Các đối tác phát triển cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam

Thứ năm - 05/12/2013 01:43
Các đối tác cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế, nguồn nhân lực và tăng cường năng lực quản lý.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2013, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Trong 20 năm đồng hành hợp tác phát triển, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã dành cho Việt Nam nguồn lực to lớn để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển và đổi mới đất nước.

 

 


Thông báo với các đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Việt Nam đã giữ vững tình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Từ năm 2011-2013, Việt Nam đã kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. 

Trong 3 năm qua, xuất khẩu liên tục tăng cao, 11 tháng năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121 tỷ USD, tăng 12,6%; nhập siêu giảm mạnh, năm 2013 chỉ còn khoảng 500 triệu USD. Vốn ODA ký kết và giải ngân đạt kết quả khá,  11 tháng năm 2013 giải ngân trên 4 tỷ USD tăng 13,5%; tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh, đạt gần 21 tỷ USD tăng 54,2%, số vốn giải ngân đạt khoảng 11,5 tỷ USD.

Tại Diễn đàn, bà Victoria Kwawa cho rằng, trong khi chúng ta đang họp ở đây thì nền kinh tế thế giới đã ổn định hơn thời điểm chúng ta nhóm họp lần trước, nhưng quá trình hồi phục vẫn còn chậm. Tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó bao gồm vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, là vấn đề cơ bản nếu Việt Nam muốn tận dụng tối đa đà phục hồi toàn cầu và từ quá trình hòa nhập kinh tế với ASEAN, TPP, EU và trong khuôn khổ các hiệp định thương mại song phương khác.

Nhưng theo bà Kwawa, tăng trưởng vẫn còn chậm chạp. tác động của khu vực đầu tư nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã bị giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và DN còn thấp và do khu vực kinh tế quốc doanh còn trì trệ.

“Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính, ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế. Đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN và khu vực tài chính sẽ giúp khôi phục năng lực cạnh tranh và tăng trưởng về lâu dài” – bà Kwawa nói.

Các đối tác cam kết tiếp tục hỗ trợ

Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam đã kiềm chế thành công lạm phát, tăng được dự trữ ngoại hối nhưng những tiến bộ với sự ổn định vĩ mô vẫn cần được thúc đẩy hơn nữa. Những nỗ lực ổn định vĩ mô, cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm. ADB khuyến khích chính phủ tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia cải cách. Như Trong cải cách DNNN, Chính phủ phải tham gia nhiều hơn vào cải cách khối DNNN. ADB cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.
 

 

 

Đại sứ EU cho biết: EU hỗ trợ Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Thời gian tới, EU cũng cam kết tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt trong việc tăng cường hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Việt Nam. EU cũng ghi nhận những thành tựu Việt Nam đạt được trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước, trong đó có các nước trong EU. Hiện nay, xuất khẩu sang EU chiếm tới 8% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì thế, EU muốn thấy rõ hơn cam kết của Việt Nam để tăng tỷ trọng này thời gian tới.

Đại sứ EU cũng khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các địa phương của Việt Nam để thúc đẩy cải cách, đảm bảo hiệu quả đầu tư công, làm thế nào để việc đầu tư, mua sắm công có hiệu quả”.

Đại sứ Nhật Bản cũng bày tỏ cam kết trong việc tăng cường các nỗ lực, hỗ trợ Việt Nam nhằm cải cách kinh tế.

“Những năm gần đây, chúng tôi thấy có tiến triển đạt được trong thực hiện các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số dự án triển khai chậm, trong đó có các dự án có vốn của của Nhật Bản. ODA là một cấu phần quan trọng trong FDI của Việt Nam. Chúng tôi quan ngại về việc triển khai thủ tục thực hiện dự án ODA” – Đại sứ Nhật Bản nói.

Đại sứ Nhật Bản cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực.

Cùng chung cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, đại diện Chính phủ Hàn Quốc khẳng định tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với công cuộc CNH-HĐH mà Việt Nam đặt mục tiêu đạt được vào năm 2020.

Hàn Quốc cam kết đóng góp vào việc phát triển của VN. Dù các thách thức kinh tế ở khu vực và toàn cầu nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng, thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, một băn khoăn mà đại diện Hàn Quốc đưa ra là “Làm thế nào tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nước ngoài”.

Việt Nam đang thực hiện một số mục tiêu, đương đầu với những thách thức để đạt mục tiêu là nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, từ nay tới 2020, Việt Nam phải tạo bước đột phá như tăng thu nhập, phát triển nhân lực, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Đây là lúc Việt Nam cần tập trung chiến lược vào thực hiện các nhiệm vụ chiến lược cho những lĩnh vực thiết yếu. “Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Việt Nam” – đại diện Hàn Quốc nói.

Vị đại diện này nói, sau những thập kỷ chiến tranh ác liệt, Hàn Quốc có những biện pháp quyết liệt phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn thách thức về tài chính, xây dựng hạ tầng. Bước đột phá nữa là thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp, sự tham gia của cộng đồng vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ Hàn Quốc cũng chú trọng đến phát triển nhân lực, đào tạo nghề bằng việc thành lập nhiều trung tâm dạy nghê; ứng dụng KHCN vào quá trình phát triển.

Nhờ những cải cách kinh tế cuối 80, Hàn Quốc đã vươn lên thành nước phát triển. “Chúng tôi mong muốn hợp tác để tạo những bước phát triển cho Việt Nam. Việt Nam là một trong những đối tác phát triển chiến lược của Hàn Quốc. Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi mong muốn Việt Nam xây dựng chiến lược thúc đẩy phát triển nhân lực, tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo môi trường” – đại diện Hàn Quốc nói.

Đại sứ Canada bày tỏ sự hoan nghênh với những hành động của Chính phủ trong thúc đẩy cải cách khu vực DNNN, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng để bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

“Việt Nam cũng đã trải qua quá trình chuyển đổi lớn lao trong hơn 20 năm qua. Sự đóng góp của cộng đồng các nhà tài trợ thời gian qua khá quan trọng đổi với sự chuyển đổi này. Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi. Hy vọng, các nhà tài trợ được tham gia sâu hơn vào đối thoại với Chính phủ”- Đại sứ Canada nói./.

Vũ Hạnh

Nguồn tin: VOV online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1

Hôm nayHôm nay : 461

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12845

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3840209