Việt Nam có thể nằm trong nhóm "Châu Á 10"

Ngân hàng ANZ nêu nhận định này trong báo cáo về triển vọng hệ thống tài chính châu Á đến năm 2050.
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dẫn báo cáo dày 60 trang về triển vọng hệ thống tài chính châu Á của Ngân hàng ANZ cho rằng cuộc cách mạng tài chính ở châu Á đã bắt đầu, là “thế kỷ châu Á”, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
 
Đây là 1 trong chuỗi 5 báo cáo của ANZ insight  - những nghiên cứu về hoạt động thương mại kinh tế trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương của ANZ.
 
Theo báo cáo, đến năm 2050, châu Á sẽ là khu vực kinh tế lớn nhất thế giới. Vào giữa thế kỷ này, dự kiến châu Á sẽ chiếm khoảng một nửa GDP nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất châu Á và sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
 
ANZ cũng dự báo trong tiến trình "cất cánh" kinh tế của châu Á sẽ có sự chi phối của 10 nền kinh tế chính ở châu Á - “Châu Á 10”, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ là 10 nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến cả châu Á lẫn nền kinh tế toàn cầu.
 
10 nền kinh tế này đã có GDP gần 17.000 tỉ USD (chiếm 87% tổng GDP châu Á) và tổng dân số gần 3,3 tỉ người (chiếm 70% tổng số dân châu Á) vào năm 2012.
 
ANZ nhận định đến năm 2050, “Châu Á 10” dự kiến sẽ chiếm hơn 90% GDP của châu Á và hơn 75% dân số châu Á. Các nền kinh tế sẽ không chỉ thống trị châu Á. Bởi chính họ sẽ chiếm hơn một nửa GDP toàn cầu và chiếm gần 50% dân số tầng lớp trung lưu toàn cầu.
 
Tuy nhiên, ANZ cũng nhấn mạnh rằng, điều này chỉ đạt được trong điều kiện hết sức thuận lợi. Do đó, ngoài kịch bản lạc quan, ANZ cũng đưa ra một kịch bản kém lạc quan hơn, trong đó các nền kinh tế châu Á có thể vướng vào "bẫy" thu nhập trung bình.
 
Ở kịch bản này, ANZ đưa ra khả năng một số nền kinh tế tăng trưởng cao không thực hiện được việc vượt lên mức thu nhập trung bình do mất lực cải cách kinh tế và sức cạnh tranh.
 
Trong trường hợp này, các nền kinh tế châu Á sẽ vẫn phát triển, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với kịch bản lạc quan. Vì trên thực tế, trong số 101 quốc gia được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 nước có thể chuyển đổi được sang nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2008, và 10 nước thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình.
 
Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo ở mức 6,2% trong giai đoạn 2011-2020; 3,8% ở giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 2031-2040 tăng trưởng 3%; giai đoạn 2041-2050 tăng trưởng 3,1%.
Anh Kiên

Nguồn tin: Báo điện tử Chính phủ