Tín dụng là đòn bẩy thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp

Xoài Cao Lãnh, sản phẩm chủ lực của Đồng Tháp - Nguồn: tintucnongnghiepj.com

Xoài Cao Lãnh, sản phẩm chủ lực của Đồng Tháp - Nguồn: tintucnongnghiepj.com

TCCS - Là tỉnh đi đầu trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Đồng Tháp đã có nhiều quyết sách trong chính sách tín dụng nông nghiệp, nên bước đầu đạt những thành tựu đáng khích lệ. Tiếp tục phát huy vai trò của tín dụng, tỉnh Đồng Tháp cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; đồng thời cũng cần sự quan tâm của Trung ương nhiều hơn nữa.

Chính sách tín dụng năng động đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp 

Là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm qua ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã có bước phát triển khá nhanh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, như quy mô sản xuất chạm ngưỡng; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản tương đối thấp; tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng nhờ vào tăng diện tích, tăng vụ, mức độ thâm dụng các vật tư cho sản xuất và chi phí lao động rẻ... Trước thực trạng trên, Đồng Tháp đã lựa chọn cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chủ động tổ chức lại sản xuất thông qua triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”. Đây được xem là giải pháp khả thi nhất nhằm hướng đến mục tiêu chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp được tổ chức lại theo chuỗi ngành hàng gắn với vai trò dẫn dắt của thị trường.

Đến nay, qua 2 năm thực hiện, nhiều bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh đã được khẳng định và mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó có sự hỗ trợ của tín dụng. Bàn về chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có chủ động đề xuất với Chính phủ cho phép thí điểm các chính sách mới để triển khai. Cụ thể: về chính sách đất đai, đã hỗ trợ tín dụng trung hạn, dài hạn và đơn giản các thủ tục, tạo điều kiện cho hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất; miễn hoặc giảm phí chuyển nhượng đất đai giữa các hộ nông dân trong vùng chuyên canh đã được quy hoạch; về chính sách thu hút đầu tư tư nhân, tỉnh đề xuất nhiều nội dung ưu đãi về thuế như sau: 1- Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh; 2- Đối với trang trại, nhóm nông dân và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có đăng ký được tiếp cận hỗ trợ đầu tư như các doanh nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013, của Chính phủ “Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” nếu thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh; 3- HTX nông nghiệp được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng. Riêng về đổi mới thể chế, tỉnh đã đề xuất huy động tài trợ quốc tế để triển khai “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp...” theo hướng hình thành chương trình huy động vốn vay ưu đãi ODA cho phát triển kết cấu hạ tầng và huy động hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đầu tư, ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện và cơ chế cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nổi bật là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã xác định nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và ban hành quyết định cho vay chuỗi sản xuất trong nông nghiệp và đầu tư công nghệ, kéo theo hàng loạt chính sách nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, tiếp sức cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững. 

Nắm bắt, chia sẻ những lo toan, trăn trở của nông dân về nguồn vốn để sản xuất nông nghiệp, nhất là khi mất mùa, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh..., Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp và các chi nhánh ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng đến cho bà con nông dân và công ty sản xuất, kinh doanh nông nghiệp vay để sản xuất, chế biến. Nhờ vậy, Đồng Tháp đã đầu tư được 880 lò sấy, 1.559 máy gặt liên hợp, 3.793 máy xới, 2.160 máy cày...; rất nhiều hộ nông dân được vay không cần thế chấp theo tinh thần Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015, của Chính phủ “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”; cùng với khá nhiều công ty hoạt động trong chuỗi kinh doanh, tiêu thụ 2 (lúa gạo và thủy sản) trong số 5 ngành hàng chủ lực mà tỉnh Đồng Tháp thực hiện cơ cấu lại và được tiếp cận vốn vay, góp phần đạt được kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của tỉnh.

Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước đạt đến 25,87%/năm, trong khi mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn chỉ đạt ở mức 22,09%/năm; dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 28.654 tỷ đồng, chiếm 68,61% tổng dư nợ cho vay, với trên 124.087 cá nhân, hộ gia đình vay vốn. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã linh hoạt triển khai thực hiện các chính sách thí điểm phù hợp với tình hình địa phương, như hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân khi vay vốn thuê đất, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp trên 3ha và san bằng mặt ruộng... Riêng với chính sách thí điểm cho vay sản xuất chuỗi và đầu tư công nghệ theo Quyết định số 1050/QĐ-NHNN, ngày 28-5-2014, của Ngân hàng Nhà nước “Về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP, ngày 5-3-2014 của Chính phủ” đã áp dụng đối với Công ty Xuất nhập khẩu Lộc Anh (huyện Tam Nông) với ngành hàng lúa gạo và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá (huyện Thanh Bình) với ngành hàng cá tra. Trước đó, thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25-10-2013, của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn”, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND, ngày 28-7-2015, về việc quy định một số chính sách ưu đãi và mức chi hỗ trợ phục vụ cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh đó, được sự kết nối của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đã có hơn 20 tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến hỗ trợ, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Tháp, điển hình như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Tập đoàn Nông nghiệp, nông thôn Hàn Quốc (KRC), Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)... Các tổ chức trên đã tiếp thêm nguồn lực trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp thông qua các chương trình tài trợ, kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại tỉnh.

Xác định tín dụng là đòn bẩy thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp phối hợp tốt với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể triển khai sâu rộng trong hội viên, đoàn viên và người dân, HTX... Trong quá trình triển khai cần tiếp thu ý kiến phản hồi để trình Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Trung ương. Từ động thái này, kể từ vụ Đông Xuân 2015 - 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 2 mô hình thí điểm thực hiện chính sách tín dụng trong nông nghiệp tại huyện Thanh Bình và huyện Tháp Mười, mỗi mô hình có diện tích từ 50ha đến 100ha, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tiếp cận chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với cánh đồng mẫu lớn. Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời (Công ty Lương thực Tân Hồng), Công ty Lương thực Đồng Tháp sẽ tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa cho HTX và xây dựng phương án thu mua. Ngoài ra, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty ADC, Công ty Bayer chịu trách nhiệm cung cấp giống, phân bón, vật tư cho HTX. Địa phương sẽ chọn ra các HTX tiêu biểu trong thực hiện liên kết tiêu thụ để thực hiện ký kết hợp đồng với công ty thu mua và đơn vị cung cấp vật tư, đồng thời xây dựng phương án sản xuất hiệu quả. 

Từ kết quả thực hiện thời gian qua đã cho thấy những lợi ích từ các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi mang lại: 1- Với phương thức cho vay lưu vụ, khi hết chu kỳ sản xuất đầu tiên, người nông dân chỉ trả lãi, không phải làm thủ tục vay vốn lại, vẫn tiếp tục được sử dụng dư nợ gốc phục vụ chu kỳ sản xuất tiếp theo nhằm tạo điều kiện tối đa cho nông dân tiêu thụ sản phẩm cũng như chủ động về nguồn vốn, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; 2- Người dân được doanh nghiệp cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào ổn định với chi phí thấp hơn tự mua trên thị trường; được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cả hợp lý; 3- Với chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013, của Thủ tướng Chính phủ, nông dân được hưởng lãi suất cho vay ở mức thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ; với phạm vi hỗ trợ rộng hơn giúp hộ nông dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hoá trong tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp; 4- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể đối với cho vay theo mô hình liên kết. Các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hình thành những vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, giá thành sản phẩm giảm giúp tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài. 

Một số khó khăn, vướng mắc cần sớm khắc phục

Thứ nhất, việc mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại một số chi nhánh ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế. Do việc cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như thiên tai, dịch bệnh, giá cả đầu ra, thị trường tiêu thụ không ổn định... Trong khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, chưa tạo nền tảng an toàn để các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, phần lớn các HTX trên địa bàn khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Bởi vì quy mô hoạt động nhỏ, năng lực quản trị điều hành còn hạn chế, chưa có phương án kinh doanh khả thi, thiếu tài sản bảo đảm.

Thứ ba, mạng lưới tổ chức tín dụng tuy đã được phủ khắp các huyện, thị, thành phố của tỉnh nhưng chưa mở rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa có điều kiện đi lại khó khăn. Công tác thông tin truyền thông về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh đến người dân các xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Ngoài ra, một số ngân hàng chưa niêm yết đầy đủ những thông tin về chương trình, chính sách tín dụng tại trụ sở ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Việc phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện chính sách hỗ trợ 50% lãi suất để mở rộng quy mô sản xuất và san bằng đồng ruộng thiếu đồng bộ, tiến độ giải ngân kéo dài.

Thứ tư, thực tế trong sản xuất nông nghiệp, nông dân thường trực tiếp mua vật tư nông nghiệp tại các cửa hàng bán lẻ, chưa có thói quen sử dụng hoá đơn. Do đó, thường gặp khó khăn trong việc cung cấp giấy tờ làm cơ sở chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, gây trở ngại cho các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện thủ tục giải ngân. 

Thứ năm, cơ chế, chính sách thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp phần lớn vận dụng các chính sách của Trung ương theo phương thức lồng ghép, đa mục tiêu nên nguồn lực đầu tư cho quá trình cơ cấu lại rất khiêm tốn.

Những giải pháp cần triển khai trong thời gian tới

Trước mắt, làm tốt việc thí điểm chính sách hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân khi vay vốn thuê đất, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp trên 3ha và san bằng mặt ruộng. Cụ thể là hỗ trợ và hướng dẫn cho thành viên HTX nông nghiệp Tân Cường, Tân Tiến, Phú Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ và hộ sản xuất theo cánh đồng lớn tại xã Phú Cường, huyện Tam Nông hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn từ Quỹ phát triển HTX.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh:

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và tập trung nguồn vốn để cho vay, có tính đến các chương trình tín dụng đặc thù của một số lĩnh vực và sản phẩm chủ lực; tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn, giải thích tận tình cho người nông dân về hồ sơ, thủ tục cần thiết khi vay vốn để giảm bớt thời gian, chi phí cho người nông dân khi tiếp cận vay vốn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của tỉnh tuyên truyền sâu rộng đến nông dân, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi đối với 5 ngành hàng ưu tiên của tỉnh, đặc biệt tuyên truyền về Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tăng cường công tác thông tin truyền thông về các chương trình, sản phẩm tín dụng mới, ưu đãi đến người nông dân các xã vùng sâu, vùng xa; mở rộng mạng lưới hoạt động, phục vụ kịp thời nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; niêm yết công khai, đầy đủ các chương trình, sản phẩm mới tại trụ sở đơn vị và ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

- Xác định HTX là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp...”, các chi nhánh ngân hàng thương mại cần chủ động tiếp cận với các HTX để nắm bắt nhu cầu vay vốn, xem xét phương án kinh doanh, đặc biệt đối với các HTX thực hiện mô hình liên kết chuỗi khép kín, đánh giá phương án kinh doanh và xem xét cho vay không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát được dòng tiền của HTX.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả; tiến hành rà soát, đơn giản hoá các thủ tục cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đối với người nông dân:

Cần nâng cao trình độ để có thể lập các phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cung cấp đầy đủ, trung thực các tài liệu liên quan đến việc vay vốn. Mặt khác, bản thân các HTX và người nông dân cần nhận thức được sự cần thiết phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tránh tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động, nhanh nhạy với việc cùng với các cấp chính quyền thực hiện Đề án, tiếp cận các chính sách vì quyền lợi riêng và lợi ích chung.

Tích cực tham gia các lớp tập huấn, tổ chức hội, đoàn thể để nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, áp dụng mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là người nông dân vay vốn sản xuất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng tín dụng ký kết với ngân hàng.

Về kiến nghị với Trung ương:

- Trung ương nghiên cứu, có chính sách thu hút và mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô trong nước và quốc tế để mở rộng cho nông dân vay; tạo cầu nối giữa tín dụng chính thức và không chính thức. Cùng với nguồn vốn và vốn vay của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các địa phương cần sáng tạo, tìm tòi cơ chế trợ giúp người nông dân và các HTX bằng cách tăng cường huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân vào các HTX tín dụng để giải quyết vốn cho người sản xuất.

- Nghiên cứu hình thành ngân hàng chính sách dành riêng cho nông nghiệp, sẽ thiết thực, hiệu quả hơn các mô hình khuyến nông, hỗ trợ nông nghiệp hiện nay, sẽ hạn chế được tư tưởng ỷ lại của nông dân, thúc đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp, giúp “nông dân giàu, hợp tác xã mạnh”. 

- Hỗ trợ xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho nông nghiệp, nông thôn.

- Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại, ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là các khoản vay trung hạn và dài hạn.

Với những chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi được điều chỉnh, đổi mới từ Trung ương, cùng sự đồng hành của các ngân hàng trên từng địa bàn, hy vọng trong thời gian tới nông dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng, các địa phương khác trong cả nước nói chung dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Lê Minh HoanỦy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

Nguồn tin: Tạp chí Cộng Sản