Họp Ban soạn thảo dự thảo Luật quy hoạch

Thứ sáu - 15/07/2016 13:44
(MPI) – Ngày 08/7/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo dự thảo Luật quy hoạch.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Dự thảo Luật quy hoạch bao gồm 8 chương, 72 điều và 01 phụ lục sẽ là bước cải cách về thể chế, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với quy định mới của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ về vai trò quản lý nhà nước về kinh tế. Luật sẽ thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu, các quy hoạch sản phẩm thay vì dùng để quản lý như trước đây sẽ chuyển sang quản lý bằng điều kiện, tiêu chuẩn và các công cụ cung cấp thông tin thị trường để kiến tạo sự phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường. Việc phân bổ nguồn lực sẽ theo cơ chế thị trường để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển để giảm bớt gánh nặng đầu tư công của khu vực nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Luật sẽ tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương, đồng thời phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững. Luật sẽ là công cụ giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích… Cùng với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật quy hoạch sẽ là giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo thông thoáng và hiệu quả. Đồng thời, việc quy định các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân định ra chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Vũ Quang Các
phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Vũ Quang Các đã trình bày những nội dung chính của dự thảo Luật quy hoạch. Về thể chế, Luật sẽ thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, sau khi ban hành Luật quy hoạch sẽ chỉ còn 02 luật quy định về lĩnh vực quy hoạch thay cho 95 luật và pháp lệnh hiện nay. Luật sẽ điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước: về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, nội dung chủ yếu và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Về hệ thống quy hoạch, dự thảo Luật thống nhất lại hệ thống quy hoạch trên phạm vi cả nước từ cấp quốc gia đến cấp xã, bao gồm: Cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong đó, dự thảo Luật quy định mới về quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia, đồng thời đổi mới triệt để quy hoạch ngành, sản phẩm theo hướng chỉ quy hoạch ngành ở cấp quốc gia đối với ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật và sử dụng tài nguyên. Đối với sản phẩm sẽ không quy hoạch mà chuyển sang xây dựng thành các tiêu chuẩn, điều kiện hoặc đề án phát triển cho phù hợp với kinh tế thị trường, các ngành ở cấp vùng, cấp tỉnh sẽ được tích hợp trong quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Dự thảo Luật cũng quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, công tác quản lý nhà nước và thực hiện.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, xây dựng Luật quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác quy hoạch như: số lượng quy hoạch nhiều, quản lý chưa thống nhất, tình trạng lập, điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, theo nhiệm kỳ, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, phát sinh tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội… Theo đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch cần đảm bảo đưa quy hoạch trở thành công cụ để quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, hiệu quả, tăng cường quản lý nhà nước theo quy hoạch một cách hệ thống trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch với các chiến lược, chủ trương, chính sách khác và giữa các quy hoạch với nhau, tạo nền tảng cho việc khai thác, sử dụng, điều phối hiệu quả các nguồn lực của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

Nguyễn Hương


Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3

Hôm nayHôm nay : 23

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10057

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3822456