Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Lan tỏa quyết tâm đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động
Cách đây tròn 3 năm, ngay đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, ngày 21/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng là cơ quan đầu tiên của Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đến làm việc trong nhiệm kỳ. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định vai trò quan trọng của Bộ với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng căn dặn và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải cải cách, đổi mới, phải là cơ quan có tầm nhìn chiến lược, tham mưu đúng, trúng nhiều giải pháp, chính sách cho Chính phủ cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ có thể tự hào, báo cáo với Thủ tướng là không chỉ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn toàn Ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt lên chính mình, đạt nhiều kết quả đổi mới về tư duy và hành động, tiên phong, đi đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tốt vai trò tham mưu tổng hợp chiến lược, phát huy được tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khẳng định được vai trò là cơ quan tổng tham mưu trưởng của Chính phủ về kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội, xứng đáng với truyền thống hơn 70 năm thành lập và phát triển của ngành và cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là công tác chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, xây dựng thể chế, pháp luật để từ đó lan tỏa quyết tâm đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Chính phủ. Điển hình là Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật đầu tư công (sửa đổi), Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp... đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Bộ trong công tác xây dựng thể chế; quyết tâm tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc; chủ động nghiên cứu, xây dựng, kiến tạo những cơ chế, thể chế, động lực mới vượt trội, hiệu quả hơn, đón bắt được những xu hướng tiến bộ mới của thế giới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, giải phóng nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội...
Giữ vững ngọn cờ cải cách, luôn đi đầu trong đổi mới
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều đổi mới hiệu quả, nhạy bén, kịp thời trong công tác tham mưu trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của một cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước. Nổi bật nhất là 2 năm liền hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được Quốc hội giao. Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP theo hướng đổi mới, ngắn gọn, hiệu quả với các chủ đề, mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Cùng với đó, Bộ đã tham mưu xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, phục vụ công tác điều hành của chính phủ, kiên định mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, phối hợp tốt các cơ quan tổng hợp trong điều hành linh hoạt các chính sách tài chính, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Giữ vững được ngọn cờ cải cách, luôn đi đầu trong đổi mới, nhất là trong công tác kế hoạch hóa, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kế hoạch hóa, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, kể từ năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công theo hướng rút gọn các cuộc họp kế hoạch, giảm chi phí và thời gian cho các địa phương, tổ chức theo vùng và tăng cường các cuộc họp trực tuyến giữa Bộ với các địa phương, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý kế hoạch và danh mục dự án đầu tư công...
Qua hai năm thực hiện đổi mới phương pháp kế hoạch hóa, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá, đồng tình và ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, thông qua đó tăng cường sự chủ động, linh hoạt cho các bộ, ngành, địa phương cũng như đề cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng kế hoạch, nhờ đó, đẩy nhanh được tiến độ thời gian giao kế hoạch, góp phần cải thiện tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thu được nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ trong công tác tổ chức cán bộ, thể hiện sự quyết tâm trong cải cách, đổi mới; mạnh dạn và tin tưởng cán bộ trẻ, có trình độ, có đạo đức trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm lãnh đạo. Một mặt, kiên quyết giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng trong công tác tổ chức cán bộ, biên chế, điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp vụ, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cơ quan, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong việc thực thi Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế... với phương châm xây dựng lực lượng ít nhưng tinh nhuệ.
Toàn cảnh. Ảnh: MPI |
Nỗ lực bứt phá, phát huy trí tuệ tập thể, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra
Bước sang năm 2019, năm “bứt phá” để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý thức được rằng, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi tất cả cán bộ, công chức, viên chức của ngành và cơ quan phải nỗ lực bứt phá, phát huy trí tuệ tập thể, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhất là trong công tác tham mưu tổng hợp về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và đặc biệt là thể hiện được vai trò là cơ quan thường trực của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kiên định lập trường cải cách, đổi mới, vươn lên, sẵn sàng ứng phó với những biến động, củng cố sự vững vàng, độc lập, tự chủ của nền kinh tế để hướng tới mục tiêu thịnh vượng, bền vững.
Toàn ngành, toàn cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội, cùng các cấp, các ngành ra sức thi đua, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đạt kết quả bứt phá trong tất cả các chính sách, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội. Trong đó, phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tiến trình thực hiện 3 đột phá chiến lược, trọng tâm là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực và cơ cấu đầu tư công, tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả đột phá về hạ tầng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên nền tảng hiệu quả của hợp tác đối tác công-tư.
Nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo gắn liền với ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển các mô hình sản xuất thông minh, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu
Đồng thời, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trọng tâm là hai thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế. Cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng dưới lạnh” và “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng định hướng tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ lớn, như: Thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, huy động và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban giao cũng như các nhiệm vụ được phân công trong Tổ Biên tập của Tiểu ban, phối hợp tốt với Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện, tạo sự thống nhất về nội dung, quan điểm, định hướng chiến lược giữa hai văn kiện báo cáo Chính trị và báo cáo kinh tế-xã hội, phục vụ Đại hội Đảng.
Chủ trì, phối hợp hiệu quả, kịp thời với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển của quốc gia, vùng lãnh thổ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật quy hoạch. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế, trong đó tập trung tổng kết, đánh giá, dự thảo và trình cấp có thẩm quyền dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp; xây dựng dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) theo hướng tiếp tục đổi mới, cải cách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phân cấp mạnh mẽ, khơi thông và huy động hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 9) về kinh tế tập thể; tham mưu các giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển; tận dụng cơ hội trong bối cảnh thế giới đang thay đổi để thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước gắn với thị trường và thông lệ quốc tế; phát triển nguồn nhân lực gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...
Tại buổi làm việc, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan mong mỏi được lắng nghe những ý kiến động viên, chia sẻ và chỉ đạo của Người đứng đầu Chính phủ đối với những công việc mà ngành, Bộ đã, đang và sẽ triển khai thực hiện. Đồng thời, quán triệt nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm giữ vững ngọn cờ đổi mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.
Nguồn tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 4
Hôm nay : 122
Tháng hiện tại : 12899
Tổng lượt truy cập : 4017110