Tránh nguy cơ “Bẫy thu nhập trung bình” – con đường duy nhất là phát triển nhanh và bền vững

Kinhtetrunguong.vn xin đăng tải ý kiến trao đổi của PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề “bẫy thu nhập trung bình”.
Thoát nghèo - song mắc kẹt 

+ Thưa ông, trong mấy năm gần đây, trên các sách báo kinh tế, vấn đề “bẫy thu nhập trung bình” (middle income trap)được thảo luận khá sôi nổi. Kết quả của Google về “Middle Income Trap” trong khoảng 0,20 giây có khoảng 49.300.000 kết quả. Vậy chính xác khái niệm này như thế nào?

+ PGS.TS Bùi Tất Thắng: Thực ra, khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” không thấy có trong lý thuyết kinh tế học, ít ra là với kinh tế học cổ điển và kinh tế học thuộc trào lưu chính. Các sách báo kinh tế ngày nay khi bàn đến vấn đề này đều cơ bản thống nhất rằng bẫy thu nhập trung bình là cách nói hình tượng để chỉ một tình trạng của nền kinh tế, mà sau khi đã cố gắng để đạt được mức thu nhập trung bình nhất định, nền kinh tế bị đình trệ, không những dừng lại ở mức thu nhập đó, mà toàn bộ những gì đã giúp nền kinh tế tạo ra được mức thu nhập trung bình trong quá trình trước đây lại trở thành cản trở lớn cho các bước phát triển tiếp theo.

Nói cách khác, bẫy thu nhập trung bình là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng của nhiều quốc gia đã thoát nghèo, songlại mắc kẹt nhiều năm, nhiều chục năm, ở trình độ “nước thu nhập trung bình” mà không sao không giàu nổi. Cũng chỉ tình trạng này, có tài liệu dùng hình ảnh "bẫy tăng trưởng" (growth trap) để biểu đạt. Như vậy, xét theo một nghĩa nào đó, khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” (cùng với một số khái niệm khác mới xuất hiện gần đây như “các thị trường mới nổi”…) tuy chưa hoàn toàn chặt chẽ và được dùng như những uyển ngữ trong kinh tế, nhưng cũng chứa đựng những nội dung đủ rõ khi phân tích tình hình kinh tế.

Và với cách hiểu như vậy thì lý lẽ đơn giản để tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” các nền kinh tế phải đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, hay như cách nói gần đây là tăng trưởng bền vững và cho tất cả mọi người.

+Theo GS.TS Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), Giám đốc Dự án Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) mới đây đã đưa ra nhận định: Việt Nam đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Cá nhân ông có đồng ý với nhận định này không? 

+ PGS.TS Bùi Tất Thắng: Về cơ bản, ở Việt Nam hiện có hai loại ý kiến. Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình” (GS.TS Kenichi Ohno). Lại có ý kiến cho rằng chưa, vì trong dải nước thu nhập trung bình từ 1.000 – 12.000 USD (GDP/người), các nhà nghiên cứu bàn về bẫy thu nhập trung bình thường khảo sát những nước có mức thu nhập 5.000 USD hoặc cao hơn, tức là vấn đề bẫy thu nhập trung bình cho đến nay chỉ liên quan đến các nước có mức thu nhập trung bình cao. Còn Việt Nam mới đạt mức nhóm thu nhập trung bình thấp (hiện khoảng 2.000 USD/người) thì được cảnh báo rằng, không loại trừ bẫy thu nhập trung bình có thể đến sớm, không phải đợi đến lúc đạt mức các nước có thu nhập trung bình cao, nếu không có những cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, nhất là đối với các lĩnh vực then chốt như doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế, thị trường các yếu tố sản xuất và quá trình hình thành các chính sách lớn.

Như vậy, vấn đề “bẫy thu nhập trung bình” dù tiếp cận từ lý thuyết hay thực tế thì chung quy vẫn là làm thế nào để duy trì sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững để vượt thoát khỏi nguy cơ rơi vào trì trệ trong giai đoạn đạt mức thu nhập trung bình (dải từ 1.000 – 12.000 USD theo thời giá hiện nay). Hay nói cách khác, điều cần thiết là phải lần lượt vượt qua các chặng đường “thu nhập trung bình thấp” để chuyển lên mức “thu nhập trung bình cao” rồi chuyển tiếp lên trình độ của các nước thu nhập cao (“đuổi kịp”) với khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Lịch sử thôi thúc vươn lên mạnh mẽ

+ Là một chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế, ông có thể cho biết một số quốc gia có nền kinh tế tương tự Việt Nam đã vượt qua “bẫy” như thế nào?

+ PGS.TS Bùi Tất Thắng: Nền kinh tế Việt Nam hiện là một nền kinh tế đang phát triển, đang đổi mới (chuyển đổi) và đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Việc nào cũng đang ở trạng thái "tiến trình" với các mức độ khác nhau, chưa việc nào hoàn tất. Cũng vì lẽ ấy, chỉ tính riêng về mặt thời gian thì giai đoạn đến năm 2020 (và tầm nhìn đến 2030), có một vị trí rất đặc biệt. Bởi vì đây là thời kỳ có nhiệm vụ phải giải quyết được đồng thời bavấn đề: cải thiện vị thế nước kém phát triển đến mức nào, có hoàn tất được quá trình đổi mới không và có hội nhập được thành công không?

Những thành công của đổi mới kinh tế thời gian qua cho thấy Việt Nam hoàn toàn có cơ sở thực tế để thực hiện phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới với việc tạo ra những tiền đề phát triển cần thiết nhất định. Sự cổ vũ của những tấm gương phát triển nhanh và bền vững của các nền kinh tế trong khu vực như các nước kinh tế mới (NIEs) Đông Á những thập kỷ nửa sau thế kỷ XX và Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa đến nay cùng những kinh nghiệm chính sách của họ có thể coi là một loại tài sản có giá trị nếu được tổ chức khai thác tốt.

Mặc dù trên thế giới hiện nay, các nước đang phát triển chiếm số đông và không ít nền kinh tế vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn do tình trạng kém phát triển, đời sống dân cư thấp, nạn đói, mù chữ, bệnh tật dày vò cuộc sống con người. Nhưng cũng đã có không ít những tấm gương phát triển kinh tế thần kỳ, nhanh chóng vươn lên đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển về nhiều mặt chỉ trong vòng vài ba thập kỷ. Điển hình nhất trong số này phải kể đến nhóm NIEs Đông Á (bao gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore) trong những thập niên cuối thế kỷ XX và nước Trung Quốc hiện đại (từ khi cải cách mở cửa đến nay). Đây lại là những nền kinh tế láng giềng của Việt Nam. Vì vậy, tấm gương phát triển nhanh và bền vững của những nền kinh tế ở ngay trong khu vực đã như những bằng chứng lịch sử thôi thúc chúng ta vươn lên mạnh mẽ. 

 

Kinh tế  Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển lớn 

 + Thưa ông, như phân tích về lý thuyết, để tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” các nền kinh tế phải đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, hay như cách nói gần đây là tăng trưởng bền vững và cho tất cả mọi người. Vậy, chúng ta làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới?

 + PGS.TS Bùi Tất Thắng: Nền kinh tế Việt Nam có đủ cơ sở cần thiết để phát triển nhanh và bền vững trong những năm sắp tới. Các phân tích kinh tế gần đây cho thấy rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được thành công như những nền kinh tế trong khu vực đã biến thành NIEs một khi xây dựng được một thể chế hỗ trợ phát triển. Những cơ sở tiền đề ấy là:

- Kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển lớn. Thời gian vừa qua, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao trên thế giới. Nếu so với một số nền kinh tế có tỷ lệ đầu tư thấp hơn nhưng tăng trưởng khá cao thì có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nếu cải thiện được hiệu suất đầu tư. 

- Thời cơ dân số vàng ở Việt Nam. Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng. Trong lĩnh vực dân số học, “kỷ nguyên dân số vàng” được quan niệm là khi tổng tỷ suất phụ thuộc (số người trong độ tuổi 0-14 cộng với số người từ 65 tuổi trở lên, chia cho số người trong độ tuổi 15-64) ở mức dưới 50%. Theo dự báo, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 30 năm (từ khoảng 2010 đến khoảng 2040). Sự xuất hiện yếu tố “dân số vàng” có thể xem là một cơ hội tốt đối với tăng trưởng và phát triển một khi phát huy được những ưu thế của nguồn nhân lực. Chắc chắn là, kết cấu dân số vàng cùng với mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 1.000 USD và đang tiếp tục tăng nhanh, sẽ làm bùng nổ mức cầu đối với những mặt hàng tiêu dùng lâu bền hiện đại và các loại dịch vụ đi kèm theo đó.

+ Nhiều chuyên gia phân tích rằng, việc đổi mới mở cửa và hội nhập, kết hợp giữa cơ hội phát triển do chính Việt Nam tạo ra cùng với sự hỗ trợ, thúc đẩy bởi nguồn lực bên ngoài, cộng hưởng thành cơ sở thực tế để thực hiện phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ sắp tới. Những yếu tố này sẽ góp phần để Việt Nam thoát “bẫy thu nhập trung bình” đúng không thưa ông?

+ PGS.TS Bùi Tất Thắng: Đây cũng chính là một trong những yếu tố tích cực để làm cơ sở thực tế để thực hiện phát triển nhanh và bền vững. Thêm vào đó, có những nhân tố mới xuất hiện khác như:

 - Người Việt Nam sau nhiều thập kỷ bị chiến tranh đang xuất hiện tâm lý tăng trưởng (khát vọng phát triển). Đây cũng có thể được xem như một yếu tố xã hội thuận lợi đối với sự phát triển của một quốc gia. Chính tâm lý xã hội này sẽ góp phần nuôi dưỡng và tạo môi trường cho sự phát triển của tài nguyên kinh doanh (lực lượng doanh nhân).

 - Chính trị xã hội ổn định, là một điều kiện tiền đề rất quan trọng để phát triển.

 - Có khả năng nhiều năm của thời kỳ đến năm 2020 là giai đoạn phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới sau cơn khủng hoảng nặng nề hiện nay. Và như vậy, thời gian thực hiện chiến lược 2011-2020 cũng là thời kỳ chịu sự tác động của kinh tế thế giới được phục hồi. Đây sẽ là một thuận lợi để có thể tăng tốc phát triển.

 - Việc triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nếu đảm bảo đúng tinh thần như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) cũng có nghĩa chiến lược phát triển quốc gia tổng thể mở ra một tầm nhìn mới và có thêm nội dung mới, làm thay đổi mạnh mẽ cách nhìn về thực lực và triển vọng phát triển kinh tế của đất nước.

 - Với xu thế phát triển kinh tế tri thức và sự phổ biến của mạng sản xuất toàn cầu, Việt Nam có cơ hội để tập trung vào một số lĩnh vực sản xuất và dịch vụ công nghệ cao, chủ động tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng để tiếp cận có hiệu quả chiến lược phát triển của các TNCs. Trong điều kiện mới, sự dịch chuyển này là điều kiện quan trọng để Việt Nam nhờ hội nhập để tạo bứt phá phát triển sớm.

 - Xu hướng tự do hóa di chuyển các nguồn lực và dịch chuyển trung tâm phát triển toàn cầu sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam cũng như nhiều nước trong vùng đang có cơ hội tốt trong việc huy động và tận dụng một khối lượng lớn các nguồn lực chất lượng cao của thế giới để cất cánh phát triển, thực hiện tiến nhanh, tiến nhảy vọt, thu hẹp khoảng cách tụt hậu và tiến tới đuổi kịp thế giới.

 - Sự năng động của hợp tác Đông Á và của ASEAN đang tạo cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò của một thành viên quan trọng của ASEAN/AFTA, vươn lên tham gia nhóm phát triển nhất trong ASEAN và nhờ đó, chủ động hơn trong các tiến trình hợp tác Đông Á, châu Á – Thái Bình Dương cũng như chuẩn bị điều kiện để xúc tiến các FTA song phương.

 - Trên nền tảng phát triển hiện có và với tư cách thành viên đầy đủ của ASEAN, APEC, WTO, Việt Nam có những cơ hội mới để chủ động tham gia các tiến trình toàn cầu và khu vực theo cách của người đề xuất sáng kiến, tham gia nhiều hơn trong việc soạn thảo luật chơi, nhất là trong các tiến trình hợp tác khu vực và tiểu khu vực. Chính vai trò điều phối, thành viên của nhóm hạt nhân trong các chương trình hợp tác khu vực về kinh tế, chính trị và an ninh… sẽ là điều kiện để nâng cao vị thế và khiến cho thế giới thay đổi cách nhìn đối với Việt Nam, giúp tăng cường an toàn phát triển của Việt Nam.

 + Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư đã dành thời gian trao đổi với kinhtetrunguong.vn ./.

Vân Khánh (thực hiện)

Nguồn tin: kinhtetrunguong.vn