Năm 2019: Năm bứt phá để về đích thành công của kế hoạch 5 năm 2016-2020

(MPI) – Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi gặp mặt với các cơ quan báo chí để trao đổi về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ trong năm 2018 diễn ra ngày 07/01/2019.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Năm 2018 khép lại với những thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế

Tại buổi gặp mặt, đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2018 Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế. Với Ngành Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,08% là điểm sáng khích lệ nhất. Với mức tăng trưởng 7,08%, gần như chắc chắn chúng ta đạt mục tiêu bình quân 6,5% của cả giai đoạn 5 năm 2016-2020. So với quốc tế và khu vực, đây là mức tăng rất tích cực. Tuy nhiên, nhiệm vụ hết sức nặng nề là phải duy trì được đà tăng trưởng cao này trong thời gian dài để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn, nhất là mục tiêu của tầm nhìn đến năm 2035.

Qua công tác tổng hợp, phân tích, tăng trưởng 7,08% là kết quả toàn diện của tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong đó, về phía cung, đó là sự tăng trưởng đều của cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là nông nghiệp. Về phía cầu, xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu hàng hóa 7,2 tỷ USD, nếu tính cả dịch vụ thì xuất siêu 3,5 tỷ USD, đầu tư tăng cao hơn năm 2017, chiếm 33,5% GDP, tiêu dùng tăng đều trong năm, luôn ở mức 2 con số. Về các thành tố đóng góp, có thể thấy yếu tố lao động tăng hơn năm 2017, tăng thêm khoảng 500.000 lao động, yếu tố vốn và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cũng được cải thiện.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nguy cơ rủi ro của năm 2019, với độ mở lớn của nền kinh tế như hiện nay, nền kinh tế nước ta sẽ chịu tác động rất lớn từ yếu tố bên ngoài. Các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 ở mức khiêm tốn, thậm chí chậm lại. Do vậy, mặc dù kết quả 2018 là rất tích cực, nhưng chúng ta không nên quá lạc quan, nhưng vẫn phải luôn sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng với quan điểm năm 2019 là năm bứt phá để về đích thành công của kế hoạch 5 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Năm 2019: Phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Nghị quyết là một văn kiện thể hiện toàn diện các giải pháp cần thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch năm 2019.

Với ý nghĩa là năm cần đẩy nhanh tốc độ phát triển để về đích thành công cả ở khía cạnh chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm, năm 2019 là năm “bứt phá” để phát triển với các trọng tâm chỉ đạo điều hành tập trung vào ba nội dung chính.

Một là, nâng cao năng lực nội tại, củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Hai là, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

Ba là, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân gắn với Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã có rất nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn về phát triển kinh tế-xã hội. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải thực hiện một cách thấu đáo các giải pháp đã đề ra nhưng vẫn còn hiệu lực, hiệu quả. Các giải pháp đã đề ra là rất toàn diện, có ý nghĩa thực tiễn và lâu dài, với nguồn lực có hạn thì giải pháp cũng không nên dàn trải, phân tán, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đầu tư nước ngoài phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững

Năm 2018, cũng đánh dấu 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của Việt Nam, chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, khu vực ĐTNN đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tính đến 20/12/2018, cả nước có 27.353 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước còn thấp, nhiều dự án ĐTNN tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình. Chuyển giao công nghệ thông qua ĐTNN chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Số dự án ĐTNN ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Một số doanh nghiệp ĐTNN chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp ĐTNN có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang ở những năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện các mục tiêu phát triển và tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, vượt qua “bẫy chi phí lao động thấp”, “bẫy giá trị thấp”, “bẫy công nghệ thấp” và “bẫy thu nhập trung bình”, định hướng thu hút và sử dụng ĐTNN phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp ĐTNN với doanh nghiệp trong nước.

Động lực cho giai đoạn phát triển mới, hướng tới hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam

Chia sẻ về ý nghĩa của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF), tiền thân là Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và thương mại thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thông qua VRDF, Việt Nam chủ động hơn trong trao đổi, tham vấn ý kiến đóng góp từ các đối tác phát triển, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp,… những người thực sự quan tâm đến sự phát triển của đất nước, mong muốn trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn nhằm đề xuất các giải pháp, các hành động cụ thể để chuyển đổi nhanh nhất thành các hành động chính sách cải cách và phát triển của Chính phủ.

VRDF 2018 tập trung vào các vấn đề về xu hướng toàn cầu, tầm nhìn phát triển của Việt Nam trong thời gian tới và hai động lực phát triển là Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0 và Phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng trong nước và quốc tế và cũng khuyến nghị nhiều giải pháp cũng như các hành động của Chính phủ, của các chủ thể trong xã hội nhằm phát huy các động lực này cho giai đoạn phát triển mới, hướng tới hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam.

Những ý kiến đóng góp quý báu này càng có ý nghĩa nhiều hơn tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho năm 2019, chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025. Các khuyến nghị của Diễn đàn sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng các văn bản quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Năm 2018 cũng tiếp tục đánh dấu sự kiện lần đầu tiên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức sự kiện 100 trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để Việt Nam thực hiện thành công Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần tập hợp sức mạnh trí tuệ người Việt Nam khắp thế giới để nhanh chóng nâng cấp năng lực công nghệ của Việt Nam. Mục đích của Mạng lưới đổi mới sáng tạoViệt Nam chính là để kết nối các cơ sở nghiên cứu trong nước với các trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, các thành tựu công nghệ mới nhất trên thế giới thông qua các chuyên gia người Việt hiện đang nghiên cứu, kinh doanh khắp thế giới.

Sự kiện Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều hội thảo khoa học về các lĩnh vực công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, như: trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, tài chính số, đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia người Việt trong và ngoài nước. Các hội thảo đã giúp chúng ta tiếp cận được các xu hướng công nghệ mới nhất, đồng thời nêu ra nhiều khuyến nghị chính sách hữu ích để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt, phát triển các công nghệ này.

Sự kiện này cũng giúp nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam tiếp xúc, trao đổi về công nghệ với các chuyên gia người Việt. Nhiều dự án hợp tác cụ thể đã được các bên trao đổi, hợp tác giữa doanh nghiệp và các chuyên gia công nghệ.

Sự kiện này cho thấy năng lực công nghệ của người Việt là rất đáng kể, tạo cơ sở và niềm tin về khả năng Việt Nam thực hiện thành công Cách mạng công nghiệp 4.0 với một lộ trình và ưu tiên phù hợp. Ngoài ra, sự kiện này cũng là một thông điệp Chính phủ gửi đến người Việt ở nước ngoài và các chuyên gia công nghệ, công ty công nghệ trên thế giới về một nước Việt Nam năng động, tích cực phát triển công nghệ để đổi mới mô hình tăng trưởng, có đội ngũ làm công nghệ dồi dào, một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các ngành công nghệ mới.

Ngành Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm đổi mới và cải cách

Năm 2018 đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến với địa phương đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 2018 và lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Động lực quan trọng nhất thúc đẩy Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến chính là sự quyết tâm đổi mới, cải cách của cơ quan và của toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư. Bộ đã có nhiều đổi mới và cải cách thành công, nổi bật nhất chính là cải cách trong công tác xây dựng kế hoạch hằng năm. Các địa phương không còn phải mất nhiều thời gian, chi phí để di chuyển về Bộ để họp kế hoạch. Thay vào đó là chỉ họp từ 3 đến 4 cuộc theo vùng, qua đó các địa phương có sự gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ để thống nhất, đồng thuận trong công tác kế hoạch. Trên nền tảng đó, Bộ đã nâng lên một bước là họp trực tuyến với các địa phương, cuộc họp trở thành một diễn đàn thực sự, chuyển tải những nội dung về định hướng, chính sách, pháp luật từ cấp trung ương cũng như tiếp nhận những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của địa phương, tổ chức giải đáp trực tiếp, nhanh, hiệu quả tất cả những ý kiến của địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Kết quả lớn nhất từ Hội nghị trực tuyến năm 2018 không những là giúp xây dựng kế hoạch năm 2019 và hoàn thiện các báo cáo liên quan một cách tốt nhất, mà còn tạo ra được một cách làm, một thói quen mới trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi thông tin... đầy hiệu quả. Cùng với sự phát triển của dịch vụ thông tin và truyền thông, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được hội nghị trực tuyến với chi phí thấp, tiết kiệm rất nhiều tiền của của nhà nước. Dự kiến trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức các hội nghị trực tuyến, trong đó, hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 là hội nghị đầu tiên của năm 2019. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn quyết tâm đi đầu trong đổi mới, cải cách, tất cả chính sách đổi mới đều hướng tới người dân, vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn của người dân Việt Nam, trong nỗ lực chung để không một cá nhân nào bị tụt lại phía sau./.

Nguồn tin: Thúy Quyên - Bộ Kế hoạch và Đầu tư