Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) - Bình Dương là tỉnh năng động, sáng tạo thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với thế mạnh phát triển công nghiệp, xuất khẩu hàng công nghiệp; phát triển đô thị, đô thị mới, đô thị thông minh... Tuy nhiên đây cũng là những vấn đề đặt ra đối với công tác quy hoạch để tỉnh Bình Dương phát huy tốt các thế mạnh, phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tại phiên họp Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 22/02/2020.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tại phiên họp. Ảnh: MPI

Tham dự Phiên họp có đại diện các Bộ, ngành là thành viên Hội đồng. Về phía tỉnh Bình Dương có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thanh Long và đại diện các Sở, ngành có liên quan.

Trình bày tóm tắt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thanh Long cho biết, hiện Bình Dương có 9 đơn vị hành chính, dân số 2,164 triệu người và GRDP/người là 150 triệu đồng. Tỉnh có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp và có số lượng doanh nghiệp đứng thứ 3 cả nước (27.566 doanh nghiệp), giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở các vùng miền.

Đặc biệt, Bình Dương là tỉnh có thế mạnh về phát triển công nghiệp, chiếm 63% trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh, còn lại là dịch vụ và nông nghiệp. Đây cũng là địa phương có thế mạnh, vị trí tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục của đất nước, có hạ tầng phát triển đồng bộ, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, theo đánh giá về tình hình thực hiện quy hoạch thời kỳ 2010-2020 cho thấy, Bình Dương vẫn còn tồn tại những hạn chế như chất lượng tăng trưởng chưa cao; tỷ trọng dịch vụ giá trị gia tăng trong cơ cấu kinh tế còn thấp; việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ, khu công nghệ cao còn chậm; các vấn đề về hạ tầng, không gian, môi trường đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội,… đã có những đóng góp tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Đây cũng chính là vấn đề đặt ra cho tỉnh Bình Dương.

Thực hiện Luật quy hoạch, Bình Dương đang xây dựng nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ hội để Tỉnh giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đưa ra những mục tiêu, giải pháp để phát triển trong thời gian tới. Theo đó, Tỉnh sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dựa theo điều kiện thực tế để tiếp tục nâng cao chất lượng công nghiệp cũng như tăng tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tiếp tục giải quyết bài toán về không gian đô thị, không gian sản xuất, khu công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; giải quyết các vấn đề về môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học. Cùng với đó, tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề về phát triển hạ tầng, an sinh xã hội…

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến tại Phiên họp, với vai trò là chuyên gia phản biện, TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá cao hồ sơ và nội dung trình thẩm định của tỉnh Bình Dương. Hồ sơ thẩm định được đơn vị chuẩn bị đủ theo quy định. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm các căn cứ pháp lý như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan. Cần làm rõ nội dung liên quan đến cơ cấu nội ngành; mục tiêu cụ thể về phát triển công nghiệp, công nghệ cao; cần đánh giá kỹ hơn vai trò của ngành nông nghiệp đối với phát triển của Tỉnh; cần làm rõ vấn đề phát triển hạ tầng đô thị của Tỉnh khi đây là địa phương có trên 50% là lao động nhập cư…

TS. Dương Đình Giám cho rằng, cách tiếp cận và các phương pháp lập quy hoạch của Tỉnh đề xuất đảm bảo logic, khoa học, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của quy hoạch cấp tỉnh, theo quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ- CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quyđịnhchi tiết thi hành mộtsốđiều của Luật quy hoạch..

TS. Lê Thị Kim Dung, chuyên gia phản biện, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao nội dung và chất lượng nhiệm vụ lập quy hoạch của tỉnh Bình Dương. Báo cáo, thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch ngắn gọn, rõ ràng; cách tiếp cận hệ thống, đa chiều, đảm bảo tính khách quan; các nội dung đề xuất bao quát, phù hợp. Đồng thời đề xuất, cần bổ sung phương pháp tích hợp trong việc lập quy hoạch, bổ sung đánh giá chi tiết kết quả đạt được trong thực hiện quy hoạch thời kỳ trước;…

Đại diện đơn vị giúp việc Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng trình bày bản nhận xét về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và chuyên gia cho thấy, các ý kiến cơ bản thống nhất với nhiệm vụ lập quy hoạch của tỉnh Bình Dương, đồng thời đề nghị chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Việc tổ chức triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương được thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thi hành Luật quy hoạch. Tờ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch; Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch; Báo cáo thuyết minh dự toán chi phí lập quy hoạch của Tỉnh được thực hiện theo Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch.

Đồng thời đề nghị, tỉnh Bình Dương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số nội dung liên quan đến tính khoa học, độ tin cậy của nội dung và phương pháp lập quy hoạch; sự tương thích giữa nội dung quy hoạch với các nội dung nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch tỉnh, giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch các cấp cao hơn; sự phù hợp giữa nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch với dự toán chi phí và nguồn vốn để lập quy hoạch;…

Tại phiên họp, 21/21 thành viên Hội đồng tham dự thống nhất thông qua với điều kiện có chỉnh sửa nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cảm ơn những ý kiến đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng như các chuyên gia, Thành viên Hội đồng dành cho Tỉnh. Đồng thời cho biết, Tỉnh luôn quan tâm đến công tác quy hoạch và ngay sau khi Luật quy hoạch có hiệu lực, Tỉnh đã có nhiều hoạt động để Luật đi vào cuộc sống, trong đó có việc triển khai xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc phát biểu. Ảnh: MPI

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc khẳng định, trên cơ sở các ý kiến góp ý, đề xuất của cơ quan thường trực Hội đồng, các chuyên gia và thành viên Hội đồng thẩm định, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ tới. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành, các chuyên gia trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập quy hoạch, góp phần giúp tỉnh Bình Dương thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến quý báu của các đại biểu, đồng thời đề nghị, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh Bình Dương có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gửi cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định; hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch theo quy định của Nghị định 37/2019/NĐ-CP trên cơ sở cập nhật những nội dung Hội đồng thẩm định đã yêu cầu chỉnh sửa đối với Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập Quy hoạch.

Thứ trưởng cho biết, hiện có một số địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quyết định này được cập nhật đầy đủ trên Hệ thống thông tin và dữ liệu quốc gia về quy hoạch, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do vậy, đề nghị tỉnh Bình Dương tham khảo, học hỏi để xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch với quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc phù hợp với thực tế, đẩy nhanh tiến độ trong quá trình xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

 

Nguồn tin: Tùng Linh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư