Tham vấn ý kiến về nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) – Ngày 16/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đại điện Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng đại diện một số đối tác phát triển, viện nghiên cứu, chuyên gia về quy hoạch.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Đinh Trọng Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng cho biết, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng rộng lớn, chiếm 12% diện tích và 20% dân số cả nước, là Vùng sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả lớn của cả nước, góp phần quan trọng vào an toàn, an ninh lương thực quốc gia. Đây cũng là vùng sinh thái đa dạng sinh học có ý nghĩa chiến lược quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động phát triển của thượng nguồn châu thổ cũng như các áp lực ngày càng lớn của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ thảm họa trong tương lai. Để giải quyết các thách thức của Vùng, ngày 17/01/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngày 05/9/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Tại Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, cần đưa giải pháp đáp ứng các yêu cầu về thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của Vùng, giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên Vùng, liên tỉnh và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, so sánh của Vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, từ tháng 4/2019 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn và các bên liên quan triển khai xây dựng các nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án đầu tiên thí điểm lập Quy hoạch Vùng theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành về quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong nhận được sự tham gia góp ý tích cực của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận, trao đổi, ủng hộ, chia sẻ của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển, các chuyên gia, các nhà khoa học để xây dựng được bảng nhiệm vụ lập quy hoạch có chất lượng tốt. Qua đó, xác định rõ yêu cầu đề ra nhằm cụ thể hóa các tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, bà Diji Chandrasekharan Behr, Chuyên gia cao cấp về kinh tế môi trường của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và Vùng có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy sự phát triển. Để thực hiện mục tiêu này cần có sự chuẩn bị rất tốt trong việc triển khai xây dựng các nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây sẽ là sự chuyển dịch rất cần thiết, đòi hỏi phải có cách đánh giá quy hoạch tỉnh, thành sang quy hoạch Vùng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những quy hoạch mang tính ngắn hạn, hiệu quả hướng tới quy hoạch đa ngành, dài hạn đáp ứng nhu cầu phát triển của hiện tại cũng như trong tương lai và hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn của Chính phủ.

Bà Diji Chandrasekharan Behr tin tưởng rằng, Hội thảo là dịp để các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như những thách thức như xâm nhập mặn, thiên tai, hạn hán… Qua đó, đưa ra các tham vấn trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời chuyển đổi mô hình phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách hiệu quả nhất.

Theo bà Diji Chandrasekharan Behr, quy hoạch tổng thể mang tính liên kết vùng đòi hỏi sự điều phối của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan. Trong quá trình lập quy hoạch cần có sự đánh giá về khả năng chống chịu của người dân Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với hạn hán, thiên tai, lũ lụt,…cũng như sự thay đổi về nhân khẩu học trong bối cảnh già hóa dân số, vấn đề di cư, vấn đề đô thị hóa đảm bảo phát triển kinh tế hài hòa và bền vững. Cùng với đó cần tập trung vào vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vì đây là trung tâm nông nghiệp chính của Việt Nam. Đồng thời đưa ra các kịch bản tác động đối với một số tỉnh liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu,…

Nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò vô cùng quan trọng nhằm tích hợp quy hoạch các địa phương với quy hoạch chung của Vùng. Ngân hàng thế giới cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình lập quy hoạch và các nhiệm vụ liên quan và các bên liên quan để xây dựng được quy hoạch quan trọng, căn bản hỗ trợ cho toàn bộ quá trình nghiên cứu và xác lập sự phát triển trong tương lai, bà Diji Chandrasekharan Behr nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia giàu kinh nghiệm, các nhà khoa học, các nhà tư vấn, đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đại điện Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều tham luận, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

 

Minh Hậu

Nguồn tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư