Tham dự Phiên họp có đại diện các Bộ, ngành là thành viên Hội đồng, các chuyên gia. Về phía tỉnh An Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Thành Nhơn cùng đại diện các Sở, ngành có liên quan.
Trình bày Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Thành Nhơn nhấn mạnh, đây là cơ hội để An Giang xây dựng quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu mới; xây dựng không gian phát triển mới với những giải pháp, nhiệm vụ, khâu đột phá mới.
Quan điểm xây dựng quy hoạch Tỉnh là phải phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn Việt Nam đến năm 2045, phù hợp với các nội dung định hướng ở quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long; phù hợp với nguồn lực và khả năng huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương trong tỉnh, phù hợp với khả năng cân đối về nguồn lực, tính khả thi trong triển khai; đáp ứng các nhu cầu trong giai đoạn hiện nay và tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn kế tiếp, phù hợp với tầm nhìn đề ra.
Quy hoạch Tỉnh phải đưa ra các quan điểm, xác định mục tiêu phát triển, thiết lập tầm nhìn và chiến lược phát triển của tỉnh; xác định phương án tổng thể, định hướng không gian cho các nhu cầu xuất hiện trong tương lai; hình thành được danh mục các dự án, thứ tự ưu tiên cũng như các giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch theo các kịch bản phát triển. Tập trung vào việc phân bố không gian có tính chiến lược các hoạt động kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh, liên huyện, đặc biệt là không gian cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu, những khu vực có vai trò động lực phát triển của tỉnh; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng với quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững.
Quy hoạch tỉnh là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý, huy động các nguồn lực phát triển, hướng tới phát triển bền vững giữa các mặt kinh tế - xã hội - môi trường, đảm bảo phát triển trong dài hạn; cơ sở để xây dựng các kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo tính khách quan, khoa học; cơ sở để lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị - nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành tại tỉnh; cơ sở để loại bỏ các quy hoạch chồng chéo cản trở đầu tư phát triển, đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng cho người dân, doanh nghiệp.
Việc xây dựng quy hoạch tỉnh An Giang đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh với chiến lược phát triển của quốc gia, với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia (bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia).
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI
Cuộc họp đã nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng thẩm định. Các ý kiến bày tỏ nhất trí với hồ sơ và nội dung trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời đề nghị tỉnh An Giang tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ, nội dung trình phê duyệt.
Đại diện đơn vị giúp việc Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng trình bày bản nhận xét về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, cấu trúc báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh An Giang về cơ bản đã thể hiện đầy đủ các nội dung và yêu cầu đặt ra, tuy nhiên, đề nghị xem xét sắp xếp lại bố cục của báo cáo cho phù hợp với quy định tại Điều 15 Luật quy hoạch, gồm căn cứ lập quy hoạch; Yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch; Dự toán chi phí lập quy hoạch và yêu cầu về hồ sơ sản phẩm quy hoạch tỉnh; Kế hoạch lập quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Đồng thời đề nghị cơ quan lập quy hoạch nghiên cứu rà soát, bổ sung thêm các các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp lý về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp tới địa phương trong cùng giai đoạn phát triển, các quy hoạch cao hơn, các quy hoạch thời kỳ trước có liên quan.
Về các nội dung trong nhiệm vụ lập quy hoạch, ông Đinh Trọng Thắng cho biết, nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về cơ bản phù hợp với khoản 2 Điều 27 Luật quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch.
Sự tương thích giữa nội dung quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng, do quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa được phê duyệt, do vậy trong trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh An Giang cần chủ động phối hợp, cập nhật thông tin trong quá trình lập quy hoạch để đảm bảo tính thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch.
Sự phù hợp giữa nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch với dự toán chi phí và nguồn vốn để lập quy hoạch, chi phí xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và chi phí lập quy hoạch được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định mức trong hoạt động quy hoạch và Thông tư số 113/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính quy định về giá trong hoạt động quy hoạch. Nội dung chi phí lập quy hoạch bám sát nội dung quy định tại Luật quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần rà soát cụ thể một số khoản mục chi phí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp theo quy định pháp luật.
Tại Phiên họp, 20/20 thành viên Hội đồng tham dự thống nhất thông qua với điều kiện có chỉnh sửa nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cảm ơn ý kiến góp ý thẳng thắn, tâm huyết của các chuyên gia, thành viên Hội đồng. Các ý kiến thể hiện sự quan tâm của các Bộ, ngành dành cho tỉnh An Giang. Đồng thời khẳng định, Tỉnh sẽ tiếp thu, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.
Ông Lê Văn Nưng cho biết, trong thời gian qua, được sự qua tâm của Đảng, Nhà nước, Tỉnh đã đạt được một số thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh An Giang vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức, đặc biệt là chịu tác động lớn từ hạn mặn. Ông Lê Văn Nưng kỳ vọng, quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt sẽ là hướng mở đầu cho định hướng phát triển trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá, An Giang là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp, thủy sản; tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản, cơ khí nông nghiệp; tiềm năng phát triển du lịch;… Do vậy, việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sẽ là cơ hội để Tỉnh đưa ra được các chính sách, mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến quý báu của các đại biểu, đồng thời đề nghị, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh An Giang có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gửi cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định; hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP trên cơ sở cập nhật những nội dung Hội đồng thẩm định đã yêu cầu chỉnh sửa đối với Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập Quy hoạch./.
Nguồn tin: Tùng Linh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 2
Hôm nay : 133
Tháng hiện tại : 16163
Tổng lượt truy cập : 3959611