Chuyển đổi kinh tế và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba - 04/02/2020 15:37
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

(MPI) - Ngày 16/01/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì Hội thảo tham vấn các Đối tác phát triển về Chương trình Tài trợ chính sách phát triển hỗ trợ chuyển đổi Kinh tế và Tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong DPO).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có vị trí quan trọng đối với Việt Nam. Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một trong những khó khăn, điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết này chính là yêu cầu nguồn lực chưa được đáp ứng. Chính vì vậy, ngày 05/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tìm kiếm các cơ hội khai thác dòng vốn nước ngoài đầu tư cho Vùng này. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất bổ sung nguồn vốn khoảng 2 tỷ đô la tăng thêm cho giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện các chương trình, dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển của cả nước nói chung và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với WB tại Việt Nam để triển khai các khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển cho Vùng. Đến nay, trên cơ sở làm việc với 13 địa phương của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB đã hoàn thiện các nội dung của các khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển và xây dựng khung chính sách phát triển với 09 nhóm hành động cụ thể dựa trên 3 trụ cột: đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng; Cải cách liên ngành, liên vùng tích hợp theo không gian; tài chính bền vững, đầu tư xanh và hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung mong muốn các đại biểu thảo luận, đưa ra các ý kiến đối với các định hướng sử dụng khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển và khả năng tham gia vào các dự án, đặc biệt là các cam kết, hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại, hỗ trợ để triển khai các khoản vay được “mềm hóa” và thực hiện có hiệu quả nhằm thúc đẩy triển khai các khoản vay trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ousmane Dione cho rằng, đây là dịp để các đối tác phát triển xem xét, đưa ra các đề xuất, đưa ra các chương trình phát triển cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Chương trình Tài trợ chính sách phát triển hỗ trợ chuyển đổi Kinh tế và Tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng vào thời điểm quan trọng và đưa các phương thức mới để phát triển Vùng. Đây cũng là cơ hội tốt để các bên liên quan cùng xem xét, xử lý khó khăn, thách thức như năng suất thấp, hạn hán, hạn chế về cơ sở hạ tầng… để thúc đẩy và đảm bảo tính bền vững cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Ông Ousmane Dione cho rằng, các chính sách hỗ trợ để Vùng phát triển đã có nhiều nhưng vẫn còn phân tán. Do vậy, trong thời gian tới, cần có sự tham gia của cấp tỉnh một cách phù hợp và hiệu quả hơn, ví dụ như về tính sở hữu, cách thức điều phối, phối hợp tốt hơn giữa các cấp… Điều này đòi hỏi phải xem xét định hướng phát triển như thế nào để tối ưu hóa nguồn lực, sự phát triển và các kết quả đạt được.

Nghị quyết 120 là nền tảng hết sức quan trọng, đưa ra định hướng phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau 2 năm triển khai đã có nhiều kết quả và sự tham gia điều phối của các đối tác, sự phối hợp tích cực giữa các địa phương để đảm bảo Nghị quyết hiệu quả, tăng cường tính tương trợ, hợp lực, hợp tác với nhau. Đây sẽ là nền tảng để các đối tác phát triển cùng hợp tác với nhau dựa trên khả năng cạnh tranh cũng như ưu thế của các đối tác để thu hút sự tham gia của các đối tác, đảm bảo tính phát triển bền vững cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều quan trọng nữa là cần có sự quan tâm đến các vấn đề về điều phối, hợp tác để xây dựng khuôn khổ duy nhất, có thể dựa trên cơ sở các lợi thế cạnh tranh, hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam cũng như các tỉnh. Đồng thời, xây dựng được chính sách thực sự hiệu quả cho khu vực này để từ đó phát triển và nhân rộng cho các khu vực khác của Việt Nam.

Hiện sự liên kết giữa các ngành, các địa phương còn hạn chế. Do vậy, thông qua khoản vay DPO sẽ tạo sự liên kết, hợp lực tốt hơn. Đây là điều rất quan trọng và mang tính chất tiên quyết. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt kết quả cao hơn nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng xây dựng, phải có tinh thần chủ động, tích cực và không thể để chậm trễ hơn được nữa. Chúng ta chỉ có một lựa chọn là làm thế nào để biến những mục tiêu phát triển cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành hiện thực. WB mong muốn được hỗ trợ phát triển Vùng này và khuyến khích các đối tác phát triển cùng tham gia vào quá trình này, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Trình bày Chương trình Tài trợ chính sách phát triển hỗ trợ chuyển đổi Kinh tế và Tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đại diện WB cho rằng, việc huy động nguồn lực bổ sung cho Vùng nhằm tạo sự chuyển biến về tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, tăng cường nguồn lực và hiệu quả hỗ trợ là việc làm cần thiết.

Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ chuyển đổi kinh tế và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng; cải cách liên ngành, liên vùng tích hợp theo không gian; tài chính bền vững cho đầu tư xanh và hiệu quả. Từ đó, nhằm đưa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể trở thành tiên phong và điển hình phát triển, là mô hình chuyển đổi kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đây là chương trình hỗ trợ chính sách phát triển, do vậy các cơ chế thực hiện gắn với việc giải ngân nguồn vốn vay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với các Bộ, ngành liên quan và dự thảo chương trình hành động chính sách theo tiến độ cụ thể. Bộ mong muốn thông qua Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ chế chính sách, hành động để đạt mục tiêu phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về dự kiến định hướng sử dụng cơ chế tài chính, ông Trần Duy Đông cho biết, nguồn vay được thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 120/NQ-CP và Chỉ thị số 23/CT-TTg, tức là bổ sung nguồn vốn tăng thêm cho 13 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này được hiểu, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương được tính toán theo các tiêu chí, nguyên tắc áp dụng chung cho các 63 tỉnh, thành phố. Thời điểm triển khai được thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo theo thời gian của Luật đầu tư công (sửa đổi). Về đối tượng, bám sát theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 23/CT-TTg, nguồn lực được tập trung thực hiện các công trình, dự án nội vùng, liên vùng trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, cấp nước, thủy lợi và biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, ý kiến của các đối tác phát triển đều bày tỏ đồng tình và đánh giá cao sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB trong việc nỗ lực xây dựng Chương trình Tài trợ chính sách phát triển hỗ trợ chuyển đổi Kinh tế và Tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường cơ chế phối hợp chính sách để hỗ trợ phát triển Vùng. Đồng thời khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với WB, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, tất cả các ý kiến đều đánh giá cao sáng kiến khoản vay hỗ trợ này, đây là điều đáng mừng. Đồng thời cho rằng, qua ý kiến của các đại biểu cho thấy, một số nội dung được quan tâm liên quan đến cơ chế khoản vay; quy trình, trình tự thủ tục liên quan đến phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư; cơ chế tài chính cho các khoản vay; sắp xếp, lựa chọn dự án ưu tiên … Liên quan đến các vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, Luật đầu tư công (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo và trình thông qua với nhiều điểm mới sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư công, đẩy mạnh việc phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương.

Các đại biểu cho rằng, ngoài huy động nguồn lực của các đối tác phát triển, nhà nước thì Việt Nam cần đẩy mạnh huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật PPP, Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đây là cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy thu hút nguồn lực của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng./.

 

Tùng Linh

Nguồn tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2

Hôm nayHôm nay : 139

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1964

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3934462