Diễn đàn được triển khai với sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; UBND các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư – Trung tâm xúc tiến Thương mại các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức.
Diễn đàn có sự tham gia của: TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP HCM; ông Nguyễn Hồng Long - Phó Ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp; ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; bà Trần Thị Bích Liên - Phó Vụ trưởng Vụ đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ; ông Đào Xuân Tuế - Phó Vụ Trưởng Vụ ngân sách nhà nước Bộ Tài chính; ông Đặng Vũ Trân - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công thương. Ông Shinji Hirai- Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Tp HCM (Jetro Tp HCM); Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam; TS Trần Du Lịch - Thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; TS Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên ĐH Fulbrightl; TS Lê Thành Trung –Phó Tổng Giám đốc HDBank; Ths Nguyễn Như Triển – GĐ Trung tâm Nghiên cứu miền Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cùng sự hiện diện của gần 400 doanh nghiệp đến từ các tỉnh thành.
Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Diễn đàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những hoạt động để thúc đẩy triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là hoat động cụ thể để triển khai Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế”
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam được giao nhiệm khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng, các tỉnh thành phố đang tập trung triển khai. Hội nghị sẽ đưa ra những mô hình để các địa phương thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Chúng ta sẽ hiến kế cho phát triển kinh tế vùng. Nhìn xa hơn đây cũng là hoạt động để tiếp tục triển khai Nghị quyết 35 – Nghị quyết đầu tiên riêng về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu phát triển các doanh nghiệp thời gian tới. Diễn đàn sẽ tập trung bàn thảo về liên kết vùng với vai trò trung tâm là doanh nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đánh giá về quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới, Ths Nguyễn Như Triển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu miền Nam, Viện Chiến lược – Bộ KH&ĐT cho biết, qua theo dõi, hầu như vai trò dẫn dắt của nhà nước trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất mờ nhạt. Chủ yếu mang tính tự phát của từng địa phương.
Ths Nguyễn Như Triển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu miền Nam, Viện Chiến lược phát triển – Bộ KH&ĐT
Sự tăng trưởng nhanh giai đoạn trước là do quy mô vùng kinh tế trước đó còn nhỏ. Do đó, chính sách phát triển chưa phát huy hiệu quả. Đến nay, quy mô kinh tế lớn hơn lại thiếu sự dẫn dắt, dẫn tới hệ thống pháp luật của chúng ta rất chồng chéo. "Luật quy hoạch, Luật môi trường, Luật xây dựng…đều chồng chéo khiến liên kết khó khăn, thậm chí kìm hãm”, ông Triển nhấn mạnh.
Cùng với đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu miền Nam cho rằng, bản thân các tỉnh vẫn có liên kết với các tỉnh thành, nhưng Hội đồng vùng phải dẫn dắt để mỗi địa phương nắm được lợi thế để phát triển.
Theo đó, Hội đồng vùng năm 2015 có thành lập nhưng chỉ là cầu nối trung ương với địa phương mà chưa có chế tài để liên kết và dẫn dắt liên kết phát triển vùng.
“Chúng ta mừng vì có luật quy hoạch chung, đây sẽ là điều phối sự phát triển của mỗi vùng. Trước đây có nhiều loại quy hoạch ngành lĩnh vực đè lên quy hoạch vùng, cả nước có cả nghìn quy hoạch, mỗi tỉnh có mấy trăm quy hoạch chồng chéo… Bây giờ chỉ còn một quy hoạch một tỉnh, một vùng chỉ có một quy hoạch vùng, đây là yếu tố thuận lợi, quan trọng để điều tiết quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian tới”, ông Triển cho biết.
Về vấn đề liên kết, liên kết cái gì? Vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu miền Nam cho rằng, Hội đồng vùng phải dẫn dắt vấn đề này. “Cần có quyền lực trong hội đồng vùng, kinh nghiệm các nước như CHLB Đức cũng có ba loại thể chế vùng là vùng hành chính, đại diện vùng và hiệp hội vùng. Nhật Bản chỉ có 1 hội đồng vùng nhưng người ta thành công do có ngân sách cho Hội đồng vùng và không kiêm nhiệm”, ông Triển cho biết.
Do đó, đại diện Bộ KH&ĐT kiến nghị, Hội đồng vùng phải hoạt động theo cơ chế không kiêm nhiệm và phải có ngân sách. Nguồn ngân sách được tạo ra từ các dự án trong vùng. Các tỉnh phải có nghĩa vụ đóng góp cho hoạt động Hội đồng vùng.
Sau 2 phiên chương trình và gần 3 giờ đồng hồ, nhiều ý kiến, đề xuất cũng như các giải pháp đã được các doanh nghiệp, chuyên gia cũng như cơ quan quản lý đưa ra ở nhiều góc độ khác nhau với định hướng: Cùng nỗ lực huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế Vùng trọng điểm phía Nam được coi là “đầu tàu”, có vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế cả nước.
Nguồn tin: Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 4
Hôm nay : 157
Tháng hiện tại : 12934
Tổng lượt truy cập : 4017145