1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nướcTổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73%[1] của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% và khu vực dịch vụ tăng 6,87%. Tăng trưởng quý III/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý III/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý III các năm 2011-2016
[2]. Xét về góc độ sử dụng GDP quý III năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 8,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,13%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,76%.
Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây[3]. Kết quả tăng trưởng khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua[4], đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 5,9% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 9 tháng tăng 8,98%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016[5], đóng góp 2,56 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,97%), làm giảm 0,14 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 8,08% của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 9 tháng duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 8,46%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016[6]. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm 9 tháng như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,9 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,85%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,89%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,55%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,04%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,93% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,49%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 14,67%; 32,50%; 42,65%; 10,18%).Xét về góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,71%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,52%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,22%.2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sảna) Nông nghiệpSản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2018 phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá. Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, chuyển dần diện tích trồng lúa sang các loại cây khác và nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao hơn. Kết quả vụ đông xuân năm nay đạt khá cả về năng suất và sản lượng. Theo báo cáo của các địa phương, mặc dù diện tích lúa đông xuân cả nước giảm 15 nghìn ha so với vụ đông xuân trước, nhưng với năng suất đạt 66,4 tạ/ha (tăng 4,1 tạ/ha) nên sản lượng toàn vụ vẫn đạt 20,6 triệu tấn, tăng 1.187,2 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2017.Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.621,6 nghìn ha, bằng 98% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.105,6 nghìn ha, bằng 97,5%; các địa phương phía Nam đạt 516 nghìn ha, bằng 98,9%. Diện tích lúa mùa miền Bắc năm nay đạt thấp, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 516,5 nghìn ha, giảm 18,7 nghìn ha so với vụ mùa năm trước, chủ yếu do các địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác. Đến nay trà lúa mùa sớm ở miền Bắc đang trong giai đoạn vào chắc và chín, đã thu hoạch được gần 115 nghìn ha. Năng suất toàn vụ ước tính đạt 49 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 2.052,8 nghìn ha, giảm 13,7 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.604,6 nghìn ha, giảm 7,1 nghìn ha. Tính đến ngày 15/9/2018, các địa phương đã thu hoạch được 1.806,9 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 88% diện tích gieo cấy và bằng 107,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.378 nghìn ha, chiếm 85,9% và bằng 97,4%. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 54,4 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2017, do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng đạt gần 11,2 triệu tấn, giảm 47,7 nghìn tấn.
Đến giữa tháng Chín, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 628,7 nghìn ha lúa thu đông, bằng 89,1% cùng kỳ năm trước do lịch xuống giống vụ hè thu năm nay muộn và kéo dài hơn năm trước, đồng thời do ảnh hưởng của mưa bão nên lũ về sớm, lên nhanh làm nhiều diện tích không thể gieo cấy. Hiện tại lúa thu đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển khá tốt.
Tính đến giữa tháng Chín, cả nước gieo trồng được 1.025,7 nghìn ha ngô, bằng 96,5% cùng kỳ năm trước; 111,7 nghìn ha khoai lang, bằng 99,6%; 181,3 nghìn ha lạc, bằng 98%; 54 nghìn ha đậu tương, bằng 80,2%; 1.005,8 nghìn ha rau, đậu, bằng 104,9%.Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước: điều đạt 262,3 nghìn tấn, tăng 21,6%; hồ tiêu 255,6 nghìn tấn, tăng 1,2%; cao su 782 nghìn tấn, tăng 4,2%; chè búp 797,1 nghìn tấn, tăng 1,2%. Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả tăng khá: Vải đạt 372,5 nghìn tấn, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2017; nhãn đạt 508,1 nghìn tấn, tăng 13,5%; cam đạt 556,3 nghìn tấn, tăng 12,6%; thanh long đạt 519,5 nghìn tấn, tăng 11,9%.Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm nhìn chung ổn định. Tính đến tháng Chín, đàn trâu cả nước giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2017; đàn bò tăng 2%; đàn gia cầm tăng 5,5%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 66,4 nghìn tấn, tăng 0,9% (quý III đạt 17,7 nghìn tấn, tăng 0,6%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 253,2 nghìn tấn, tăng 2,6% (quý III đạt 67,8 nghìn tấn, tăng 2,2%); sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,7 triệu tấn, giảm 0,3% (quý III đạt 834,2 nghìn tấn, tăng 2,8%); sản lượng thịt gia cầm đạt 817,6 nghìn tấn, tăng 5,8% (quý III đạt 209,2 nghìn tấn, tăng 5%); trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 10,8% (quý III đạt 2,1 tỷ quả tăng 9,5%). Tính đến thời điểm 26/9/2018, cả nước không còn dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh trên lợn; dịch cúm gia cầm còn ở Cao Bằng.b) Lâm nghiệp Trong quý III/2018, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 59,6 nghìn ha, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.609 nghìn m3, tăng 11,6%; sản lượng củi khai thác đạt 5,7 triệu ste, giảm 1,2%. Diện tích rừng bị thiệt hại quý III là 318,1 ha, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 174,6 ha, gấp 3,2 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 143,5 ha, giảm 24,9%. Tính chung 9 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 161,2 nghìn ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 59,2 triệu cây, giảm 0,2%; sản lượng củi khai thác đạt 18,7 triệu ste, giảm 1,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 9.095 nghìn m3, tăng 10,6%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 873,1 ha, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 333,1 ha, giảm 18,7%; diện tích rừng bị chặt, phá là 540 ha, giảm 24,2%.c) Thủy sảnTổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm nay ước tính đạt 5.501,2 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 1.939 nghìn tấn, tăng 6,2%), trong đó cá đạt 3.943,4 nghìn tấn, tăng 6,1%; tôm đạt 668,5 nghìn tấn, tăng 7,3%; thủy sản khác đạt 889,3 nghìn tấn, tăng 4,1%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 2.922,7 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt1.129,2 nghìn tấn, tăng 6,7%), trong đó cá đạt 2.055,8 nghìn tấn, tăng 6,4%; tôm đạt 542,1 nghìn tấn, tăng 8,4%. Diện tích nuôi cá tra của cả nước ước tính đạt 13,9 nghìn ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cá tra ước tính đạt 942,4 nghìn tấn, tăng 9,3%. Sản lượng tôm sú 9 tháng ước tính đạt 200,5 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ chân trắng đạt 308,9 nghìn tấn, tăng 10,7%.
Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng ước tính đạt 2.578,5 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 809,8 nghìn tấn, tăng 5,5%), trong đó cá đạt 1.887,6 nghìn tấn, tăng 5,7%; tôm đạt 126,4 nghìn tấn, tăng 2,8%.
3. Sản xuất công nghiệpChỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Chín ước tính tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%. Tính chung quý III/2018, IIP ước tính tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 3,4%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%.Trong 9 tháng năm 2018, IIP ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%), đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây[7]. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,9% (quý I tăng 15,7%; quý II tăng 9,6%; quý III tăng 13,2%), đóng góp 9,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung, đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua
[8]; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,7%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2% (chủ yếu do khai thác dầu thô giảm 11,7%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm mức tăng chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 53,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,9%; sản xuất kim loại tăng 18,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 16,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,8% (quý I tăng mạnh 34,6% nhưng quý II chỉ tăng 3,2%
[9] và quý III tăng 11%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 14,4%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 3,5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,4% (khai thác dầu thô giảm 11,7% và khai thác khí đốt tự nhiên tăng 1,7%); khai khoáng khác (đá, cát, sỏi…) giảm 3,3%.
Tính chung 9 tháng năm 2018, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 tăng 12%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2018 tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2017 tăng 8,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2018 là 63,8% (cùng kỳ năm trước là 65,6%).
4. Hoạt động của doanh nghiệpa) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[10]Tính chung 9 tháng, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017[11]; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%. Nếu tính cả 1.881,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2018 là 2.845,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 22.897 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 119,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2018 là 819,7 nghìn người, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%[12]. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 10.591 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8% và tăng 32%.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệpKết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2018 cho thấy: Có 43,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 17,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 52,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.5. Hoạt động dịch vụTổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay ước tính đạt 3.235,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,8% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,76%), trong đó quý III/2018 đạt 1.110,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với quý trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước tính đạt 2.433,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 396 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 8,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 30,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 16,9%; doanh thu dịch vụ khác đạt 375,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9,7%.
Vận tải hành khách trong quý III năm nay đạt 1.183,7 triệu lượt khách, tăng 11,6% so với quý III năm trước và 53,4 tỷ lượt khách.km, tăng 10,5%; vận tải hàng hóa đạt 415 triệu tấn, tăng 11% và 78 tỷ tấn.km, tăng 9,2%, là quý có mức tăng cao nhất kể từ đầu năm nay. Tính chung 9 tháng, vận tải hành khách đạt 3.446,1 triệu lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và 153,5 tỷ lượt khách.km, tăng 10,6%; vận tải hàng hóa đạt 1.211,2 triệu tấn, tăng 9,9% và 225,9 tỷ tấn.km, tăng 7,5%.
Doanh thu hoạt động viễn thông quý III/2018 ước tính đạt 96,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng đạt 284,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9%. Tính đến cuối tháng 9/2018, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 126,5 triệu thuê bao, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 121,5 triệu thuê bao, tăng 2,5%; thuê bao internet băng rộng cố định ước tính đạt 13,4 triệu thuê bao, tăng 25,3%.
Khách quốc tế đến nước ta trong quý III/2018 đạt 3.725 nghìn lượt người, tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của quý I (30,9%) và quý II (23,1%). Tính chung 9 tháng, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 11.616,5 nghìn lượt người, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 9.407,4 nghìn lượt người, tăng 17,4%; đến bằng đường bộ đạt 2.018,3 nghìn lượt người, tăng 62,1%; đến bằng đường biển đạt 190,8 nghìn lượt người, tăng 0,5%. Khách đến từ châu Á đạt 9.029,3 nghìn lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.531,2 nghìn lượt người, tăng 9,8%; khách đến từ châu Mỹ đạt 690,9 nghìn lượt người, tăng 12,5%; khách đến từ châu Úc đạt 334 nghìn lượt người, tăng 6,3%; khách đến từ châu Phi đạt 31,1 nghìn lượt người, tăng 19,5%. 6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểmTính đến ngày 20/9/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15% (cùng kỳ năm 2017 tăng 10,08%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% (cùng kỳ năm 2017 tăng 11,02%). Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III năm 2018 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 14%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 20%. Ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 27%.7. Đầu tư phát triểnTrong 9 tháng năm 2018, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.253,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (quý III 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%), bằng 34% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 420,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 533,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,5% và tăng 17,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 299,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,9% và tăng 8,4%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 9 tháng ước tính đạt 214,5 nghìn tỷ đồng, bằng 63,2% kế hoạch năm và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 62,4% và tăng 6,6%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 39,8 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 174,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,9% kế hoạch năm và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2018 thu hút 2.182 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14.124,5 triệu USD, tăng 18,3% về số dự án và giảm 3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 841 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.544,2 triệu USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng đạt 19.668,7 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm nay ước tính đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng năm 2018 còn có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 788 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,84 tỷ USD và 5.087 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,86 tỷ USD.Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm nay có 99 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 286 triệu USD; 23 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 44,9 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 9 tháng năm 2018 đạt 330,9 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,8 triệu USD, chiếm 19,3%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 45,9 triệu USD, chiếm 13,9%. Trong 9 tháng có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào với 95,2 triệu USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư; I-ta-li-a 46,8 triệu USD, chiếm 14,1%; Xlô-va-ki-a 35,9 triệu USD, chiếm 10,9%.8. Thu, chi ngân sách Nhà nướcTổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 ước tính đạt 898,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 710,1 nghìn tỷ đồng, bằng 64,6%; thu từ dầu thô 43,5 nghìn tỷ đồng, bằng 121,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140,9 nghìn tỷ đồng, bằng 78,7%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 ước tính đạt 936,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 651 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2%; chi đầu tư phát triển 192,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2%; chi trả nợ lãi 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5%.
9. Xuất, nhập khẩu hàng hóaa) Xuất khẩu hàng hóa Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017 (quý III đạt 64,73 tỷ USD, tăng 13,9%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,07 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 127,84 tỷ USD (chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,6%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 9 tháng có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD, tăng 14,6%; hàng dệt may đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 16,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,1 tỷ USD, tăng 28,7%; giày dép đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,3 tỷ USD, tăng 13,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,9 tỷ USD, tăng 15,8%. Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 95,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,4%; hàng dệt may 60,1%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản trong 9 tháng cũng tăng khá: Thủy sản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9%; rau quả đạt 3 tỷ USD, tăng 15,2%; gạo đạt 2,5 tỷ USD, tăng 22,1% (lượng tăng 7,6%). Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 2,8 tỷ USD, giảm 0,02% (lượng tăng 19,6%); hạt điều đạt 2,5 tỷ USD, giảm 0,7% (lượng tăng 5,8%); cao su đạt 1,4 tỷ USD, giảm 11,4% (lượng tăng 9,1%); hạt tiêu đạt 636 triệu USD, giảm 34,1% (lượng tăng 7,1%). Riêng dầu thô tính chung 9 tháng tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước mặc dù giá xuất khẩu bình quân tăng 37,5%: Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 1,7 tỷ USD, giảm 24,6% (lượng giảm 45,2%).
b) Nhập khẩu hàng hóaKim ngạch hàng hoá nhập khẩu 9 tháng ước tính đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 62,70 tỷ USD, tăng 16%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 9 tháng năm nay có 30 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 3 mặt hàng trên 10 tỷ USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu 9 tháng cao: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,1 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24,6 tỷ USD, giảm 3,5%; điện thoại và linh kiện đạt 11,1 tỷ USD, tăng 2%; vải đạt 9,4 tỷ USD, tăng 13,5%; sắt thép đạt 7,6 tỷ USD, tăng 12,2%; chất dẻo đạt 6,6 tỷ USD, tăng 18,4%; xăng dầu đạt 6,2 tỷ USD, tăng 23,9%; kim loại thường đạt 5,7 tỷ USD, tăng 32,4%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,2%; hóa chất đạt 3,8 tỷ USD, tăng 26,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,65 tỷ USD.
c) Xuất, nhập khẩu dịch vụKim ngạch xuất khẩu dịch vụ 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 11,1 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017 (quý III đạt 3,6 tỷ USD, tăng 8,8%), trong đó dịch vụ du lịch đạt 7,6 tỷ USD (chiếm 68,3% tổng kim ngạch), tăng 15%; dịch vụ vận tải đạt 2,2 tỷ USD (chiếm 19,4%), tăng 16%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng ước tính đạt 13,8 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (quý III đạt 4,9 tỷ USD, tăng 10,1%), trong đó dịch vụ vận tải đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 47,3% tổng kim ngạch), tăng 8,9%; dịch vụ du lịch đạt 4,4 tỷ USD (chiếm 31,6%), tăng 11,5%. Nhập siêu dịch vụ trong 9 tháng là 2,7 tỷ USD, bằng 24,2% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.10. Chỉ số giáa) Chỉ số giá tiêu dùngChỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng Chín tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với 5,07% (dịch vụ giáo dục tăng 5,75% làm CPI chung tăng 0,3%) do trong tháng có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí và nhu cầu mua sắm cho năm học mới tăng cao. Nhóm giao thông tăng 0,82% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 6/9/2018 và thời điểm 21/9/2018 làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 1,77% (tác động làm CPI tăng khoảng 0,08%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%, trong đó lương thực tăng 0,28% do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; thực phẩm tăng 0,51%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá; văn hóa, giải trí và du lịch đều tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04% (dịch vụ y tế tăng 0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,08%.Tính chung quý III/2018, CPI tăng 0,72% so với quý trước và tăng 4,14% so với quý III/2017. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 9/2018 tăng 3,20% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.b) Chỉ số giá vàng và giá đô la MỹChỉ số giá vàng tháng 9/2018 giảm 0,97% so với tháng trước; giảm 1,89% so với tháng 12/2017 và giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2018 tăng 0,16% so với tháng trước; tăng 2,59% so với tháng 12/2017 và tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2017.c) Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất nhập khẩuChỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III năm nay tăng 1,13% so với quý trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất công nghiệp quý III tăng 1,08% và tăng 3,91%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III tăng 1,24% và tăng 3,20%. Tính chung 9 tháng, chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2017; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 3,19%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,95%
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá 9 tháng năm 2018 tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2017 (quý III giảm 0,66% so với quý trước và tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước); chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 1,38% (quý III tăng 0,39% so với quý trước và tăng 1,99% so với cùng kỳ năm trước). Tỷ giá thương mại hàng hoá 9 tháng giảm 0,36% so với cùng kỳ năm 2017 (quý III giảm 1,05% so với quý trước và giảm 0,34% so với cùng kỳ năm trước).
11. Dân số, lao động và việc làmDân số trung bình năm 2018 của cả nước ước tính 94,66 triệu người, bao gồm dân số thành thị 33,63 triệu người, chiếm 35,5%; dân số nông thôn 61,03 triệu người, chiếm 64,5%; dân số nam 46,75 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 47,91 triệu người, chiếm 50,6%.Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 9 tháng năm 2018 là 55,2 triệu người, tăng 581,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước (quý III là 55,4 triệu người, tăng 551,5 nghìn người so với quý III năm 2017); lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,5 triệu người, tăng 535,7 nghìn người (quý III 48,8 triệu người, tăng 539,9 nghìn người).Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính 9 tháng năm nay là 2,2% (quý I là 2,2%; quý II là 2,19%; quý III là 2,2%), trong đó khu vực thành thị là 3,1%; khu vực nông thôn là 1,74%.Trong 9 tháng năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,46% (quý I/2018 là 1,52%; quý II là 1,43%; quý III là 1,42%), trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,63%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,86%.12. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hộiĐời sống dân cư 9 tháng năm 2018 được cải thiện. Tính chung 9 tháng, cả nước có 100,7 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 401,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 40,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 7,4 nghìn tấn lương thực.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng trị giá quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 9 tháng là 4.763 tỷ đồng. Bên cạnh đó có gần 22,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
13. Giáo dục, đào tạoKỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tiếp tục tổ chức theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội. Tuy vậy tính nghiêm túc trong đánh giá kết quả thi chưa được đảm bảo ở một số địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay được tổ chức tại 2.144 điểm thi, tương ứng với 39.689 phòng thi. Số thí sinh đăng ký dự thi là 925,8 nghìn người, trong đó 687,9 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, chiếm 74,3% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Tại thời điểm khai giảng năm học 2018-2019, cả nước có 5,3 triệu trẻ em đi học mầm non; 16,6 triệu học sinh phổ thông đến trường. Hiện nay cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 394 trường cao đẳng; 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo nghề tính đến cuối tháng 8/2018 đã tuyển mới được 1.492 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 342 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác tuyển sinh được 1.150 nghìn người. Bên cạnh đó, trong năm 2018 dự kiến sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 800 nghìn lao động nông thôn, trong đó đào tạo cho 19,8 nghìn người khuyết tật theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
14. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩmTính chung 9 tháng, cả nước có 42,8 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 56,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (11 trường hợp tử vong); 456 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 630 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (18 trường hợp tử vong); 20 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu (1 trường hợp tử vong); 536 trường hợp mắc bệnh ho gà (2 trường hợp tử vong); 72 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn ở người (6 trường hợp tử vong); 57 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/9/2018 là 208,5 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là gần 93,1 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98,07 nghìn người.Tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trong 9 tháng năm nay là 62 vụ, làm 1.557 người bị ngộ độc, trong đó 10 trường hợp tử vong.15. Hoạt động văn hóa thể thaoHoạt động văn hóa 9 tháng năm 2018 tập trung vào chào mừng các ngày Lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Các sự kiện được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Công tác quản lý lễ hội được chú trọng nhằm phát huy tính tích cực của lễ hội dân gian và phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý những lễ hội có vi phạm, không đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Trong hoạt động thể thao thành tích cao, từ đầu năm đến nay thể thao Việt Nam giành được 368 huy chương vàng, 281 huy chương bạc và 226 huy chương đồng tại các giải thể thao cấp khu vực và thế giới. Tại Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18), Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được 4 huy chương vàng, 16 huy chương bạc và 18 huy chương đồng, xếp thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ.
16. Tai nạn giao thôngTính chung 9 tháng năm 2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 6.861 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 6.381 vụ va chạm giao thông, làm 6.012 người chết, 3.670 người bị thương và 6.649 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 9 tháng năm nay giảm 7,8% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 2,3%; số vụ va chạm giao thông giảm 13,1%); số người chết giảm 1,8%; số người bị thương tăng 3,4% và số người bị thương nhẹ giảm 19,3%. Bình quân 1 ngày trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn cả nước xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông, gồm 25 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 23 vụ va chạm giao thông, làm 22 người chết, 13 người bị thương và 24 người bị thương nhẹ.
17. Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổTheo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, thiên tai trong 9 tháng năm 2018 đã làm 27 người chết và mất tích, 12 người bị thương; 544 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 14,1 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái và ngập nước; 8,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính 785 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng, thiên tai đã làm 183 người chết và mất tích, 129 người bị thương; hơn 1,8 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và cuốn trôi; 59,5 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái và ngập nước; 141,7 nghìn ha lúa và 29,6 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai trong 9 tháng ước tính hơn 8,8 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 10.988 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 10.264 vụ với tổng số tiền phạt hơn 161 tỷ đồng. Trong 9 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.008 vụ cháy, nổ, làm 82 người chết và 224 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng./. TỔNG CỤC THỐNG KÊ
[1] Tăng trưởng GDP quý II/2018 điều chỉnh giảm 0,06 điểm phần trăm so với số ước tính 6,79% do điều chỉnh giảm tốc độ tăng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,25 điểm phần trăm (nguyên nhân chủ yếu do số liệu ước tính sản phầm điều, tiêu, tôm thẻ cao hơn số liệu sơ bộ) và khu vực dịch vụ 0,01 điểm phần trăm. [2] Tăng trưởng GDP quý III một số năm: Năm 2011 tăng 6,21%; năm 2012 tăng 5,39%; năm 2013 tăng 5,54%; năm 2014 tăng 6,07%; năm 2015 tăng 6,87%; năm 2016 tăng 6,56%; năm 2017 tăng 7,38%; năm 2018 tăng 6,88%. [3] Tăng trưởng GDP 9 tháng của một số năm: Năm 2011 tăng 6,03%; năm 2012 tăng 5,10%; năm 2013 tăng 5,14%; năm 2014 tăng 5,53%; năm 2015 tăng 6,53%; năm 2016 tăng 5,99%; năm 2017 tăng 6,41%; năm 2018 tăng 6,98%. [4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành thủy sản 9 tháng của một số năm: Năm 2011 tăng 3,46%; năm 2012 tăng 4,06%; năm 2013 tăng 2,95%; năm 2014 tăng 6,15%; năm 2015 tăng 2,11%; năm 2016 tăng 1,81%; năm 2017 tăng 5,48%; năm 2018 tăng 6,37%. [5] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 8,74%; năm 2013 tăng 6,58%; năm 2014 tăng 7,09%; năm 2015 tăng 10,15%; năm 2016 tăng 11,20%; năm 2017 tăng 12,77%; năm 2018 tăng 12,65%. [6] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 6,47%; năm 2013 tăng 6,43%; năm 2014 tăng 5,94%; năm 2015 tăng 6,10%; năm 2016 tăng 6,67%; năm 2017 tăng 7,21%; năm 2018 tăng 6,89%.
[7] Tốc độ tăng IIP 9 tháng các năm 2012-2018 lần lượt là: 6,1%; 5,3%; 6,8%; 9,9%; 7,1%; 8,8%; 10,6%. [8] Tốc độ tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng các năm 2012-2018 lần lượt là: 5,5%; 6,7%; 8,3%; 10,2%; 10,5%; 12,2%; 12,9%. [9] Nguyên nhân chủ yếu do năm nay Công ty TNHH Samsung Electronics tập trung sản xuất các dòng điện thoại cao cấp vào tháng Hai và tháng Ba, trong khi năm 2017 sản xuất chủ yếu vào tháng Tư và tháng Năm. [10] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. [11] 9 tháng năm 2017, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký tăng 43,5%; vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp tăng 24,4%. [12] Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng cao trong đó có nguyên nhân thời gian này các phòng đăng ký kinh doanh trên cả nước đang rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, loại bỏ các doanh nghiệp không còn hoạt động trong thời gian dài.