Hội thảo khoa học "Phát triển KT-XH tỉnh Bến Tre đến năm 2030: cơ hội và thách thức"

Thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 10 tháng 10 năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Miền Nam thuộc Viện Chiến lược Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre và Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức Hội thảo Khoa học góp ý cho dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng chủ trì hội thảo là ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Trương Duy Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Tham gia Hội thảo là các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các Viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, các địa phương trong vùng, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành đoàn thể tỉnh.

Ths Trương Thanh Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam - chủ nhiệm dự án, đã trình bày báo cáo đề dẫn về các cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2030. Theo đó, kinh tế tỉnh Bến Tre hiện vẫn dựa trên 2 trụ cột chính là nông nghiệp (dừa, trái cây) và thủy sản (thủy sản nuôi, khai thác tự nhiên nước ngọt, nước lợ và nước mặn). Các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hay dịch vụ khác đều dựa vào 2 trụ cột chính là nông nghiệp và thủy sản. Hai trụ cột chính này lại dựa trên nền tảng: đất và nước. Cả đất, nước và hai trụ cột kinh tế chính đang đứng trước những thách thức rất lớn từ tác động của biến đổi khí hậu, từ các vấn đề nội tại về phát triển thiếu bền vững.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học và chuyên gia đều nhìn nhận việc cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời thảo luận và đề xuất nhiều đóng góp mới về quan điểm phát triển, tầm nhìn đến năm 2030 và xác định các khâu đột phá cho tỉnh. Theo đó, Bến Tre có thể phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ giữa các tỉnh thuộc vùng duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL (tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu) với vùng KTTĐ phía Nam qua QL60. Đây là cơ hội tốt để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị hóa trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế vườn, kinh tế biển, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Phát triển nông nghiệp sạch, tập trung cho 8 sản phẩm chủ lực: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển; phát triển kinh tế biển với trọng tâm: nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ hậu cần nghề biển; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản để nâng cao giá trị và giá trị tăng thêm. Tập trung xây dựng chính quyền liêm chính phục vụ công dân, doanh nghiệp; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; xây dựng Bến Tre trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đến năm 2030, Bến Tre trở thành tỉnh phát phát triển năng động; đạt trình độ phát triển khá trong vùng ĐBSCL.

Một số hình ảnh tại Hội Thảo:



Nguồn tin: SVEC