Xây dựng đặc khu kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa

Đối với nhiều người, mặc dù các đặc khu kinh tế (ĐKKT) (hay KKT tự do) đã từng có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển kinh tế của những quốc gia áp dụng mô hình này, nhưng dường như đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Còn hôm nay, khi mà thế giới đang ngày càng “phẳng” hơn, tiến trình toàn cầu hóa đang ngày càng biểu hiện ra là xu thế không thể đảo ngược, khi mà mọi nguồn lực phát triển được tự do lưu chuyển, thì các KKT tự do xem như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử “dẫn dắt” kinh tế thế giới trên con đường đi đến tự do hóa thông qua những mô hình thực tế nhỏ gọn.
Thế nhưng, thực tế đã lại không, hay đúng hơn là chưa diễn ra theo kịch bản như vậy. Ngay trong thời đại toàn cầu hóa này, các ĐKKT vẫn đang tiếp tục ra đời và thành đạt, kể cả ở những nền kinh tế đã phát triển. Phải chăng, thể chế kinh tế thế giới hiện vẫn còn chưa đủ “tự do” nên các ĐKKT vẫn còn phát huy tác dụng? Hay phải chăng bản thân các ĐKKT cũng đang được làm mới lại cả từ quan niệm lẫn thực tiễn?

Các ĐKKT trên thế giới

Theo nghĩa rộng nhất, các ĐKKT (special economic zone - SEZ) hay KKT tự do (free economic zone – FEZ) bao gồm trong đó nhiều loại hình, gồm KKT tự do, cảng tự do, khu chế xuất, KKT mở, thành phố mở, khu thương mại tự do, ĐKKT…

Nếu không kể đến những quy định khác nhau mang tính tiểu tiết, thì về cơ bản các ĐKKT đều có chung đặc điểm là một phần lãnh thổ có những quy chế đặc biệt, khác biệt hẳn với các quy định cho cùng đối tượng đối với những phần còn lại của nền kinh tế, bao gồm mức độ tự do hóa trong quy định về chế độ thuế quan đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu, chế độ kiểm soát hải quan, chế độ quản lý hoạt động kinh doanh ở trong nội khu…, theo hướng tạo ra một sức hấp dẫn hơn hẳn các vùng khác nhằm thu hút các nguồn lực phát triển. Trên ý nghĩa này, có thể xem lịch sử hình thành các ĐKKT đã có từ rất xa xưa, thậm chí là từ thời cổ đại ở Trung Quốc và Hy Lạp. Trong thời cận đại, đã xuất hiện nhiều “cảng tự do” ở châu Âu và một hình thức độc đáo là “thương mại nhượng địa” của Nhật Bản. Ngày nay các ĐKKT (hay KKT tự do) phát triển ở khắp mọi nơi, cả các nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế chậm phát triển. Ước tính rằng, hiện có tới 3.000 KKT như vậy ở 116 nền kinh tế với khoảng 43 triệu người làm việc trong đó.

Khu kinh tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh)

Sự phát triển của các ĐKKT không chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế của riêng khu đó, mà có ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Đó là lợi ích chung của cả nền kinh tế ở góc độ tạo công ăn việc làm, thu hút các nguồn lực phát triển, mở rộng xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý, phát triển tổng hợp vùng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mức độ thành công của một ĐKKT về cơ bản được đo bằng mức độ tập trung các nguồn lực phát triển hiện có trên thế giới. Ngày nay, nhiều người cho rằng, sự hiện diện của số lượng các công ty hàng đầu trên thế giới - chẳng hạn, bao nhiêu trong số 500 công ty hàng đầu thế giới theo sự lựa chọn của Fobers đã có mặt tại khu, có thể xem là thước đo quan trọng bậc nhất về sự thành công của một ĐKKT!

Xét về bản thân các KKT, mức độ khuyến khích từ các chính sách do các chính phủ đưa ra tuy có những điểm khác nhau nhất định, song về cơ bản, mọi người đều biết rõ cách thức và nội dung chủ yếu của các chính sách ấy. Tinh thần chung là giảm thiểu mọi hàng rào ngăn cản các dòng di chuyển của các nguồn lực và hấp dẫn các nhà đầu tư. Cụ thể là:

- Giảm thiểu thuế quan, tự do trung chuyển hàng hóa;

- Đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp;

-  Đơn giản hóa các thủ tục hải quan;

- áp dụng các chính sách khuyến khích về tài chính (giảm hoặc miễn các loại thuế như thuế VAT, thuế thu nhập, thuế tài sản,…);

- Tự do hóa các dòng chảy vốn đầu tư, lợi nhuận…;

- Tạo thuận lợi trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng (cho thuê giá thấp, cung cấp dịch vụ giá rẻ,…);…

Tuy nhiên, mức độ thành công của các khu này không phải như nhau. Phần lớn các ĐKKT có tên tuổi trên thế giới đều nằm ở các vị trí ven biển, và/hoặc những giao điểm giao thông lớn, gồm cả đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Chính không gian kinh tế này tạo ra “độ mở’ cần thiết để các ĐKKT phát triển. Nhìn chung, các KKT thành công đều có các đặc điểm:

- Ví trí địa lý hấp dẫn;

- Kết cấu hạ tầng thuận lợi;

- Luật pháp và các chính sách rõ ràng, ổn định;

- Có nguồn lao động đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng;

- Có sự đảm bảo về xã hội và điều kiện làm việc;

- Chất lượng dịch vụ cao;

- Logistics;

- Hệ thống công nghệ thông tin tốt;

- Có sự hợp lực tốt giữa trong và ngoài KKT;

Điều kiện phát triển các ĐKKT ngày nay còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi quá trình toàn cầu hóa. Trong khi các nước đang phát triển rất cần thu hút vốn để tạo nhiều công ăn việc làm và thực hiện công nghiệp hóa, thì các công ty, tập đoàn kinh doanh lại cần đến những nơi hội đủ những ưu thế tổng hợp mang tính toàn cầu. Vì thế, phát triển hình thức ĐKKT vẫn sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Ngoài ra, các ĐKKT thành công trên thế giới đều dựa vào các thế mạnh nổi trội của mình mà tạo ra thương hiệu có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Trong số nhiều ví dụ để lại những bài học kinh nghiệm đáng suy nghĩ và hành động, có thể kể tới 3 ĐKKT rất ấn tượng trên thế giới trong vài thập kỷ gần đây, đó là Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (Các Tiểu vương quốc ả rập Thống nhất) và Incheon (Hàn Quốc).

Nằm cận kề Hồng Kông (và không xa Macau), với những quy định thể chế đặc biệt mang tính thể nghiệm để chuyển sang kinh tế thị trường, Thâm Quyến đã thu hút được phần lớn các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới và đạt tốc độ phát triển cực nhanh “Mỗi ngày một cao ốc, ba ngày một đại lộ”, quy mô lớn, rất hiện đại là những nét đặc trưng làm nên thương hiệu của ĐKKT ven biển Thâm Quyến.

Trong khi đó, ĐKKT ven biển Dubai lại đặc trưng bởi tốc độ phát triển nhanh và những kỷ lục, sự sang trọng và trình độ quốc tế về thể chế. Những kỷ lục mà Dubai đã xác lập phải kể đến: toà nhà cao nhất thế giới (tháp Burj Khalifa khởi công năm 2004, khánh thành 1/2010, gồm 164 tầng, cao 828 mét, vượt xa kỷ lục cũ của Tháp Taipei (101 tầng, 509 m); khách sạn sang trọng nhất thế giới (khách sạn 7 sao Burj Al Arab, khánh thành năm 1999, được mệnh danh là khách sạn hạng sang nhất thế giới, đồng thời là khách sạn cao nhất thế giới 321m; khu mua sắm lớn nhất thế giới (khu thương mại Downtown Burj Dubai trị giá 20 tỷ USD  có tháp Burj Khalifa là trung tâm, nơi có 30.000 căn hộ và khu siêu thị lớn nhất thế giới Dubai Mall với 1.200 cửa hàng);  các đảo nhân tạo lớn nhất thế giới (gồm 3 đảo hình cây cọ: The Palm Jumeirah,  The Palm Jebel Ali, The Palm Deira và 1 đảo hình bản đồ thế giới: The World);…

KKT tự do Incheon (Hàn Quốc), nằm cách Thủ đô Seoul khoảng 1 giờ xe car, có diện tích 209 km2 (bằng 1/3 Seoul hay Singapore), được xây dựng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng thành trung tâm dịch vụ hậu cần (logistics), kinh doanh, nghỉ dưỡng và du lịch quốc tế của cả vùng Đông Bắc á. Việc thiết kế KKT tự do với những tiêu chuẩn hiện đại nhất thế giới nhằm mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài là một sự đột phá về chính sách của Hàn Quốc, chỉ xuất hiện trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu á hồi năm 1997-1998. (Trước đây, Hàn Quốc rất hạn chế thu hút FDI). Có thể nói, dựa vào lợi thế sẵn có, có quy hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể, tư duy toàn cầu, hướng tới hiện đại nhằm thu hút FDI là những nét đặc trưng thương hiệu của ĐKKT ven biển Incheon.

Qua thực tế các ĐKKT thành công nêu trên, có thể rút ra một số nhận xét và từ đó, nêu ra các kiến nghị sau:

- Thứ nhất: hình thức KKT tự do nhằm tạo thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế lớn hội tụ và hoạt động trong điều kiện toàn cầu hóa không những không mất đi, mà vẫn tiếp tục có sức hấp dẫn lớn và tạo ra những đột phá lớn cả về quy mô kinh tế lẫn bố trí không gian lãnh thổ.

- Hai là, các KKT nói chung và KKT tự do nói riêng đều tập trung khai thác triệt để các thế mạnh, nhất là về vị trí địa lý (khu vực ven biển, giao thông thuận lợi...), về các điều kiện kinh tế - xã hội (gần hoặc trong phạm vi một thành phố, có nguồn nhân lực tốt, thị trường tốt....).

- Ba là, các KKT tự do thành công đều có chung những điểm sau: thể chế hiện đại, áp dụng luật pháp quốc tế, nguồn lực phát triển đa dạng và mức độ tập trung cao, thời gian xây dựng ngắn, trở thành nơi hội tụ của đông đảo các công ty hàng đầu thế giới.

Xúc tiến xây dựng ĐKKT ở Việt Nam

Các đề xuất ý tưởng về việc xây dựng ĐKKT ở Việt Nam đã được đề cập đến từ khá lâu và cũng đã được ghi trong các văn liệu chính thức của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, đến nay Việt Nam mới chỉ có hình thức KKT (gồm 15 KKT ven biển và 28 KKT cửa khẩu); chưa có ĐKKT nào. Việc lựa chọn Vân Đồn (Quảng Ninh) làm nơi khởi phát gắn với việc khai thác tiềm năng du lịch độc đáo của Vịnh Hạ Long - nơi hai lần được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và Vịnh Bái Tử Long; lại nằm trên tuyến hai hành lang – một vành đai kinh tế ven biển Việt Nam - Trung Quốc, có thể coi là một lợi thế có thể tạo ra sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, việc hình thành một ĐKKT với thể chế kinh tế có sức cạnh tranh quốc tế trong điều kiện hiện nay là một công việc mang tính đột phá nên đòi hỏi quyết tâm cao. Từ bài học kinh nghiệm về cách làm của các ĐKKT thành công trên thế giới, cần lưu tâm một số vấn đề lớn sau:

- Một là, cần có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, nhất quán từ trung ương. Mặc dù việc thừa hành có thể ủy thác cho chính quyền địa phương, nhưng xét về tính chất và tầm vóc thì luôn là vấn đề quốc gia.

- Hai là, hình thức đặc khu luôn hàm nghĩa “vượt” luật hiện hành, cả về những quy định pháp lý thuần túy về kinh tế lẫn mô hình tổ chức quản lý hành chính và xã hội. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật về ĐKKT (hoặc Luật đặc biệt cho từng đặc khu). Việc xây dựng Luật này không nhất thiết phải tự làm từ đầu, mà với tư cách của người đi sau, có thể và nên tham khảo, vận dụng Luật ĐKKT của những nước đi trước.

- Ba là, thước đo quan trọng nhất trong quá trình hình thành đặc khu là sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư lớn trên thế giới, trước hết là trên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp theo là các nhà kinh doanh khai thác các thế mạnh, lợi thế sẵn có của đặc khu. Vì vậy, công tác tiếp thị, xúc tiến đầu tư… có ý nghĩa quan trọng.

- Bốn là, sớm hình thành bộ máy triển khai khởi sự công việc với đội ngũ các chuyên gia có năng lực và chuẩn bị nguồn nhân lực đạt trình độ đẳng cấp quốc tế cho sự vận hành trong tương lai là điều kiện không thể thiếu đối với sự ra đời và phát triển của ĐKKT.

 PGS. TS. Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn tin: Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam