ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngày 26.5, tại tỉnh Trà Vinh, Bộ Ngoại giao phối hợp UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo “Hội nhập quốc tế và phát triển bền vững” khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 26-5, tại tỉnh Trà Vinh, Bộ Ngoại giao phối hợp UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo "Hội nhập quốc tế và phát triển bền vững" khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các chuyên gia về kinh tế của các bộ, ngành Trung ương và doanh nhân ở khu vực ĐBSCL.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia về kinh tế trình bày về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế; những khó khăn, thách thức trong hội nhập quốc tế cũng như các giải pháp để ĐBSCL hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Ông Trần Ngọc An, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế địa phương thuộc Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đem lại cả cơ hội và thách thức cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thời cơ và thuận lợi là rất cơ bản nhưng ở dạng tiềm năng trong khi thách thức là hiện hữu, không dễ hóa giải, nhất là sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trên cả ba cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Nền kinh tế nước ta dễ bị “tổn thương” trước những biến động của kinh tế khu vực và thế giới. Xu thế chuyển dịch lao động giữa các nước tham gia FTA tạo ra thách thức về trình độ, tri thức và tay nghề, nguy cơ tranh chấp quốc tế đối với cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội và người lao động trong nước.

 “Để đồng bằng sông Cửu Long hội nhập quốc tế và phát triển bền vững cần thực thi các giải pháp như đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung đẩy nhanh tiến trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, tập trung ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ trong sản xuất và chế biến; cần lập quỹ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân, tìm hiểu thị trường liên kết chuỗi giá trị sản phẩm đảm bảo quy trình hoạt động theo tiêu chuẩn GAP” Thạc sĩ Bùi Huy Hoàng, Viện chiến lược thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, thế mạnh trong hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long là sản xuất nông nghiệp, nhưng để phát huy được thế mạnh này cần phải có sự chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu. Trong sản xuất nông nghiệp các sản phẩm chủ lực như lúa, thủy sản, trái cây… cần hướng đến sự phát triển theo “công nghệ xanh”.

  
                       Thạc sĩ Bùi Huy Hoàng trình bày tại hội thảo

Nhận định thêm về khó khăn và đề xuất giải pháp, Thạc sĩ Bùi Huy Hoàng, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam, Viện chiến lược thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ; ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế 2 lần… Hội nhập quốc tế thúc đẩy Việt Nam thay đổi toàn diện về cách nhìn cũng như hành động trong sản xuất phát triển kinh tế, thể chế và vấn đề quản lý theo cơ chế thị trường, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp và nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi hội nhập quốc tế. Cụ thể về thể chế chính sách của nước ta tuy có nhiều thay đổi tích cực nhưng còn lạc hậu; về nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước; về khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng còn rất hạn chế.

Nguồn tin: TTXVN