Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Thứ hai - 17/07/2017 02:51
(MPI) – Ngày 11/7/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 5610/BKHĐT-TH gửi các Bộ ngành Trung ương và địa phương khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Theo Công văn, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 căn cứ trên đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và mục tiêu tổng quát, các nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 quy định tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (Chỉ thị số 29/CT-TTg), xây dựng mục tiêu phát triển, các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn, nhiệm vụ và định hướng phát triển, giải pháp thực hiện của ngành, địa phương trong năm 2018. Đối với các chỉ tiêu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 phải phù hợp với hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó lưu ý chỉ đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu, có phương pháp tính toán rõ ràng, có khả năng thu thập được, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của ngành, địa phương và quốc gia.

Dự kiến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,4 - 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 9,0 - 10,0% so với năm 2017; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3,0%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33,5 - 35% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1,0 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4% theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020, thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Lao động qua đào tạo đạt 58 - 60%, trong đó: Lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo 23 - 23,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 26 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%, khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88% và che phủ rừng đạt 41,65%.
Dự kiến một số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2018 như sau: Về lao động và việc làm: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên dự kiến khoảng 56,8 triệu người; Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong nền kinh tế quốc dân dự kiến là 55,9 triệu người. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp dự kiến là 40%; Công nghiệp và xây dựng là 26%; Dịch vụ là 34%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Về cân đối thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu cân đối NSNN dự kiến là 1.356,8 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 1.551 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến bằng khoảng 194,250 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,5% GDP).
Về cân đối vốn đầu tư phát triển, dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.841 - 1.945 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 33,5 - 35% GDP. Trong đó: Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bao gồm: vốn trái phiếu Chính phủ, bội chi ngân sách địa phương, xổ số kiến thiết và vốn từ nguồn thu từ tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp) khoảng 400 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,6 - 21,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn đầu t¬¬ư trực tiếp nư¬¬ớc ngoài năm 2018 dự kiến tổng vốn đăng ký là 26 - 27 tỷ USD, dự kiến thực hiện khoảng 19 - 19,5 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đầu tư trực tiếp khoảng 16,5 tỷ USD và vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần khoảng 2,5 - 3 tỷ USD. Dự kiến ký kết hiệp định vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2018 khoảng 3,7 - 4 tỷ USD, giải ngân của nguồn dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD. Xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 218 - 220 tỷ USD, tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2017; Nhập khẩu khoảng 224,5 – 226,5 tỷ USD, tăng khoảng 9,5 - 10,5%. Nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 3%. Nhu cầu điện dự kiến tăng khoảng 11,4% so với năm 2017, điện sản xuất và mua năm 2018 khoảng 219,52 tỷ kWh. Dự kiến kế hoạch gieo trồng cả nước là 7,7 triệu ha. Sản lượng lúa dự kiến đạt 43,7 triệu tấn, trong đó: Tiêu dùng trong nước khoảng 31,7 triệu tấn xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.
Với các mục tiêu trên, nhiệm vụ định hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu trong năm 2018 trong đó tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát; Đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tăng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động; Tiếp tục thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Thúc đẩy tăng trưởng các ngành/lĩnh vực gắn với phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, chú trọng hiệu quả phát triển, hướng tới phát triển kinh tế xanh góp phần thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế và thực hiện phát triển bền vững; Phát triển hệ thống an sinh xã hội và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; Thông tin truyền thông.
Về nội dung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương căn cứ vào Chỉ thị số 29/CT-TTg và Khung hướng dẫn kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trong đó lưu ý một số nội dung: Đánh giá và ước tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của ngành, địa phương, bao gồm: Tình hình triển khai thực hiện kế hoạch; Các kết quả đạt được; Tồn tại và khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, cập nhật tình hình đến thời điểm báo cáo; Phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; Ước cả năm 2017; Đề xuất các giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm. Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng và cập nhật tình hình đến thời điểm báo cáo, ước thực hiện cả năm đối với chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 23/2016/QH14 ngày 07/11/2016 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 Chính phủ đã trình Quốc hội.
Thực hiện Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về xây dựng và tổng hợp kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2018 - 2020 các ngành, các cấp. Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu trong thời gian 03 năm 2018 - 2020 gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2018 - 2020 cấp quốc gia. Kèm theo nội dung báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu trong thời gian 03 năm 2018 – 2020.
Theo Công văn, về tiến độ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu quy trình, tiến độ và nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương được thực hiện theo Chỉ thị số 29/CT-TTg. Trong tháng 7/2017, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương hướng dẫn cơ quan, đơn vị cấp dưới xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo quy định tại Chỉ thị số 29/CT-TTg và hướng dẫn tại Khung hướng dẫn này; Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Bộ, ngành và địa phương mình, gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong tháng 8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức làm việc để thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương và tiến hành tổng hợp Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của cả nước. Trước ngày 10/9/2017, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trước ngày 20/9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 để Chính phủ cho ý kiến, hoàn chỉnh, trình Quốc hội theo quy định. Trong tháng 12/2017, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cho các Bộ, ngành Trung ương và địa phương./.

Mai Phương

Nguồn tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3

Hôm nayHôm nay : 577

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10611

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3823010