Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh

Thứ sáu - 22/12/2017 15:53
Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CL&CSTC) phối hợp với Trường Đại học - Tài chính Marketing tổ chức ngày 21/12/2017, tại thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự đồng chủ trì của Phó Viện trưởng Trương Bá Tuấn và Phó Hiệu trưởng Phan Đình Nguyên. Tham dự hội thảo có đại diện Văn phòng Bộ Tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Viện CL&CSTC, Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), Học viện Tài chính, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trường Đại học Tài nguyên môi trường, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Bình Dương, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh...
Tăng trưởng xanh được xác định là một chiến lược nhằm hướng đến phát triển bền vững. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó xác định cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Phó Hiệu trưởng Phan Đình Nguyên phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Phan Đình Nguyên nhấn mạnh sự cần thiết phải làm rõ các vấn đề: Tăng trưởng xanh và chính sách tài chính tăng trưởng xanh ở các nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; chính sách tài chính, chính sách chi ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng phục vụ tăng trưởng xanh; nhận diện các khó khăn, thách thức trong triển khai chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh và kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.


Phó Viện trưởng Trương Bá Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Theo Phó Viện trưởng Trương Bá Tuấn, các chính sách tăng trưởng xanh ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào nhóm chính sách thuế, chính sách chi ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng. Theo đó, chính sách thuế, phí từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, lựu chọn trong tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chính sách chi ngân sách nhà nước được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường. Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay, hỗ trợ lại suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.
Bên cạnh đó, cũng còn không ít thách thức trong việc triển khai chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh trong khi nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn chế. Việc thu hút, huy động nguồn tài chính khác để phục vụ cho tăng trưởng xanh còn khó khăn; hiệu quả của các chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh chưa được đánh giá đầy đủ.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, Viện Chiến lược phát triển Bùi Duy Hoàng cho biết, trên thế giới có nhiều nước công nghiệp phát triển (Hoa Kỳ, Đức, Anh, Nhật Bản...) đã đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế xanh. Hàn Quốc đã thành lập Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) năm 2012. GGGI hoạt động với 2 mục tiêu là, phổ biến mô hình tăng trưởng xanh như một cách thức tăng trưởng mới và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh phù hợp với thực tiễn từng quốc gia. Hơn nữa, cơ quan này còn chú trọng đến cả hai khuynh hướng là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Bùi Duy Hoàng tham luận tại Hội thảo

Theo Nhóm nghiên cứu của Đại học - Tài chính Marketing, căn cứ vào tiêu chí tiếp cận thị trường, có thể phân loại chính sách tăng trưởng xanh thành nhóm công cụ thị trường và phi thị trường. Nhóm công cụ thị trường gồm thuế, phí, trợ cấp thuế, thị trường mua bán phát thải. Nhóm các công cụ phi thị trường gồm các quy định về tiêu chuẩn công nghệ, hỗ trợ công nghệ xanh và tiếp cận tự nguyện. Việt Nam cũng đã sử dụng linh hoạt và đầy đủ các công cụ thị trường và phi thị trường, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách tương đối lớn giữa mục tiêu của chiến lược và kết quả đạt được, chưa tách bạch thu - chi ngân sách liên quan đến môi trường và tăng trưởng xanh. Ngoài ra, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh đến việc gia tăng phúc lợi xã hội, cũng như thành quả chống đói nghèo ở Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Phạm Đình Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, chính sách tín dụng xanh bước đầu đã hướng dòng tín dụng phục vụ tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên chưa có khung chính sách tổng thể qua các công cụ quản trị đối với ngân hàng thương mại như tỷ lệ L/D, tỷ lệ D cho vay xanh, tỷ lệ rủi ro quy đổi với dư nợ cho vay xanh; phối hợp chính sách trong giải quyết những khó khăn khi đầu tư xanh, khuyến khích nhiều hơn cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh còn hạn chế.

Bàn về giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh trong thời gian tới, các đại biểu tham dự đã đề xuất các giải pháp như: (i) Tổng hợp các số liệu liên quan đến tăng trưởng xanh và môi trường; (ii) Tài trợ các nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách; trợ cấp cho các hoạt động công nghệ xanh; (iii) Cân nhắc bổ sung phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, công bố các doanh nghiệp gây ô nhiễm; (iv) Thành lập thị trường mua bán các chứng chỉ giảm phát thải; (v) Rà soát, hoàn thiện, bổ sung những chính sách, công cụ của chính sách tiền tệ hỗ trợ phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh; đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền về tín dụng xanh, ngân hàng xanh...

Nguồn tin: Trung tâm TT&DVTC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 4

Hôm nayHôm nay : 1212

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 14956

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3842320