Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030: Định hướng ưu tiên chính sách

Thứ hai - 10/06/2019 14:33
(MPI) - Nhằm mục đích tham vấn ý kiến cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, ngày 07/6/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Tọa đàm Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030: Định hướng ưu tiên chính sách. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì Tọa đàm.
Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030: Định hướng ưu tiên chính sách

Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030: Định hướng ưu tiên chính sách

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao việc WB đề xuất hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ nghiên cứu để tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 nhằm chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan thường trực, đầu mối giúp Chính phủ và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược và Kế hoạch đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng Đề cương chi tiết, trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và thông qua tại Hội nghị lần thứ 10 vào tháng 5/2019.

Theo các đánh giá ban đầu, việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và ngày càng được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, chất lượng được nâng lên. Thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả bước đầu. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả quan trọng, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống người dân tiếp tục được nâng lên.

Tuy nhiên, do tác động của bối cảnh kinh tế thế giới và một số nguyên nhân chủ quan, kết quả phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững và còn nhiều khó khăn, hạn chế như việc tạo nền tảng để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Các đột phá chiến lược chưa có những bứt phá lớn, đặc biệt là về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng,...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một cách khách quan, thẳng thắn vào các nội dung như nhận diện và dự báo những xu thế thời đại lớn sẽ tác động trực tiếp và tạo ra những vấn đề mới nổi trong phát triển của Việt Nam. Đánh giá đúng và xác định nguyên nhân cơ bản tạo ra những nút thắt trong phát triển của Việt Nam. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp, chính sách để giải phóng động lực tăng trưởng và đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam về định hướng ưu tiên, chính sách có tính đột phá trong thời gian tới, cụ thể về nguồn lực con người, kết cấu hạ tầng, nguồn lực thiên nhiên và phát triển bền vững, tăng trưởng xanh…

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Ousmane Dione đã chỉ ra những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Khi thương mại toàn cầu đang có nhiều thay đổi, châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, việc áp dụng ngày càng nhiều những công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế tạo sẽ mang lại những cơ hội mới để Việt Nam bắt kịp công nghệ nhanh hơn và tạo ra những bước đột phá.

“Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để duy trì sự phát triển thành công, đòi hỏi Việt Nam phải nắm bắt cơ hội, quản lý được rủi ro và thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc cải cách của mình”, ông Ousmane Dione nói.

Việc xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới là cơ hội vàng của Việt Nam. Vì việc xây dựng hai Văn kiện quan trọng này sẽ góp phần giúp Việt Nam định hình được lộ trình phát triển của mình trong thập kỷ tới, giai đoạn vô cùng quan trọng để đưa Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu nhằm trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Tìm ra các giải pháp làm thế nào để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng cao hơn, hiện đại hóa các thể chế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động bắt kịp với công nghệ đang được thay đổi nhanh chóng, đảm bảo tăng trưởng nhưng không ảnh hưởng đến môi trường, giải quyết được những vấn đề về biến đổi khí hậu… là những vấn đề không hề đơn giản, nhưng với tư duy đúng đắn cùng sự quyết tâm mạnh mẽ giữa các ngành, các cấp, Việt Nam có thể thực hiện được các vấn đề nêu trên, ông Ousmane Dione tin tưởng.

Toàn cảnh tọa đàm

Tại Tọa đàm, ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội trình bày về đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030. Việc đánh giá thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 thông qua đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững cũng như các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Đồng thời, thực hiện đánh giá việc thực hiện ba đột phá chiến lược, các nhiệm vụ phát triển của các ngành, lĩnh vực…

Sau khi thực hiện đánh giá sẽ tiến hành tìm và phân tích các điểm nghẽn, nút thắt và nguyên nhân của tình hình, nhất là nguyên nhân chủ quan, thể chế. Trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm cần thiết cho giai đoạn tới.

Theo dự kiến, định hướng xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 sẽ chú trọng các nội dung như tăng trưởng đủ nhanh để chống lại nguy cơ tụt hậu; tăng trưởng có chất lượng để đảm bảo tính bền vững (tăng trưởng có hiệu suất, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm); phát triển bền vững về xã hội và môi trường; xây dựng thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.

Về quan điểm phát triển, ông Bùi Tất Thắng cho biết, bên cạnh xác định, đưa ra những điểm mới, quan điểm phát triển có sự kế thừa từ Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện hành. Về các đột phá phát triển, bên cạnh tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, nhân lực và hạ tầng, dự kiến Chiến lược sẽ xem xét bổ sung thêm nội dung đột phá mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Đưa ra khuyến nghị chính sách và định hướng xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, đại diện WB cho rằng, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, Việt Nam cần giữ đà tăng trưởng, tăng trưởng hòa nhập và tăng trưởng xanh. Theo đó, cần tiếp tục tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và tạo việc làm, phát triển kết cấu hạ tầng chất lượng, tối ưu hóa việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường,… Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng thông qua việc nâng cao hiệu quả tài chính trung gian, giải quyết các cản trở đối với khu vực sản xuất và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả, WB cho rằng, Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng trong hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cần duy trì mức chi đầu tư vào lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu gia tăng từ ngành này. Khi Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, thách thức trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng không phải là số lượng mà là chất lượng. Do vậy, cần tập trung vào sắp xếp thứ tự ưu tiên, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư. Chính phủ Việt Nam cần có một tầm nhìn đầy tham vọng để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án hạ tầng. Để làm được điều này, cần có những thay đổi mạnh mẽ về khung pháp lý.

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng hòa nhập, theo WB, Việt Nam phải chú trọng phát triển nguồn vốn con người dồi dào và chất lượng hơn. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm giúp nhóm dân tộc thiểu số phát huy hết tiềm năng của mình (chú trọng phát triển con người để đảm bảo sức khỏe, an toàn và được giáo dục để họ có kỹ năng, phát huy được tiềm năng, làm việc hiệu quả…). Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung đổi mới chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ việc làm, đổi mới sáng tạo trong cung cấp dịch vụ…

Về vấn đề tăng trưởng xanh, WB cho rằng, Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Theo WB, tăng trưởng xanh phải đi đôi với thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần thống nhất mục tiêu tăng trưởng xanh với các ưu tiên phát triển các ngành khác và cần có các chính sách “sắc bén” để nâng cao hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh và vai trò của nguồn vốn thiên nhiên trong tăng trưởng, thu hút sự vào cuộc của tất cả người dân tham gia vào công cuộc này. Đã đến lúc Việt Nam đưa ra các quyết định táo bạo để bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn vốn thiên nhiên, đảm bảo tăng trưởng xanh nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng và tăng trưởng bền vững.

Kết luận Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các đánh giá, khuyến của WB cũng như các ý kiến thảo luận thẳng thắn của các đại biểu, đặc biệt là những nghiên cứu của WB trong việc chỉ ra những cơ hội, thách thức và điểm nghẽn của Việt Nam và những giải pháp thực hiện. Đây sẽ là những gợi ý, đóng góp hữu ích cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình Điểm neođịnh hướng xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030./.

Nguồn tin: Tùng Linh - Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3

Hôm nayHôm nay : 182

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12959

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4017170