Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2018 ước tính tăng 20,9%

Thứ năm - 08/02/2018 10:21
(MPI) - Theo Báo cáo số 07/BC-TCTK ngày 29/01/2018 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2018 ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đóng góp 17,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,4%, đóng góp 1 điểm phần trăm; Ngành khai khoáng tăng 10,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm; Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong tháng 01/2018, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm 2017: Khai thác quặng kim loại tăng 52,5%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38%; Khai thác than cứng và than non tăng 29,1%; Sản xuất kim loại tăng 27,1%; Sản xuất trang phục tăng 25,8%; Dệt tăng 23%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,3%; Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 4,7%; Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 0,9%; Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 3%; Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 22,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 01/2018 tăng cao so với cùng kỳ năm 2017: Tivi tăng 62,9%; Sữa bột tăng 51%; Sữa tắm, sữa rửa mặt tăng 34,1%; Vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 33,8%; Xi măng tăng 29,7%; Sắt, thép thô tăng 28,4%; Than đá tăng 27,1%; Sơn hóa học tăng 24,6%; Thép thanh, thép góc tăng 24,1%; Khí đốt thiên nhiên tăng 22,1%; Bia tăng 21,5%; Thuốc lá điếu tăng 21,2%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Bột ngọt tăng 4,3%; Giày, dép da tăng 3,9%; Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 3,4%; Dầu gội đầu, dầu xả tăng 1,9%; Thức ăn cho gia súc bằng cùng kỳ năm 2017; Phân u rê giảm 8,6%; Dầu thô khai thác giảm 10,6%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2018 so với cùng kỳ năm 2017 của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Đà Nẵng tăng 48,7%; Bắc Ninh tăng 47,2% tập trung ở sản xuất các sản phẩm và linh kiện điện tử xuất khẩu toàn cầu; Hải Phòng tăng 31,3%; Quảng Ninh tăng 29%; Quảng Nam tăng 26,3%; Vĩnh Phúc tăng 24,5%; Bình Dương tăng 24,2%; Hải Dương tăng 19,5%; Thái Nguyên tăng 15,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15%; Hà Nội tăng 14,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,1%; Đồng Nai tăng 8,8%; Cần Thơ tăng 8,7%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2018 tăng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2017, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,3%; Doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 2,4%; Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,8%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 3% so với cùng thời điểm năm 2017; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; Ngành sản xuất, phân phối điện giảm 0,4%; Ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,7%.

Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2018 so với cùng thời điểm năm 2017 của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 20,3%; Thái Nguyên tăng 10,2%; Hải Phòng tăng 9,9%; Vĩnh Phúc tăng 8,8%; Cần Thơ tăng 8,1%; Bình Dương tăng 6,8%; Hải Dương tăng 6%; Quảng Nam tăng 3,4%; Đồng Nai tăng 3%; Đà Nẵng tăng 2%; Hà Nội tăng 1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,4%; Quảng Ninh giảm 3%./.

Nguồn tin: Minh Hậu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn