Xu thế mới của phát triển kinh tế tập thể: nhu cầu hoàn thiện luật pháp, chính sách

Thứ tư - 08/05/2019 23:07

1- Hai ví dụ điển hình về mô hình tổ chức kinh tế tập thể hiệu quả

Hợp tác xã chăn nuôi Nam sách- Hải dương:

HTX chăn nuôi Nam sách, Hai dương là HTX kiểu mới được thành lập năm 2002, lúc đầu chỉ 20 xã viên từ 3 xã, nay có 35 xã viên từ 8 xã lân cận thuộc huyện Nam sách. Trước khi tham gia HTX, mỗi hộ nói chung chỉ nuôi khoảng 1-5 con lợn mỗi năm, tức quy mô sản xuất rất nhỏ. Sau khi tham gia HTX 3-4 năm, mỗi hộ thành viên đã nuôi heo theo phương pháp công nghiệp, từ 30 đến 200 con, thậm chí nhiều hơn, kết hợp nuôi gà và cá, thực chất là phát triển thành các trang trại chăn nuôi. Đời sống của các gia đình hộ xã viên từ vài năm gần đây đã được cải thiện rất nhiều, nhiều hộ xã viên đã giàu có. Thực sự, HTX là tổ chức hợp tác của nhiều trang trại chăn nuôi heo gia đình, hoạt động thực sự vì lợi ích xã viên chứ không phải “nghe ngóng”, chờ trợ cấp.

Vậy HTX làm gì? HTX chủ yếu cung cấp vật tư, nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, kỹ thuật chuồng trại và nuôi heo, dịch vụ thú y, hỗ trợ vay tín dụng ngân hàng, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên- tức các nhu cầu chung cho chăn nuôi heo của các hộ xã viên mà từng xã viên riêng lẻ làm kém hiệu quả, hoặc khó tự thực hiện. Chủ nhiệm HTX đồng thời là một chủ hộ xã viên của HTX, là người năng động, sáng tạo, có tinh thần hợp tác, giúp đỡ cộng đồng và có năng lực cuốn hút người khác trong hoạt động của HTX.

Lúc đầu trụ sở của HTX là nhà của chủ nhiệm. Sau vài năm, HTX kiến nghị và được chính quyền xã chấp thuận sử dụng một cái ao hố bom cũ. Cộng đồng xã viên đã cùng nhau san lấp ao, xây dựng trụ sở, vừa làm nơi hội họp, vừa làm nơi sinh hoạt văn hoá của cộng đồng xã viên.

HTX phát triển đến quy mô khoảng 35 hộ xã viên thì tạm đủ vì còn tuỳ thuộc năng lực quản lý và hiệu quả của HTX, nhưng đã giúp đỡ và phổ biến kinh nghiệm phát triển của HTX tạo điều kiện cho 9 HTX tương tự khác thành lập và phát triển trong huyện Nam sách. Trên cơ sở nhiều HTX chăn nuôi và từ nhu cầu chung của các HTX chăn nuôi- mà thực chất là nhu cầu chung của các hộ xã viên, Liên hiệp HTX chăn nuôi Nam sách đã được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu đầu vào, dịch vụ kĩ thuật, đặc biệt mở dịch vụ tiêu thụ, chế biến heo cho các HTX thành viên- mà thực chất là của các xã viên HTX thành viên. Quy mô hoạt động của liên hiệp tăng hơn hẳn so với từng HTX thành viên riêng lẻ, do vậy hiệu quả của HTX và của kinh tế hộ xã viên cao hơn hẳn so với trước đây. Liên hiệp HTX thực chất là HTX của các HTX, một tổ chức hợp tác cấp cao hơn so với HTX tập hợp được nhiều xã viên hơn.

Đây chính là mô hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên, theo đó xã viên vừa là chủ sở hữu vừa là người sử dụng dịch vụ của HTX. Măy mắn là HTX này được một tổ chứuc phi chính phủ của Pháp(GRET) hỗ trợ tư vấn trong thành lập, tổ chức và hoạt động.

Tổ hợp tác lúa giống và dịch vụ gặt, sấy Đồng tháp:

Tổ hợp tác giống ở xã Mỹ trà, Tp. Cao lãnh, tỉnh Đồng tháp được hình thành từ một hộ sản xuất lúa giống. Thấy sản xuất lúa giống có lời và ổn định, nhiều hộ lân cận cũng muốn sản xuất lúa giống và “nhập hội” với hộ trồng lúa giống đầu tiên- người trở thành tổ trưởng tổ hợp tác về giống sau này. Như vậy, ở tỉnh Đồng tháp, đây là một trong nhiều tổ hợp tác nhưng chuyên về sản xuất lúa giống, mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho các tổ viên. Tổ trưởng hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ viên, tổ chức mua vật tư đầu vào và tổ chức tiêu thụ lúa giống chung cho cả tổ. Chi phí sản xuất lúa giống nhờ vậy giảm nhiều, sức mặc cả trên thị trường của cả tổ tăng lên, sản xuất có cộng đồng (chứ không phải đơn lẻ) nên tạo nên tinh thần kinh doanh và sức cạnh tranh chung của cộng đồng. Sinh hoạt của tổ hợp tác không chỉ bàn về việc sản xuất lúa giống mà còn là sinh hoạt văn hoá của cộng đồng xã viên tại ngay nhà riêng của tổ trưởng. Tổ hoạt động giống như bản chất của hợp tác xã dịch vụ xã viên, có số tổ viên tới 24 hộ, vượt xa số lượng tối thiểu cần có của một hợp tác xã .

Đáng chú ý, trong số 24 tổ viên tổ giống có 9 tổ viên thành lập riêng tổ gặt và sấy lúa, theo đó mỗi tổ viên góp vốn để mua 3 máy gặt và máy sấy thóc, vừa tự phục vụ cho mình, vừa phục vụ cho các tổ viên khác của tổ giống và hộ nông dân khác trong vùng. 9 tổ viên tự quản lý máy móc và tự vận hành máy, từ đó không những giảm chi phí cho dịch vụ cày bừa mà còn tăng thêm thu nhập. Chỉ sau một vụ, tổ đã có thu nhập không những bù đắp vốn đầu tư, mà còn trích quỹ tích luỹ và chia lời cho tổ viên. Tổ hợp tác này có bản chất giống như hợp tác xã của người lao động, theo đó người tổ viên vừa là chủ sở hữu vừa là người lao động của tổ.

Như vậy, trên một địa bàn có hai tổ hợp tác theo hai mô hình tổ chức khác nhau: tổ hợp tác dịch vụ phục vụ tổ viên và tổ hợp tác của người lao động; một xã viên có thể tham gia nhiều tổ hợp tác khác nhau.

Tổ hợp tác phục vụ tổ viên và tổ hợp tác của người lao động(cùng góp vốn và cùng làm) là hai loại hình phổ biến của tổ hợp tác ở nước ta.

2- Xu thế phát triển mới của hợp tác xã ở nước ta

Hợp tác xã ở nước ta đã có xu hướng chuyển dịch sang loại hình hợp tác xã dịch vụ phục vụ xã viên. Phần lớn HTX nông nghiệp hiện nay là HTX dịch vụ nông nghiệp, tức chuyển sang chức năng phục vụ kinh tế hộ xã viên, nếu muốn tiếp tục tồn tại và trong điều kiện không thể “nuốt” kinh tế hộ xã viên của mô hình tổ chức HTX kiểu cũ. Phần lớn HTX vận tải là cung cấp dịch vụ cho hộ xã viên kinh doanh vận tải. Tất cả các quỹ tín dụng nhân dân đều là hình thức tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên: xã viên là người góp vốn vào quỹ đồng thời là khách hàng vay vốn từ quỹ. Tổng số HTX dịch vụ xã viên loại này chiếm tới trên 50% tổng số HTX, tức chiếm đa số HTX ở nước ta.

Tuy nhiên, loại hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên mới chỉ là xu thế ở nước ta, chưa phải là loại hình tổ chức rõ ràng, vì mấy lý do sau đây.

Một là, phần lớn HTX nước ta(chiếm trên 50% tổng số HTX) chuyển đổi từ HTX kiểu cũ của cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp trước đây, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nên đã và đang trong quá trình tự đổi mới mình rất khó khăn để từng bước thoát hẳn HTX kiểu cũ gắn với cách tư duy, quản lý, nợ nần, tài sản cũ không rõ chung và riêng; mặt khác không quay trở lại với cơ chế cũ là thay thế, “nuốt” gọn kinh tế hộ/cá thể xã viên. Như vậy, thách thức lớn nhất đầu tiên là bứt khỏi mô hình tổ chức cũ không còn thích hợp.

Hai là, tổ chức hoạt động HTX diễn ra trong bối cảnh cơ chế kinh tế thị trường với sự tham gia của các tổ chức kinh tế thuộc nhiều thành phần kinh tế. Mỗi một loại tổ chức kinh tế có bản chất riêng, khác biệt nhau, phù hợp với nhu cầu của những nhà đầu tư, những người chủ sở hữu. HTX chuyển đổi, HTX mới hình thành và hoạt động phải tạo được bản sắc riêng có, phải có lợi thế riêng có thì mới tạo được vị trí, vai trò của mình trong đời sống kinh tế, xã hội, không thể là hoặc “hoạt động như là một loại hình” doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, cũng không thể là một tổ chức xã hội, từ thiện. Như vậy, thách thức thứ hai đối với tổ chức HTX là phải tạo sự khác biệt với các loại hình tổ chức kinh tế của các thành phần kinh tế khác.

Ba là, Luật HTX năm 2003 và kể cả Luật HTX năm 1996 chưa làm thật rõ mô hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên. Do vậy, việc chuyển đổi hoặc phát triển các loại hình HTX này cũng là “tự phát”, “mò mẫm”. Trong không ít trường hợp phải “lách luật”, ví dụ nhiều HTX vận tải khi thành lập thì tổ chức theo mô hình cùng góp vốn, góp sức để phù hợp với quay định pháp luật hiện hành, nhưng khi tổ chức thực hiện thì hoạt động vận tải do các cá nhân xã viên hoàn toàn tự chủ; tài sản xe cộ của xã viên sau khi hợp thức hoá làm tài sản HTX thì lại được giao lại toàn quyền quản lý, sử dụng của xã viên. Hoạt động của HTX thực chất là dịch vụ phục vụ xã viên. Thách thức thứ ba là phải tạo ra bản sắc riêng, lợi thế riêng hấp dẫn đối với xã hội, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững.

Chính vì vậy, nhiều HTX dịch vụ phục vụ xã viên ở nước ta còn chưa hiệu quả, thậm chí nặng hình thức. Tại nhiều HTX nông nghiệp, xã viên không góp vốn hoặc góp vốn với mức rất thấp mang tính hình thức, không sử dụng dịch vụ của HTX; hộ không phải xã viên HTX cũng được hưởng gía dịch vụ của HTX như xã viên; không ít HTX, thành viên ban quản trị hoặc ban chủ nhiệm đóng góp vốn “trách nhiệm” rất lớn so với vốn góp xã viên, đương nhiên sẽ có quyền lực lớn trong quản lý và tổ chức HTX. Nhiều quỹ tín dụng nhân dân có mức vốn góp của xã viên rất thấp mang tính hình thức, đồng thời thành viên hội động quản trị, ban giám đốc góp vốn “trách nhiệm” rất lớn, do vậy các nguyên tắc của HTX không được thực hiện đầy đủ.

Chính vì vậy, loại hình HTX dịch vụ xã viên ở nước ta mới chỉ là xu thế- một xu thế mới chưa bền vững, nhưng đúng hướng phù hợp với nhu cầu và lợi ích thực sự của xã viên, nhất là nông dân, đồng thời phù hợp với kinh nghiệm quốc tế với loại hình HTX dịch vụ phục vụ xã viên là phổ biến. Ngoài ra, một số HTX kiểu mới được thành lập và tổ chức hoạt động theo đúng bản chất HTX chưa nhiều, kết hợp với sự phát triển mạnh và rộng khắp của tổ hợp tác thực sự là nhân tố mới, động lực mới cho sự phát triển của HTX kiểu mới- cơ sở cho việc hoàn thiện khung pháp luật cơ bản và chính sách hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể ở nước ta.

3- Tư tưởng Hồ Chí Minh và tầm nhìn tư tưởng, chiến lược của Đảng ta về kinh tế tập thể và kinh nghiệm quốc tế về phát triển HTX

Phong trào phát triển HTX trên thế giới đã có bề dày phát triển gần 200 năm, từ đó đã hình thành một khu vực HTX phát triển rộng khắp từ các nước giàu, công nghiệp phát triển đến các nước nghèo kém phát triển và lý luận khoa học về HTX chặt chẽ mang tính hệ thống. Tổ chức lao động quốc tế và Liên minh HTX quốc tế (ICA) đã tổng kết kinh nghiệm phát triển HTX trên thế giới và khuyến cáo rộng rãi cho tất cả các nước, theo đó: “Hợp tác xã là hiệp hội/ hay là tổ chức tự chủ của các cá nhân liên kết với nhau một cách tự nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hoá thông qua một doanh nghiệp được sở hữu chung và được kiểm soát một cách dân chủ”. Bản chất này của HTX đã được thể hiện thông qua luật pháp về HTX của các nước. Nhiều nước đang phát triển đã và đang sửa đổi bổ sung luật pháp của nước mình theo kinh nghiệm chung của thế giới, mà thực chất là kết tinh của tinh hoa nhân loại sau gần 200 năm phát triển HTX với rất nhiều thăng trầm, với nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Bản chất này của HTX là cơ sở vật chất cho hiện thực hoá các giá trị (Tự giúp đỡ; Tự chịu trách nhiệm; Dân chủ; Công bằng; Bình đẳng; Đoàn kết) và nguyên tắc (Tham gia tự nguyện và mở; Kiểm soát một cách dân chủ bởi các thành viên; Tham gia kinh tế của thành viên hợp tác xã; Tự chủ và độc lập; Giáo dục, huấn luyện và thông tin; Hợp tác giữa các hợp tác xã; Chăm lo cho cộng đồng) cao đẹp của HTX, làm cho các giá trị và nguyên tắc đó lan toả, thẩm thấu ngày càng sâu rộng trong xã hội.

Nghiên cứu chủ trương của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tập thể, nhất là về HTX, thấy rõ sự nhất quán và mang tính xuyên suốt chủ trương của Đảng ta về tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; thể hiện rõ tầm tư tưởng và chiến lược của Đảng và Bác Hồ về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Bác Hồ, ngay từ năm 1927 trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, đã có bài viết tổng kết rất sâu sắc về HTX, không chỉ nêu rõ tư tưởng về HTX, mà còn chỉ ra đặc điểm bản chất của mô hình tổ chức HTX, theo đó: xã viên là người chủ của HTX; HTX phải mang lại lợi ích trực tiếp cho xã viên và chỉ xã viên mới được hưởng lợi ích đó; HTX tự chủ, nhưng không phải tổ chức định hướng lợi nhuận, và cũng không phải tổ chức từ thiện.

Đảng ta, trong thời kỳ Đổi mới vừa qua, đã đề ra nhiều chủ trương và quan điểm về đổi mới tổ chức HTX, thậm chí từ rất sớm đề ra quan điểm chỉ đạo cho xây dựng mô hình tổ chức HTX. Nghị quyết Đại hội IV năm 1976 sau khi phân tích nhược điểm của công tác tổ chức, quản lý HTX đã chỉ rõ phải: “Phát huy quyền tự chủ của HTX và quyền làm chủ tập thể của xã viên, khắc phục tệ mệnh lệnh, gò ép, trái với nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ”; Chỉ thị số 67-CT/TW của Ban bí thứ (khoá V) ngày 22/6/1985 nêu rõ “Cần chuyển hẳn công tác quản lý HTX sang hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN…xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp … HTX phải nắm vật tư chủ yếu và cung ứng kịp thời cho xã viên, … , giúp đỡ hộ xã viên …”. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ chính trị khẳng định: “ HTX, tập đoàn sản xuất là tổ chức kinh tế tự nguyện của nông dân, …, hoạt động theo nguyên tắc tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất- kinh doanh, có tư cách pháp nhân, bình đẳng trước pháp luật…Phải dân chủ hoá, công khai hoá công tác quản lý, phát huy quyền lực tối cao của đại hội xã viên, làm cho xã viên thự sự tham gia váo công tác quản lý sản xuất, kinh doanh của tập thể”. Nghị quyết Đại hội VII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000 tiếp tục khẳng định nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi của HTX; kinh tế tập thể với hình thức phổ biến là HTX phát triển trên cơ sở tự nguyện góp vốn, góp sức của những người lao động, hoạt động không phụ thuộc địa giới hành chính, một hộ gia đình có thể tham gia các HTX khác nhau … Ở nông thôn, trên cơ sở tăng cường vai trò đơn vị kinh tế tự chủ của hộ xã viên, các HTX hướng hoạt động vào những khâu, lĩnh vực mà hộ xã viên không có điều kiện tự làm hoặc làm kém hiệu quả hơn kinh doanh tập thể, …, thực hiện nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, phát huy và kết hợp hài hoà sức mạnh của tập thể và của xã viên. Đặc biệt, Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 24/5/1996 của Ban bí thư và Nghị quyết Đại hội VIII lần đầu tiên sử dụng khái niệm “kinh tế hợp tác”, đồng thời tiếp tục khẳng định nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, quản lý dân chủ của HTX. Nghị quyết Đại hội IX, X, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, Nghị quyết TW 5(khoá IX) tiếp tục nêu rõ quản điểm cơ bản cho mô hình tổ chức HTX là: “Trong nông nghiệp, trên cơ sở phát huy tính tự chủ của hộ gia đình, chú trọng phát triển các hình thức hợp tác và HTX cung cấp dịch vụ, vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho kinh tế hộ gia đình và trang trại … Khẳng định nguyên tắc: hợp tác tự nguyện, dân chủ, bình đẳng và công khai; tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi, hợp tác phát triển công đồng.

Như vậy, xu thế mới phát triển của kinh tế tập thể ở nước ta, kinh nghiệm phát triển chung về hợp tác xã trên thế giới và chủ trương, quan điểm của Đảng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh về HTX là trùng hợp nhau.

4- Nhu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật cơ bản về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Khung pháp luật cơ bản về HTX theo Luật HTX năm 2003, mặc dù đã có bước đổi mới so với Luật HTX năm 1996, nhưng vẫn chưa thật sự làm rõ bản chất của tổ chức HTX, vẫn còn đưa đến những cách hiểu khác nhau về HTX, mới chỉ định hướng rõ hơn đến loại hình tổ chức HTX “góp vốn, góp sức”- tức loại hình HTX của người lao động, theo đó xã viên vừa là đồng chủ sở hữu vừa là người lao động trong HTX, chưa quy định rõ ràng về loại hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên, theo đó xã viên vừa là đồng sở hữu vừa là người sử dụng (khách hàng) của HTX- là loại hình tổ chức HTX phổ biến ở nước ta hiện nay và cả trên thế giới.

Vấn đề còn lại chỉ là thể chế hoá một cách đúng đắn và đầy đủ bằng pháp luật và chính sách. Đồng thời cần khắc phục một số nhận thức chưa đúng về HTX, như: nhận thức HTX theo kiểu cũ, nhầm lẫn giữa mô hình tổ chức HTX với mô hình tổ chức doanh nghiệp(theo Luật Doanh nghiệp) họăc mô hình tổ chức xã hội từ thiện; hoặc tư duy áp đặt mang tính chủ quan, cho rằng HTX phải “to”, phải có quy mô lớn ngay, phải có trụ sở hoành tráng, bộ máy quản lý đồ sộ, … Hãy để người xã viên HTX tự quyết định trên luống cày và công việc của họ, vì lợi ích của chính họ, bắt đầu từ những hoạt động đơn giản nhưng mang lại lợi ích thực sự, từ đó mà đi lên. Tính chất hợp tác xã các tổ chức kinh tế tập thể, HTX tăng dần lên khi số lượng xã viên tham gia tổ chức kinh tế tập thể ngày càng tăng và số lượng, chất lượng dịch vụ của HTX cung ứng cho xã viên tăng lên, từ đó làm cho các giá trị và nguyên tắc cao đẹp của HTX ngày càng được phổ biến rộng và thẩm thấu trong xã hội, dần trở thành “văn hoá” góp phần định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển hài hoà và bền vững đất nước. Mặt khác, tổ chức HTX có thể chuyển hoá thành tổ chức doanh nghiệp, khi phần lớn xã viên không còn sử dụng dịch vụ của HTX họăc phần lớn xã viên không còn là người lao động trong HTX; hoặc ngược lại, tổ chức doanh nghiệp có thể mang tính chất HTX tăng lên khi ngày càng có nhiều người lao động trong doanh nghiệp, hoặc ngày càng có nhiều khách hàng của doanh nghiệp trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp.

Rõ ràng là cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung pháp luật cơ bản và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm phát huy tiềm năng của loại hình tổ chức này, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta./.
File đính kèm:
xu_the_moi.pdf

Nguồn tin: Vụ Hợp tác xã - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2

Hôm nayHôm nay : 442

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15404

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3842768