Hội thảo khoa học: “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về tăng cường quốc phòng – an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố phía Nam trong tình hình mới”

Thứ ba - 31/03/2015 22:32
Hội thảo đã có 96 bài tham luận của các đại biểu và hơn 100 đại biểu tham dự, bao gồm các tướng lĩnh quân đội và các nhà khoa học, các ý kiến tại hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề: Công tác triển khai và tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân về sự cần thiết phải gắn phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh; xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh trong thời kỳ mới; nhân rộng các mô hình kinh tế quốc phòng hiệu quả gắn với bảo vệ an ninh biên giới, hải đảo góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Tại buổi hội thảo này ThS. Bùi Duy Hoàng – Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Miền Nam - Viện Chiến Lược Phát Triển – Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, có bài tham luận “Chiến lược kinh tế biển gắn chặt với quốc phòng vùng biển, đảo”. Bài tham luận đã đưa ra các kiến nghị đối với việc xây dựng chiến lược kinh tế quốc phòng toàn diện vùng biển, đảo phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh hiện nay.


Chiến Lược Kinh Tế Biển Gắn Chặt Với Quốc Phòng Vùng Biển Đảo
 
Th.s. Bùi Duy Hoàng([1])
 
Việt Nam có hơn ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ và bờ biển dài hơn 3.260 km bao bọc lãnh thổ ở cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, với chỉ số biển (khoảng 0,01), cao gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới. Cả nước ta hiện có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh và thành phố có hải đảo, quần đảo) với tổng diện tích 208.560km2, chiếm 41% diện tích cả nước và 41,2 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số Việt Nam. Cả nước đã có 9 cảng biển và 15 khu kinh tế ven biển (diện tích mặt đất và mặt nước lên đến 662.249ha, thu hút khoảng 700 dự án, với tổng số vốn gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng).
 
Tuy là một quốc gia biển, song đến nay Việt Nam chúng ta vẫn chưa thực sự phát huy được nhiều các thế mạnh, tiềm năng của biển, đảo và vẫn chưa phải là quốc gia mạnh về biển. Sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở nước ta vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Quy mô kinh tế biển của Việt Nam hiện mới chỉ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, trong khi sản lượng kinh tế biển của thế giới ước 1.300 tỷ USD; trong đó, Nhật Bản là 468 tỷ USD, Hàn Quốc là 33 tỷ USD. Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47- 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước. Vùng biển và ven biển đang tập trung tới 3/4 khu du lịch tổng hợp và 10/17 khu du lịch chuyên đề. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo tuy đã được quan tâm đầu tư mới nhưng còn yếu kém. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng hoá thông qua cảng trên đầu người chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan([2]).
 
Với vị trí, điều kiện địa lý đặc thù nêu trên, biển, đảo đã hình thành nhiều lợi thế cơ hội phát triển kinh tế biển đảo, nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam xây dựng mục tiêu Chiến lược biển đến năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao. Kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển([3]).
 
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế biển đòi hỏi chúng ta phải có đủ trình độ quản lý, trình độ khai thác, khả năng bảo vệ, kỹ thuật – công nghệ và nguồn vốn nhất định mới hội đủ điều kiện để phát triển an toàn và bền vững đối với chiến lược biển một cách toàn diện và hiệu quả. Vùng biển của chúng ta đang đứng trước những thách thức đe dọa về an ninh, chủ quyền và ô nhiễm môi trường biển đảo. Điển hình tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam nhằm thăm dò khai thác dầu khí, nhiều vụ việc tàu Trung Quốc đâm va với tàu Cảnh sát biển Việt Nam và rượt đuổi tàu cá, bắt tàu cá của ngư dân Việt, đưa cả tàu chiến có trang bị vũ khí vào uy hiếp ngư dân và tàu cảnh sát biển Việt Nam …gây căng thẳng tình hình biển Đông và bất ổn nghiêm trọng. Đồng thời cùng với những hành động gây rối nêu trên, việc Trung Quốc, Đài Loan đang ra sức xâm lấn các đảo, bãi đá của Việt Nam làm căn cứ quân sự, sân bay, bãi đáp … càng tạo áp lực cao đối với vấn đề an ninh cũng như vấn đề về quyền chủ quyền quốc gia dân tộc và ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.  
 
Vấn đề về tranh chấp biển đông, theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam có quyền mở rộng các vùng biển (vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) thuộc quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế([4]). Hầu hết các tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông đều đi qua các vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam là điều kiện để Việt Nam phát triển dịch vụ cảng biển, hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.
         
Tuy nhiên, với những khái niệm mới về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã làm xuất hiện nhiều vùng biển chồng lấn cần phải tiến hành phân định. Những quy định mới này cũng khiến Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, Việt Nam đã ký kết với các quốc gia (bao gồm: Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan ngày 9/8/1997; Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; Hiệp định giữa Việt Nam và Indonesia về phân định ranh giới thềm lục địa ngày 26/6/2003); mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp trên biển, song chúng ta còn rất nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết, không chỉ là tranh chấp về phân định các vùng biển chồng lấn mà còn phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Trước những thách thức to lớn mà chúng ta phải đối mặt như đã nói ở trên, Việt Nam cần có những quyết sách đúng đắn, phù hợp đảm bảo về an ninh quốc gia, an ninh khu vực, ổn định, hòa bình không dùng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực trong tranh chấp biển Đông và phát triển kinh tế là vô cùng khó khăn. Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X: “Phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và hợp tác quốc tế”, và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; …”, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng chiến lược kinh tế quốc phòng toàn diện, mang đặc thù sắc thái riêng của Việt Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế quốc gia và phù hợp với vấn đề bảo vệ an ninh của tố quốc, an ninh khu vực, cùng nhau vì sự phát triển tiến bộ và hòa bình của thế giới là điều cần thiết.
 
Để thực hiện xây dựng chiến lược kinh tế quốc phòng toàn diện vùng biển đảo chúng ta cần hoàn thiện toàn diện các giải pháp tổng thể như:
 
Thứ nhất, giảp pháp đối ngoại: Kiên trì công tác đấu tranh ngoại giao, hòa bình, hợp tác và ổn định trong khu vực nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải về quyền chủ quyền, quyền tài phán … với các nước có tranh chấp tại biển Đông dựa trên nguyên tắc Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; các tuyên bố nguyên tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử mang tính pháp lý của các bên ở biển Đông (COC). Chúng ta cần chuyển tải kịp thời quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông tới cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
 
Đàm phán, thỏa thuận với các nước xung quanh biển Đông để phân định biên giới trên biển, tạo sự gắn bó, xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các nước xung quanh khu vực biển Đông. Giải quyết tranh chấp bằng tòa án quốc tế hay giải quyết tranh chấp bằng việc dựa vào các tổ chức khu vực cũng là một biện pháp. Việt Nam là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Lập trường chung của tổ chức này đã được thể hiện trong Tuyên bố Ma-ni-la năm 1992 là kêu gọi các nước giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. ASEAN có khả năng thiết lập cơ chế đặc biệt ngoại giao đa phương để xây dựng lòng tin, thiết lập sự hợp tác chính trị và an ninh khu vực nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp bằng con đường đàm phán, bảo đảm ổn định chính trị khu vực. Chúng ta nỗ lực mở rộng diễn đàn hợp tác giữa ASEAN với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Nga,... Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để đi đến một giải pháp mà tất cả các nước liên quan có thể chấp nhận. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong cứu hộ cứu nạn, chống khủng bố, chống cướp biển, bảo đảm an ninh trên biển và bảo vệ môi trường biển.
 
Đồng thời với các biện pháp nêu trên, chúng ta cũng tăng cường đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược (cả đối tác truyền thống và đối tác mới) về hợp tác kinh tế khai thác biển đảo, nghiên cứu, đánh giá, khai thác tài nguyên biển …tạo lá chắn phòng thủ kinh tế đối với chủ quyền của tổ quốc. Hợp tác quốc phòng - an ninh trên biển cũng là nội dung trọng tâm, thông qua các hội nghị quốc phòng - an ninh để tiếp xúc, gặp gỡ song phương, đa phương, duy trì cơ chế đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các lĩnh vực, từng bước thỏa thuận về các nguyên tắc ứng xử, xây dựng lòng tin, tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề tranh chấp biển, đảo.
 
Thứ nhì, giải pháp hạ tầng đô thị của các khu kinh tế ven biển và hải đảo:
 
Rà soát quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng đô thị của 15 khu kinh tế ven biển với 9 cảng biển đánh giá kỹ thuật hạ tầng các khu vực trọng điểm nhằm đầu tư xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị văn minh hiện đại, nhưng đồng thời đảm bảo đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hiện đại cho các thiết bị ứng dụng của quân sự có thể sử dụng phục vụ bảo vệ tổ quốc khi cần thiết cụ thể là:
 
Về không gian, địa thế mặt bằng sân bãi của một số cảng trọng yếu đủ khả năng thích hợp khi cần trưng dụng phục vụ quốc phòng, có khả năng ứng dụng làm bãi đáp cho máy bay chiến đấu, khu cảng sửa chữa tàu thuyền, cảng cung ứng quân nhu, cứu hộ, cứu nạn … kết cấu phù hợp cho cả các giàn pháo di động hạng nặng, pháo cao xạ hay bệ phóng tên lửa … là việc cần tính toán để gắn kết giữa đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển đô thị nhưng cũng chính là phục vụ quốc phòng, đáp ứng đa mục tiêu trong điều kiện đặc thù của Việt Nam. Cần tiếp tục mở rộng và quy hoạch những cảng cá lớn ở bờ biển tại Vũng Tàu, Nha Trang, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang... vừa là nơi neo đậu xuất phát cho các tàu ngư dân, vừa làm các tuyến tập trung hậu cần khi có chiến tranh trên biển xảy ra. Việc quy hoạch phát triển kinh tế ở các đảo và quần đảo gắn chặt với công tác xây dựng địa bàn quốc phòng và an ninh, xây dựng hệ thống bố phòng trong thế trận "Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân".
 
Sớm xây dựng một tuyến đường bộ cao tốc chạy dọc theo bờ biển, nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn bao gồm cả đô thị và các cảng biển (đạt tiêu chuẩn về giao thông bộ đồng thời đảm bảo cả tính năng kỹ thuật phục vụ quân sự như: đường cao tốc có thể ứng dụng đạt chuẩn là đường bay cho máy bay cất cánh và hạ cánh khi cần). Các thiết bị nghe nhìn, kiểm tra an toàn giao thông, kết nối cung cấp thông tin đối với ngư dân, tàu bè khai khác xa bờ và ven bờ cần đạt chuẩn kỹ thuật cao có khả năng tích hợp được với các thiết bị hiện đại của quân sự giúp tiếp nhận thông tin, tín hiệu một cách hiệu quả về dự báo, cảnh báo thời thiết, thiên tai, các thông tin tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... khi có biến động các thiết bị này trở thành công cụ có thể sự dụng hiệu quả trong việc đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ cho an ninh quốc phòng trên biển và đất niền.
 
Những tuyến đường huyết mạch, nối giữa các trung tâm kinh tế, đô thị, quân sự chủ lực của cả nước đến các đô thị ven biển, các cảng cần thiết kế xây dựng và kiểm định giám sát chất lượng chặt chẽ, đầu tư đạt chuẩn kép cả về vận hành trong giao thông bộ để phát triển kinh tế và đảm bảo tính tối ưu khi vận hành phục vụ quốc phòng, giúp lưu thông nhanh nhất, ứng phó viện trợ kịp thời cho các khu đô thị, sân bay, cảng ven biển đạt hiệu quả tối ưu.
 
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, như: các công trình quốc phòng, công trình phục vụ cho bộ đội trên đảo, chống xói lở ở đảo nổi để nâng cao sức mạnh, tập trung xây dựng âu tàu cá, khu neo đậu tàu thuyền ở các đảo xa bờ; xây dựng cầu cảng sửa chữa tàu lưỡng dụng. Xây dựng mạng thông tin trên biển, đảo thành hệ thống vững chắc phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển. Trọng điểm là khu vực quần đảo Trường Sa, DK1, DK2, biển Tây Nam và các quần đảo xa bờ.
 
Thứ ba, giải pháp khai thác biển:
 
Khai thác và sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo tính ổn định, bền vững theo Quyết định số 1570/QĐ-TTg, ngày 6-9-2013, của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Khai thác phải đi đôi với bảo vệ, cả về bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam. Để đảm được yêu cầu này, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết hợp chặt chẽ với bộ Quốc phòng nghiên cứu, đầu tư kỹ thuật, vốn … hỗ trợ ngư dân về đầu tư thuyền bè có đủ khả năng khai thác hải sản, cứu hộ cứu nạn, cung cấp thông tin cho quốc phòng cũng như có khả năng tham gia dịch vụ hậu cần cho quân đội khi có nhu cầu tác chiến trên biển.
 
Đẩy mạnh nghiên cứu biển, thăm dò đánh giá tài nguyên, điều kiện tự nhiên dưới lòng biển phục vụ cho nhu cầu quốc phòng và cũng chính là thông tin phục vụ cho phát triển kinh tế biển, khai thác và bảo quản hợp lý vùng biển. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia là đối tác chiến lược tin cậy trong vấn đề nghiên cứu biển đảo và hợp tác phát triển kinh tế biển đảo.
 
Dịch vụ hậu cần của quốc phòng, như cảng, sân bay, dịch vụ cứu nạn cứu hộ, dịch vụ y tế trên biển … cần được đầu tư nâng cấp phù hợp trong tiến trình vươn ra biển để hỗ trợ ngư dân bảo vệ ngư trường và khai thác hiệu quả kinh tế biển. Hiện nay, ngành kinh tế của Hải quân được Bộ Quốc phòng đánh giá là đơn vị dẫn đầu toàn quân về hiệu quả hoạt động, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, những ngành như: Dịch vụ cảng biển, xây dựng công trình biển đảo, dịch vụ bảo vệ dầu khí, đánh bắt và sản xuất hải sản, cứu nạn trên biển, chống cướp biển ... Điển hình Công ty 128 (Công ty Biển Đông) tham gia bảo vệ các công trình dầu khí trên biển tại khu vực mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng. Các tàu của Công ty trực liên tục 24/24 giờ tại các vị trí, đã ngăn chặn 1.351 lượt tàu xâm nhập trái phép, thu thập thông tin, nắm vững tình hình an ninh trên biển([5]). Công ty Hải sản Trường Sa (Đoàn M29) là công ty đánh bắt xa bờ, vừa tham gia đánh bắt hải sản, sản xuất hàng hải sản, vừa là lực lượng nòng cốt, giúp bảo vệ ngư dân tiến hành sản xuất trên biển, đảo. Quân cảng Sài Gòn là đơn vị làm dịch vụ khai thác cảng biển,... Từ những nền tảng ban đầu này, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư thành lập các loại hình công ty quốc phòng hoặc làm hậu cần cho các công ty đủ tiềm lực, đủ nguồn lực để đầu tư khái khác tài nguyên biển, tài nguyên dưới lòng biển …mà người dân không đủ khả năng để khai thác cũng như bảo vệ là điều cần đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hiện nay.
 
Thư tư, giải pháp về nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế đảm bảo an ninh quốc phòng:
 
Về nguồn lực cho phát triển kinh tế có tính đến yếu tố an ninh quốc phòng bao gồm cả vốn (tiền) và con người. Như vậy phải tính đến giải pháp về vốn và giải pháp nguồn nhân lực và tổ chức nguồn nhân lực trong bối cảnh đầu tư phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng cụ thể như sau:
 
Vốn đầu tư: Kết hợp các loại vốn như vốn đầu tư của Chính phủ theo Luật đầu tư công, vốn ngân sách quốc phòng, vốn kêu gọi đầu tư … lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa phát triển chiến lược bền vững cả về kinh tế và quốc phòng, những dự án chủ chốt đòi hỏi ưu tiên về tiêu chuẩn kỹ thuật của quân sự, quốc phòng cần ưu tiên cho các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng đầu tư và kiểm soát về chất lượng, kết cấu kỹ thuật cũng như đảm bảo tính an ninh cao.
 
-  Vốn đầu tư cho quốc phòng cũng có thể tính cả việc hỗ trợ kỹ thuật đối với tàu của ngư dân, các trang thiết bị của ngư dân để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và là công cụ, phương tiện hỗ trợ hậu cần khi có binh biến. Điển hình như viễn thông quân đội (Viettel) cũng đã và đang hoàn thành rốt tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế (năm 2014, lợi nhuận trước thuế khoảng 42 nghìn tỷ đồng)([6]) và đảm bảo tính kiểm soát về an ninh rất tốt, cần đầu tư hơn nữa về kỹ thuật phù hợp với các thiết bị hiện đại để hỗ trợ ngư dân trên biển liên lạc với quốc phòng một cách hiệu quả và kịp thời.
 
-  Xúc tiến mạnh các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn vay hỗ trợ nghiên cứu biển, nghiên cứu môi trường thủy sản, … và đồng thời huy động các nguồn vốn hợp tác của các đối tác đối với các dự án kinh tế biển.
 
-  Huy động mọi nguồn lực về vốn của dân trong công tác xây dựng phát triển kinh tế biển, du lịch, và các nguồn vốn đầu tư dịch vụ hậu cần của nhân dân, doanh nghiệp … tại các đô thị lớn của dải ven biển là rất cần thiết và quan trọng đối với chiến lược biển của Việt Nam.
 
Nhân lực: Tổng hợp về nguồn nhân lực cả bao gồm quân đội, đội ngũ các nhà khoa học, doanh nghiệp, cư dân… đều là các nguồn lực phải tận dụng và phát huy tối ưu khả năng lao động phát triển kinh tế và hỗ trợ tích cực trong vấn đề về đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, cần đặc biệt quan tâm chú trọng đến đội ngũ nhân lực “Ngụ binh ư nông”, những công nhân, người lao động công trường, ngư trường khi có binh biến có thể được huy động ngay và khả năng tác chiến cao, kỹ thuật tốt là việc rất cần thiết trong điều kiện vừa bảo vệ tổ quốc vừa tham gia sản xuất phát triển kinh tế trong điều kiện đặc thù của Việt Nam. Quân đội hiện nay có hơn 20 đoàn Kinh tế - Quốc phòng với 22 khu Kinh tế - Quốc phòng được phẩn bố trên các địa bàn chiến lược từ Bắc đến Nam là lực lượng nòng cốt, then chốt đối với vấn đề an ninh của tố quốc nhưng đồng thời vẫn là lực lược sản xuất phát triển kinh tế hùng hậu.
 
-  Lá chắn dân sự cũng là giải cần phải tăng cường trong giai đoạn hiện nay, dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở để chúng ta khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển.
 
-  Đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu khoa học kỹ thuật ứng dụng phục vụ cho sản xuất như: chế tạo máy móc vừa phục vụ cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và có tính đến cả công năng ứng dụng trong kỹ thuật quân sự là việc cần phải duy trì và phát triển mạnh ở Việt Nam nhằm đảm bảo cả 2 nhiệm vụ là phát triển kinh tế -xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng./.
 
Tài liệu tham khảo:
1.             Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982;
2.             Vũ Quang Việt (2005),"Vấn đề tranh chấp biển Đông", tạp chí Thời Đại Mới  Số 4 - Tháng 3/2005;
3.             PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, “Các vùng khai thác chung trong Luật Quốc tế hiện đại”, tạp chí Khoa học;
4.             Nguyễn Hồng Thao, “Nhứng điều cần biết về Luật Biển”, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997;
5.             PGS.TS. Nguyễn Bá Diến (chủ biên), Hợp tác khai thác chung trong Luật Biển quốc tế”, NXB Tư pháp, 2009.
6.             Biển Đông và tầm quan trọng chiến lược của các nước trong khu vực, đăng tải trên trang web http://www.nhontrach-dongnai.gov.vn
7.             Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
8.             Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
9.             Ban Biên giới của Chính phủ, 1994, Cơ sở khoa học cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam, Hà Nội.
10.           Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao, “Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của luật biển ở Việt Nam”, NXB: Chính trị Quốc gia, 2004.
11.           Vụ Biển, Ban Biên giới của Chính phủ (2000), Tài liệu nghiên cứu về hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn Việt Nam – Malaysia, Hà Nội.
 

([1]) Phó trưởng phòng ĐBSCL – TTNCKTMN – Viện Chiến Lược Phát Triển – Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư

([2]) TS. Trương Minh Tuấn, Tạp chí Tuyên giáo số 1- 2014, Việt Nam với mục tiêu phát triển kinh tế biển, đảo bền vững trong “thế kỷ của đại dương” http://www.tuyengiao.vn/Home/MagazineContent?ID=1672

([3]) Nghị quyết số 09 ngày 9/2/2007 về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
([4]) Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Luật Biển Việt Nam năm 2012, tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
([5]) Trần Mạnh Tâm - Tăng Cường Phát Triển Kinh Tế Quốc Phòng Trên Biển - http://www.mattran.org.vn/Home/thongtinCTMT/so%2066/biendao.htm
[6] http://vneconomy.vn/thoi-su/bo-truong-quoc-phong-xin-giam-nop-ngan-sach-cho-viettel-20141229084318168.htm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3

Hôm nayHôm nay : 570

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15681

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3843045