật và lao động chất lượng cao, các ngành công nghiệp cạnh tranh rất yếu ngay tại thị trường nội địa.
Thế giới có nhiều biến động, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế chưa được khắc phục. Tình trạng thất nghiệp, thâm hụt ngân sách, khủng hoảng nợ công diễn ra ở nhiều quốc gia đã ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế và quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng gặp nhiều vấn đề: giá nhân công gia tăng, môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên kém hấp dẫn, áp lực hội nhập ngày càng cao.
Việc Việt Nam hội nhập hoàn toàn với khu vực và quốc tế thông qua Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định tự do thương mại khác đã và đang được ký kết (ASEAN+6, Việt Nam – EU, TPP,…) hứa hẹn một thị trường rộng lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Nhiều sản phẩm công nghiệp sản xuất trong nước có thể sẽ biến mất trên thị trường do giá thành sản xuất quá cao. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và rất khó có thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa đã đặt ra.
Trước những thách thức mới này, để khai thác hiệu quả và hợp lý nhất mọi nguồn lực và cơ hội của quốc gia, nhằm phát triển các ngành công nghiệp nhanh và bền vững mà công cụ quan trọng là có được một hệ thống các chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn, được thực thi mạnh mẽ và quyết liệt, Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ giao cho Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công Thương soạn thảo. Bản Chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 879 QĐ-TTg, ngày 09 tháng 6 năm 2014.
1.1.1. Mục đích của Chiến lược
(1) Đánh giá tác động của chính sách Chính phủ đối với sự phát triển các ngành công nghiệp; Rút ra các thành công, hạn chế chính và nguyên nhân của các hạn chế cùng những bài học kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp trong hơn 10 năm qua;
(2) Phân tích nguồn lực, cơ hội/thách thức của công nghiệp Việt Nam, từ đó xác định mục tiêu và các ưu tiên trong chiến lược phát triển công nghiệp giai đoạn sắp tới;
(3) Đề xuất các chính sách thiết thực và khả thi để thực hiện thành công các mục tiêu và ưu tiên này.
1.1.2. Đối tượng và phạm vi của Chiến lược
Đối tượng của Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam là các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp quốc gia. Phạm vi của Chiến lược là tất cả các ngành, lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.
1.1.3. Căn cứ xây dựng Chiến lược
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các văn kiện quan trọng sau:
- Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020;
- Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế;
- Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015;
Một số chiến lược, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực (Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020; Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020...) và chiến lược, quy hoạch một số phân ngành công nghiệp khác đã được phê duyệt.
1.1.4. Nội dung cơ bản của Chiến lược[2]
Phần 1. Bối cảnh và hiện trạng phát triển công nghiệp Việt Nam. Phần này phân tích hiện trạng chung về phát triển công nghiệp; Đánh giá tác động của các chính sách đến các ngành công nghiệp, trên cơ sở đó phân tích được các thành tựu, hạn chế và các nguyên nhân của các hạn chế, đồng thời rút ra được các bài học kinh nghiệm trong phát triển của công nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua.
Phần 2. Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến 2025, tầm nhìn 2035. Phần này xác lập tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu và nội dung của Chiến lược trong giai đoạn đến 2025 và tầm nhìn đến 2035. Chiến lược bao gồm 3 nội dung chính sau: Điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp; Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và Phân bố không gian công nghiệp.
Phần 3. Giải pháp và tổ chức thực hiện Chiến lược
- Chiến lược đã đề xuất 3 nhóm giải pháp, bao gồm:
Nhóm giải pháp đột phá tập trung vào các khâu yếu nhất của phát triển công nghiệp là thể chế, doanh nghiệp, nguồn nhân lực và công nghệ.
Nhóm giải pháp dài hạn tập trung vào: Cơ chế thu hút đầu tư; Phát triển thị trường; Điều chỉnh chất lượng tăng trưởng công nghiệp; Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ; Phát triển hệ thống dịch vụ công nghiệp và giải pháp về môi trường.
Nhóm giải pháp phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên đề xuất các giải pháp cụ thể cho 3 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên với các nhóm sản phẩm cụ thể mà Chiến lược đã lựa chọn.
- Tổ chức thực hiện Chiến lược, Báo cáo đề xuất trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương cũng như nguồn lực, lộ trình thực hiện và hoạt động giám sát thực hiện Chiến lược.
1.2. Mục tiêu và các định hướng phát triển
1.2.1. Mục tiêu tổng quát
- Đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.
- Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.
12.2. Định hướng
a) Đến năm 2025
- Từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
- Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông phục vụ sản xuất công nghiệp, đồng thời tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
- Tăng cường phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng. Từng bước phát triển công nghiệp vật liệu mới và công nghiệp môi trường.
- Tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp mô hình liên kết ngang và liên kết dọc.
- Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp, đảm bảo phù hợp giữa các vùng trên toàn quốc, giải quyết tình trạng mật độ công nghiệp cao ở một số khu vực, bảo đảm cân đối và hài hòa giữa các vùng và địa phương.
- Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển; Chuyển dịch các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp sơ chế, công nghiệp hỗ trợ từ các vùng công nghiệp lối sang các vùng công nghiệp đệm.
b) Đến năm 2035
Công nghiệp Việt Nam phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, các sản phẩm của công nghiệp có thương hiệu uy tín, có chất lượng và giá trị cao, mang tính khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
1.3. Các lĩnh vực ưu tiên
Các nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển như sau:
a) Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo
- Nhóm ngành Cơ khí và Luyện kim:
+ Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm: máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, ôtô và phụ tùng cơ khí, thép chế tạo.
+ Sau năm 2025, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm: đóng tàu, kim loại màu và vật liệu mới.
- Nhóm ngành Hóa chất:
+ Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên hóa chất cơ bản, hóa dầu và sản xuất linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật;
+ Giai đoạn sau năm 2025, ưu tiên phát triển nhóm ngành hóa dược.
- Nhóm ngành Chế biến nông, lâm, thủy sản:
+ Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực và chế biến gỗ phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
- Nhóm ngành Dệt may, Da giầy:
+ Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên sản xuất nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu;
+ Giai đoạn sau năm 2025, ưu tiên sản xuất sản phẩm quần áo thời trang, giầy cao cấp.
b) Ngành Điện tử và Viễn thông
- Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên phát triển sản phẩm thiết bị máy tính, điện thoại và linh kiện.
- Giai đoạn sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế.
c) Ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo
- Giai đoạn đến năm 2025 thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo như gió, mặt trời, biomass;
- Giai đoạn sau năm 2025 phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, ưu tiên phát triển các dạng năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng biển…
Bảng 1.1: Các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên
STT | Các ngành ưu tiên | Lĩnh vực ưu tiên đến 2025 | Lĩnh vực ưu tiên đến 2035 |
1 |
Công nghiệp chế biến, chế tạo | (1) Máy móc và thiết bị phục vụ nông nghiệp, (2) Ô tô và phụ tùng cơ khí, (3) Thép chế tạo, (4) Hóa chất cơ bản, (5) Hóa dầu, (6) Linh kiện Nhựa – cao su kỹ thuật, (7) Chế biến nông, thủy sản, (8) Chế biến gỗ, (9) Nguyên, phụ liệu cho ngành may mặc, giầy dép. | (1) Đóng tàu, (2) Kim loại màu và vật liệu mới. (3) Hóa dược. (4) Quần áo thời trang, giầy cao cấp. |
2 | Điện tử và viễn thông | (10) Thiết bị thông tin viễn thông, (11) Linh kiện điện tử. | (5) Phần mềm, dịch vụ CNTT. (6) Điện tử y tế. |
3 |
Năng lượng mới và năng lượng tái tạo | (12) Năng lượng mới, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, biomass). | (7) Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, (8) Năng lượng tái tạo (địa nhiệt, sóng biển…). |
Nguồn: Chiến lược Phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
1.4. Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên
Ngoài hệ thống các giải pháp đột phá, tập trung vào các khâu yếu nhất của phát triển công nghiệp là thể chế, doanh nghiệp, nguồn nhân lực và công nghệ; và nhóm giải pháp dài hạn, tập trung vào: Cơ chế thu hút đầu tư; Phát triển thị trường; Điều chỉnh chất lượng tăng trưởng công nghiệp; Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ; Phát triển hệ thống dịch vụ công nghiệp và giải pháp về môi trường, bản Chiến lược còn đề xuất các giải pháp cụ thể cho 3 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên với các nhóm sản phẩm cụ thể mà Chiến lược đã lựa chọn. Cụ thể như sau:
1.4.1. Ngành Chế biến, chế tạo
- Nhóm ngành Cơ khí và Luyện kim: Lựa chọn và tập trung đầu tư có trọng điểm cho một số đơn vị nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực thiết kế đáp ứng yêu cầu phát triển. Đầu tư phát triển sản xuất thép chế tạo cho ngành cơ khí: thép tấm, thép hình, thép hợp kim.
- Nhóm ngành Hóa chất: Đầu tư tập trung cho những công trình trọng điểm, ưu tiên nhóm sản phẩm hóa dầu. Đối với lĩnh vực hóa dược tập trung nghiên cứu các loại dược liệu từ thiên nhiên để sản xuất các loại tá dược và vitamin phục vụ nhu cầu chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ở giai đoạn sau.
- Nhóm ngành Chế biến nông, lâm, thủy sản: Khuyến khích đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nuôi trồng quy mô lớn, bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào đủ tiêu chuẩn cho công nghiệp chế biến. Ưu tiên sản phẩm chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng cho nông, lâm, thủy sản Việt Nam.
- Nhóm ngành Dệt may, Da giầy: Thực hiện đa dạng hóa sản xuất sản phẩm và chủ động phát triển nguồn nguyên phụ liệu. Đẩy mạnh khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống; phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; thúc đẩy các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Đông, Đông Âu, châu Phi; xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam.
1.4.2. Ngành Điện tử và Viễn thông
- Khuyến khích phát triển các phần mềm, đặc biệt là phần mềm nhúng trong các thiết bị phần cứng, điện tử, viễn thông, đáp ứng nhu cầu nội địa.
- Phát triển các lĩnh vực mang tính lưỡng dụng phục vụ quốc phòng như điện tử điều khiển tên lửa hành trình, điện tử viễn thông do thám, tìm kiếm; điện tử trong các thiết bị bay không người lái…
1.4.3. Ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo
- Tăng cường phối hợp với các quốc gia và các tổ chức quốc tế để phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, từng bước làm chủ công nghệ.
- Tập trung ứng dụng công nghệ cao cho nguồn phát điện năng lượng mặt trời, gió, biogas, biomas, địa nhiệt…, đối với năng lượng vì mục đích hòa bình tiếp tục nghiên cứu về an toàn hạt nhân và các công nghệ điện nguyên tử phổ biến hiện nay.
II. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT BỔ SUNG, HOÀN THIỆN
2.1. Các căn cứ đề xuất
2.1.1. Thách thức từ các nguồn lực phát triển a) Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế Lao động làm việc trong ngành công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2010 là 14,54%/năm. Năm 2014, ngành công nghiệp thu hút hơn 7,8 triệu lao động, được phân bố trong các lĩnh vực: Khai khoáng: 253,2 nghìn, chiếm 3,24%; Chế biến, chế tạo: 7.414,8 nghìn, chiếm 94,32%; Sản suất và phân phối điện, nước, khí ga: 138,6 nghìn, chiếm 1,77%. Việt Nam đang trong thời kỳ "dư lợi dân số" hay "dân số vàng", với hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động. Dư lợi dân số mang lại cơ hội lớn nếu Việt Nam tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào này, đồng thời cũng tạo ra áp lực mạnh mẽ trong việc đảm bảo công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xét về số lượng, Việt Nam dường như có lợi thế về lao động. Tuy nhiên, chất lượng lao động thông qua trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo cho thấy đây là vấn đề đáng lo ngại. Theo Tổng cục Thống kê, quý I/năm 2016, trong tổng số hơn 54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, chỉ có hơn 11,3 triệu người đã được đào tạo, chiếm 20,89% (tỉ lệ này của nam là 23,13% và của nữ là 18,49%; tỷ lệ này đã tăng so với năm 2013, với các con số tương ứng là: 17,9%, 20,3% và 15,4%). Hiện cả nước có 79,1% số người đang làm việc chưa được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó (giảm so với tỷ lệ năm 2013 là 83,6%)[3]. Riêng trong khu vực công nghiệp, theo số liệu của TCTK (2014), tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo trong các ngành: khai khoáng; chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt lần lượt là: 52,5%, 17,9% và 73,1% (các con số này đã có thay đổi so với năm 2013: 42,3%; 18,3%; 76,2%). Các con số này cho thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của ngành chế biến, chế tạo rất thấp (17,9%), giảm so với năm 2013 (18,3%) có thể là một trong các nguyên nhân chính khiến sản phẩm công nghiệp chủ yếu là gia công. Cũng theo kết quả điều tra doanh nghiệp của TCTK năm 2010, trình độ lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp như sau: Lao động qua đào tạo chiếm 92,3%, nhưng chủ yếu là sơ cấp nghề: 75,54% (Đại học và cao đẳng 9,05%; Trung cấp: 6,58%). Nhìn chung, trình độ lao động công nghiệp vẫn ở mức thấp và tỷ lệ phân bố trình độ đào tạo mất cân đối. Tỷ lệ trung cấp quá thấp so với đại học và cao đẳng. Công nhân kỹ thuật, đặc biệt là công nhân kỹ thuật bậc cao chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đa số công nhân chỉ được đào tạo ngắn hạn, hướng dẫn công việc ngay tại xưởng sản xuất. Kết quả của một số cuộc khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước cùng choc hung kết quả: Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đã không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, đặc biệt là kỹ sư và kỹ thuật viên. Không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, các lao động Việt Nam còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp. Với thực trạng như vậy, lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Về nhân lực có trình độ cao: Năm 2014, Việt Nam có gần 5,4 triệu lao động trình độ cao, bao gồm 585 nghìn lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị (chiếm 10,9%); 3.165 nghìn lao động chuyên môn kỹ thuật bậc cao (chiếm 58,7%) và 1.638 nghìn lao động chuyên môn kỹ thuật bậc trung (chiếm 30,4%). Giai đoạn 2009-2014, lao động trình độ cao tăng khá nhanh, từ 4,5 triệu người lên 5,4 triệu người, tuy nhiên, hiện lao động trình độ cao vẫn chỉ chiếm khoảng hơn 10% tổng lao động của cả nước. Lao động trình độ cao đang tập trung nhiều nhất trong ngành giáo dục và đào tạo (chiếm 30% số lao động trình độ cao, tỷ trọng lao động trình độ cao chiếm 88,4% lao động của ngành), hoạt động của Đảng, tổ chức chính trị xã hội, Quản lý nhà nước và An ninh quốc phòng (chiếm 19%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (chiếm 8%). Công nghiệp chế biến, chế tạo – là ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển tỷ lệ này lên đến 40-60%[4]. Theo Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 của VCCI, thì hiệu quả sử dụng lao động (mối tương quan giữa doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động) trong giai đoạn 2007-2012 đã suy giảm đáng kể (từ 17,4 lần xuống còn 14,9 lần và tăng lên 15,4 lần vào năm 2014) ở cả 3 khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt, hiệu suất sử dụng lao động đã giảm mạnh vào năm 2012 (-11%), chủ yếu do doanh thu bình quân trên 1 lao động chỉ tăng 2,65%, nhưng số tiền phải trả cho người lao động vẫn tăng với tốc độ cao hơn nhiều (15,3%). Đây là một sức ép lớn đối với các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. |
bbbbb b) Năng lực công nghệ còn thấp kém
Trong những năm vừa qua, cơ cấu công nghệ trong sản xuất công nghiệp đã có nhiều thay đổi theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại. Thông qua các dự án đầu tư chiều sâu, đầu tư mới từ nhiều nguồn vốn trong nước và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, cùng với sự hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhiều công nghệ mới cũng được chuyển giao từ nhiều nước công nghiệp phát triển và được áp dụng trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua còn thấp, không đồng đều và không theo một định hướng phát triển rõ rệt. Số công nghệ mới từ các nước công nghiệp phát triển còn ít, chủ yếu từ các nước Đông Âu, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như dầu khí, điện lực, chế tạo khuôn mẫu, thiết bị điện, hàng điện tử dân dụng, săm lốp, ắc quy, đồ nhựa, sản xuất xi măng,...
Hệ thống doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam cũng có đa tầng công nghệ, đây là điều kiện để chúng ta có thể sản xuất sản phẩm ở nhiều cấp chất lượng khác nhau. Song, đáng tiếc là, sự đa dạng công nghệ này lại chủ yếu phổ biến ở cấp trình độ trung bình (thậm chí có cả công nghệ thấp và lạc hậu), mà thiếu các công nghệ tiên tiến và công nghệ cao ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu quả chuyển giao công nghệ còn hạn chế do thiếu lựa chọn công nghệ tối ưu, trình độ công nghệ không phù hợp và đặc biệt là giá trị chuyển giao phần mềm về bí quyết công nghệ (know how) còn rất thấp. Do đó, khả năng vận hành, thích nghi hóa và làm chủ thiết bị công nghệ mới còn nhiều hạn chế; hiệu suất sử dụng thực tế chỉ đạt tối đa 70-80% công suất.
Việc đầu tư đổi mới công nghệ chủ yếu được thực hiện ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tới trên 90,6% tổng số vốn đầu tư). Các doanh nghiệp nhà nước, vốn dành cho đổi mới công nghệ cũng chỉ chiếm 8,7%. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ chiếm có 0,67% trong tổng vốn đầu tư cho KHCN [11].
Về tổng thể, trình độ công nghệ của ngành công nghiệp nước ta hiện lạc hậu khoảng 2 - 3 thế hệ công nghệ so với các nước trong khu vực. Tình trạng này hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
c) Các điều kiện bảo đảm cho tăng trưởng công nghiệp thiếu và không ổn định
- Nói đến các điều kiện đảm bảo cho tăng trưởng, đầu tiên phải nói đến lực lượng doanh nghiệp. Theo khảo sát của VCCI, số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ về lao động (dưới 11 người) đã tăng từ 66,77% (2012) lên 71,5% (2014); quy mô trung bình về lao động của doanh nghiệp đã giảm từ 49 người (năm 2007) xuống còn 29 người (2014). Sự suy giảm này có nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm về quy mô của các doanh nghiệp ngoài nhà nước: từ 27 người (2007) xuống còn 18 người (2014); số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, nhưng số lao động mới tăng không nhiều. Điều này cho thấy, nguy cơ Việt Nam thiếu các doanh nghiệp cỡ trung bình là hiện hữu.
Quy mô vốn của doanh nghiệp ngoài nhà nước có được cải thiện, tăng từ 13 tỷ VNĐ (2007) lên 27 tỷ VNĐ (2015). Nhưng so với khu vực nhà nước và FDI thì bé nhỏ hơn nhiều (năm 2015, quy mô vốn trung bình của các DNNN là 2.666VND; các doanh nghiệp FDI đã tăng từ 172 tỷ VNĐ lên 372 tỷ VNĐ).
Ở khu vực các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ về lao động (chiếm tới 71,5% tổng số doanh nghiệp cả nước), xu hướng nhỏ hóa quy mô vốn của các doanh nghiệp này đang có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2015 của VCCI, số doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ đã tăng từ 77,07% (năm 2012) lên 83,04% (2014).
Điều đó cho thấy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng giảm sút.
Bảng 2.1: Xu hướng chuyển dịch phân theo quy mô doanh nghiệp
(Giai đoạn 2007 – 2012)
Đơn vị: %
Loại hình doanh nghiệp | Tỷ trọng số lượng DN | Tỷ trọng lao động | Tỷ trọng nguồn vốn | ||||||
2007 | 2012 | 2014 | 2007 | 2012 | 2014 | 2007 | 2012 | 2014 | |
DN siêu nhỏ | 61,4 | 66,8 | 71,5 | 7,5 | 10,4 |
| 6,8 | 11,1 |
|
DN nhỏ | 32,5 | 29,0 | 24,61 | 25,5 | 29,8 |
| 17,2 | 23,4 |
|
DN vừa | 2,5 | 1,96 | 1,82 | 7,5 | 7,8 |
| 6,3 | 7,3 |
|
DN lớn | 3,5 | 2,25 | 2,07 | 59,5 | 52,0 |
| 69,7 | 58,2 |
|
Tổng cộng | 100,0 | 100,0 | 100,0 | 100,0 | 100,0 | 100,0 | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
Nguồn: Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2015 - VCCI
- Về hệ thống hạ tầng công nghiệp: Đến cuối năm 2015, cả nước có 304, KCN được thành lập trên tổng số 463, KCN theo quy hoạch, với tổng diện tích đất tự nhiên 85,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 56 nghìn ha, (chiếm khoảng 66% tổng diện tích đất tự nhiên) và gần 900 CCN các loại tại các địa phương, với tổng diện tích 32.000 ha (quy hoạch đến năm 2020, toàn quốc sẽ có 1.750 CCN với tổng diện tích khoảng 82.000 ha). Hiện diện tích lấp đầy của các KCN là khoảng 48% (so với diện tích có thể cho thuê), tỷ lệ này của các CCN vào khoảng 53%. Riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 67%.
Bảng 2.2: Số lượng và diện tích KCN phân bố theo vùng (năm 2014)
Vùng | Số lượng KCN | Tỷ lệ % so với cả nước | Diện tích (ha) | Tỷ lệ % so với cả nước |
TDMN phía Bắc | 24 | 8,1 | 5.304 | 6,4 |
Đồng bằng sông Hồng | 76 | 25,8 | 17.824 | 21,5 |
Duyên hải miền Trung | 37 | 12,5 | 10.277 | 12,4 |
Tây Nguyên | 7 | 2,4 | 1.073 | 1,3 |
Đông Nam Bộ | 100 | 33,9 | 35.582 | 43,0 |
Tây Nam Bộ | 51 | 17,3 | 12.780 | 15,4 |
Tổng số | 295 | 100,0 | 82.841 | 100,0 |
Nguồn: Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Các KCN được thành lập trên 60 tỉnh, thành phố, tuy nhiên, do hạn chế về tầm nhìn và chủ trương chạy theo số lượng, nên hầu hết các khu, cụm công nghiệp được thành lập đều với mục tiêu thu hút đầu tư đa ngành (không có các K,CCN chuyên sâu), với hạ tầng kỹ thuật không hoàn chỉnh nên việc cung ứng dịch vụ hạ tầng công nghiệp cho các doanh nghiệp trong mỗi khu đang gặp rắc rối, ảnh hưởng đến chi phí vận hành doanh nghiệp; chưa kể, thường xuyên xảy ra tình trạng các địa phương liền kề có các K,CCN giống nhau làm cho tỷ lệ lấp đầy thấp.
2.1.2. Tiềm năng của công nghiệp chế biến Việt Nam
Công nghiệp chế biến nông sản, bao gồm cả nông, lâm và ngư nghiệp của Việt Nam, hiện có năng lực cạnh tranh chưa cao, nhưng có tiềm năng lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh là một khái niệm động. Một ngành hay lĩnh vực, hiện tại chưa có năng lực cạnh tranh, nhưng nếu có những tác động tích cực phù hợp từ các chính sách của Chính phủ, đặc biệt là phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ đi kèm, thì những tiềm năng phát triển sẽ trở thành hiện thực. Công nghiệp chế biến các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp, bao gồm cả lâm và ngư nghiệp của Việt Nam hiện đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Các tiềm năng đó là:
a) Về thị trường: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, hội nhập sâu, tỷ trọng xuất – nhập khẩu rất cao so với GDP. Quan hệ thương mại của Việt Nam đã mở rộng tới 230 nước và vùng lãnh thổ. Cơ cấu thị trường xuất – nhập khẩu được phân bổ hợp lý giữa các châu lục, giữa các trung tâm kinh tế lớn là châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và ASEAN.
Hiện, nhu cầu của thị trường thế giới và trong nước về gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, rau quả, thủy sản… chế biến tăng nhanh; nhiều nước quan tâm đến an ninh lương thực; một số nước không có điều kiện về đất đai, mặt biển, khí hậu, thời tiết để phát triển các ngành này. Đây chính là cơ hội thị trường cho xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm công nghiệp chế biến của Việt Nam.
b) Về lao động: Dân số Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, với hơn 50% dân số ở tuổi lao động. Các ngành (lĩnh vực) thâm dụng lao động được xem là có lợi thế nhờ có nguồn lao động dồi dào, cần cù và thông minh. Hiện, các ngành trồng lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, rau quả, thủy sản đều là những ngành sử dụng nhiều lao động; mỗi ngành đều sử dụng từ 100.000 lao động trở lên, đặc biệt ngành trồng lúa sử dụng khoảng 8 triệu lao động. Nông dân Việt Nam có kinh nghiệm canh tác nông nghiệp, cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo. Các ngành trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt thủy, hải sản sử dụng lao động có kỹ năng sẵn có trong nước, nên được xem là có lợi thế cạnh tranh cao so với các ngành khác và so với thế giới.
Như vậy, các lĩnh vực phát triển nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt thủy, hải sản) và các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ liên quan đang rất cần lực lượng lao động này.
c) Về nguồn nguyên liệu: Thông thường, các ngành (lĩnh vực) sử dụng tài nguyên, nguyên liệu có sẵn trong nước được xem là có lợi thế cạnh tranh cao. Ở Việt Nam, các ngành trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt thủy, hải sản đều sử dụng đất đai, mặt nước, hóa chất, phân bón hữu cơ,… là những tiềm năng thế mạnh của nước ta. Việt Nam có bờ biển dài, khu vực đặc quyền kinh tế với nhiều loại hải sản và sinh vật biển phong phú, là điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Ngoài ra, khí hậu, thời tiết Việt Nam cũng thuận lợi cho việc sản xuất các nông sản nhiệt đới. Bởi vậy, các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp được xem là có lợi thế cạnh tranh cao so với các ngành khác và so với thế giới, do chủ động được nguyên liệu cho sản xuất cả về số lượng và chất lượng, nên giá trị gia tăng của ngành sẽ nhiều hơn (trong khi các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, như dệt may – da giầy hay điện tử… lại phụ thuộc nhiều vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu).
d) Công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ: Các ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp phát triển nhanh và có chất lượng cao, như: công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, công nghiệp điện lực, công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản; dịch vụ thủy lợi, dịch vụ thương mại,... đã có truyền thống phát triển nhiều năm.
2.2. Nội dung đề xuất
2.2.1. Lựa chọn các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên
Từ thực tiễn phát triển công nghiệp trong những năm qua cho thấy, trong giai đoạn tới, cần gắn quá trình CNH, HĐH với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Với những luận giải về tiềm năng phát triển của nông nghiệp Việt Nam, xuất phát từ nguồn lực và trình độ phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện tại cho thấy, việc chọn cách tiếp cận phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp và trực tiếp hỗ trợ cho hoạt động nông nghiệp đạt được hiệu quả cao, là một hướng đi cần được xem xét nghiêm túc. Với cách tiếp cận này, các ngành, lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên là:
a) Nhóm ngành chế tạo
Cơ khí là ngành cần được ưu tiên phát triển, vì nó trực tiếp góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Tập trung phát triển các lĩnh vực sau:
- Cơ khí nông nghiệp: Các loại máy canh tác, làm đất; Các loại máy thu hoạch, sơ chế, bảo quản; Các loại máy, dây chuyền chế biến (lúa gạo, rau quả, gia súc, gia cầm, cà phê, cao su, thuốc lá, chè, giấy, gỗ, thủy sản, thức ăn chăn nuôi); Các loại động cơ thủy phục vụ ngành vận tải thủy và đánh bắt thủy, hải sản (tầu, thuyền đường sông và đường biển);
- Các loại máy móc phục vụ ngành hóa chất (sản xuất phân bón, chế biến dược liệu, tinh dầu, sơn, cao su, thuộc da…);
- Các loại phương tiện vận tải cỡ nhỏ (dưới 3T), xe, kho đặc chủng (bảo ôn) phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp chế biến.
Ngoài ra, với lợi thế của một nước có bờ biển dài, để khai thác các tiềm năng của biển ngành cơ khí đóng tầu cũng là ngành cần được ưu tiên phát triển. Trên cơ sở đóng các tầu phục vụ khai thác gần và xa bờ, chúng ta sẽ vươn lên để đóng các con tầu vượt đại dương như đã từng làm. Điều đó sẽ giúp cho khai thác các tiềm năng của biển được triệt để và hiệu quả hơn.
b) Nhóm ngành chế biến
Đây là nhóm ngành làm gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong nước và tăng hiệu quả xuất khẩu.
Có rất nhiều lĩnh vực chế biến khác nhau, bao gồm: Chế biến lương thực; Chế biến rau quả, thực phẩm; Chế biến bánh kẹo, mía đường, đồ uống; Chế biến thủy sản; Chế biến thức ăn chăn nuôi; Chế biến các sản phẩm khác: giấy, gỗ, cao su nguyên liệu, thuốc lá, thủ công mỹ nghệ…
c) Nhóm ngành hỗ trợ:
Nhóm ngành hỗ trợ gồm hóa chất, công nghệ sinh học.
- Nhóm ngành hóa chất: Hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển với năng suất và chất lượng cao hơn, như: Sản xuất phân bón (hữu cơ, vô cơ, vi sinh), thuốc trừ sâu, diệt cỏ; chế phẩm sinh học; Hóa dược (chế biến các loại dược liệu, sản xuất các loại vắc xin phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi); Sản xuất các loại tinh dầu, sơn, cao su thuộc da…
- Nhóm ngành công nghệ sinh học: Được coi là lĩnh vực có tác động quan trọng tới năng suất, chất lượng và sự đa dạng của các sản phẩm nông nghiệp, phục vụ tiêu dùng và là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, như: Công nghệ đột biến gen; Công nghệ vi sinh tạo ra các chế phẩm sinh học kích thích tăng trưởng, thân thiện với môi trường, bảo đảm an toàn VSTP...
Các ngành khác, bao gồm các ngành công nghiệp nền tảng, phục vụ cho sự phát triển của cả nền kinh tế, như điện lực, khai khoáng (than, dầu mỏ, quặng các loại), luyện kim; các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy; các ngành công nghiệp tiềm năng như điện tử viễn thông, phần mềm, vật liệu mới… vẫn tiếp tục được phát triển, nhưng không cần ưu tiên.
2.2.2. Đề xuất một số giải pháp
a) Mục tiêu đến năm 2025
- Công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có trình độ công nghệ tiên tiến ở một số chuyên ngành, lĩnh vực và có khả năng đáp ứng về cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế về tiêu dùng và xuất khẩu.
- Trở thành nước cung cấp các sản phẩm nông sản và nông sản chế biến chất lượng cao với một số thương hiệu mạnh, tầm cỡ khu vực và thế giới.
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan, đáp ứng các yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao và các sản phẩm nông sản chế biến hoàn hảo.
b) Giải pháp phát triển cho các ngành, lĩnh vực được lựa chọn
Với mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành nước cung cấp các sản phẩm nông sản và nông sản chế biến chất lượng cao với một số thương hiệu mạnh, tầm cỡ khu vực và thế giới, cần triển khai một số giải pháp cơ bản sau:
b.1. Đổi mới, hiện đại hóa các quy trình công nghệ
Tập trung vào cả hai khâu: sản xuất nguyên liệu và chế biến sản phẩm.
- Ở khâu sản xuất nguyên liệu: Công nghệ trong lĩnh vực này được đánh giá là lạc hậu từ khâu canh tác, nuôi trồng, đến thu hoạch, bảo quản, sơ chế, nên năng suất và chất lượng nguyên liệu thấp; tỷ lệ hao hụt lớn (tỷ lệ thóc thất thoát sau thu hoạch từ 8-12%, nguyên liệu thủy sản từ 25-35%, rau quả từ 27-37%; mỗi năm, hàng trăm nghìn tấn nguyên liệu của mỗi loại nông sản của Việt Nam bị hư hỏng, không tham gia được vào quá trình chế biến. Chính vì vậy, việc đổi mới công nghệ trong khâu trồng trọt, chăn nuôi cần phải được nghiên cứu kỹ để có một quy trình chuẩn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguyên liệu khi đưa vào chế biến.
Đồng thời với đối mới công nghệ, còn cần sự trợ giúp của các ngành hỗ trợ liên quan, như công nghệ sinh học; công nghiệp hóa chất, vi sinh... tạo tiền đề cho việc xuất khẩu sản phẩm nông sản sơ chế và chế biến sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Việc từng bước tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh quy mô lớn (để có thể áp dụng các tiến bộ của KHCN), mà kinh nghiệm của Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai trong canh tác cây mía là một ví dụ cần nghiên cứu để triển khai áp dụng trên diện rộng. Để làm được việc này, việc tích tụ ruộng đất ở một mức độ nhất định cần phải được cho phép thực hiện sớm.
Ngoài ra, trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, để tăng hiệu quả, chúng ta cần có những đội tầu với phương tiện hiện đại, có thể ra khơi trong thời gian dài, đảm bảo đánh bắt và sơ chế, bảo quản tốt chất lượng nguyên liệu thủy sản trước khi đưa vào chế biến.
- Ở khâu chế biến: Hiện ở thị trường trong nước, phân khúc sản phẩm chất lượng cao vẫn bị bỏ ngỏ cho các sản phẩm nhập khẩu. Còn ở trị trường nước ngoài, chúng ta chưa có chỗ đứng, do chất lượng sản phẩm thấp và không bảo đảm các điều kiện của vệ sinh ATTP.
Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp chế biến là khá đa dạng, nhu cầu của mỗi thị trường lại khác nhau, trong khi nguồn lực của chúng ta lại có hạn. Chính vì vậy, việc lựa chọn sản phẩm nào, thị trường nào để đầu tư, cần phải được cân nhắc kỹ, tránh việc làm ồ ạt, không làm đến nơi đến chốn, bỏ dở giữ chừng.
Việc lựa chọn công nghệ để đổi mới trong mọi lĩnh vực, cần bảo đảm các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững.
b.2. Phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ
Để công nghiệp chế biến nông sản đạt được hiệu quả cao, cần phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, bao gồm:
- Công nghiệp cơ khí chế tạo: Hiện tại, chúng ta đã có khả năng cung ứng nhiều loại máy nông nghiệp với tính năng đa dạng và chất lượng khá. Tuy nhiên, giá cả còn cao, người nông dân còn ít cơ hội tiếp cận với máy móc, nên hiệu quả hoạt động nông nghiệp còn hạn chế. Riêng đối với lĩnh vực đánh bắt hải sản, các phương tiện tầu, thuyền còn chưa đáp ứng được với nhu cầu đánh bắt xa bờ nên hiệu quả hoạt động còn thấp; do vậy, cơ khí đóng tầu cũng là một ngành cần được quan tâm để phát triển.
Ở khâu chế biến, thiết bị còn cũ, mức độ cơ giới hóa thấp, ảnh hưởng tới độ đồng đều của chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, rất cần Nhà nước hỗ trợ để các ngành cơ khí nông nghiệp và cơ khí đóng tầu có điều kiện phát triển. Trong chương trình hợp tác xây dựng chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản, hai ngành này cũng là những nội dung được đề cập. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam hiện đại hóa các ngành này.
- Công nghiệp hóa chất: Ngoài việc bảo đảm số lượng và chất lượng các loại phân bón, thuốc BVTV hữu cơ và vi sinh cho sản xuất nông nghiệp, ngành cần tập trung vào việc tận dụng các thế mạnh đặc thù của cây, con nhiệt đới, như các loại cây tinh dầu, cây dược liệu; và các loại lông, da của gia súc, gia cầm… còn bị bỏ ngỏ. Nếu khai thác tốt nhóm nguyên liệu này, chúng ta sẽ có những sản phẩm hiệu quả cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Công nghệ sinh học: Trong thời gian tới, công nghệ sinh học cần tập trung để nghiên cứu ra các loại chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, khắc phục được dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản...), bảo đảm vệ sinh ATTP, có giá thành phù hợp để được sử dụng rộng rãi trong ngành.
- Các dịch vụ hỗ trợ khác: Bao gồm các hoạt động logistic và xúc tiến thương mại.
Hoạt động logistic bao gồm các khâu, từ bốc xếp, vận tải, lưu kho; kể cả các dịch vụ hải quan, kiểm dịch và thu hồi, xử lý chất thải. Một số sản phẩm nông nghiệp chế biến rất cần các dịch vụ logistic đặc chủng, như kho bảo quản, vận tải chuyên dụng (kho, xe bảo ôn) để đưa sản phẩm tới những nơi xa (kể cả các khu vực biên giới, phục vụ xuất khẩu) mà vẫn bảo đảm chất lượng. Đầu tư vào khâu này cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, do chi phí lớn, kể cả việc miễn giảm thuế nhập khẩu các thiết bị chuyên dụng phục vụ cho hoạt động này. Dịch vụ hải quan phục vụ hoạt động xuất khẩu các sản phẩm loại này cũng cần được đơn giản hóa để tạo điều kiện tốt nhất cho giao thương hàng hóa. Ở một khía cạnh khác, công nghiệp chế biến nông sản thường có mức độ phát thải lớn (bao gồm cả nước thải, chất thải rắn và khí thải). Các hoạt động giảm thiểu phát thải là nhiệm vụ trực tiếp của các cơ sở sản xuất, tuy nhiên, hoạt động này cũng thường đòi hỏi chi phí lớn, nên cần được Nhà nước hỗ trợ.
Hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường là khâu không nằm trong chu trình sản xuất, nhưng lại quyết định sự tồn tại của sản xuất. Bản thân doanh nghiệp, nếu đơn độc thực hiện hoạt động này thì ít mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, rất cần sự trợ giúp của các hội nghề nghiệp, kể cả các cơ quan của Chính phủ, trong việc cung cấp thông tin về thị trường, các rào cản thương mại mà doanh nghiệp trong nước phải vượt qua ở các thị trường xuất khẩu… (thông qua việc tổ chức các hội chợ thương mại, hội thảo chuyên đề). Việc tổ chức các đầu mối giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm qua biên giới, đặc biệt là nông sản, tránh tình trạng bị đối tác ép giá như vẫn thường xảy ra hiện nay, là việc làm cấp bách, cần được triển khai thực hiện ngay với sự trợ giúp của các cơ quan quản lý nhà nước.
b.3. Hoàn thiện và phát triển các chuỗi giá trị trong công nghiệp chế biến
Thực tế cho thấy, chuỗi giá trị này chỉ vận hành trơn chu và được coi là thành công khi lợi ích của các bên được xử lý một cách hài hòa. Nhà nước (bao gồm cả hệ thống chính quyền, cơ quan quản lý các cấp, các tổ chức tín dụng…) với vai trò trung gian trong chuỗi giá trị này, nhưng lại có tác động quan trọng, thông qua chức năng hỗ trợ, giám sát và điều hòa lợi ích. Chức năng hỗ trợ ở đây cần phải được hiểu là hỗ trợ thúc đẩy các mối liên kết ngang và liên kết dọc, tạo nên những giá trị gia tăng mới của chuỗi, chứ không đơn thuần chỉ là hỗ trợ người nông dân thông qua các hoạt động mua tạm trữ (thóc gạo…) để giữ giá thị trường, như ta vẫn thường làm.
- Liên kết ngang là liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu của chuỗi giá trị. Ví dụ, liên kết ngang giữa các nhà sản xuất (khâu) nguyên liệu thành các nhà sản xuất lớn để tăng sản lượng, giảm chi phí, tăng giá bán…; hay liên kết ngang giữa các nhà sản xuất (khâu) chế biến để tạo thành quy mô lớn, có khả năng áp dụng các tiến bộ của KHCN nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm…
- Liên kết dọc là liên kết giữa các tác nhân trong các khâu khác nhau của chuỗi giá trị. Liên kết dọc có tác dụng làm giảm chi phí và gia tăng giá trị của chuỗi, thông qua việc chia sẻ thông tin thị trường. Có nhiều hình thức liên kết dọc, như hợp đồng ứng trước vốn, vật tư, kỹ thuật của nhà (khâu) sản xuất, chế biến cho nhà (khâu) sản xuất nguyên liệu; hay đặt hàng theo mẫu mã, tiêu chuẩn sản phẩm định sẵn và bao tiêu sản phẩm của nhà (khâu) thương mại cho nhà (khâu) sản xuất, chế biến…
Dù dưới hình thức liên kết nào thì vai trò của Nhà nước là cũng rất quan trọng, quyết định sự thành công của chuỗi.
Hiện tại, chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả xuất khẩu qua biên giới đang gặp nhiều khó khăn. Tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, khiến hàng trăm tấn rau quả bị giảm chất lượng, thậm chí đổ bỏ đã xảy ra khá thường xuyên và với nhiều loại rau quả khác nhau, nhưng dường như vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Với cách tiếp cận theo chuỗi giá trị như thế này, nếu hình thành được những doanh nghiệp đầu mối tại khu vực biên giới làm nhiệm vụ thu gom các loại nông sản (rau, quả) có nhu cầu xuất khẩu thì sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề này. Bởi lẽ, doanh nghiệp đầu mối sẽ tìm hiểu thị trường xuất khẩu và chủ động điều tiết lượng hàng vận chuyển về biên giới theo đúng nhu cầu của khách hàng nhập khẩu, tránh tình trạng mọi chủ hàng cạnh tranh bán, tạo điều kiện cho đối phương ép giá như hiện nay.
Tương tự như vậy, chuỗi giá trị trong các sản phẩm lúa gạo, mía đường, thủy sản,… đang gặp những khúc mắc giữa các tác nhân trong từng khâu, rất cần được giải quyết.
b.4. Tạo lập hệ thống chính sách đồng bộ và hiệu quả
Trong thời gian tới, các chính sách cần tập trung vào các nội dung sau:
- Trong nông nghiệp, các chính sách cần tập trung vào giải quyết tình trạng sản xuất manh mún, tự phát; quy mô sản xuất nhỏ, dẫn tới khó áp dụng các tiến bộ KHCN để có được nguồn nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp phong phú, chi phí thấp, chất lượng cao, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, ATTP. Việc thực hiện liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị rất cần được Nhà nước can thiệp giải quyết cho đúng với quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mô hình liên kết giữa hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp chế biến ở một số nơi đã thu được những kết quả tốt, cần nghiên cứu để nhân rộng.
- Trong công nghiệp chế biến, cần tập trung giải quyết tình trạng "đa nhưng không tinh" của các sản phẩm chế biến, đặc biệt là vấn đề VS, ATTP. Các chính sách cần tập trung hỗ trợ các nhà sản xuất đổi mới công nghệ, định hướng phát triển vào các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao; tiếp tục đưa các dự án cơ khí nông nghiệp, cơ khí đóng tầu và cơ khí chế biến vào danh mục ưu đãi của Chương trình cơ khí trọng điểm, nhưng cần có các chính sách hỗ trợ thực sự hiệu quả.
- Đối với các ngành hỗ trợ, liên quan khác, như hóa chất, công nghệ sinh học, Nhà nước cần tập trung nguồn lực (tài chính và nhân lực) để tạo ra được các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, khắc phục các dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi diễn ra thường xuyên hàng năm như hiện nay, gây nhiều thiệt hại cho người nông dân; và giải quyết triệt để các vấn đề về vệ sinh, ATTP. Đây được coi là những tiền đề quan trọng cho việc vượt qua được các rào cản thương mại của các quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
Việc đi vào các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao có thể còn khó khăn đối với Việt Nam, do hạn chế cả về tài chính và nhân lực, nhưng riêng đối với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, thì có thể được xem là trong tầm tay của chúng ta. Chỉ cần chúng ta có quyết tâm và lựa chọn bước đi phù hợp (lựa chọn sản phẩm và thị trường), thì mục tiêu trở thành nhà cung cấp các sản phẩm nông sản chế biến hàng đầu trong khu vực vào năm 2020 sẽ trở thành hiện thực. Ngoài ra, các chế tài về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sử lý nghiêm những đơn vị làm ăn gian dối, vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP, nhằm bảo vệ các đơn vị có quyết tâm đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, cần được nghiêm chỉnh thực thi.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp còn rất cần sự trợ giúp của Nhà nước và các hiệp hội ngành hàng trong việc kịp thời trợ giúp pháp lý khi xảy ra các tranh chấp thương mại ở thị trường quốc tế; chia sẻ thông tin về thị trường và các thông tin liên quan đến phát triển ngành, lĩnh vực; đồng thời tạo dựng mối liên kết phát triển trong cả sản xuất và tiêu thụ giữa các thành viên trong và ngoài hiệp hội, hướng tới mục tiêu hiệu quả cao và phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Công Thương "Một số vấn đề kinh tế vĩ mô trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011 – 2020". PGS.TS. Lê Danh Vĩnh chủ biên. Hà Nội, 2011.
2. Dương Đình Giám "Năng lực cạnh tranh của ngành chế biến nông sản Việt Nam". Báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc tế "Nâng cao hiệu quả và tăng trưởng bền vững". Hà Nội, 10/2013.
3. Phạm Văn Hân và Dương Đình Giám "Phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến gắn với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn". Hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2025" do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp với UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng thế giới tổ chức. Hà Nội, 10/2015.
4. NXB Thống kê "Niên giám thống kê các năm 2000, 2005, 2010 - 2014".
5. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Báo cáo thường niên doanh nghiệp. Hà Nội, 2013, 2015.
6. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định sô 879/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 6 năm 2014 phê duyệt "Chiến lược công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
7. www.khucongnghiep.com.vn: KCN, KCX Việt Nam: Hai thập kỷ xây dựng và phát triển.
8. http://ilssa.org.vn/2015/07/16/chat-luong-lao-dong-trinh-do-cao-o-viet-nam-nhung-han-che-co-ban/
[1] Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương
[2] Nội dung chi tiết của Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam tại Quyết định số 879 QĐ-TTg, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
[3] Tổng cục Thống kê (2016), Báo cáo Điều tra lao động và việc làm Việt Nam Quý I/2016 (Biểu số 4, phần III: Các biểu tổng hợp).
[4] Tổng cục Thống kê (2014), Điều tra Lao động Việc làm 2009-2014; Số liệu năm 2014 là số 6 tháng đầu năm.