Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ tư - 08/11/2023 02:02
(MPI) - Ngày 25/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 995/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hình ảnh về Sóc Trăng. Nguồn: soctrang.gov.vn

Hình ảnh về Sóc Trăng. Nguồn: soctrang.gov.vn

Phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Sóc Trăng bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Sóc Trăng và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40-45%. Giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 2-3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3-4%/năm. Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, hiện đại.

Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn trong không gian phát triển mới; cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong đó, về phương hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, với ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, hiện đại gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hình thành vùng chuyên canh các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh với quy mô thích hợp.

Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản; cải tiến, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến và năng lượng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP; xây dựng, định vị thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh; phát triển đa dạng các thị trường tiêu thụ; kết hợp du lịch.

Xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó chú trọng nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, cây ăn trái, lúa đặc sản, chăn nuôi bò.

Phát triển công nghiệp theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng lớn. Trong đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ. Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn theo hướng hiện đạ đáp ứng tốt cung cầu của thị trường.

Tổ chức 04 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng ven biển, là vùng gồm toàn bộ diện tích đất liền của thành phố Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Đây là vùng động lực, trung tâm phát triển, lan tỏa; phát triển kinh tế vùng ven biển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ hậu cần logistics - du lịch - nông nghiệp, thủy sản gắn với kinh tế biển, cảng biển.

Vùng ven sông Hậu, là vùng gồm toàn bộ diện tích của huyện Châu Thành, huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Phát triển kinh tế vùng ven sông Hậu theo hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

Vùng nội địa, là vùng gồm toàn bộ diện tích của thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú và huyện Mỹ Xuyên. Phát triển kinh tế vùng nội địa theo hướng khai thác các điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, đô thị và dịch vụ (nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến).

Vùng Cù lao Dung, là vùng chỉ gồm huyện Cù Lao Dung; định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Phương hướng phát triển không gian biển phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư, tập trung đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển (trong đó, quan tâm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh). Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực gắn liền với các giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn quy hoạch, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ...

Giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đẩy mạnh thông tin truyền thông về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển các lĩnh vực theo xu thế cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu phát triển của các tổ chức, cá nhân nghiên cứu ứng dụng đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh; phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số cho một số ngành lĩnh vực quan trọng như: nông nghiệp, sản phẩm OCOP, trái cây, thủy sản, sản xuất công nghiệp, các lĩnh vực xã hội và hạ tầng kỹ thuật./

Nguồn tin: Theo Thúy Quyên - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2

Hôm nayHôm nay : 327

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16404

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3843768