Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững Việt Nam

Thứ ba - 25/07/2017 22:53
(MPI) - Thực hiện cam kết về Phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững
 
Toàn cảnh Hội nghị Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững diễn ra ngày 07/7/2017. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Hội nghị thượng định của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25-29/9/2015 với 193 quốc gia tham dự đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững với Khung kết quả của Chương trình Nghị sự 2030 gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể. Nhằm theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện các mục tiêu trên, Hội đồng Thống kê Liên hợp quốc đã thông qua Quyết định số 48/101 về Khung chỉ tiêu toàn cầu gồm 232 chỉ tiêu.

Tại Việt Nam, thực hiện Quyết định số 622/QĐ-TTg, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định phạm vi của Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam gồm: Các chỉ tiêu phục vụ theo dõi, đánh giá Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Các chỉ tiêu thuộc Khung theo dõi, giám sát toàn cầu do Ủy ban kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc ban hành mà Việt Nam có khả năng thu thập, tổng hợp phục vụ đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Cùng với đó, để đánh giá tính khả thi của chỉ tiêu thuộc Khung theo dõi, giám sát toàn cầu tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê cùng chuyên gia quốc tế đã làm việc với các Bộ, ngành có liên quan để rà soát tính khả thi của các chỉ tiêu thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành. Kết quả rà soát tính khả thi của 232 chỉ tiêu thống kê trong Khung giám sát toàn cầu cho thấy: 129 chỉ tiêu có tính khả thi, trong đó: 93 chỉ tiêu có số liệu cơ sở (13 chỉ tiêu có sẵn số liệu trong các niên giám thống kê; 80 chỉ tiêu số liệu phải tính toán, khai thác từ kết quả các cuộc điều tra, chế độ báo cáo và hồ sơ hành chính hiện hành). 36 chỉ tiêu chưa có số liệu cơ sở (để có số liệu của các chỉ tiêu này cần phải lồng ghép việc thu thập dữ liệu vào các cuộc điều tra hiện hành, chế độ báo cáo hoặc hồ sơ hành chính).

Trong đó, có 08 chỉ tiêu không áp dụng được ở Việt Nam (các chỉ tiêu áp dụng đối với các nước kém phát triển, quốc đảo nhỏ, một số chỉ tiêu tính cho phạm vi toàn cầu). 95 chỉ tiêu chưa thể áp dụng được ở Việt Nam gồm: 38 chỉ tiêu chưa xác định được phương pháp luận; Các chỉ tiêu cần phải nghiên cứu, điều chỉnh khái niệm, nội dung, phương pháp tính cho phù hợp; Các chỉ tiêu thu thập thông tin qua các hình thức thu thập mới như: dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn.

Các chỉ tiêu có tính khả thi tập trung nhiều trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm. Các chỉ tiêu chưa thể áp dụng tập trung nhiều trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và nông thôn… và việc phân tổ chi tiết khó thu thập, tổng hợp chủ yếu tập trung vào các phân tổ theo tình trạng khuyết tật, dân tộc và phân tổ theo vị trí địa lý.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê còn nghiên cứu các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành của Việt Nam có liên quan đến phát triển triển bền vững như Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; Hệ thống chỉ tiêu thống kê của các Bộ, ngành… và dự thảo lần 1 danh mục Bộ chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững của Việt Nam.

Để theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cung cấp những bằng chứng thực tiễn xác thực về quá trình này, Tổng cục Thống kê kiến nghị: các Bộ, ngành nâng cao năng lực và hoàn thiện Tổ chức thống kê Bộ, ngành; Đẩy mạnh thu thập dữ liệu phục vụ cho việc theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, 22 Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê trong quá trình quốc gia hóa, chuẩn hóa các chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững; Đẩy mạnh việc thu thập dữ liệu thống kê về phát triển bền vững được phân công, đặc biệt là việc sử dụng dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 9/2018./.

Minh Hậu

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2

Hôm nayHôm nay : 345

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13083

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3840447