Họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Long An, tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

(MPI) – Ngày 10/01/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các phiên họp của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Long An, tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì các phiên họp.
Tham dự các phiên họp có đại diện các Bộ, ngành là thành viên Hội đồng, các chuyên gia và đại diện Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành có liên quan.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc tại phiên họp của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Long An, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, Long An là một trong những địa phương có lợi thế nhưng cũng nhiều khó khăn của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung góp ý cho dự thảo nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm giúp Tỉnh xây dựng được nhiệm vụ quy hoạch tốt trong giai đoạn tới.

Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An Nguyễn Anh Việt trình bày báo cáo tóm tắt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc lập quy hoạch nhằm mục tiêu đưa ra quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Tỉnh. Các chuyên gia và các Bộ, ngành đã có nhiều ý kiến đóng góp cho nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề nghị làm rõ thêm đánh giá hiện trạng, sự liên kết, đồng bộ, cơ hội và thách thức của công tác triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục. Đồng thời, đánh giá việc bố trí nguồn lực, các điều kiện đảm bảo thực hiện quy hoạch đất đai, kinh phí và nguồn vốn; đánh giá quy mô, chất lượng giáo dục, cơ cấu ngành đào tạo, trình độ đào tạo nhân lực; nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.


Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, Nguyễn Anh Việt phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch Đinh Trọng Thắng cho biết, hiện tại do quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa được phê duyệt, do vậy trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh Long An cần chủ động phối hợp, cập nhật thông tin để đảm bảo tính thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, cần chi tiết hóa các mốc thời gian kèm các báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung của quy hoạch nhằm đảm bảo tiến độ đề ra và tính khả thi của kế hoạch lập quy hoạch.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch Đinh Trọng Thắng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: MPI
 
Trong quá trình lập quy hoạch, cần bổ sung quan điểm về việc đảm bảo tính công khai, minh bạch phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và các pháp luật có liên quan nhằm mục đích hỗ trợ việc ra quyết định trong thu hút và triển khai các dự án ưu tiên trên địa bàn tỉnh Long An.

Trong quá trình xác định các tiềm năng, phương án phát triển của Tỉnh, cần bổ sung yêu cầu về đánh giá tổng quan các mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội, rào cản, thách thức; đặc biệt cần chỉ ra các lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của tỉnh Long An so với các tỉnh lân cận và trong khu vực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh nằm giữa ngã ba của 3 khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Biên giới Việt Nam-Campuchia, đồng thời tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh…

Phát biểu tại phiên họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hà Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, tỉnh Hà Nam là cửa ngõ Thủ đô, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Việc xây dựng nhiệm vụ quy hoạch Tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý để Hà Nam tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trình cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng quy định.
Trình bày về nhiệm vụ lập quy hoạch Tỉnh thời kỳ tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Lượng cho biết, quan điểm lập quy hoạch phù hợp với nội lực của Tỉnh và khả năng huy động các nguồn lực bên ngoài, phấn đấu trở thành một tỉnh kiểu mẫu về công nghiệp hóa của Vùng đồng bằng Sông Hồng và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ tốt môi trường. Đồng thời bảo đảm phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Lượng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: MPI

Mục tiêu của việc lập quy hoạch là cụ thể hóa quy hoạch quốc gia và vùng Đồng bằng Sông Hồng ở tỉnh Hà Nam về không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để xây dựng các kế hoạch, chương trình xây dựng Tỉnh thành tỉnh kiểu mẫu về công nghiệp, có đóng góp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời xác định quy hoạch là công cụ quản lý nhà nước của Tỉnh để hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển các huyện và liên huyện, quy hoạch đô thị và nông thôn và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành có liên quan.

Tại Phiên họp, 20/20 thành viên Hội đồng tham dự đều thống nhất thông qua có chỉnh sửa nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Long An và tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận tại các phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến thắng thắn, các chuyên gia có những phản biện chi tiết, quý báu để tỉnh Long An, Hà Nam hoàn thiện thêm. Đồng thời đề nghị tỉnh Long An và tỉnh Hà Nam hoàn thiện báo cáo đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước và tiêu chí đánh giá; hoàn thiện báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch, rà soát các khoản mục chi phí lập quy hoạch theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ trên cơ sở các ý kiến góp ý của chuyên gia, Thành viên Hội đồng thẩm định./.


Nguồn tin: Minh Hậu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư