Phát triển bền vững ở Việt Nam

Trên nhiều diễn đàn và văn kiện của cộng đồng quốc tế cũng như trong các chính sách, chương trình hành động của các quốc gia, vấn đề phát triển bền vững đang nổi lên như một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại. Ở Việt Nam, phát triển bền vững là một trong những nội dung cơ bản để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà nền kinh tế hướng tới.

Trên bình diện toàn thế giới hay tại mỗi khu vực và ở mỗi quốc gia xuất hiện biết bao vấn đề bức xúc lại mang tính phổ biến. Kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được ngày càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên càng bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, dẫn tới sự trả thù của thiên nhiên gây ra những thiên tai vô cùng thảm khốc.


Đó là sự tăng trưởng kinh tế không cùng nhịp với tiến bộ và phát triển xã hội, đôi khi ngược chiều với phát triển xã hội. Cụ thể là, có tăng trưởng kinh tế nhưng không có tiến bộ và công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, dẫn tới làm méo mó nông thôn; tăng trưởng kinh tế nhưng thu nhập của người lao động không tăng; tăng trưởng kinh tế nhưng văn hóa, đạo đức bị suy đồi; tăng trưởng kinh tế lại làm dãn cách hơn sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, dẫn tới sự bất ổn trong xã hội và điều này đã trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng ở nhiều quốc gia. Vậy nên, quá trình phát triển có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm bình ổn xã hội và bảo vệ môi trường đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với toàn thế giới.

Phát triển bền vững

Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững manh nha trong cả quá trình sản xuất xã hội và bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Chính vì thế, năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Ri-ô đơ Gia-nê-rô đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, theo đó, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”. Theo đó, ba trụ cột phát triển bền vững được xác định là: Thứ nhất, bền vững về mặt kinh tế, hay phát triển kinh tế bền vững là phát triển nhanh và an toàn, chất lượng; Thứ hai, bền vững về mặt xã hội là công bằng xã hội và phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh; Thứ ba, bền vững về sinh thái môi trường là khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống.

Cho tới nay, quan niệm về phát triển bền vững trên bình diện quốc tế có được sự thống nhất chung và mục tiêu để thực hiện phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ.

Ở Việt Nam, chủ đề phát triển bền vững cũng đã được chú ý nhiều trong giới nghiên cứu cũng như những nhà hoạch định đường lối, chính sách. Quan niệm về phát triển bền vững thường được tiếp cận theo hai khía cạnh: Một là, phát triển bền vững là phát triển trong mối quan hệ duy trì những giá trị môi trường sống, coi giá trị môi trường sinh thái là một trong những yếu tố cấu thành những giá trị cao nhất cần đạt tới của sự phát triển. Hai là, phát triển bền vững là sự phát triển dài hạn, cho hôm nay và cho mai sau; phát triển hôm nay không làm ảnh hưởng tới mai sau.

Trong mục 4, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững được định nghĩa: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. Đây là định nghĩa có tính tổng quát, nêu bật những yêu cầu và mục tiêu trọng yếu nhất của phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện và tình hình ở Việt Nam.

Từ nội hàm khái niệm phát triển bền vững, rõ ràng là, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cần giải quyết hàng loạt các vấn đề thuộc ba lĩnh vực là kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ nhất, bền vững kinh tế. Mỗi nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau:

- Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế.

- Trường hợp có tăng trưởng GDP cao nhưng mức GDP bình quân đầu người thấp thì vẫn coi là chưa đạt yêu cầu phát triển bền vững.

- Cơ cấu GDP cũng là vấn đề cần xem xét. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững.

- Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Thứ hai, bền vững về xã hội. Tính bền vững về phát triển xã hội ở mỗi quốc gia được đánh giá bằng các tiêu chí, như HDI, hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không cao quá và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.

Thứ ba, bền vững về môi trường. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới,... đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.

Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và những kết quả ban đầu 

Bắt nhịp bước đi của thời đại, Đảng và Chính phủ đã sớm nhận thức tầm quan trọng của phát triển bền vững. Ngày 25-6-1998, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong các văn kiện Đại hội IX, X, và đặc biệt là văn kiện Đại hội XI của Đảng, quan điểm phát triển bền vững càng được chú trọng hơn và nhấn mạnh nhiều lần trên nhiều góc độ tiếp cận. Để chỉ đạo thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Đảng ta đã đưa ra 5 quan điểm phát triển, trong đó, quan điểm đầu tiên là: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”.

Thực hiện quan điểm của Đảng, căn cứ vào Chương trình hành động thế kỷ XXI của quốc tế, ngày 17-8-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 154/2004/QĐ-TTg “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” (còn gọi là Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam nêu bật những vấn đề đang đặt ra trong ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, những thách thức mà nước ta đang phải đối phó. Chiến lược đã tạo lập mối quan hệ tương hỗ giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; đã xác định khung thời gian để thực hiện và gắn trách nhiệm của các ngành, các địa phương, các tổ chức và các nhóm xã hội; đã tính tới việc sử dụng các nguồn lực tổng hợp để thực hiện chiến lược. Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng phát triển bền vững quốc gia để chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Mặc dù việc triển khai tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững chưa lâu nhưng chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo. Có thể nêu một số nét nổi bật.

Lĩnh vực kinh tế: Tính từ năm 2006 đến hết năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6 năm đạt gần 7%; năm 2012, GDP tăng 5,03%, GDP bình quân đầu người đạt 1.540 USD. Cơ cấu kinh tế cũng có những bước tiến triển tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GDP ngày càng tăng, khu vực nông nghiệp trong cơ cấu GDP ngày càng giảm. An ninh lương thực được bảo đảm. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững các lĩnh vực khác.

Lĩnh vực xã hội đạt một số chuyển biến tích cực. Đó là sự nghiệp giáo dục có bước phát triển, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo đạt tới 20% tổng chi ngân sách; đến năm 2011, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở. Việc giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực: trong 6 năm (2006 - 2011), đã giải quyết được việc làm cho hơn 9 triệu lao động. Năm 2012 đã tạo việc làm mới cho hơn 1,5 triệu người; năm 2013, phấn đấu tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người; thực hiện chiến lược dạy nghề gắn với tạo việc làm. Năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,53%, ở khu vực nông thôn là 1,55%. Công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,6% và đến cuối năm 2013 ước còn 7,6%. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 127 trên tổng số 187 nước và vùng lãnh thổ về HDI và được xếp vào nhóm có tốc độ tăng chỉ số HDI cao. Việt Nam hoàn thành 6/8 nhóm Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc đặt ra cho các nước đang phát triển đến năm 2015. 

Lĩnh vực môi trường trong những năm qua đã được chú trọng hơn. Việc bảo vệ tài nguyên, môi trường đã đi vào nền nếp. Bằng những chính sách hợp lý, các giải pháp quyết liệt, vấn đề bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm các nguồn nước, không khí đã được tất cả các địa phương, các ngành và các tầng lớp nhân dân đồng thuận và cùng tham gia. Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm hơn nên tình trạng cháy và chặt phá rừng đã giảm đi.

Những vấn đề đặt ra và ba khâu đột phá

Có thể thấy rõ rằng, trong những năm qua, chúng ta đã triển khai và thực hiện khá thành công một số nhiệm vụ để hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Trình độ phát triển kinh tế còn thấp so với các nước trên thế giới và ngay cả một số nước trong khu vực. Xem xét ở ba khía cạnh để tăng trưởng bền vững là: kinh tế, xã hội và môi trường để thấy rõ còn nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết.

Thứ nhất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung vẫn còn yếu. Tích lũy nội bộ còn thấp; tăng trưởng kinh tế có bước chững lại, thấp hơn mức tăng của những năm trước do di chứng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Đầu tư của Nhà nước hiệu quả thấp, còn thất thoát và lãng phí. Tỷ lệ nợ công so với GDP của các năm 2010, 2011, 2012 lần lượt là: 56,8%, 54,9% và 55,6%. Đây là mức nợ tương đối cao. Cho dù tổng khối lượng nợ vẫn được coi là trong ngưỡng an toàn, nhưng tiềm ẩn đằng sau đó là nhiều rủi ro.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiện tại chưa có chuyển biến đáng kể trong việc đổi mới và phát triển các doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, còn những yếu tố thiếu vững chắc, các thành phần kinh tế chưa phát huy hết năng lực, chưa thực sự được bình đẳng và yên tâm đầu tư kinh doanh. Cơ chế quản lý, chính sách phân phối có mặt chưa hợp lý, chưa thúc đẩy tiết kiệm, tăng năng suất, kích thích đầu tư phát triển. Hệ thống tài chính, ngân hàng đổi mới chậm, chất lượng hoạt động hạn chế; môi trường đầu tư, kinh doanh còn một số vướng mắc, chưa tạo điều kiện hỗ trợ tốt cho kinh tế phát triển...

Thứ hai, chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn hạn chế, chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học còn lạc hậu, chậm đổi mới; cơ cấu đào tạo không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề.

Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Quản lý văn hóa còn bất cập; môi trường văn hóa bị xâm hại, thiếu lành mạnh; các tệ nạn xã hội và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên ở mức đáng lo ngại.

Tình trạng thiếu việc làm còn cao. Chính sách tiền lương, thu nhập chưa động viên được người lao động tận tâm với công việc. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo cao. Khoảng cách chênh lệnh giàu - nghèo còn khá lớn và ngày càng doãng ra.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe còn thấp, hệ thống y tế và chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Thứ ba, việc xây dựng pháp luật và chính sách bảo vệ môi trường còn thiếu và chậm, thực hiện chưa nghiêm, hiệu lực, hiệu quả còn thấp. Môi trường ở nhiều nơi tiếp tục xuống cấp, một số nơi đã tới mức báo động. Chưa có những giải pháp thực thi để đối phó với sự biến đổi khí hậu; hậu quả thiên tai còn nặng nề; tình trạng chặt phá, cháy rừng còn tiếp tục diễn ra. Ô nhiễm nguồn nước, đất, ô nhiễm không khí còn nghiêm trọng ở một số nơi. Chưa huy động được nhiều nguồn lực để bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường sống của nhân dân.

Để giải quyết một cách căn bản và toàn diện những vấn đề đang đặt ra ở trên, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã xác định ba khâu đột phá mang tính chiến lược, tạo tiền đề cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển theo hướng bền vững. Thứ nhất, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại có tầm quan trọng đặc biệt. Có thể chế đầy đủ, các loại thị trường sẽ phát triển mạnh với sức sống mới, được quản lý và giám sát tốt, môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ làm cho việc phân bổ nguồn lực của đất nước cân bằng, tạo điều kiện để tăng trưởng và phát triển kinh tế có hiệu quả cao. Hệ thống thể chế muốn có chất lượng cao và hoạt động thực tiễn theo thể chế có hiệu quả, cần cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên tất cả các nội dung về thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và tài chính công gắn với một hệ thống phân cấp hợp lý, hiệu quả, nâng cao chất lượng quản trị công. Mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường cần được giải quyết tốt theo hướng chuyển mạnh từ chỗ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo và phát triển. Chức năng của Nhà nước là xây dựng, quy hoạch phát triển theo một chiến lược đúng đắn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và hội nhập quốc tế, tăng cường giám sát và phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống; tập trung hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được hưởng thụ thành quả tăng trưởng. Thứ hai, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Đây là đột phá cội nguồn, quan trọng nhất để làm tăng sức mạnh của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, có ảnh hưởng quyết định đến việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển bền vững. Điểm nhấn mới trong khâu đột phá này là đặt việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự gắn kết với việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Chính điều này bảo đảm chuyển tiềm tăng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học, công nghệ - động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh, bền vững. Thứ ba, kết cấu hạ tầng là đường dẫn của sự phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để phân bổ lực lượng sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Một hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ sẽ mở rộng không gian phát triển, kết nối các vùng kinh tế, làm tăng quy mô sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế. Để thực hiện tốt đột phá này, phải thay đổi cách tiếp cận từ khâu quy hoạch, lựa chọn các ưu tiên đến phương thức huy động nguồn lực và thủ tục triển khai các dự án. 

Với những phân tích trên, có thể thấy, phát triển bền vững đã trở thành một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày càng được cụ thể và rõ nét. Phát triển bền vững, vì vậy, mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp nhất của quá trình phát triển./.

 

Vũ Văn HiềnGS,TS, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguồn tin: Tạp chí Cộng Sản