Quan điểm và phương hướng đổi mới công tác quy hoạch

Hệ thống quy hoạch ở nước ta hiện nay có thể phân thành 4 loại chủ yếu: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm; Quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; Quy hoạch sử dụng đất và 4 cấp: cấp quốc gia (cả nước), cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện. Giữa các loại và cấp quy hoạch trên đang có sự chồng chéo, trùng lặp.
I. TÍNH CẤP BÁCH PHẢI NHANH CHÓNG ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUY HOẠCH

Trong những năm qua, công tác quy hoạch đã được các ngành, các cấp triển khai tích cực và rộng khắp, nên nhìn chung phương hướng phát triển tổng thể và dài hạn của các vùng, các ngành và các địa phương đã được xác định, làm căn cứ cho việc hoạch định các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm và tạo căn cứ cho việc xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài.

Quy hoạch đã từng bước trở thành một trong các công cụ hữu hiệu để quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về quy hoạch từng bước được nghiên cứu, làm rõ. Hệ thống văn bản pháp luật về công tác quy hoạch dần được ban hành, hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, tư vấn và quản lý nhà nước về quy hoạch được hình thành và phát triển. Chất lượng công tác quy hoạch dần được nâng lên. Nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác quy hoạch có tiến bộ rõ rệt. Vị trí, vai trò của công tác quy hoạch được nâng cao và được khẳng định ngày càng rõ trong xã hội.

Bên cạnh những thành tựu như trên, các bất cập, hạn chế của công tác quy hoạch hiện nay đang trở thành vấn đề bức xúc, được thảo luận trên nhiều diễn đàn và đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách để đổi mới.

Những hạn chế, yếu kém chủ yếu của công tác quy hoạch hiện nay bao gồm:

1. Hệ thống quy hoạch cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp gây tốn kém nguồn lực và giảm hiệu lực của các quy hoạch

Hệ thống quy hoạch ở nước ta hiện nay có thể phân thành 4 loại chủ yếu: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm; Quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; Quy hoạch sử dụng đất và 4 cấp: cấp quốc gia (cả nước), cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện. Giữa các loại và cấp quy hoạch trên đang có sự chồng chéo, trùng lặp.

- Hệ thống quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm quá lớn và chồng chéo trên một địa bàn:

Trong thời gian vừa qua, số lượng các quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm được lập quá lớn cả ở trên phạm vi cả nước và cấp tỉnh. Trong mỗi kỳ quy hoạch, hàng trăm quy hoạch ngành, sản phẩm ở cấp cả nước được lập (có 268 quy hoạch ngành, sản phẩm được lập cho giai đoạn 2011-2020) [3]; có địa phương lập 82 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, trong đó riêng khu vực nông lâm ngư nghiệp lập 26 quy hoạch. Do có quá nhiều loại quy hoạch phát triển ngành dẫn đến có những khu vực đất đai vừa được quy hoạch phát triển khu du lịch, vừa quy hoạch xây dựng cảng biển và vừa quy hoạch khai thác khoáng sản; hoặc có những địa bàn vừa quy hoạch trồng mía, vừa quy hoạch trồng sắn nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học...

- Chồng chéo giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch xây dựng vùng

Điển hình của sự chồng chéo giữa các loại quy hoạch là giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch xây dựng vùng (bao gồm cả vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng tỉnh) do cả 2 quy hoạch này được lập song song hoặc quy hoạch xây dựng vùng được lập trước và đều có những dự báo về quy mô dân số, tăng trưởng kinh tế, một số định hướng phát triển lớn trên cùng một địa bàn vùng.

- Chồng chéo giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành:

Hiện đang có sự chồng chéo, nhiều khi mâu thuẫn giữa nội dung quy hoạch tổng thể (vùng, tỉnh) với nội dung quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm do quy hoạch tổng thể chưa đi trước, làm căn cứ cho lập quy hoạch ngành hoặc chất lượng quy hoạch tổng thể chưa cao, chưa là căn cứ tốt cho lập quy hoạch ngành, chưa có sự phối hợp tốt giữa các Bộ, ngành trong quá trình lập quy hoạch.

- Chồng chéo, trùng lặp về nội dung quy hoạch các cấp:

Trong cả quy hoạch tổng thể và quy hoạch phát triển ngành đều có sự trùng lặp trong quy hoạch, thí dụ giữa quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện cùng đề cập đến quy hoạch một số công trình cấp xã (trạm y tế xã, mạng lưới trường phổ thông...) do hiện nay trong các văn bản hiện hành chưa phân định rõ nội dung các loại quy hoạch (phân định giới hạn quy hoạch nào đề cập đến đâu, thí dụ quy hoạch cả nước chỉ cần đề cập đến các công trình quy mô liên vùng, trọng điểm quốc gia).

2. Chất lượng quy hoạch thấp, tầm nhìn ngắn hạn, thiếu tính khả thi

Chất lượng của nhiều quy hoạch rất thấp thể hiện ở việc các quy hoạch phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; thiếu tính khả thi, không đảm bảo nguồn lực (vốn, đất đai, lao động...) để thực hiện.

Các dự báo về nhu cầu của thị trường, sức ép cạnh tranh cũng như tác động tích cực cũng như tiêu cực khác của các yếu tố bên ngoài chưa đạt yêu cầu, dẫn đến các định hướng phát triển chưa đủ căn cứ. Các mục tiêu phát triển nhiều khi chỉ xuất phát từ mong muốn chủ quan hơn là từ các yêu cầu của thị trường và các nguồn lực có được. Hệ thống các dự án ưu tiên trong các quy hoạch đòi hỏi đầu tư quá lớn, không cân đối với khả năng huy động vốn nên nhiều dự án không triển khai được trên thực tế.

Đối với không ít dự án quy hoạch còn thiếu tầm nhìn dài hạn, nhiều dự án, công trình đề xuất chỉ giải quyết vấn đề mang tính tình thế (nhu cầu trước mắt đến đâu phát triển đến đó).

Một số quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm không bảo đảm sự cạnh tranh, bình đẳng, tạo điều kiện cho các thành kinh tế ngoài Nhà nước tham gia thực hiện quy hoạch.

3. Bất cập trong quy trình xây dựng, thẩm định quy hoạch, công tác kế hoạch hóa về quy hoạch

Bất cập lớn nhất hiện nay là thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng quy hoạch giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và các Sở, ngành ở địa phương với nhau và giữa các Bộ, ngành với các địa phương. Các quy hoạch do các ngành xây dựng được coi như của riêng bộ, ngành đó mà chưa là của "quốc gia" hay của địa phương đó.

Trình tự xây dựng quy hoạch hiện nay cũng không được tuân thủ chặt chẽ. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chưa đi trước một bước, làm căn cứ để xây dựng các quy hoạch khác. Thời gian tiến hành lập quy hoạch và thời kỳ quy hoạch cũng không được thống nhất.

Công tác thẩm định quy hoạch còn nhiều hạn chế, trách nhiệm của hội đồng và các thành viên hội đồng thẩm định chưa được quy định rõ. Theo quy định hiện hành, đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên phạm vi cả nước, các địa phương và các Bộ tự tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt nên dẫn đến chất lượng công tác thẩm định chưa cao, trong nhiều trường hợp chưa thực sự khách quan.

Kế hoạch về công tác quy hoạch mới được triển khai lập và thực hiện trong giai đoạn gần đây. Do vậy trình tự lập quy hoạch trong nhiều trường hợp không được tuân thủ: quy hoạch tỉnh lập trước quy hoạch vùng, quy hoạch huyện lập trước quy hoạch tỉnh; quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất lập trước quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cùng cấp...

4. Bất cập trong triển khai, giám sát, đánh giá quy hoạch

Quy hoạch có tính pháp lý không cao thể hiện ở một số mặt: dễ dàng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; chưa có cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch và quy định trách nhiệm cụ thể về tổ chức thực hiện quy hoạch.

Việc công bố quy hoạch chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và công dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận, nghiên cứu và khai thác các quy hoạch. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch còn hạn chế một phần do các nguồn lực không đủ, một phần do các nguyên nhân khác.

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch bao gồm:

(1) Hệ thống pháp luật về quy hoạch chưa đồng bộ và đầy đủ

Hiện nay công tác quy hoạch được điều chỉnh bởi rất nhiều các luật/pháp lệnh[1]và các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết, cụ thể có 37 văn bản luật điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành, 3 luật điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đô thị. Thí dụ, quy hoạch đô thị được điều chỉnh tại Luật Quy hoạch đô thị; quy hoạch xây dựng vùng, các điểm dân cư nông thôn tại Luật Xây dựng; quy hoạch sử dụng đất tại Luật Đất đai; đánh giá môi trường chiến lược dự án quy hoạch tại Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra tại các luật chuyên ngành (Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt, Luật Điện lực, Luật Du lịch...) đều có chương, mục về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực tương ứng. Riêng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lại chỉ được điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ.

Do không có một luật điều chỉnh chung các loại quy hoạch, các quy định tại các luật và nghị định liên quan đến quy hoạch mâu thuẫn với nhau dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả của hệ thống quy hoạch.

Ngoài ra trong các văn bản pháp luật cũng chưa có các quy định đầy đủ, chặt chẽ về nội dung, tính pháp lý của quy hoạch cũng như các quy định về tổ chức triển khai, giám sát thực hiện quy hoạch dẫn đến các hạn chế của công tác quy hoạch như đã trình bày ở trên.

(2) Việc phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương mà chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ dẫn đến sự chia cắt, mẫu thuẫn của các quy hoạch

Việc xây dựng quy hoạch hiện nay được tiến hành trên nền tảng quản lý nhà nước đã được phân cấp mạnh mẽ [2]. Các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương được tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt một cách tương đối "khép kín", việc tham gia, phối hợp của bộ, ngành, địa phương khác là chưa chặt chẽ, nhiều khi mang tính hình thức. Điều đó dẫn đến sự chia cắt, mâu thuẫn và không đảm bảo nguồn lực thực hiện các quy hoạch.

(3) Chất lượng của đội ngũ những người tham gia vào công tác quy hoạch (quản lý nhà nước, tư vấn lập quy hoạch...) còn hạn chế

Chất lượng của nhiều quy hoạch còn thấp, tầm nhìn ngắn hạn một phần chủ yếu là do những hạn chế của đội ngũ những người tham gia vào quá trình lập, thẩm định quy hoạch. Do công tác dự báo còn nhiều bất cập, việc sử dụng các công cụ hiện đại vào công tác quy hoạch còn hạn chế dẫn đến quy hoạch có tầm nhìn ngắn hạn, mang nhiều tính chủ quan, áp đặt, mong muốn hơn là dựa trên các cơ sở khoa học vững chắc. Đội ngũ những người làm thẩm định còn thiếu và chưa có những quy định cụ thể về chuyên môn nên nhiều khi công tác thẩm định chỉ mang tính hình thức, thủ tục.

II. QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUY HOẠCH

1. Quan điểm đổi mới công tác quy hoạch

- Đổi mới công tác quy hoạch nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc, hạn chế hiện nay nhưng phải có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

- Đổi mới công tác quy hoạch trên cơ sở xem xét, áp dụng những kinh nghiệm quốc tế nhưng phù hợp với trình độ và đặc thù của nền kinh tế nước ta là nước đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi.

- Đổi mới công tác quy hoạch phải phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước về tổ chức hệ thống chính quyền các cấp, sự phân cấp mạnh mẽ, không có cơ quan quản lý vùng...

- Đổi mới đồng bộ tất cả các khâu của công tác quy hoạch từ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đến tăng cường bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quy hoạch.

2. Phương hướng đổi mới công tác quy hoạch

Đổi mới công tác quy hoạch tập trung vào các khâu: đổi mới hệ thống quy hoạch và nội dung quy hoạch; quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch

a) Đổi mới hệ thống quy hoạch

Đổi mới hệ thống quy hoạch theo hướng lồng ghép, tích hợp một số quy hoạch ngành, sản phẩm, quy hoạch xây dựng vùng vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo vai trò đi trước và là "quy hoạch cái" hay "quy hoạch gốc" của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu bổ sung quy hoạch quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước.

b) Đổi mới nội dung quy hoạch

Đổi mới nội dung quy hoạch theo các nguyên tắc chỉ đạo sau:

- Đổi mới nội dung nhằm nâng cao chất lượng báo cáo quy hoạch cũng như khả năng đưa quy hoạch vào thực hiện.

- Đổi mới theo hướng phân định rõ nội dung của từng loại quy hoạch nhằm tránh trùng lặp giữa nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện và giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các loại quy hoạch khác.

- Đổi mới nội dung quy hoạch theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, xác định rõ nội dung nào là "cứng”, Nhà nước phải tổ chức thực hiện, nội dung nào do thị trường quyết định.

- Đổi mới nội dung quy hoạch theo hướng nâng cao tính khả thi của các đề xuất quy hoạch.

Một số định hướng đổi mới nội dung quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội:

- Tăng tính trọng tâm, trọng điểm của quy hoạch, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực và lãnh thổ trọng điểm.

- Phân định rõ nội dung, phạm vi lập quy hoạch của từng cấp, từng loại quy hoạch. Thí dụ, đối với quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước, phạm vi quy hoạch chỉ đến các vấn đề liên vùng, các công trình quan trọng quốc gia (mạng lưới đường bộ và đường sắt cao tốc, cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các khu kinh tế quốc gia...).

- Chú trọng nội dung tổ chức lãnh thổ trong các quy hoạch.

- Gắn đổi mới nội dung hoạch với đổi mới nội dung phê duyệt quy hoạch; đảm bảo sự đầy đủ của nội dung phê duyệt quy hoạch.

c) Đổi mới quy trình lập, thẩm định quy hoạch

- Đối với quy trình lập quy hoạch:

Đảm bảo đúng trình tự lập quy hoạch: quy hoạch lãnh thổ lớn hơn lập trước, quy hoạch lãnh thổ nhỏ hơn lập sau và quy hoạch tổng thể lập trước, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cùng cấp lập sau.

- Đổi với thẩm định quy hoạch:

Nghiên cứu, quy định về cơ quan độc lập tổ chức thẩm định quy hoạch. Quy định về trách nhiệm của cơ quan tổ chức thẩm định quy hoạch, phải đảm bảo nguồn lực cho thực hiện quy hoạch.

d) Tăng cường khâu triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch

Nâng cao tính pháp lý của quy hoạch; bảo đảm đúng quy định về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan trong việc tổ chức triển khai, giám sát, quản lý quy hoạch. Xây dựng các chế tài đảm bảo các quy hoạch được duyệt sẽ được triển khai trên thực tế, loại trừ tình trạng phá vỡ quy hoạch một cách tùy tiện do lợi ích nhóm, "hội chứng" nhiệm kỳ và bệnh thành tích [2].

III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP TRONG NHỮNG NĂM TRƯỚC MẮT ĐỂ THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUY HOẠCH PHỤC VỤ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tăng cường công tác kế hoạch hóa về quy hoạch

Quản lý số lượng quy hoạch cần lập, thời gian lập, thời kỳ quy hoạch và bảo đảm trình tự lập quy hoạch và gắn với đó điều chỉnh cơ quan quản lý kinh phí lập quy hoạch là cơ quan lập kế hoạch về công tác quy hoạch[2].

Đây là biện pháp ít tốn kém và sớm phát huy hiệu quả nhằm giảm chi phí cho việc lập quá nhiều các loại quy hoạch, góp phần giảm sự chồng chéo, trùng lặp giữa các quy hoạch và tăng khả năng cân đối các nguồn lực cho thực hiện quy hoạch.

2. Đổi mới công tác thẩm định quy hoạch

Đây là một trong các khâu yếu nhất dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tính khả thi, không đảm bảo các nguồn lực thực hiện quy hoạch. Khẩn trương thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): "Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các nghị định của Chính phủ về công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch theo hướng tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm". Quy định rõ điều kiện, trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng thẩm định, thành viên hội đồng thẩm định quy hoạch.

Về mặt lâu dài cần thể chể hóa khâu thẩm định quy hoạch trong Luật Quy hoạch, tuy nhiên trong thời gian trước mắt có thể sửa đổi các nghị định của Chính phủ theo hướng công tác thẩm định quy hoạch được tổ chức có tính độc lập (cơ quan thẩm định không phải là cơ quan tổ chức lập quy hoạch), tính tập trung và do một đầu mối chịu trách nhiệm (đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy hoạch và cân đối được các nguồn lực thực hiện quy hoạch).

3. Tập trung rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch

Rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch gắn với việc phân bổ, thu hút nguồn lực lớn như: quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp... theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phân kỳ hợp lý và đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển một số ngành, sản phẩm (điện lực, lọc hóa dầu, khai thác và chế biến khoáng sản quy mô lớn...) theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện quy hoạch.

4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hệ thống quy hoạch

Đây là giải pháp vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài.

Nhanh chóng xây dựng, trình thông qua và triển khai thực hiện "Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước" [1].

Trong luật cần quy định rõ về nội dung quy hoạch, quy trình lập quy hoạch, quản lý nhà nước về quy hoạch (lập, thẩm định, phê duyệt, giám sát, đánh giá quy hoạch).

5. Nâng cao chất lượng đội ngũ những người tham gia vào công tác quy hoạch

Nâng cao chất lượng đội ngũ những người tham gia vào công tác quy hoạch bao gồm cả cán bộ quản lý nhà nước về quy hoạch, đội ngũ tư vấn lập quy hoạch và cán bộ, chuyên gia thẩm định quy hoạch.

Nghiên cứu, quy định về trình độ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề cho cán bộ làm công tác tư vấn và thẩm định quy hoạch. Cần xây dựng đội ngũ những người làm công tác tư vấn quy hoạch có tính chuyên nghiệp, phù hợp việc đổi mới nội dung, quy trình lập quy hoạch. Hình thành đội ngũ các chuyên gia là "tổng công trình sư" chỉ đạo xây dựng quy hoạch theo hướng tích hợp nhiều loại quy hoạch hiện nay vào cùng một loại trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội [2].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020

2. PGS, TS. Bùi Tất Thắng, Luật phải thể chế hóa được đổi mới công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 3 (539) năm 2013.

3. Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Báo cáo "Quan điểm, mục tiêu và định hướng soạn thảo Luật Quy hoạch", Hòa Bình, tháng 1/2014.

4. Trần Hồng Quang, Một số đánh giá về công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước yêu cầu đổi mới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 7 (471) năm 2010.

5. Trần Hồng Quang, Công tác quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ - Thực trạng và một số đề xuất đổi mới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 11 (479) năm 2011.


[1]Theo thống kê của Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hiện có 58 luật, pháp lệnh và 56 nghị định điều chỉnh công tác quy hoạch.

[2]Hiện nay ngành kế hoạch và đầu tư chịu trách nhiệm chung về quản lý các quy hoạch cần lập và nội dung các quy hoạch, ngành tài chính chịu trách nhiệm bố trí kinh phí cho công tác quy hoạch (kinh phí lập quy hoạch từ nguồn sự nghiệp kinh tế).
 
TS. Trần Hồng Quang
 Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Theo Cuốn "Tái cơ cấu kinh tế để phục hổi tốc độ tăng trưởng” của Viện Chiến lược phát triển biên soạn.

Nguồn tin: Viện Chiến lược phát triển