SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI KINH TẾ , HỘI NHẬP CỦA VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT CHO SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN VỮNG CHẮC CỦA ĐẤT NƯỚC

Sau 40 năm, giải phóng thống nhất đất nước và 29 năm thực hiện đổi mới kinh tế, Việt Nam đã có bước chuyển biến rất rõ rệt. Quy mô kinh tế năm 2014 đã cao gấp 8,05 lần năm 1976, GDP bình quân đầu người năm 2014 đã đạt 1.899 USD. Đây là sự chuyển đổi vị thế có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tại thời điểm năm 1988, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội tiềm ẩn từ những năm 70, bùng phát trong những năm 80 của thế kỷ trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khi đó chỉ đạt 86 USD/người/năm, nằm trong nhóm các nước có mức thu nhập thấp nhất thế giới, thì đến năm 2010 đã đạt mức 1.273 USD/người/năm và hiện nay đã đạt ngưỡng xấp xỉ 2.000 USD/người/năm.
Đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với trên 180 nước thuộc tất cả các châu lục và 70 vùng lãnh thổ, là thành viên của hầu hết các tổ chức quan trọng trong khu vực và quốc tế, với vị thế và vai trò ngày càng được khẳng định. Tổng ngạch xuất khẩu năm 2014 đã đạt 150 tỷ USD (cao gấp 190,11 lần năm 1986).  Hàng hóa của Việt Nam hiện có mặt trên thị trường 220 nước - vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục (gấp 6,66 lần năm 1986).
Bên cạnh những thành tích đạt được, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm qua còn bộc lộ không ít những khó khăn và hạn chế. Cần phải nghiên cứu và có giải pháp phù hợp với từng thời kỳ, bối cảnh trong nước và quốc tếcũng như những hạn chế cần phải khắc phục ngay để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh trong tương lai và bền vững về mọi mặt của đất nước cụ thể như:
Hạn chế về giải pháp liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị - sản phẩm … đang là những trăn trở chưa có giải pháp cụ thể. Tái Cơ cấu kinh tế còn chậm chuyển dịch theo hướng hợp lý và hiệu quả. Tình trạng phát triển dàn trải, năng lực cạnh tranh tổng hợp của Việt Nam còn yếu,  tiến trình chậm cải cách hành chính, … Năng lực cán bộ nói riêng và năng lực của đội ngũ lao động xã hội nói chung còn yếu chưa theo kịp sự tiến bộ của thời đại.
Từ những nhận định trên là cơ sở để tác giả phân tích “Sự nghiệp đổi mới kinh tế, hội nhập của Việt Nam và những vấn đề cần giải quyết cho sự nghiệp phát triển vững chắc của đất nước” nhằm tham gia và đóng góp ý kiến cho cuộc hội thảo này.
 
1.      Kinh tế Việt Năm từ năm 1986 đến năm 2015
Thứ nhất, về hoạt động xuất, nhập khẩu
Về quy mô, kim ngạch xuất khẩu không ngừng được tăng lên, năm 1986, tổng kim ngạch xuất khẩu mới đạt 789 triệu USD, thì năm 2014 đã cao gấp 190,11 lần, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng cao (trừ năm 2009 tốc độ tăng trưởng âm). Xuất khẩu hàng hóa/GDP vào năm 1988 mới đạt 18,9%, thì năm 2013 đã đạt 77,6%, cao gấp 4,1 lần năm 1988 và thuộc loại khá cao trên thế giới. Nếu tính cả xuất và nhập khẩu/GDP đã đạt 155,2%; nếu tính cả xuất khẩu dịch vụ thì đạt 169,1%, nằm trong tốp 5 nước có tỷ lệ cao nhất thế giới([1]).
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 150 tỷ USD([2]). Trong khi đó, kim ngạch nhập ước đạt 148 tỷ USD, với việc xuất siêu 2 tỷ USD, năm 2014 trở thành năm thứ 3 liên tiếp có cán cân thương mại thặng dư, vượt chỉ tiêu đầu năm Quốc hội đặt ra với mức tăng khoảng 10% của kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên mức xuất siêu trong năm 2014 phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực doanh nghiệp có vốn FDI,(khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 15 tỷ USD thì khu vực FDI xuất siêu 17,1 tỷ USD).
Sự chuyển dịch mạnh mẽ từ xuất khẩu hàng thô hoặc mới sơ chế giảm (từ 55,8% năm 2000 xuống còn khoảng 34% năm 2013), tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng (tương ứng từ 44,2% lên 66%. Hàng hóa của Việt Nam đã được mở rộng trên thị trường 220 nước và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục, chủ yếu là châu Á. Năm 2014, có 27 nước và vùng lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên (Hoa Kỳ 23,87 tỷ USD, Nhật Bản 13,65 tỷ USD, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 13,26 tỷ USD, Hàn Quốc 6,63 tỷ USD…). Hiện nay, nếu so sánh với năm 1986, hàng Việt Nam đã mở rộng thên thị trường thế giới gấp 6,67 lần (năm1986mới có mặt ở 33 nước và vùng lãnh thổ).
Năm 1976, Việt Nam nhập siêu 801,4 triệu USD; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 360%. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã xuất siêu hàng hóa, năm 2012 là 749 triệu USD, năm 2014 là 2 tỷ USD. Cán cân thương mại được cải thiện, cùng một số yếu tố khác đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, tăng an toàn tài chính và thanh khoản của quốc gia.
Xuất khẩu dịch vụ năm 2013 đạt 10,5 tỷ USD, cao gấp gần 2,5 lần năm 2005, bình quân 1 năm tăng 12,1%, là tốc độ khá cao. Khả năng, quy mô xuất khẩu dịch vụ sẽ tiếptục tăng tốc do Việt Nam mở cửa, hội nhập nói chung và mở cửa, hội nhập về dịch vụ ngày một sâu rộng hơn. Hiện nay, Việt Nam đã nhanh chóng phát triển một số ngành dịch vụ, như: Bưu chính, viễn thông, hàng không, hàng hải, tài chính, ngân hàng, du lịch… Phát triển xuất khẩu đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với khu vực nông thôn. Phát triển xuất khẩu cũng có tác dụng tích cực trong việc nâng cao trình độ của người lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về hoạt động nhập khẩu hàng hóa, cũng gia tăng mạnh mẽ. Năm 1995 so với 1985, kim ngạch nhập khẩu tăng gấp gần 5 lần (8.155,4 triệu USD/1.857,4 triệu USD); năm 1996 kim ngạch nhập khẩu là 11.143,6 triệu USD, đến năm 2006 là 44.981,1 triệu USD, tăng gấp khoảng gần 4 lần so với năm 1996.Năm 2012 so với năm 2006, kim ngạch nhập khẩu tăng gấp hơn 2,5 lần (113.792,7 triệu USD/44.891,1 triệu USD).Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, chiếm đến trên 80%/kim ngạch nhập khẩu; hàng tiêu dùng khoảng 10%/kim ngạch nhập khẩu, còn lại các hàng hóa khác. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nhiều hơn khu vực kinh tế trong nước.
Thứ hai, về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ODA
Từ năm 1988, Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực, FDI vào Việt Nam ngày càng tăng cả về dự án, vốn đăng ký và số nước, vùng lãnh thổ. Tính đến hết năm 2014, đã có khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam vớixấp xỉ 20 ngàn dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 280 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp FDI là khu vực luôn năng động và có đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. FDI đang tăng dần tỷ trọng trong GDP, tỷ lệ đóng góp của FDI vào GDP đã tăng từ 2% GDP năm 1992 lên 12,7% năm 2000; 16,98% (năm 2006); 18,97% (năm 2011) và nay là 21%. Thu ngân sách trong khối doanh nghiệp FDI tăng bình quân trên 20%/năm. Theo số liệu tại Bảng xếp hạng V1000 - Top 1000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam, có tới hơn 30% trong bảng này là các doanh nghiệp FDI với 20.000 tỷ đồng thuế thu nhập.
Về thu hút ODA, tính từ năm 1993 đến hết năm 2013, tổng vốn ODA cam kết đạt 80.776 triệu USD, giải ngân đạt 40.367 triệu USD, tương đương với 3,36% GDP.
Thứ ba, về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 
GDP tăng trưởng liên tục trong thời gian khá dài, từ năm 1981 đến nay, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng liên tục 34 năm. GDP bình quân đầu người năm 2014 tính theo giá USD cao gấp 23,25 lần năm 1988. Năm 2014,tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 3.937 ngàn tỷ đồng (tương đương 184 tỷ USD), ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Namnăm 2014 đạt tương đương 2.000 USD, tương đương 169 USD/tháng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%; khu vực dịch vụ chiếm 43,38%. Quy mô kinh tế năm 2014 đã cao gấp gần 8 lần năm 1976, trong đó nông nghiệp cao gấp gần 5,6 lần, công nghiệp cao gấp trên 32,4 lần, xuất khẩu cao gấp gần 600 lần, nhập khẩu gấp 129 lần… Bình quân 1 năm GDP đã tăng 5,71%, trong đó thời kỳ 1991-2005 đã tăng khá cao (7,17%/năm)([3]).
Trong năm 2014, cả nước tăng thêm 7019 doanh nghiệp (có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, và có 67.823 doanh nghiệp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động).
2.      Vị thế của Việt Năm sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế
 
Việt Nam, hiện có trên 220 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ buôn bán với Việt Nam, trong đó có hầu hết những nền kinh tế phát triển, Việt Nam là nước có độ mở khá rộng, nằm trong tốp 5 nước trên thế giới có tỷ lệ trên cao. 
Hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và quan hệ đa phương, song phương sâu rộng, Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) vào năm 2000, gia nhập WTO vào tháng 01-2007 và tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương. Cụ thể, ta đã cùng với các nước ASEAN ký các Hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN với các đối tác như Trung Quốc vào năm 2004, với Hàn Quốc vào năm 2006, Nhật Bản vào năm 2008, Ôt-xtrây-lia và Niu Di-lân vào năm 2009, Ấn Độ năm 2009. Ngoài ra, ta đã ký 2 FTA song phương là FTA Việt Nam - Nhật Bản năm 2008 và FTA Việt Nam - Chi-lê năm 2011.
Việt Nam tích cực tham gia đàm phán 6 FTA khác, gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu (EU), với Liên minh thuế quan Nga - Bê-la-rút - Ka-dắc-xtan, với Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm các nước Thụy Sĩ, Na-uy, Lích-tân-xten và Ai-xơ-len, FTA với Hàn Quốc và FTA giữa khối ASEAN với Hồng Công, Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực chủ động tham gia sâu vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đã đăng cai năm APEC 2006 và tiến tới sẽ đăng cai APEC năm 2017 với hàng trăm cuộc họp từ cấp chuyên viên đến cấp cao.
Lần thứ hai, Việt Nam đã chính thức ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020-2021), đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 132 (năm 2015) và cũng lần thứ hai đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC (năm 2017). Nước ta đã được bầu vào Hội đồng Thống đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO và lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016) với số phiếu rất cao, kết quả đó thể hiện uy tín quốc tế của nước ta và lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
Tại đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên đã chính thức công bố Việt Nam quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ năm 2014. Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đang đẩy tiến trình hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, đặt ra yêu cầu cao về tranh thủ thời cơ chiến lược và sức mạnh thời đại cho phát triển đất nước cũng như giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường ổn định khi hội nhập sâu và toàn diện với khu vực và thế giới.

 
3.      Những vấn đề khó khăn và tồn tại
 
Về ứng dụng công nghệ
Mặc dù đã đổi mới gần 30, mở của gần như toàn diện nhưng khả năng hiện đại hóa tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất còn rất hạn chế:
Mức độ cơ giới hoá bình quân các khâu: Làm đất trồng lúa đạt 80%; thu hoạch đạt 58%; sấy lúa chủ động 42%; tuốt lúa 95%; xay xát lúa, gạo 95%. Hiện nay, "Cả nước có gần 500 nghìn máy kéo các loại sử dụng trong nông nghiệp, với tổng công suất trên 9 triệu mã lực (CV), tăng 4 lần so với năm 2001; 580.000 máy tuốt đập lúa; khoảng 19.221 máy gặt lúa các loại (máy gặt đập liên hợp tăng 19 lần so với năm 2007; máy gặt xếp dãy tăng 1,2 lần), riêng vùng ĐBSCL có 12.455 chiếc máy gặt các loại, trong đó: 8.919 máy gặt đập liên hợp và 3.536 chiếc máy gặt rải hàng."([4])
“Máy gặt đập liên hợp kéo giảm tỷ lệ thất thoát từ 5% - 6% xuống còn 2% - 3%, chi phí thu hoạch lúa giảm từ 0,5 - 1 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công.... Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng máy mới đáp ứng nhu cầu gần 50% diện tích sản xuất lúa, thất thoát sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL vẫn còn rất lớn, từ 12% - 14%. Các nước sản xuất lúa gạo mạnh trên thế giới tổn thất khoảng 3,9% - 6%"([5]). Cơ giới hóa là điều kiện bắt buộc phải đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, đang đặt mục tiêu giảm thất thoát sau thu hoạch xuống còn 6% - 8%, nếu thực hiện được sẽ là thành công rất lớn.
Mặc dù có nhiều tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, nhưng mỗi năm bình quân của vùng, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch là 16% đối với ngũ cốc và 22% với trái cây và rau. Đây là tỷ lệ cao so với mức bình quân của các nước ASEAN (khoảng 10%)([6]).
Công nghệ lai ghép, tạo câu con giống còn rất yếu, hầu như giống cây con giống ở ĐBSCL đều nhập khẩu.
Phương thức sản xuất và lao động
Kinh tế nông nghiệp đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với lợi thế có các sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Nhưng, vẫn còn phân tán theo địa phương (ở dạng đốm da báo), tự phát là chính, chưa có chuyên canh đặc thù vùng nguyên liệu chuyên nghiệp, chưa có liên kết chuỗi giá trị theo hình thức từ nguyện liều đầu vào đến nơi tiêu thụ và thiếu vai trò dẫn dắt của đầu ngành, thiếu tập trung và chưa nhất quán về tổ chức hoạt động theo phương hướng của nguyên liệu chuyên canh.
Về lao động
Hiện nay, lực lượng lao động khá dồi nhưng tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo rất thấp chỉ đạt 16,6%.  Ngoài ra, các khó khăn khác như ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp của người lao động còn kém.
Đầu ra của sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm
Thực tế là nông dân cũng như phần đông các doanh nghiệp Việt Nam không có khả  năng dự báo về thị trường tiêu thụ nông, thủy sản. Hiện tượng “được mùa mất giá – được giá mất mùa” là điệp khúc luôn được nhắc đến, đây chính là sự thể hiện yếu kém về sản xuất và đánh giá thị trường, vì sản xuất phần lớn phụ thuộc thiên nhiên, thiếu chủ động do đó mùa vụ thất thường mùa được mùa thua không ổn định. Thị trường vắng bóng của dự báo do đó mối quan hệ cung cầu bất cân xứng liên tục và đồ thị cung cầu biến thiên theo “nhịp tim đồ”. Cũng chính điểm yếu này làm quy hoạch về kinh tế xã hội luôn bị phá vỡ và điều chỉnh liên tục, gây nhiều biến động, tác động không tốt đến tiến trình phát triển bền vững nói chung và phát triển bền vững nông nghiệp nói riêng.
Rào cản hành chính, năng lực cạnh tranh
Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, vào mức trung bình thấp so với các nước ASEAN. Báo cáo Môi trường kinh doanh 2014 (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam ở vị trí 99/189 nước, trong khi Thái Lan xếp hạng 18 và Malaysia xếp hạng 6. Đáng chú ý, tại Báo cáo này Việt Nam đã bị xếp hạng rất thấp ở các chỉ tiêu: khởi sự doanh nghiệp xếp hạng  ở vị trí 109, bảo vệ nhà đầu tư xếp hạng 157, tiếp cận sử dụng điện xếp hạng 156, nộp thuế xếp hạng 149. Cụ thể, thời gian nộp thuế ở Việt Nam lên tới 872 giờ (chỉ tiêu nộp thuế: gồm thuế và bảo hiểm xã hội), trong khi ở Malaysia chỉ là 133 giờ, Philippines là 193 giờ([7]).
Như vậy phải rà soát cải cách thủ tục hành chính công cũng là một khâu then chốt, quan trọng trong quá trình kêu gọi đầu tư vào lĩnh nông nghiệp, nông thôn trong quá trình triển khai chính sách khuyến khích đầu tư theo nội dung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013, của Chínhphủ.
Về cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều đánh giá cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế.
Những kết quả đạt được năm vừa qua dù khả quan nhưng vẫn tiềm ẩn những bất ổn. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, chưa đều và chưa bền vững. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao (20,5%) nhưng tốc độ giá trị tăng thêm thấp, khoảng 10,2%.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng còn chậm, tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế. Giá cả tăng cao, ô nhiễm môi trường và tình trạng ùn tắc giao thông tại một số thành phố lớn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngay như xuất khẩu luôn đạt được những thành công ấn tượng, nhưng tăng trưởng cũng chưa vững chắc. Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng còn thấp, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các mặt hàng như khoáng sản, nông, lâm, thủy, hải sản, trong khi các mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử và linh kiện máy tính... chủ yếu vẫn còn mang tính chất gia công.
Cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu chuyển dịch theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, xuất khẩu chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng các ngành công nghiệp có mối liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn.
Khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập quốc tế đang đặt ra cho chúng ta rất nhiều thách thức. Tác động tiêu cực từ các diễn biến bên ngoài sẽ gia tăng. Những bất ổn không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh, chính trị, xã hội từ bên ngoài sẽ nhanh chóng tác động tới nước ta; các loại tội phạm xuyên biên giới như: Buôn bán ma túy, rửa tiền, thâm nhập tiền giả, tài liệu phản động, văn hóa phẩm không lành mạnh và các thách thức an ninh phi truyền thống khác có thể gây tác hại đến mọi mặt của an ninh quốc gia từ an ninh kinh tế đến an ninh chính trị xã hội. Đồng thời, yêu cầu bổ sung và hoàn thiện thể chế; cải cách và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao,...sẽ ngày càng lớn.
4.      Nhận định chung
Cơ hội trong tiến trình hội nhập
 
Hội nhập toàn cầu hoá mở ra khả năng cho nước ta, tham gia nhanh và hiệu quả vào hệ thống phân công lao động quốc tế, đẩy nhanh quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và rút ngắn thời gian của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 
 
Hội nhập giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, công nghệ sản xuất tiên tiến và khoa học quản lý hiện đại. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh theo thông lệ quốc tế, thực hiện công khai, minh bạch các thiết chế quản lý làm cho môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện. Tăng thu hút đầu tư nước ngoài, bảo đảm tốc độ tăng trưởng bền vững hơn và rút ngắn khoảng cách phát triển. Gia nhập WTO, giúp nước ta có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu.
 
Hội nhập quốc tế làm cho các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, tạo sự ràng buộc góp phần tích cực trong việc đẩy lùi các biểu hiện của ý đồ thiết lập mối quan hệ một chiều chứa đựng sự áp đặt, chi phối của các cường quốc đối với đông đảo các quốc gia dân tộc khác trên thế giới, thúc đẩy sự hình thành một trật tự thế giới mới với cơ chế sinh hoạt quốc tế dân chủ, công bằng, bình đẳng hơn.
 
Mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới, Việt Nam đã tiếp thu được khoa học - công nghệ mới và cách quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, kỹ thuật, văn hóa - xã hội… góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế cũng đã góp phần đào tạo cho Việt Nam có được đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cả về chuyên môn lẫn quản lý. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thể chế kinh tế thị trường, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những thành tựu to lớn mà nước ta đạt được trong hội nhập quốc tế là kết quả của cả một quá trình thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Những thành tựu đó đã tạo thêm niềm tin để nước ta càng vững bước trên đường hội nhập quốc tế, đảm bảo lợi ích quốc gia tới mức cao nhất có thể và ra sức bảo vệ, phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa bền vững.
 
Thách thức, khó khăn
 
Tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay cũng như những năm tới không chỉ có thời cơ và thuận lợi, mà còn phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Do đó, chúng ta cũng cần luôn nhận thức rõ những thách thức mà nước ta phải đối mặt để từ đó tìm ra biện pháp khắc phục hữu hiệu.
 
Thách thức lớn nhất chính là nước ta có trình độ kinh tế thấp, quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém và bất cập, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân còn nhỏ bé, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung còn nhiều hạn chế, hệ thống chính sách kinh tế, thương mại chưa hoàn chỉnh...
 
Khó khăn lớn trong cạnh tranh: Cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện sâu hơn, rộng hơn. Do năng lực của chúng ta thấp yếu về mọi mặt dẫn đến chịp áp lực toàn diện trong mọi hoạt động sản xuất - thương mại ngay cả trong nước và xuất khẩu.
 
Quá trình hội nhập quốc tế đặt ra những vấn đề mới về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống. Trên lĩnh vực an ninh quốc gia, các nguy cơ đe doạ an ninh ngày càng phức tạp hơn, ngoài các hiểm hoạ mang tính truyền thống, đã xuất hiện các nguy cơ phi truyền thống (an ninh môi trường, dịch bệnh, khủng bố...); cục diện an ninh luôn thay đổi; công cụ, biện pháp, hình thức, cơ chế bảo đảm an ninh cũng cần phải đổi mới thường xuyên. Vấn đề gắn an ninh, quốc phòng với kinh tế và an ninh, quốc phòng với đối ngoại trở thành nhiệm vụ vừa cơ bản vừa cấp bách.
 

 
Những yêu cầu đặt ra đối với công tác đối ngoại 
 
Tình hình thế giới đang chuyển biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, tình hình và nhiệm vụ đối ngoại của giai đoạn mới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại cụ thể như sau:
 
- Đòi hỏi tích cực chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động đối tác chiến lược, coi trọng phát triển quan hệ có chiều sâu với nhân dân các nước láng giềng và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta; củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống, tăng cường quan hệ với các lực lượng yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới; đồng thời, mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân và nhân sĩ nước ngoài, tranh thủ tình cảm và sự ủng hộ của họ đối với Việt Nam, phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của từng đối tác.
 
- Huy động sự tham gia của các tổ chức và các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động đấu tranh chống lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, chống “diễn biến hoà bình” của các thế lực chống đối, đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. 
 
- Tăng cường nhanh chóng nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, giúp các nước trên thế giới ngày càng hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước và con người Việt Nam, về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của nước ta. Đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của các tầng lớp nhân dân ta về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về tình hình thế giới và các vấn đề toàn cầu.
 
- Thể hiện tốt vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, các phong trào nhân dân thế giới, nhằm góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu vào cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, phù hợp với khả năng, điều kiện và lợi ích của nước ta.
 
5.      Gợi ý giải pháp khắc phục những hạn chế và phát triển đất nước
Thứ nhất: Tăng cường quản lý và điều hành nhà nước theo hiến pháp và pháp luật, cải cách hành chính công, bảo đảm an ninh chính trị. Nâng cao năng lực cán bộ công chức đủ khả năng về chuyên môn để quản lý và điều hành, đủ đạo đức phẩm hạnh để tạo dựng lòng tin của nhân dân. Lực lược cán bộ quyết sách có đủ tầm để xây dựng chiến lược và cổ động toàn dân thực hiện tiến lên bước vào giai đoạn mới phát triển và hưng thịnh quốc gia cả về kinh tế và quốc phòng, văn hóa văn minh và tiến bộ. Tăng cường chế tài và áp dụng xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Chú trọng hơn công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách. Xắp xếp lại tổ chức quản lý nhà nước đối với lĩnh vực của ngành cần tập trung trọng điểm theo mục tiêu chiến lược của quốc gia, tránh phân cấp theo địa giới hành chính tạo manh mún và tự phát, làm mất tác dụng tập trung và phát huy tối đa hiệu quả của sản xuất theo quy mô.
Thứ hai:Tiếp tục thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hệ thống và thị trường tài chính. Lựa chọn mục tiêu tăng trưởng hợp lý trong từng thời kỳ dựa vào nền tảng nội lực trong nước và yếu tố quốc tế đảm bảo kế hoạch trung và dài hạn của quốc gia cũng như chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba: Đẩy mạnh các mối quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã được xác lập đi vào thực chất, gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác; chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia các thể chế đa phương. Chủ động trong việc lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán với từng đối tác.
Thứ tư: Xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, dự báo thị trường để có giải pháp điều hành phù hợp, hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đối với việc phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.
Thứ năm:Tập trung phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển mạnh hệ thống đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch lao động theo cung cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh xuất khẩu lao động, khuyến khích người lao động tự kiếm việc làm, tạo cơ hội bình đẳng về đào tạo và lựa chọn việc làm cho người lao động.
Thứ sáu: Rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng trên cơ sở nhằm phát huy tối đa mục tiêu tổng hợp đáp ứng được chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Tập trung các nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới.
Thứ bảy: Lựa chọnphát triển các ngành công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra để đưa sản phẩm nông nghiệp thành hang hóa công nghiệp mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tránh phụ thuộc nguyên vật liệu nhập.
Thứ tám: Đối với chiến lược nông nghiệp
 
Ưu Cách mạng về giống : Cách mạng về giống, đây không chỉ là đẳng cấp kinh tế mà còn là đẳng cấp quốc gia. Ngày xưa ta sản xuất giống lấy từ nước Xiêm - La: Chuối Xiêm, Mảng cầu Xiêm, Vịt Xiêm, Dừa Xiêm..., đặc biệt là nhiều giống lúa mùa du nhập từ Xiêm qua con đường Campuchia. Còn nay ta mua trái cây, thực phẩm hàng ngày phần nhiều là mang tên của nước khác như: Măng cụt Thái, Bòn bon Thái, Sầu riêng Thái, nho Thái, gạo Thái...Với sự vượt trội về cách mạng giống, Thái Lan đã vượt qua Việt Nam về khả năng xuất khẩu nông sản cũng như giá trị tính bằng tiền mà mỗi đơn vị sản phẩm mang lại cũng cao hơn của Việt Nam.
Đài Loan là hòn đảo khô cằn, nhưng Đài Loan làm nên một nền nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hóa về giống với "Viện Rau quả Á-Châu" nổi tiếng Châu Á.  Điều này chứng tỏ rằng: “giống” cũng làm nên đẳng cấp quốc gia.
Như vậy, cuộc cách mạng giống sẽ là khâu đột phá để nông nghiệp phát triển. Chỉ có phát triển thì mới đảm bạo sự tồn tại và bền vững trong nông nghiệp, còn không các mặt hàng của chúng ta sẽ không cạnh tranh được với các nước và càng ngày nông nghiệp càng teo thắt và suy tàn. Chi phí sản xuất cao nhưng giá trị thu được lại nhỏ bé. Muốn phát triển nông nghiệp bền vững trước hết phải là hoàn thành công nghiệp hóa khâu giống. Chưa làm đươc khâu này thì công nghiệp hóa nông nghiệp, chỉ đơn giản là mua nông cụ cơ giới hóa thay sức người chứ sản lượng và giá trị gia tăng là tăng không đáng kể và chắc chắn rằng sau khi gia nhập TTP thì ta phải trả nhiều tiền cho việc mua bản quyền về giống hơn hiện nay.
 
Ø   Giải pháp cho cách mạng giống
 
Để công cuộc cách mạng về giống thành công thì Chính phủ cần tập trung vào các chính sách khuyến khích nghiên cứu, đầu tư, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ cho việc nghiên cứu và phát triển cây con giống. Chỉ có thành công ở bước khởi đầu này thì mới tạo được sự đột biến, chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp trong tương lai và là nền tảng để thúc đẩy đổi mới phương thức sản xuất, chính sách tác động của Chính phủ.
 
Đẩy mạnh công nghiệp hóa về giống, chọn công nghiệp hóa về giống là mũi nhọn ưu tiên đầu tư giúp chuyển biến về cách mạng nông nghiệp mà thành công ban đầu là cách mạng giống. Ứng dụng tối đa khả năng sẵn có của công nghệ trên thế giới cho quy trình nghiên cứu phát triển giống, công nghiệp hóa về giống càng sớm càng tốt và cần phải là tiên phong liên tục để chống lạc hậu và suy thoái nguồn lực đầu vào.
 
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển, lai tạo, cấy nghép giống và đăng ký bản quyền, thương hiệu về quốc gia. Nếu chúng ta chỉ tập trung quan tâm đến đăng ký bản quyền cho các sản phẩm thuộc về đăng ký bản quyền về chỉ dẫn địa lý (địa chí) như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, chè Thái Nguyên ... như hiện nay, thì mới chỉ là hoàn thành được việc bảo vệ bản quyền của sản phẩm thuộc về địa chí. Bản quyền về chỉ dẫn địa lý là hoàn toàn nhờ vào thổ nhưỡng tự nhiên và thiếu vắng sự tác động, sáng tạo của con người. Một khi các yếu tố tự nhiên đã được khai thác tối đa thì khả năng tăng giá trị tăng thêm là phục thuộc vào con người, chính vì vậy cần tập trung vào công cuộc cách mạng giống nhằm tạo ra chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng.
 
Ưu tiên thứ hai là cơ giới hóa nông nghiệp
So với các nước trong khu vực, cơ giới động lực của nông nghiệp Việt Nam còn thấp, bình quân đạt 1,3 CV/ha canh tác (Thái Lan đạt 4 CV/ha, Hàn Quốc 4,2 CV/ha, Trung Quốc 6,06 CV/ha)([8]). Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL không đồng đều giữa các khâu, như: Làm đất khoảng 90%, bơm nước khoảng 95-100%, gieo sạ bán cơ giới 70-75%; thu hoạch 60-65%. Trong khi đó, mức sử dụng máy gặt đập liên hợp là 45-50%, sấy 38,7%, bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật 15%; xay xát lúa gạo xấp xỉ 95%. Còn các khâu như gieo sạ, cấy, làm cỏ và phun thuốc có mức độ cơ giới hóa rất thấp, chủ yếu vẫn là lao động thủ công. Cơ giới hóa nông nghiệp chủ yếu ở khâu làm đất cây hàng năm, tập trung cây lúa, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo. Các khâu canh tác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác mức độ cơ giới hóa rất thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu. Hai khâu then chốt là sấy và bảo quản đang gây ra những tổn thất lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo của ĐBSCL. Hiện nay cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa cao nhất là tỉnh Long An đạt 95%, thấp nhất là Bến Tre đạt 10%; khâu sấy lúa cao nhất là tỉnh An Giang đạt 80%, thấp nhất là Bạc Liêu chỉ đạt 5%...
Bài học kinh nghiệm nhìn từ Israel, diện tích đất có thể canh tác được là 440.000 ha. Điều kiện tự nhiên của Israel rất khắc nghiệt, đặc biệt là nguồn nước rất khan hiếm. Nhưng, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học trong chọn lọc và tạo giống phù hợp đã thúc đẩy nền nông nghiệp của Israel phát triển mạnh. Với khoảng 3% dân số làm nông nghiệp đã sản xuất đủ lương thực và thực phẩm cho cả nước và xuất khẩu. Hiện nay, một nông dân Israel sản xuất nông nghiệp đủ nuôi 100 người.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Israel còn hỗ trợ và kiểm soát toàn bộ các hoạt động nông nghiệp của đất nước, gồm cả việc duy trì các tiêu chuẩn cao đối với các sản phẩm cây trồng và vật nuôi, đề ra các kế hoạch thúc đẩy, phát triển nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông phẩm, cho những kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp([9]).
 
Ø   Giải pháp cho cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn
Chính phủ, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cần có chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân tạo cuộc cách mạng về ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, như: Về vốn, chuyên gia...Hiện nay, ở ĐBSCLgiá thành máy nông nghiệp quá cao so với khả năng của nông dân. Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp, chủ yếu là các xưởng chế tạo cơ khí địa phương nhỏ lẻ, kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo phân phối máy móc nông nghiệp chưa chuyên nghiệp, công tác dịch vụ hậu mãi chưa phát triển, làm cho giá máy nông nghiệp còn quá cao so với thu nhập của nông dân. Điều này làm hạn chế việc đầu tư mua sắm thiết bị máy móc để cơ giới hóa sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái cũng như trang bị cho lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản.
Áp dụng hoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất là yêu cầu mới và cấp bách hiện nay. Mới là vì các khâu sản xuất ở Việt Nam hiện nay có thể cơ giới hóa, điện khí hóa, nhưng chưa chắc là đã hiện đại mà là công nghiệp hóa lắp ghép, vay mượn, máy móc công cụ lạc hậu và trở thành bãi rác công nghiệp của một số nước.
 
Về lâu dài: Cải thiện cơ sở hạ tầng để có thể thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn và giao thông nội đồng giúp cho các loại thiết bị máy móc trong nông nghiệp có thể tham gia vào đồng ruộng.
Đào tạo nông dân có khả năng, kỹ năng ứng dụng, sử dụng công cụ lao động cơ khí trong sản xuất. Hiện nay, hầu hết lao động ở nông thôn vùng ĐBSCL chưa được đào tạo chuyên môn nên cũng gặp không ít khó khăn khi áp dụng cơ giới hóa, làm giảm hiệu suất sử dụng, tăng chi phí sửa chữa thiết bị và chi phí sản xuất nông nghiệp.
Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp như sản xuất máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp lai tạo giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thiết bị bảo quản, chế biến sau thu hoạch, ...tạo đà thúc đẩy cho nông nghiệp phát triển vững mạnh và ổn định.
Ø   Ưu tiên thứ ba giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm
Tập trung nghiên cứu về giải pháp đầu ra và hỗ trợ người dân tiếp cận thị trường  là bước tiến quan trọng mà Chính phủ cần đặc biệt quan tâm. Do người dân luôn rơi vào tình trạng thiếu thông tin và thông tin bất cân xứng, thiếu phương pháp phân tích và làm việc theo thói quen, tập tục hoặc bắt trước dẫn đến tâm lý đán đông, a dua thiếu tính toán và tính chiến lược phát triển dài thường bị phá vỡ bởi lợi nhận trước mắt dẫn đến khủng hoảng đầu ra hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào đầu ra một cách may rủi thiếu tính toán của cơ sở khoa học.
 
Ø   Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản
 
Chính phủ và các Tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước cần tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam vào thị trường các nước. Cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Việt Nam một cách kịp thời và chính xác để nghiên cứu dự báo về thị trường. Nhằm phục vụ tối ưu cho việc đánh giá đường cầu của thị trường làm cơ sở nền tảng cho các cơ quan chức năng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp có kế hoạch triển khai phát triển sản xuất (kiến tạo đường cung) phù hợp; tạo ổn định lâu dài, vững mạnh.
Vấn đề này có thể học tập kinh nghiệm từ Thái Lan, Nhà nước đã hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh với hình thức như: Tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị… Chương trình điện khí hóa nông thôn được triển khai rộng khắp cả nước([10]).
Tóm lại đối với nông nghiệp nông dân nông thôn là:
Công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, phát triển sản xuất bền vững trong nông nghiệp là đồng thời thực hiện hiện "ba hóa": Trí thức hóa nông dân, Hợp tác hóa sản xuất, Hiện đại hóa nông thôn. Trí thức hóa nông dân là cái nền (dân trí), là tiền đề cho công nghiệp hóa đang tiến hành và là yêu cầu bắt buộc phải có để chuyển sang kinh tế tri thức hiện nay. Đó là nền nông  nghiệp áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến (nông nghiệp công  nghệ cao). Sản phẩm làm ra bảo đảm vệ sinh an toàn và dinh dưỡng cho dân ta, phù hợp tiêu chuẩn xuất khẩu. Trí thức hóa nông dân góp phần nâng cao đạo đức nông dân lên tầm tự giác trong việc bảo đảm cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường và trong ứng xử với cộng đồng.
Hợp tác hóa là nhằm hợp lý hóa mức tối ưu các công đoạn sản xuất, trực tiếp làm giảm giá thành, ổn định sản lượng, chất lượng và ổn định đầu ra cho sản phẩm; làm tăng khả năng cạnh tranh - hội nhập thị trường; gắn kết sản xuất và tiêu dùng, thị trường trong nước và ngoài nước, nông thôn và thành thị, nông nghiệp với công nghiệp; về mặt xã hội nhân văn là làm tăng  tính tập thể...
Hiện đại hóa nông thôn vừa có yêu cầu tự thân vừa tác động, thúc đẩy công nghiệp hóa sản xuất. Nó là mối quan hệ biện chứng, nếu chưa công nghiệp hóa sản xuất ở mức độ cần thiết mà hiện đại hóa nông thôn theo 19 tiêu chí thì Chính phủ phải bao cấp toàn bộ.
Về quản lý nhà nước đề xuất với chính phủ, bộ ngành cần nghiên cứu tái cấu trúc quản lý sản xuất chủ yếu theo chiều dọc thay vì chiều ngang phân cấp như hiện nay. Nếu quản lý theo chiều dọc sẽ thực hiện được các chiến lược mục tiêu, ưu tiên cái trước cái sau trong hạng mục đầu tư cụ thể thay vì phân tán ra từng tỉnh nhỏ lẻ và thiếu tập trung quy tụ nguồn lực như hiện nay./.


([1])TS. Phạm Tất Thắng - Hội nhập kinh tế quốc tế: Từ quan điểm của Đảng đến thực tiễn - http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/31233/Hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-Tu-quan-diem-cua-Dang-den.aspx
([2] )Nguồn: Tổng cục Thống kê – năm 2014
 
([3]Thành tựu kinh tế 39 năm sau ngày thống nhất - http://vtc.vn/thanh-tuu-kinh-te-39-nam-sau-ngay-thong-nhat.1.486023.htm
 
 
([5])  http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2013/8/326426
([6]) Pgs. Ts. Nguyễn Mạnh Hà và Pgs. Ts. Phạm Thị Thanh Bình – Hội thảo khoa học – Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL – 30 năm nhìn lại
([8])Ts. Phước Minh Hiệp – Hội thảo khoa học – Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL – 30 năm nhìn lại
([9]) Ngọc Hương (2009), Nông nghiệp Israel - Nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới,www.bvtvhcm.gov.vn
([10]) Dương Thanh (2010), Xuất khẩu nông sản nhìn từ Thái Lan,www.kinhtenongthon.com.vn
 

Nguồn tin: Ths. Bùi Duy Hoàng