Đổi mới công tác lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2018

Thứ tư - 16/08/2017 22:22
(MPI) - Công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của Chính phủ và của các địa phương. Năm 2018 là năm bản lề của giai đoạn 2016 - 2020 càng đòi hỏi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương càng phải có tính logic, khả thi, phù hợp với diễn biến thực tế và tính đến các dự báo trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu chủ trì Hội nghị về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2018 với các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long ngày 14/8/2017, tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: MPI

Hiện nay, công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Nội dung kế hoạch ở nhiều địa phương chưa bám sát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch không gian, chưa nêu rõ được sự phối hợp phát triển vùng; Còn xung đột về mục tiêu về một số lĩnh vực và trong một lĩnh vực. Nguồn nhân lực có chuyên môn, được đào tạo chính quy từ nhóm chuyên ngành liên quan đến công tác kế hoạch còn ít…

Tại Phiên họp thường trực Chính phủ ngày 12/8/2017, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần phải có những giải pháp, quyết tâm, có những đột phá, quyết liệt hơn ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn để đóng góp cho tăng trưởng.

Nằm trong chuỗi các nỗ lực để kích thích tăng trưởng, trong những ngày tháng 8 năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2018 với các Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Những đổi mới trong công tác lập kế hoạch là điều dễ nhận thấy nhất tại các Hội nghị lần này.

Thứ nhất, việc đổi mới công tác lập, theo dõi, đánh giá và thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công trung hạn và hằng năm tuân thủ theo đúng tinh thần Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công Chính phủ và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Việc đổi mới công tác kế hoạch bao gồm đổi mới về nội dung, phương pháp, quy trình xây dựng, theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch; xây dựng hệ thống thông tin kế hoạch và đầu tư; bảo đảm phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ trong quản lý vốn đầu tư phát triển để gắn mục tiêu của kế hoạch và nguồn lực tài chính cho thực hiện kế hoạch.

Thứ hai, trong quá trình đổi mới của nền kinh tế, đòi hỏi công tác lập kế hoạch cũng phải chuyển biến thích hợp, gắn kết chặt chẽ với đầu tư công. Đó là kế hoạch mới phải bảo đảm được các nguyên tắc: tập trung dân chủ; Có tính đến yếu tố thị trường và khả năng triển khai linh hoạt, mềm dẻo.

Thứ ba, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sử dụng hệ thống thông tin trực tuyến để quản lý và giao vốn năm 2018 giúp giảm thiểu được thủ tục hành chính và thời gian, sai sót trong quá trình làm kế hoạch đầu tư công hàng năm. Hệ thống thông tin trực tuyến liên tục được cập nhật, lưu trữ các thông tin tổng hợp về việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công của Bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, Bộ thường xuyên hướng dẫn chi tiết các Bộ, ngành và địa phương sử dụng Hệ thống, áp dụng ngay cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công năm 2018 và các năm tiếp theo.

Thứ tư, tổ chức triển khai thực hiện với các mô hình hay và cách làm mới. Đơn cử như, thay bằng làm việc với từng địa phương như trước, thì năm nay chọn cách làm việc theo vùng (Miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long). Việc tổ chức họp bảo vệ kế hoạch theo vùng để tạo cơ hội cho các địa phương được lắng nghe về nhau, thấu hiểu những vướng mắc, khó khăn để cùng nhau tìm cách tháo gỡ và thống nhất.

“Thay đổi căn bản công tác lập kế hoạch, nhất là kế hoạch đầu tư trung hạn đòi hỏi sự dám nghĩ, dám làm và cốt lõi là cần phải đổi mới tư duy từ những việc nhỏ nhất trong đầu tư phát triển, trong điều hành đất nước để gắn kết các địa phương vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế, đảm bảo đất nước có một nền kinh tế tự chủ” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Và đây chính là một đòi hỏi tự thân không chỉ đối với riêng ngành Kế hoạch và Đầu tư, mà còn đối với toàn nền kinh tế./.

Phan Thị Thùy Trâm

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2

Hôm nayHôm nay : 372

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13110

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3840474