Nghiệm thu đề tài khoa học: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển ngành dịch vụ tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”

Ngày 01/02/202018, đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển ngành dịch vụ tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức nghiệm thu. Đề tài do Ths.Trương Thanh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam làm chủ nhiệm.
Với mục tiêu chính là đề xuất các giải pháp phát triển cho khu vực kinh tế dịch vụ, đề tài đã phân tích, đánh giá hiện trạng của khu vực dịch vụ tỉnh Hậu Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy những điểm nổi bật về hiện trạng của khu vực dịch vụ tỉnh như: cơ cấu nội ngành dịch vụ còn thiên về các phân ngành dịch vụ truyền thống, dịch vụ tiêu dùng cuối cùng, dịch vụ thuộc khối quản lý Nhà nước, trong khi các ngành dịch vụ hiện đại, dịch vụ phát triển kinh doanh giữ vai trò động lực, là huyết mạnh của nền kinh tế còn chiếm tỷ trọng thấp. Khu vực dịch vụ tiếp tục tạo ra nhiều việc làm mới song tỷ trọng trong tổng lao động đang làm việc vẫn còn thấp và chất lượng lao động chưa được cải thiện nhiều, điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động và chất lượng cung ứng dịch vụ. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở cá thể hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ tăng nhanh từng năm song đại đa số có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, có trình độ chuyên môn hóa thấp và hoạt động trong một môi trường cạnh tranh chưa cao.

                                          
                                                             ThS. Trương Thanh Vũ trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu

Qua phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT); phân tích ngành thế mạnh, tiềm năng (tiếp cận bằng đồ thị Scatter); phân tích mối nối liên ngành, nghiên cứu đã xác định được các ngành dịch vụ ưu tiên mà tỉnh cần tập trung đầu tư phát triển nhằm tạo tác động lan tỏa, kích thích các ngành sản xuất, kinh doanh khác phát triển mạnh mẽ. Đó là các ngành: (1) thương mại, (2) du lịch, (3) thông tin - truyền thông, (4) vận tải kho bãi, logistics, (5) tài chính ngân hàng, (6) dịch vụ phát triển kinh doanh.

Nghiên cứu đã đề xuất 2 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp “nền tảng” với 5 giải pháp hướng đến mục tiêu : (1) Xây dựng chiến lược truyền thông về phát triển dịch vụ; (2) Cải thiện môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách hỗ trợ; (3) Cải tiến công tác quản lý Nhà nước; (4) Tiêu chuẩn hóa chất lượng dịch vụ cung ứng, thành lập các hội, hiệp hội trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, đặc biệt là các hội doanh nghiệp dịch vụ phát triển kinh doanh và (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đề xuất nhóm giải pháp cụ thể cho 6 ngành dịch vụ ưu tiên cho ngành thương mại, du lịch, thông tin-truyền thông, vận tải kho bãi, logistics, tài chính ngân hàng và dịch vụ phát triển kinh doanh.

Các thành viên Hội đồng KH&CN đánh giá đề tài hoàn thành các mục tiêu và khối lượng đã đề ra, phương pháp nghiên cứu mang tính khoa học, đề xuất các giải pháp có tính thực tiễn, khả thi. Để hoàn thiện hơn nữa, Nghiên cứu cần cập nhật, bổ sung số liệu thống kê, xác định thứ tự ưu tiên các giải pháp, giúp các ngành chuyên môn có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới./.

Nguồn tin: SVEC