Hội thảo phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn các tỉnh, thành phố phía Nam

Toàn cảnh buổi Hội thảo tại khu lâm viên Mỹ Lệ (ngày 7 tháng 10 măm 2016)

Toàn cảnh buổi Hội thảo tại khu lâm viên Mỹ Lệ (ngày 7 tháng 10 măm 2016)

Ngày 7/10, tại Lâm viên Mỹ Lệ (xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, Bình Phước), Tạp chí Cộng sản - Cơ quan Lý luận và Chính trị Trung ương Đảng phối hợp với Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn các tỉnh, thành phố phía Nam”
Tham dự Hội thảo, có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh;
PGS - TS. Đoàn Minh Huấn - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam; các nhà quản lý, doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; lãnh đạo UBND tỉnh, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch và lãnh đạo Ban Tuyên giáo 21 tỉnh, thành phố phía Nam.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, bày tỏ niềm vui mừng được phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn của các tỉnh, thành phía Nam”. Đây là cơ hội để tỉnh Bình Phước học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm hay và mới, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường du lịch an toàn; đồng thời mở ra khả năng tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phía Nam nhằm khai thác và phát huy tốt nhất những tiềm năng du lịch của tỉnh Bình Phước nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam nói chung, theo hướng bền vững.
Trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Trong tổng thể chiến lược phát triển du lịch của đất nước, các tỉnh, thành phố phía Nam có một lợi thế rất lớn và vị trí rất quan trọng. Trong những năm qua, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng trước yêu cầu mới, ngành du lịch Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành phía Nam nói riêng, vẫn còn nhiều bất cập. Thay mặt Ban Tổ chức hội thảo, TS. Phạm Đình Đảng nêu lên 7 vấn đề hội thảo cần tập trung thảo luận, góp ý để phát triển du lịch các tỉnh, thành phía Nam bền vững trong thời gian tới: Một là, làm gì và làm như thế nào để cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam? Hai là, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch để từng bước liên kết, hình thành các tua, tuyến du lịch, phát huy tiềm năng du lịch của mỗi địa phương? Ba là, lựa chọn và khẳng định vai trò của việc đầu tư, định hướng phát triển cho các đô thị hạt nhân để làm nòng cốt trong phát triển du lịch. Bốn là, xây dựng và hình thành Đề án tổng thể phát triển chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị của các vùng tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Năm là, hình thành hệ giải pháp xây dựng một môi trường xã hội thân thiện với du lịch? Sáu là, giải pháp huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch bền vững, có sự hài hòa với các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh? Bảy là, các cấp chính quyền phải cam kết những việc gì là căn bản và chủ yếu phải thực hiện để đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch?

Với 101 bài tham luận được gửi đến Ban Tổ chức (trong đó có 27 bài của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành du lịch của 21 tỉnh, thành phía Nam) và 12 ý kiến trình bày, phát biểu trực tiếp tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề như: Định hướng phát triển du lịch bền vững cho các tỉnh, thành phía Nam trong giai đoạn 2016-2020; Kinh nghiệm và giải pháp phát triển du lịch - nhìn từ thực tiễn các địa phương; Phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; Một số giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở các tỉnh, thành phía Nam; Phát huy vai trò đầu mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch của các hiệp hội du lịch; Liên kết phát triển sản phẩm đặc thù du lịch xanh “Thế giới sông nước Mê Kông”; Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường; Giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam; Phát triển du lịch văn hóa tâm linh bền vững tại Việt Nam;…
Đề cập đến những bất cập, thách thức nổi lên trong quá trình phát triển du lịch ở các tỉnh, thành phía Nam hiện nay, các ý kiến, tham luận tại hội thảo tập trung nêu một số vấn đề: Công tác quy hoạch phát triển du lịch tuy được chú trọng, nhưng thực chất mới chỉ dừng lại ở một số định hướng cơ bản; một số địa phương phát triển du lịch còn mang tính tự phát, bị động về thị trường, sản phẩm du lịch trùng lắp, sức cạnh tranh thấp, tài nguyên và môi trường du lịch suy giảm; chưa có cơ chế điều hành và giải pháp phù hợp để tăng cường liên kết vùng nhằm phát triển du lịch bền vững; việc xây dựng thương hiệu du lịch riêng cho từng địa phương, từng vùng gắn với phát triển các sản phẩm mới và đặc sắc chưa thật sự rõ nét; lực lượng lao động ngành du lịch chưa qua đào tạo chuyên nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao;…
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, khẳng định: Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo đã ghi nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp đầy trách nhiệm. Các ý kiến, tham luận tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, những vấn đề cơ bản về phát triển du lịch bền vững của cả nước nói chung và các tỉnh, thành phía Nam nói riêng.
Thứ hai, những thành tựu cũng như những hạn chế, bất cập trong vấn đề quy hoạch, tổ chức, phát triển du lịch, cơ chế chính sách, sự phân công trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.
Thứ ba, các tham luận, ý kiến tập trung đề cập đến sự phát triển du lịch tỉnh Bình Phước, các tiểu vùng trong khu vực các tỉnh, thành phía Nam; tập trung phân tích quy mô phát triển, các chủ thể, đối tác, tác nhân tham gia phát triển du lịch, trong đó sự hợp tác phân vai cụ thể, tạo thương hiệu sản phẩm,… có vai trò quyết định sự thành công. Các ý kiến, tham luận cũng đề cập đến các loại hình du lịch phong phú của các địa phương, lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch bền vững.
Trên cơ sở đó, Hội thảo đã tập trung đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch bền vững ở các tỉnh, thành phía Nam trong thời gian tới.
- Nhóm giải pháp thứ nhất: Nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo, quản lý, của doanh nghiệp, người dân về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
- Nhóm giải pháp thứ hai: Xác định trách nhiệm của các chủ thể (địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, người dân) và vai trò của sự hợp tác, liên kết trong phát triển du lịch.
- Nhóm giải pháp thứ ba: Xác định những lợi thế và bất lợi thế tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm và thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trên cơ sở xác định cụ thể từng loại hình, sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; những điều kiện môi trường sinh thái, điều kiện phát triển du lịch trong bối cảnh chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nhấn mạnh giá trị lịch sử - nhân văn của từng địa phương, từ đó tạo ra các sản phẩm đặc thù của từng địa phương, của vùng với sự tham gia của doanh nghiệp, hỗ trợ của chính quyền.
- Nhóm giải pháp thứ tư: Đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp để phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.

Tại buổi hội thảo này Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Miền Nam cũng có hai bài tham luận của Giám đốc Trung Tâm (ông, Nguyễn Như Triển) bài “Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Tỉnh Kiên Giang Đến Năm 2030 Trở Thành Ngành Kinh Tế Động Lực Của Tỉnh” và Trưởng phòng Đông Nam Bộ (ông, Bùi Duy Hoàng) “Phát Triển Văn Hóa Du Lịch Tâm Linh Bền Vững Ở Các Tỉnh Thành Phía Nam”.

Tác giả bài viết: http://svec.org.vn/uploads/nghien-cuu/2016_10/du-lich-kien-giang_1.doc

Nguồn tin: SVEC