Một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

Chủ nhật - 11/06/2017 09:57
Một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

Một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

(MPI) - Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7 % năm 2017 cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển của cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng, vốn là động lực cho tăng trưởng toàn nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo Dự báo, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền vững. Tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng),đánh giá và nhân rộng hiệu quả mô hình thí điểm tích tụ, tập trung ruộng đất bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật và hài hòa lợi ích lâu dài giữa doanh nghiệp, người nông dân. Hỗ trợ vốn cho phát triển nông nghiệp.

Chủ động thực hiện các giải pháp chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường đểbù đắp sản lượng lúa có xu hướng suy giảm. Xử lý tốt vấn đề quy hoạch sản xuất, bảo đảm cơ cấu sản phẩm hợp lý, đặc biệt cần nâng cao chất lượng sản phẩm đểnâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và đáp ứng đủ điều kiện của các thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sản phẩm từ lợn; Có chính sách khuyến khích cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến nông sản; Điều chỉnh quy mô, cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị. Song song, theo dõi sát diễn biến thời tiết, mực nước ở các sông, suối, hồ chứa, có phương án phòng chống thiên tai hạn hán, lũ lụt.

Thúc đẩy tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng

Trong quý I, tăng trưởng của ngành công nghiệp tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ chủ yếu do sự sụt giảm của ngành công nghiệp khai khoáng và xây dựng. Do đó, để bảo đảm cho tăng trưởng, thúc đẩy nền kinh tế của cả nước, cần xử lý ngay các dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong khai thác dầu thô, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để đi vào hoạt động có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp thúc đẩy từng ngành hàng, sản phẩm chủ lực, từng thị trường, từng đối tác xuất khẩu; Rà soát, kiểm soát được việc nhập khẩu các hàng hóa trong nước sản xuất được. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng cường xúc tiến thương mại.

Thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; Phát triển công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn… Triển khai các hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.

Đồng thời, tổ chức các chương trình liên kết vùng tạo nguồn cung hàng hóa ổn định; Đào tạo, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp để tận dụng các ưu đãi trong cam kết quốc tế và chủ động phòng tránh các hàng rào kỹ thuật trong thương mại…

Tiếp tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh

Theo Dự báo, ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và của người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu. Đặc biệt, cần theo dõi việc thực thi Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Chính sách tiền tệ cần được điều hành thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Quản lý chặt chẽ hạn mức tín dụng, nhất là tín dụng đối với đầu tư bất động sản. Nghiên cứu giảm dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh một cách phù hợp với diễn biến lạm phát và yêu cầu phục hồi nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm giảm chi thường xuyên, để giảm bội chi ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút FDI và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân để khai thác triệt để nguồn lực về thị trường, vốn, lao động bằng những ưu đãi về tài chính, đất đai./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 4

Hôm nayHôm nay : 444

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10478

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3822877