Góp sức tạo bước đột phá chiến lược để phát triển đất nước

Thứ hai - 14/04/2014 03:08
Viện Chiến lược phát triển (trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia, được thành lập năm 1964. Trải qua chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, Viện đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Chính phủ xây dựng và triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước.
Trong bối cảnh nước ta đang đứng trước yêu cầu cải cách và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, đội ngũ nhân viên, các nhà khoa học của Viện đang tiếp tục nỗ lực khơi nguồn trí tuệ, góp sức tạo bước đột phá đổi mới tư duy phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược tới.

Nửa thế kỷ và những dấu ấn đáng nhớ

Viện Chiến lược phát triển trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được hình thành trên cơ sở tiền thân là hai Vụ của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước: Vụ Tổng hợp kế hoạch kinh tế quốc dân dài hạn và Vụ Kế hoạch phân vùng kinh tế. Hai Vụ này được thành lập theo Quyết định số 47-CP ngày 09/3/1964 của Hội đồng Chính phủ, đến năm 1988 được tổ chức lại thành Viện Kế hoạch dài hạn và phân bố lực lượng sản xuất, năm 1994 được đổi tên thành Viện Chiến lược phát triển.   

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển với tên gọi khác nhau, nhưng nhiệm vụ bao trùm các chặng đường lịch sử của Viện Chiến lược phát triển là nghiên cứu chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các vùng lãnh thổ và các ngành, làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và hằng năm. Từ hai Vụ ban đầu (1964) với biên chế 24 người, nay đã trở thành một Tổ chức sự nghiệp khoa học cấp Quốc gia, với tổng số cán bộ, viên chức chức là 150 người, trong đó có 2 Phó Giáo sư, 11 tiến sỹ, 60 thạc sỹ và hơn 50 cử nhân, kỹ sư, có khả năng chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp trên giao và đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

50 năm hoạt động, Viện Chiến lược phát triển đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển, thống nhất đất nước thời kỳ trước năm 1975 và sự nghiệp cải cách, đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước những thập kỷ gần đây. Những năm 1964-1969, Viện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phân vùng kinh tế nông - lâm nghiệp miền Bắc Việt Nam”. Sau khi nước nhà thống nhất, từ năm 1976-1978, Viện đã triển khai công tác phân vùng quy hoạch kinh tế trên phạm vi cả nước. Một dấu mốc đáng nhớ là trong giai đoạn 1978-1988, với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô cũ, Viện đã tiến hành xây dựng “Tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất trên phạm vi cả nước thời kỳ 1986-2000”.

Về nghiên cứu chiến lược và kế hoạch dài hạn, trong giai đoạn 1964-1975, Viện đã triển khai hàng loạt nghiên cứu về triển vọng dài hạn và kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Trong đó, đáng chú ý có bản “Chiến lược kinh tế hậu chiến”, đã trình Bộ Chính trị và báo cáo Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tiếp đó, trong các năm 1976-1990, Viện đã Chủ trì tổ chức xây dựng các kế hoạch 5 năm trình Đại hội Đảng, phục vụ quá trình khôi phục và phát triển đất nước trong điều kiện cả nước thống nhất và đi lên CNXH.

Bước sang thời kỳ đổi mới, kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986, Viện Chiến lược phát triển đã tham gia vào nhiều khâu quan trọng trong quá trình xây dựng tất cả các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trình Đại hội Đảng, như: Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020…

Về công tác quy hoạch, Viện cũng có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng các văn bản phục vụ quản lý Nhà nước về quy hoạch; nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng các quy hoạch. Ngoài ra, Viện còn thực hiện tốt các nhiệm vụ khác như: nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với hang trăm công trình, đầu sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao; đào tạo tiến sĩ; mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, trung tâm nghiên cứu uy tín của thế giới như: Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Viện phát triển quốc tế thuộc Trường Đại học Harvard Mỹ (HIID); Viện phát triển Hàn Quốc (KDI)…

Góp sức vì các đột phá chiến lược

Trong bối cảnh đất nước đã trải qua chặng đường phát triển gần 30 năm đổi mới, đứng trước cơ hội lớn và cả những thách thức lớn, thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, tạo không gian và động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, CNH, HĐH đất nước, tập thể cán bộ, nhân viên, nhà khoa học của Viện Chiến lược phát triển lại tiếp tục nỗ lực hết mình góp sức sáng tạo, tham mưu để Bộ KHĐT đề xuất và thực hiện các quan điểm phát triển mới, các đột phá chiến lược. Đồng thời, chủ trì nhiều báo cáo, chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Năm 2013, Viện được giao chủ trì xây dựng Báo cáo “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, trình Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương 8, khoá XI (tháng 10/2013). Sau đó, Viện tiếp tục chủ trì một báo cáo tương tự, cũng trình QH trong năm 2013. Ngoài ra, Viện còn chủ trì và hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng một số báo cáo, chiến lược lớn khác, như: Báo cáo “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020”; Đề án “Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012-2020”; Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ 2011-2020…

Những báo cáo, chiến lược phát triển và đề án nêu trên đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá thấu đáo về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh đất nước, là cơ sở khoa học quan trọng giúp Đảng, Nhà nước ta nhìn nhận rõ hơn cơ hội, thách thức phát triển cũng như tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế thời gian qua. Theo đó, đưa ra các quyết sách đúng đắn, kịp thời cho giai đoạn phát triển mới.

Ở thời điểm hiện nay, khi Đảng, Chính phủ đang chuẩn bị các văn kiện, cho Đại hội XII vào năm 2015 và xây dựng chiến lược, định hướng phát triển đất nước đến các mốc thời gian 2020, 2030, với tinh thần cải cách và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, Viện Chiến lược phát triển tiếp tục được lãnh đạo Bộ KHĐT giao chủ trì và tham gia nhiều văn kiện quan trọng như: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước thời kỳ 2016-2020; Báo cáo đề xuất tư duy, quan điểm phát triển mới...
Kế thừa truyền thống vẻ vang 50 năm qua; ý thức trách nhiệm lớn lao của mình đối với đât nước, vào những ngày này, tập thể cán bộ, nhân viên, các nhà khoa học của Viện Chiến lược phát triển đang dốc hết tâm huyết, trí tuệ để đề xuất các ý tưởng, sáng kiến cải cách, đổi mới đóng góp vào các văn kiện nêu trên. Qua đó, tham mưu đề xuất cho Đảng, Chính phủ các quan điểm, giải pháp cải cách mạnh mẽ, nhất là về thể chế, thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tạo động lực để nước ta phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
PGS. TS. Bùi Tất Thắng
Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Nguồn tin: Theo Báo Đầu tư (số 38, ngày 28/03/2014)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3

Hôm nayHôm nay : 204

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 9846

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3822245