Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015

Thứ tư - 01/07/2015 05:44
(MPI Portal) – Chiều 26/6/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015. Tham dự buổi họp báo có Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong Tổng cục và các cơ quan truyền thông, báo chí.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2015 ước tính tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,36%, đóng góp 0,42 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,09%, đóng góp 2,98 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,09%, đóng góp 2,22 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,73%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,45%; khu vực dịch vụ chiếm 39,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,21%.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, so với 6 tháng năm 2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,5%; số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới tăng 20,4%. So với 6 tháng năm 2014, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay giảm 0,9%; số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động giảm 5,8%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng 2,2%.

Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng theo giá hiện hành ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,1% GDP, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 7,2% (Vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 1,7%); vốn khu vực ngoài Nhà nước tăng 11,4%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,9%. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2015 thu hút 757 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3839,2 triệu USD, tăng 15,4% về số dự án và giảm 21% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 5493,4 triệu USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2015 ước tính đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Thống kê phát biểu tại buổi họp báo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2015 ước tính đạt 406,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa 298,8 nghìn tỷ đồng, bằng 46,8%; thu từ dầu thô 32,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 73,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2015 ước tính đạt 501,2 nghìn tỷ đồng, bằng 43,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển là 80,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,4% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 78,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2%).

Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng Năm đạt 13,7 tỷ USD cao hơn 199 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước tính đạt 14,3 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước, trong đó khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,1 tỷ USD, tăng 4,2%; khu vực kinh tế trong nước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,8%.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng ước tính đạt 80,7 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng, khu vực kinh tế trong nước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 54,9 tỷ USD, tăng 15,3%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với 15,7 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2014; tiếp đến là EU đạt 14,8 tỷ USD, tăng 11,6%; ASEAN đạt 9,3 tỷ USD, giảm 0,8%; Trung Quốc đạt 7,7 tỷ USD, tăng 3,6%; Nhật Bản đạt 6,7 tỷ USD, giảm 6,7%; Hàn Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 22,3%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính chiếm 45,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2014. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp tỷ trọng tăng từ 40,2% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên 40,5% trong 6 tháng đầu năm nay. Nhóm hàng nông sản, lâm sản tỷ trọng giảm từ 11,2% xuống 9,9%. Nhóm hàng thủy sản tỷ trọng giảm từ 5% xuống 3,9%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,7 tỷ USD, tăng 7,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48,8 tỷ USD, tăng 25,5%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước tính đạt 84,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc duy trì ở mức cao nhất với 24,4 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2014; Hàn Quốc đạt 13,8 tỷ USD, tăng 31,2%; ASEAN đạt 12 tỷ USD, tăng 6%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, tăng 27,7%; EU đạt 4,5 tỷ USD, tăng 5,8%; Hoa Kỳ đạt 3,8 tỷ USD, tăng 19,8%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2015 tăng 0,35% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với mức 3,54%. Các yếu tố tác động đến CPI tháng 6: Ảnh hưởng từ giá xăng được điều chỉnh tăng tác động đến CPI chung tăng khoảng 0,3%; nhu cầu sử dụng điện tăng cao tác động đến CPI chung khoảng 0,04%; giá dịch vụ y tế tại thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng tác động đến CPI chung khoảng 0,02%.

Tại buổi họp báo, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá trình bày về chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (chỉ số SCOLI) giai đoạn 2010 – 2014. Chỉ số SCOLI phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định. Chỉ số SCOLI của Việt Nam các năm 2010 – 2014 được tính dựa trên giá của 1.581 mặt hàng từ điều tra giá tiêu dùng 3 kỳ/tháng của 12 tháng trong năm tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương. Đồng thời chỉ số này còn là cơ sở để tính chỉ số phát triển con người, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo sức mua tương đương, các doanh nghiệp dùng chỉ số SCOLI để đánh giá tính cạnh tranh liên quan đến giá, thị phần, chi phí sản phẩm, …. Kết quả biên soạn chỉ số SCOLI trong 5 năm qua (2010 - 2014) cho thấy, so với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc có chỉ số SCOLI cao nhất, từ 104,78% đến 108,81%. Tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ có chỉ số đứng thứ hai, từ 101,61% đến 102,36%. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước, từ 95,97% đến 98,08%.

Với chi phí lưu thông cao khiến chỉ số SCOLI của vùng Tây Bắc cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng ở hầu hết các nhóm hàng, đặc biệt là các nhóm hàng may mặc, vật liệu xây dựng, giao thông, thiết bị đồ dùng gia đình, … với mức giá bình quân cao hơn từ 2% đến 9%. Trái ngược với vùng Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có điều kiện địa lý tự nhiên và kinh tế thuận lợi cho chỉ số SCOLI thấp nhất so với vùng Đồng bằng sông Hồng.

Khi chọn Hà Nội làm gốc so sánh, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có chỉ số SCOLI cao nhất cả nước trong các năm 2010 – 2012. Năm 2013, thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 4 và năm 2014 đứng thứ 6 trong cả nước về mức độ “đắt đỏ” do trong những năm này thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình bình ổn giá. Tuy nhiên, nhóm giáo dục của thành phố Hồ Chí Minh năm 2014 vẫn cao nhất cả nước và bằng 168,59% so với Hà Nội.

Các tỉnh có mức giá biến động nhiều nhất là Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Bến Tre. Trong đó, Bắc Kạn là tỉnh có chỉ số thay đổi biên độ lớn nhất trong cả nước, theo xu hướng giá ngày càng rẻ hơn. Nguyên nhân chính là do nhóm hàng lương thực của Bắc Kạn trong năm 2011 giảm mạnh. Hà Tĩnh có chỉ số SCOLI thay đổi biên độ lớn theo xu hướng ngày càng đắt đỏ hơn. Nguyên nhân của sự thay đổi là do dịch vụ y tế tăng 305,85% vào tháng 9 năm 2012 và có mức học phí cao nhất cả nước trong năm 2013. Bắc Ninh, Bến Tre cũng là tỉnh có chỉ số SLICO thay đổi biên độ theo xu hướng ngày càng đắt đỏ hơn./.

Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 6

Hôm nayHôm nay : 444

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15976

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3843340