Về quan hệ giữa ổn định và phát triển trong thời kỳ đổi mới

1. Những đặc điểm cơ bản của thới kỳ đổi mới: Ở góc độ chung nhất, có thể khái quát một số nét đặc trưng của của thời kỳ đổi mới kinh tế ở Việt Nam như sau: Thứ nhất, bản chất của quá trình đổi mới là đổi mới thể chế kinh tế, là chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nội dung và tính chất của đổi mới kinh tế gắn liền với những nhận thức mới về việc xây dựng kinh tế XHCN. Nó vượt xa khuôn khổ của những “cải tiến” “hoàn thiện” đã làm trước đây. Vì vậy, có thể xem giai đoạn đổi mới kinh tế hiện nay là giai đoạn đặc biệt, phản ánh một hiện tượng đặc biệt trong đời sống kinh tế của CNXH và thế giới.
Thứ hai, giai đoạn đổi mới hiện nay mang tính chất toàn diện và rất phức tạp, không những chỉ bao gồm những vấn đề kinh tế mà còn cả những vấn đề ổn định chính trị và xã hội. Những vấn đề liên quan đến các hình thức sở hữu đến vai trò và cách thức can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, chế độ quản lý, chế độ phân phối.
Thứ ba, quá trình đổi mới thể chế kinh tế ở bên trong gắn liền với việc mở cửa, hội nhập quốc tế, tạo thành một quá trình chung, thống nhất.
Thứ tư, các nước XHCN ở Liên Xô - Đông Âu đã tiến hành cải cách chuyển sang nền kinh tế thị trường kiểu phương Tây, Trung Quốc cải cách mở cửa chuyển sang “kinh tế thị trường XHCN mang đặc sắc Trung Quốc” khiến cho “đổi mới” ở Việt Nam vừa chưa có tiền lệ, vừa không còn “hệ thống” các nước cùng chung cách “đổi mới”.
Như vậy, bước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường là sự đổi mới mang tính toàn diện và triệt để, rằng “toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về cơ bản” (V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 45. Nxb Tiến bộ, Maxcơva 1980. Bản tiếng Việt; tr.428).
Với những đặc điểm nêu trên, vấn đề xử lý mối quan hệ giữa ổn định phát triển trở nên hết sức quan yếu trong suốt quá trình đổi mới.
2. Quan hệ giữa ổn định và phát triển trong thời kỳ đổi mới
Có thể coi thời kỳ đổi mới được bắt đầu một cách toàn diện từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) và kết thúc khi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đổi thể chế kinh tế, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy chưa biết cụ thể sẽ là bao nhiêu năm, nhưng sẽ là một khoảng thời gian có điểm khởi đấu và kết thúc. Trong khoảng thời gian ấy có một số nhiệm vụ trọng tâm phải giải quyết – chuyển nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo quan điểm của Đảng ta, “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; vừa vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội; trong đó, cơ chế thị trường được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời giữ vững, tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các nguồn lực kinh tế”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 34-35).
Quá trình “đổi mới”, theo nguyên nghĩa của từ, sẽ bao hàm sự thay đổi, chuyển đổi, vận động không ngừng. Vậy nên, theo nguyên lý về sự phát triển trong triết học Mác-xít, quan hệ giữa ổn định và phát triển là mối quan hệ biện chứng, trong đó ổn định là tương đối, ổn định trong phát triển. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm nhất định, việc nhấn mạnh hơn nội dung ổn định hay phát triển lại tùy thuộc vào tình hình thực tế. Chẳng hạn, trong quá trình thực hiện đổi mới nước ta, đến nay nền kinh tế đang chuyển đổi đã hai lần chịu tác động mạnh bởi những cuộc khủng hoảng từ bên ngoài: lần thứ nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á năm 1997-98, khởi đầu từ thị trường chứng khoán Thái Lan, sau đó lan ra nhiều nước và khu vực trên thế giới. Lần thứ hai là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, khởi phát từ thị trường chứng khoán New York (Hoa Kỳ) năm 2008-2009. Đứng trước những vấn đề nảy sinh mang tính thời điểm như vậy, rõ ràng cần ưu tiên cho mục tiêu “ổn định”. Sự ổn định trong quan hệ với phát triển được xem xét ở đây là sự ổn định được hiểu theo nghĩa rộng, toàn diện, bao gồm cả ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Còn trong suốt cả thời kỳ đổi mới, trong trạng thái bình thường của nền kinh tế, khía cạnh phát triển sẽ giữ vị trí chủ đạo trong quan hệ với ổn định.
Có một thực tế là, lâu nay, khi bàn về quan hệ giữa ổn định và phát triển, xu hướng chung là nhấn mạnh sự ổn định, coi ổn định là tiền đề cần thiết để phát triển. Điều đó hoàn toàn đúng. Đặc biệt là xét trong bối cảnh khởi động tiến trình đổi mới. Tuy nhiên, hơn 20 năm đổi mớiđã qua, những bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều đổi khác. Ổn định vẫn là tiền đề cần thiết cho sự phát triển. Nhưng mức độ bắt buộc phải ưu tiên như một lẽ sống còn duy nhất thì không giống như thời kỳ khởi động tiến trình đổi mới của những năm 1980 - 1990 nữa. Bởi vì:
- Qua những biến cố thăng trầm của đổi mới và mở cửa, mọi người đã hiểu hơn bản chất của cơ chế kế hoạch hóa tập trung và cơ chế thị trường (trong sự so sánh với nhau bằng trải nghiệm thực tiễn). Người dân và các doanh nghiệp cũng có kinh nghiệm hơn trước những biến động của thị trường. Do sự phát triển của mạng lưới thông tin và mở cửa, hội nhập, mọi người cũng hiểu hơn thế giới bên ngoài. Vì vậy, sự tôi luyện trong cơ chế mới giúp con người có bản lĩnh hơn, trưởng thành hơn, ít bị hoang mang dao động hơn nhiều so với thời kỳ đầu đổi mới. Trong bối cảnh ấy, nhu cầu phát triển, vươn lên “sánh vai các cường quốc năm châu”, khẳng định đẳng cấp trong thế giới vừa hợp tác vừa cạnh tranh đã trở thành tâm lý phát triển chung của đại đa số nhân dân.
- Không xem nhẹ ổn định, nhưng ổn định chỉ được giữ vững và làm được tiền đề cần thiết trong quan hệ biện chứng với phát triển: ổn định nhờ phát triển, thông qua phát triển và trong sự phát triển. Những nhân tố đòi hỏi phải phát triển nhanh mới giữ được ổn định đang ngày càng tăng lên. Đổi mới mà người dân không thấy cuộc sống của họ được cải thiện thì sức hấp dẫn của đổi mới sẽ suy giảm. Trong giai đoạn đầu đổi mới, từ thiếu đói sang có ăn  mặc, mọi người cảm nhận được ngay tác động tích cực của đổi mới. Một thế hệ người (20 năm) sinh ra trong đổi mới, không từng nếm trải đói ăn, nhưng không cảm thấy cuộc sống thay đổi theo hướng đi lên, họ không cảm thấy tính thiết thân của đổi mới. Hơn nữa, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, một bộ phận dân cư trước đây làm nông nghiệp, đã cải thiện được cuộc sống và ổn định nhờ công việc làm trong nông nghiệp, nay không còn đất (do chuyển đổi đất nông nghiệp sang lĩnh vực khác), nhưng lại không có việc làm, không cải thiện được cuộc sống, tâm lý bất ổn phát sinh. Vì vậy, phải phát triển nhanh mới tạo ra được nhiều cơ hội việc làm cho nhiều người và vì thế mới ổn định được.
Vậy nên trước yêu cầu mới của tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 20112020 với những dự báo kinh tế thế giới bước vào thời kỳ toàn cầu hóa rất sâu, rộng; nền kinh tế tri thức sẽ hình thành và phát triển, tương quan lực lượng kinh tế và chính trị thế giới có khả năng có nhiều thay đổi, những diễn biến kinh tế và chính trị có nhiều khả năng xảy ra những tình huống phức tạp, khó lường; trong khi nền kinh tế Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới thành công, đã vượt qua ngưỡng nghèo (nước có mức thu nhập thấp) đang bước vào thời kỳ của nước có mức thu nhập trung bình - thời kỳ mà kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy, vừa có cơ hội để trở thành nước công nghiệp phát triển, lại vừa có nguy cơ rủi ro rơi và “bẫy của nước có mức thu nhập trung bình”, luẩn quẩn ở trình độ “nước có mức thu nhập trung bình”, không vượt lên thành nước công nghiệp phát triển được. Cả tình huống bên trong lẫn bên ngoài đều đặt ra yêu cầu rất đặc biệt, rất hệ trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ 2011-2020. Tính chất “phát triển” của thời kỳ chiến lược này trở nên rất rõ ràng; khác hẳn với chiến lược “vượt qua khủng hoảng”, dù sao cũng cũng đậm nét tình thế “giữ ổn định” của thời kỳ chiến lược 1991-2000; và cũng rất khác với chiến lược “tạo tiền đề” để cho sự phát triển của thời kỳ sau của thời kỳ chiến lược 2001-2010. Thời kỳ chiến lược 2011-2020 mang đậm nét “phát triển” hàm ý rằng, tính “được - thua” trong cuộc tranh đua phát triển cùng thời đại, cùng các “cường quốc 5 châu” sẽ quyết định Việt Nam có rút ngắn được khoảng cách phát triển với các nước đi trước không, có “hóa rồng” được không, đã trở thành nhiệm vụ khách quan, mang tính lịch sử.
Tóm lại, trong giai đoạn mới, vẫn phải khẳng định nguyên lý ổn định để phát triển, nhưng cách nhìn về ổn định phải có sự thay đổi. Đó là ổn định nhờ phát triển, thông qua phát triển và trong sự phát triển. Tính bền vững của phát triển nằm trong nguyên lý quan trọng này.
3. Phương hướng cơ bản đảm bảo phát triển để ổn định và ổn định để phát triển
Việc nhấn mạnh khía cạnh phát triển là nhìn ở góc độ toàn cục suốt cả thời kỳ chiến lược 10 năm và xa hơn. Song, trong ngắn hạn, có những tình huống đòi hỏi phải tập trung hơn cho việc tạo sự ổn định. Cách xử lý linh hoạt các mối quan hệ này vừa là khoa học, lại vừa là nghệ thuật quản trị sự phát triển. Trước mắt chúng ta, ở thời điểm của năm 2011 này, những nguy cơ bất ổn đang đe dọa sự phát triển và không thể không quan tâm giải quyết một cách thỏa đáng. Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế- xã hội năm 2011 có đoạn viết: “kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thách thức thậm chí lớn hơn so với dự báo cuối năm trước về lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010; giá cả, lạm phát, mặt bằng lãi suất tăng cao so với chỉ số lạm phát và tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp; tình trạng đô la hóa và sử dụng vàng để kinh doanh, làm công cụ thanh toán trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn; tỉ giá biến động mạnh, giá vàng tăng cao; dự trữ ngoại hối giảm; việc cung cấp điện còn nhiều căng thẳng…”.
Vì vậy, để đảm bảo giải quyết tốt phương châm phát triển để ổn định và ổn định để phát triển, cần xác định rõ những nhiệm vụ trước mắt khi phải đối mặt với những tình huống đặc biệt, đồng thời khi giải quyết những nhiệm vụ ngắn hạn, phải đặt chúng trong tổng thể, dài hạn, nhằm hướng tới mục tiêu tổng quát của sự phát triển. Với cách đặt vấn đề như vậy, các phương hướng cơ bản đảm bảo phát triển để ổn định và ổn định để phát triển trong giai đoạn tới gồm:
Một là, cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô
Trước mắt, cần “Kiềm chế lạm phát, ổn đinh kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nhiệm vụ có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau; cần được quán triệt, triển khai đồng bộ trong suốt quá trình phát triển. Tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo. Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm”. (Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế- xã hội năm 2011).
Hai là, phát triển cùng thời đại, theo kịp bước tiến của thời đại
Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, người ta đã từng chứng kiến rất nhiều mô hình kinh tế. Các nhà lịch sử kinh tế đã đưa ra những số liệu cho thấy, trong suốt 2000 năm kể từ năm Công lịch đầu tiên (năm 0) đến nay, kinh tế thế giới về cơ bản qua 3 dấu mốc quan trọng xét về tốc độ tăng trưởng. Đó là:
- Giai đoạn I: kéo dài 1000 năm (0-1000), kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng bình quân 0,01%/năm, một mức tăng gần như không đáng kể.
- Giai đoạn II: từ năm 1000 đến năm 1820 (820 năm), kinh tế thế giới tăng trưởng bình quân 0,22%/năm, cao hơn mức bình quân của 1000 năm trước tới 22 lần, song cũng vẫn còn rất thấp.
- Giai đoạn III: từ năm 1820 đến năm 1998 (178 năm - do số liệu có đến năm 1998), kinh tế thế giới tăng trưởng bình quân 2,21%/năm, cao hơn mức bình quân của 820 năm trước 10 lần, và cao hơn thời kỳ 1000 năm (0-1000) tới 221 lần.  
Trong 2 thế kỷ qua, đặc biệt là gần 60 năm kể từ giữa thế kỷ XX đến nay, kinh tế thế giới vừa phát triển nhanh, vừa kiểm chứng nhiều loại mô hình kinh tế khác nhau. Sự sàng lọc của thực tế cho thấy nổi lên tính hợp lý, hiệu quả của kinh tế thị trường, trong đó có một số mô hình (biến thể), nhưng về cơ bản thuộc hai loại điển hình: kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường xã hội. Mặc dù có sự khác nhau ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, những nền kinh tế thị trường phát triển nhất ngày nay (xếp chung thành một nhóm gồm 30 nước là thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - Organisation for Economic Co-operation and Development - OECD), đều có chung một đặc điểm cơ bản là, sự vận hành của những nền kinh tế này đều dựa trên cơ sở tuân theo nguyên tắc thị trường.
Một nhóm các nước chậm phát triển nhờ tăng tốc phát triển mà trải qua thời gian, 3-4 thập kỷ đã trở thành NIES, trong đó có nước đã gia nhập OECD (Hàn Quốc), tuy không hoàn toàn dập theo khuôn mẫu của các nước đi trước, nhưng đều là những nền kinh tế thị trường. Nguyên tắc ấy đã làm ra các nước công nghiệp phát triển và đang dẫn dắt kinh tế thế giới bước vào kỷ nguyên tri thức.
Nhưng vấn đề đặt ra là, tại sao rất nhiều nước đi theo mô hình kinh tế thị trường, nhưng chỉ có một số ít nước thành công? Câu trả lời là tính hiệu quả của mỗi mô hình kinh tế thị trường được chọn lựa và theo đuổi.
Tổng kết bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước OECD và các nền kinh tế mới CNH, các mô hình kinh tế thị trường cụ thể dù có khác nhau ở điểm này điểm khác, nhưng đều có hiệu quả, các nền kinh tế này đều có các đặc điểm chung, cơ bản như sau:
- Có tính cạnh tranh cao;
- Bình đẳng trong tiếp cận gia nhập thị trường;
- Sự can thiệp của chính phủ hợp lý, có hiệu lực cao.
Mỗi đặc điểm chung nêu trên lại hàm chứa trong đó nhiều nội dung, đã được nhiều tài liệu phân tích sâu sắc cả về khía cạnh học thuật lẫn thực tiễn.
Các nền kinh tế chậm phát triển ngày nay có thể lựa chọn và/hoặc sáng tạo ra các mô hình phát triển kinh tế. Với họ, nếu có “lợi thế của người đi sau” thì lợi thế ấy là có khả năng học hỏi và bắt chước (có sáng tạo) cái hay của người đi trước, cũng đồng thời có cơ hội tránh được cái sai của người đi trước. Thực tế phát triển kinh tế thế giới nói chung, các nền kinh tế OECD và NIES nói riêng, cho thấy các nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế gíới ngày nay không phải không có thất bại (không hiệu quả hoặc suy thoái), thậm chí là rất nặng nề, nhưng việc họ trở thành OECD và NIES chứng minh rằng không phải mô hình tổng quát mà họ theo đuổi bị thất bại, mà chỉ bị thất bại mỗi khi trong các nền kinh tế ấy không đảm bảo được 3 đặc điểm chung nêu trên.
Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Việt Nam xây dựng tuy còn có những mặt cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nhưng nguyên tắc thị trường của hoạt động kinh tế thì cần được khẳng định như một trong những kết luận lý luận đã được thực tiễn kiểm định. Phát triển theo kịp bước tiến của thời đại về tư duy, về tri thức, là tiếp thu tinh hoa văn hóa tri thức của nhân loại, đồng thời đóng góp tri thức, văn hóa Việt Nam vào sự phát triển văn minh nhân loại.
Ba là, phát triển có hiệu suất
Muốn phát triển phải có nguồn lực. Nguồn lực có thể của ta tự có (đất đai, tài nguyên, con người, vốn liếng), có thể vay mượn từ bên ngoài, có thể do người nước ngoài mang đến làm ăn ở nước ta (kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài). Trong kinh tế học, nguồn lực bao giờ cũng khá hiếm, hữu hạn. Vì vậy, sử dụng nguồn lực để phát triển phải đảm bảo sao cho có hiệu suất cao nhất: mỗi đơn vị giá trị sử dụng ở đầu ra của sản phẩm tiêu tốn ít nhất các nguồn lực ở đầu vào để tạo ra nó.
Thực tế cho thấy rằng, có những nền kinh tế đã có được sự khởi đầu khá ấn tượng (tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, sự gia tăng của sản xuất công nghiệp cao, đời sống của dân cư được cải thiện rõ rệt, xã hội và chính trị ổn định ...), nhưng thời gian duy trì lại không được bao lâu. Sau một thời gian ngắn ngủi nền kinh tế tỏ ra “hụt hơi”, “mất đà”, tốc độ tăng trưởng chậm dần, thậm chí chuyển sang suy thoái và rơi và trạng thái thiểu năng. Đó là tình trạng phát triển không hiệu quả và không bền vững. Một trong những điểm cốt lõi của trạng huống này là nền kinh tế đã tăng trưởng không phải dựa trên tăng năng suất.
Vấn đề có hiệu suất không chỉ là yêu cầu mang tính kinh tế của sự phát triển. Nó còn là vấn đề thuộc về bản chất của phát triển bền vững, tức mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và con người với các nguồn tài nguyên và môi trường thiên nhiên.
Bốn là, phát triển vì con người
“Phát triển con người là mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế... Với tư cách là mục tiêu chứ không phải là một phương tiện, bản thân phát triển con người nhằm làm giàu cho cuộc sống con người”. (Phát triển con người-Từ quan niệm đến chiến lược và hành động. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1999, tr. 48). Trong điều kiện nạn đói nghèo còn tồn tại, tình trạng đói nghèo được giảm thiểu và những người vì bất kỳ lý do gì mà tạm thời bị cảnh ngộ đói nghèo sẽ không bị xã hội bỏ rơi còn là biểu hiện sự công bằng xã hội hay sự phát triển bền vững về mặt xã hội. Nhà kinh tế học cổ điển vĩ đại Adam Smith đã từng nói: “Không có xã hội nào có thể chắc chắn hưng thịnh và có hạnh phúc khi phần lớn người dân phải sống trong cảnh nghèo đói và khổ cực” (Adam Smith, 1776) (Trích lại từ: Michael P.Todaro: Kinh tế học cho thế giới thứ ba, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1998, tr.187.) Còn tổ chức Oxfarm thì cho rằng: “Nói thẳng ra, tình trạng nghèo khổ tràn lan không chỉ nói lên một nền kinh tế vô cùng kém hiệu lực mà còn là một sự vi phạm các quyền cơ bản”. (Báo cáo của Oxfarm International: Tăng trưởng với công bằng: Chương trình thảo luận về chủ đề xoá đói giảm nghèo tháng 9/1997, tr. 16.). Một cách khái quát, “Chiến lược phát triển bền vững... là sự hội tụ và thăng hoa của mọi tư tưởng tốt đẹp được lưu truyền hết đời nọ sang đời kia trong nhân thế. Chiến lược này, ngoài nguyên tắc chủ đạo về tính bền vững (sustainability), còn bao gồm 3 nguyên tắc về tính công bằng (faimess), nó vừa đòi hỏi sự công bằng cho người thế hệ này, vừa đòi hỏi sự công bằng cho các thế hệ sau; tính hài hoà (hamlony), một mặt là sự hài hoà giữa con người và giới tự nhiên, mặt khác là sự hài hoà (hoà mục) giữa người và người; tính cộng đồng (common), nó nhấn mạnh tính chỉnh thể của địa cầu và tính phụ thuộc lẫn nhau của loài người, muốn thực hiện mục tiêu chung của sự phát triển bền vững, cần áp dụng hành động liên hợp chung toàn cầu”. (Shu Yongqing: Xã hội loài người đi về đâu? Hồi cố và bình luận về thế kỷ XX. Viện Thông tin khoa học xã hội, (Tài liệu phục vụ nghiên cứu), Số TN 2002 – 76 & 77. Hà nội 2002; tr. 6).
Tóm lại, phát triến bền vững là sự phát triển mang tính tổng hợp với mục tiêu rõ ràng là vì con người, không chỉ là sự mở rộng cơ hội lựa chọn cho thế hệ hôm nay mà còn không được làm tổn hại đến những cơ hội lựa chọn của các thế hệ mai sau. Sự bền vững của phát triển được thể hiện cả ở khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là quá trình gia tăng phúc lợi cho các thế hệ con người bằng cách gia tăng tài sản, bao gồm tài sản vật chất, tài sản tài chính, tài sản con người, tài sản môi trường (nước sạch, không khí sạch, bãi cá, rừng cây, đất đai...) và tài sản xã hội (sự tin cậy lẫn nhau, khả năng liên kết, sự đảm bảo an ninh cho người và tài sản...).
Năm là, mở cửa, hội nhập để phát triển
Thực tiễn lịch sử cho đến nay chưa từng có ví dụ nào về phát triển bằng con đường biệt lập với phần còn lại của thế giới. Trước đây, những quốc gia đi tiên phong trên con đường CNH thì đi ra thế giới bằng bộ mặt của chủ nghĩa thực dân (xâm chiếm thuộc địa, vơ vét tài nguyên, mở rộng thị trường, cương vực...). Ngày nay, những nước đi sau không thể (và cũng không còn cơ hội) lặp lại con đường lịch sử đầy máu lửa ấy nữa. Nhưng họ có con đường học hỏi kinh nghiệm và du nhập các nguồn lực phát triển (vốn, công nghệ - kỹ thuật, tri thức quản lý nhân lực) để rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước với khoảng thời gian ngắn hơn con đường CNH cổ điển trước đây-“lợi thế của người đi sau”.
Sở dĩ những nước đi sau ngày nay có thể có được chút ít “lợi thế” là do những đặc điểm mang tính thời đại mang lại. Đó là xu thế tăng nhanh tiến trình toàn cầu hoá với những biểu hiện mới về chất.
Bất chấp những khó khăn, với tư cách là một xu thế tất yếu khách quan, tiến trình toàn cầu hoá vẫn tiếp tục gia tăng trên khắp mọi phương diện và đang có xu hướng chi phối quá trình vận động chung của kinh tế thế giới ngày nay được sự hỗ trợ của cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực điện tử thông tin - cùng với sự thắng thế của cơ chế thị trường mang tính toàn cầu - tạo ra sự thống nhất trong cơ chế xử lý các mối quan hệ kinh tế, trong đó có hai đặc điểm đáng lưu ý:
Một là, sự liên kết chức năng sản xuất đã gắn kết nền kinh tế toàn cầu lại và khiến cho biên giới kinh tế quốc gia ngày càng mờ nhạt. Điều này làm cho các chính sách kinh tế quốc gia ngày càng phải tính tới sự phối hợp với các yếu tố bên ngoài chứ không thể mang sắc thái độc lập (biệt lập) như trước. Chẳng những thế, các doanh nghiệp quốc gia giờ đây thường xuyên phải chịu sức ép cạnh tranh mang tính quốc tế, tức là cuộc cạnh tranh về thể chế đã bắt đầu. Thể chế quốc gia phải thích ứng nhiều hơn với toàn cầu hoá.
Hai là, trong điều kiện toàn cầu hoá tài chính, các quan hệ quốc tế chịu sự chi phối của chính sách tài chính - tiền tệ, mà chính sách này lại chịu sự chi phối của chính trị nên toàn cầu hoá không tách rời khỏi yếu tố chính trị. Trên thực tế, toàn cầu hoá ngày nay diễn ra cả dưới hình thức đấu tranh giữa nước với các thế lực tài chính khác nhau. Chính vì vậy, toàn cầu hoá tác động đến các nước khác nhau một cách không giống nhau. Việc đưa ra phương thức hợp tác trong đấu tranh để sao cho toàn cầu hoá đạt hiệu quả cao nhất với một quốc gia trở thành vấn đề chính sách chủ chốt.
Đặc điểm nổi trội của khía cạnh toàn cầu hoá tài chính đã mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH ở các nước đang phát triển. Mức độ thu hút FDI của Trung Quốc và thành công trong tăng trưởng kinh tế của họ 20 năm qua là một bằng chứng rất thuyết phục về điều này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á hồi cuối thập kỷ của thế kỷ trước và đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới hiện nay đang cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra do toàn cầu hoá tài chính mang lại. Vì vậy, một mặt, không vì rủi ro mà đứng ngoài dòng chảy toàn cầu hoá tài chính, vì đó là cơ hội đặc biệt của sự phát triển. Song mặt khác, cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa rủi ro với hai nội dung chủ chốt cũng được rút ra từ chính kinh nghiệm khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á là minh bạch hoá các hoạt động tài chính và tăng cường hành động tập thể ở khu vực và thế giới trong việc phối hợp chính sách phát triển kinh tế. Điều này ngụ ý rằng, sự an toàn nằm ở chính ngay sự hợp tác. Khi biến nền kinh tế quốc gia thành một phận của kinh tế thế giới thì nếu xảy ra "sự cố", một hành động tập thể chống sự bất ổn trở thành bắt buộc.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá tài chính hiện nay, các chiến lược công nghiệp hoá phải tính tới sự hoạt động của mạng lưới sản xuất đa quốc gia được hỗ trợ bởi mạng lưới thông tin Internet toàn cầu (chuỗi giá trị toàn cầu). Nghĩa là giờ đây phải thông qua việc gia nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu để thực hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia khi tiến hành công nghiệp hoá. Đó chính là cái mới, có sự khác biệt đáng kể với các quá trình công nghiệp hoá trước đây, khi mà sự phân công lao động quốc tế diễn ra chủ yếu qua việc cung cấp sản phẩm chứ chưa hoàn toàn là sự phân công lao động thông qua chuyên môn hoá chức năng (tổ chức) sản xuất theo hệ thống liên kết mạng.
Tóm lại, yếu tố quốc tế của quá trình phát triển không phải đến nay mới được nêu ra như một trong những nguyên tắc cơ bản. Kinh nghiệm lịch sử của bất kỳ một nước CNH muộn nào cũng đều gắn liền với yếu tố quốc tế với tư cách là một nguồn lực phát triển, một cái đích (ít ra là về mặt công nghệ, kỹ thuật) cần hướng tới và là một điều kiện quan trọng của CNH rút ngắn. Quá trình CNH của Việt Nam trong thời kỳ của cơ chế KHH tập trung cũng đã từng nhấn rất mạnh yếu tố trợ giúp từ bên ngoài. Nhưng có lẽ, trong những điều kiện mới của toàn cầu hoá, tính chất khẩn thiết, sống còn của sự hội nhập quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích nghi với sự biến đổi mau lẹ của tình hình kinh tế quốc tế đặt ra gay gắt hơn bao giờ hết. Cho dù biết trước rằng, những thách thức sẽ không nhỏ và có thể còn gia tăng, nhưng cơ hội cho sự phát triển càng nhiều và vấn đề là mở cửa, hội nhập để cùng phát triển.
Kết luận
Thời  kỳ đổi mới với tính chất đặc trưng nhất là sự thay đổi, biến động không ngừng về thể chế trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế KHH tập trung sang nền kinh tế thị trường (định hướng XHCN), chứa chất nguy cơ mất ổn định và tác động tiêu cực tới sự phát triển. Trong khi sự ổn định là tiền đề của phát triển, thì sự ổn định xét trên khía cạnh biện chứng của lịch sử lại chỉ thực sự đóng vai trò là tiền đề của phát triển lại chỉ có được khi nó là sự ổn định trong chính ngay sự phát triển. Điều đó có nghĩa là, nếu duy trì trạng thái ổn định theo kiểu "bất động”, giữ nguyên như cũ, thì sự ổn định đó chính là nguyên nhân dẫn đến mất ổn định, bởi nó mâu thuẫn với tính chất của thời kỳ đổi mới. Nhìn toàn cục, phát triển là nhân tố chủ đạo và sự ổn định cần được hiểu là phát triển ổn định, cho dù trong những thời điểm nhất định, do tình thế bắt buộc, các giải pháp ổn định cấp thời phải được quan tâm thỏa đáng, nhưng tính "thỏa đáng" của các giải pháp cấp thời chính là do biết dựa trên quan điểm phát triển dài hạn mà xử lý những hình huống ngắn hạn. Những phương hướng lớn để xử lý hài hòa quan hệ giữa ổn định và phát triển là phát triển cùng thời đại và theo kịp bước tiến của thời đạilà phát triển phải có hiệu suất, là phát triển phải vì con người và phải mở cửa, hội nhập để phát triển.

Nguồn tin: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.