Dự báo kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam năm 2018 và một số tác động

(MPI) – Ngày 13/3/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm khoa học “Cập nhật dự báo kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam 2018 và một số tác động”. Tham dự Tọa đàm có các nhà khoa học, nghiên cứu viên, chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách…

 

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Mai Phương (MPI)

Theo đánh giá của NCIF, trong quý I/2018, kinh tế và thương mại thế giới tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính ổn định. Các chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2017. Trong đó có đóng góp mạnh mẽ của khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các chỉ số quý I/2018 phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực trong nhiều năm trở lại đây, trong đó, GDP có thể đạt mức 6,23%, lạm phát ở mức thấp 3,1%.

Từ những kết quả nêu trên, NCIF đã đưa ra dự báo về tình hình kinh tế năm 2018. Chính sách tăng thuế nhập khẩu thép của Mỹ ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu thép của Việt Nam vào Mỹ (chiếm khoảng 11% thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam). Chính sách giảm 21% thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ có thể dẫn đến sự sụt giảm của dòng vốn FDI thế giới, gồm cả FDI của Mỹ vào Việt Nam. Các dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục triển khai hiệu quả. Chính phủ kiên định ổn định chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết sẽ có hiệu ứng tích cực đến thương mại và đầu tư. Tình hình kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo có sự tăng trưởng cao hơn.

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam được dự báo ở mức 6,83% và có sự tăng trưởng đồng đều giữa các quý. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát song đang chịu áp lực lớn (điều chỉnh giá dịch vụ công, giá thị trường quốc tế và điều hành chính sách tiền tệ). Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp đang là yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Tái cơ cấu kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (nâng cao năng suất lao động và ứng dụng công nghệ thông tin)./.

Nguồn tin: Mai Phương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư