Thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Thứ hai - 30/06/2014 03:56
Ngày 25/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Chủ tịch hội đồng thẩm định đã chủ trì phiên họp Hội đồng để thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Tại buổi họp, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) đã báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (vùng KTTĐ miền Trung) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo Dự thảo, vùng KTTĐ miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng đối với cả khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Vùng có vị trí thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa, đồng thời là điểm trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ ra biển thuận lợi của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia thông qua Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng đạt khoảng 8%/năm giai đoạn 2011 – 2015 và khoảng 9%/năm giai đoạn 2016 – 2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 80 triệu đồng (tương đương 3.600 USD), bằng khoảng 1,1 – 1,2 lần mức bình quân đầu người của cả nước. Định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2030 đạt bình quân khoảng 9%; GDP gấp 2,5 lần năm 2020, thu nhập bình quân đầu người vượt 10.000 USD; Tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm trên 50% trong cơ cấu GDP…

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, cần tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cụ thể, đẩy mạnh cải cách hành chính ở từng địa phương trong Vùng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước, cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Về nguồn nhân lực, cần lập kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp đủ sức tiếp cận những tiến bộ mới về khoa học quản lý, công nghệ mới, nâng cao khả năng dự báo và tiếp cận với thị trường để chủ động hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa. Ưu tiên cho các dự án khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng. Kết hợp việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến về giống cây trồng và vật nuôi, kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các ngành then chốt và các sản phẩm mũi nhọn của Vùng.

 

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Về giải pháp tăng cường hợp tác và phát triển thị trường, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong chỉ đạo điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch và triển khai các dự án trên lãnh thổ Vùng. Tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong Vùng về lĩnh vực xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; sử dụng chung kết cấu hạ tầng về công nghiệp, xử lý chất thải rắn, nước thải, cấp nước, chợ đầu mối…; phối hợp tuyên truyền và quảng bá du lịch, hình thành các tour du lịch; tăng cường khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường…

 

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, nội dung Dự thảo quy hoạch cơ bản đã được các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua. Để hoàn thiện Dự thảo, đề nghị Viện Chiến lược phát triển tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành; đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung các văn bản pháp lý có liên quan và cập nhật tình hình kinh tế thế giới; đồng thời làm rõ những lợi thế và thách thức của vùng so với các vùng khác./.


 

Thúy Quyên 


Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1

Hôm nayHôm nay : 151

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12201

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3839565