Những động thái nổi bật kinh tế thế giới trong năm 2014

Thứ hai - 06/01/2014 21:22
Thế giới năm 2014 sẽ ghi nhận sự chuyển biến tiến tới ổn định hơn, an toàn và phục hồi bền vững hơn xoay quanh ba trụ cột chính: Sự tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển, sự ổn định của các nước mới nổi và tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước.
Về tổng thể, nhiều hy vọng đang đậm dần về một thế giới đã trở nên dễ dự báo hơn, dù vẫn còn biến động, các yếu tố hợp lý sẽ dần thích nghi được với hoàn cảnh mới…
GDP sẽ tăng trưởng cao nhất trong bốn năm qua
Trong nhiều dự báo, dù khác nhau về mức độ, nhưng hầu hết các tổ chức và chuyên gia đều thống nhất nhận định xu hướng cải thiện tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2014 với mức tăng chung khoảng 3,5 đến 4,1%, tức cao nhất trong bốn năm qua. Thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi của hầu hết các trung tâm kinh tế lớn; trong đó, nhờ nỗ lực đúng hướng, kinh tế Mỹ (chiếm 1/4 tổng GDP toàn cầu) sẽ tăng trưởng từ 2,6 đến 3%, thất nghiệp sẽ chỉ còn khoảng 6 đến 6,5% thấp nhất trong năm năm qua với các hệ lụy tích cực toàn diện lan tỏa toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc (chiếm gần 1/10 tổng GDP toàn cầu), dù thúc đẩy tái cơ cấu và định hướng mạnh vào thị trường nội địa, coi trọng tăng trưởng bền vững hơn, nhưng vẫn sẽ duy trì được mức tăng từ 7,3 đến 8,5%. Với chương trình cải cách kinh tế táo bạo nhất trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng từ 0,7 đến 1,7%. Khu vực đồng Euro đã qua khỏi cuộc khủng hoảng nợ công về mặt kỹ thuật và chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài. Kinh tế châu Âu sẽ tăng từ 0,9 đến 1,4%, với nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức sẽ tăng trưởng 1,4%, tiếp đến nền kinh tế lớn thứ hai là Pháp sẽ tăng 0,7%. GDP của Đông Âu dự kiến đạt 2,9%, mà tăng mạnh nhất là kinh tế Nga, với mức tăng từ 2 đến 3%. Kinh tế các nước châu Phi đạt từ 5% đến 5,3%. Mỹ - Latinh có thể đạt mức 3,2% đến 3,8%. Khu vực tiểu vùng Xahara sẽ tăng lên 4,5% năm 2014. Đặc biệt, khu vực Đông - Nam Á, nhất là các nước ASEAN sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng và có thể đạt từ 6,6% đến 7%. GDP của Ấn Độ tăng từ 6 đến 7%. Về tổng thể, trong mọi trường hợp, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014, đóng góp tới 40% tăng trưởng GDP toàn thế giới, cao hơn bất kỳ khu vực nào khác...
Thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn
Năm 2014, thương mại thế giới sẽ có bước phát triển ấn tượng hơn, với mức tăng chung khoảng 4,5%, tức gần gấp đôi năm trước, nhờ niềm tin tiêu dùng và niềm tin đầu tư, cũng như các hoạt động kinh doanh toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, các hàng rào kỹ thuật vẫn tiếp tục được cập nhật theo hướng ngày càng khắt khe và tinh xảo hơn.
Hoạt động M&A và thỏa thuận FTA sẽ tiếp tục mạnh
Năm 2014, thế giới sẽ chứng kiến sự tiếp tục gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) (đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghiệp chế biến) và đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa các nước trong cùng châu lục hay liên châu lục, quan trọng nhất là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA giữa EU và Mỹ, cũng như từng bước xây dựng, mở rộng liên minh kinh tế không gian hậu Xô Viết. Bức tranh nợ công và sự ổn định tài chính ngân hàng khu vực cũng sẽ có sự cải thiện nhờ các thỏa thuận kỹ thuật giữa các bên liên quan. Các đồng tiền lớn trên thế giới, nhất là đồng USD đều mạnh lên. Giá vàng khó tạo sốc dù tăng hay giảm. Nhưng sức ép lạm phát chung thế giới có thể gia tăng gắn với sự tăng giá một số nguyên liệu đầu vào thiết yếu và nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Đó là hệ quả cộng hưởng xu hướng nóng dần các hoạt động kinh tế trên toàn cầu, cũng như hệ lụy trễ của các chương trình nới lỏng tài chính định lượng, nhất là gói kích cầu QE-3 của FED và chính sách Anbenomic của Nhật mà về cơ bản vẫn được duy trì, dù có thu hẹp quy mô theo đà phục hồi kinh tế với các hiệu ứng tích cực lan tỏa toàn cầu của chúng.
Những rủi ro và bất ổn vẫn hiện diện
Tuy nhiên, năm 2014, thế giới sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, mà nổi bật là sự chậm trễ, lúng túng về tái cấu trúc và tìm kiếm mô hình, động lực tăng trưởng mới; hệ lụy đảo chiều dòng vốn FDI, khả năng suy giảm động lực tăng trưởng do sự giảm dần các chương trình nới lỏng định lượng trên thị trường tài chính và tình trạng thất nghiệp cao (thất nghiệp ở châu Âu hiện vẫn ở mức báo động hơn 12%) do phục hồi kinh tế chưa đủ mạnh. Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) vừa cảnh báo, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á năm 2014 sẽ mất thêm một năm tăng trưởng chậm do những yếu kém trong cơ cấu nội tại cũng như bất bình đẳng gia tăng. Sự cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của Fed từ tháng 1-2014 có thể làm tăng lãi suất và bán tháo cổ phiếu, thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi và tiền tệ mất giá. Đặc biệt là các nước như Malaysia, Philippines, Nga và Thái-lan mất đi từ 1,2 đến 1,3% tăng trưởng năm 2014. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng từng cảnh báo các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới không nên rút các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế quá sớm, bởi việc dừng chính sách nới lỏng tiền tệ này sẽ làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Một thế giới cần hợp tác và đoàn kết hơn
Bên cạnh đó, những bất ổn kinh tế thế giới có thể còn đến từ những căng thẳng và tranh chấp quân sự, biên giới, lãnh hải và chính trị song phương hoặc đa phương trong khu vực trên khắp thế giới. Chủ nghĩa dân tộc với “những giấc mơ lớn”, đầy tham vọng, cùng với chủ nghĩa khủng bố cực đoan luôn là một công cụ nhạy cảm, dễ vượt khỏi tầm kiểm soát, làm ô nhiễm sự lành mạnh bầu không khí hòa bình thế giới. Bạo lực và sự bất công không thể chia rẽ thế giới…
Vì vậy, trong Thông điệp đầu năm 2014 của nhiều nguyên thủ trên thế giới, đặc biệt là lời chúc của Giáo hoàng Francis trong ngày Hòa bình thế giới của Công giáo, đã nhấn mạnh đoàn kết và hòa bình như một cảnh tỉnh chung và giải pháp cần thiết cho ổn định và phát triển của toàn nhân loại. Hy vọng rằng thế giới năm 2014 sẽ là thời điểm gia tăng sức mạnh, lòng can đảm và khuyến khích đối thoại nhiều hơn, hành động thống nhất hơn giữa cộng đồng các quốc gia, dân tộc tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận sự đa dạng của thể chế, giới tính, sắc tộc hay màu da để cam kết xây dựng một thế giới ôn hòa hơn, nhân từ hơn, công bằng hơn, hòa bình hơn…

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn tin: www.nhandan.com.vn

Những tin mới hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1

Hôm nayHôm nay : 537

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10571

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3822970