Ảnh minh họa. Nguồn: quangbinh.gov.vn
Theo Quyết định, phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Quảng Bình bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Bình và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính; …
Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2030 phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân từ 8,4 - 8,8%/năm; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP như Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 38,0 - 38,5%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 45,0 - 45,5%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12,5 - 13,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 3,5 - 4,0%.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 14 -14,5%/năm; dịch vụ tăng bình quân 7,5 - 8,0%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,5 - 4%/năm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ đạt khoảng 375 - 425 nghìn tỷ đồng; Thu ngân sách đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 145 - 150 triệu đồng; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 25%. Giải quyết việc làm cho người lao động 18.000 người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5%.
Các ưu tiên phát triển của tỉnh Quảng Bình đó là hai trung tâm động lực tăng trưởng, ba hành lang, bốn trụ cột phát triển kinh tế. Trong đó, hai trung tâm động lực tăng trưởng gồm: Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; Khu Kinh tế (KKT) Hòn La trở thành KKT động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Ba trung tâm đô thị gồm: Trung tâm đô thị thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó thành phố Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Đồng Hới, gồm: đô thị Quán Hàu, Hoàn Lão (bao gồm không gian mở rộng), Việt Trung, Dinh Mười; Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là Thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, KKT Hòn La, Tiến Hóa; Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là Thị trấn Kiến Giang (tương lai là Thị xã), đô thị vệ tinh gồm: Lệ Ninh và Áng Sơn.
Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Bốn trụ cột phát triển kinh tế gồm: Tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó chú trọng, khuyết khích kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hoá, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh; Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Về các đột phá phát triển của tỉnh, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó ưu tiên những lĩnh vực, dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn: Hệ thống giao thông bảo đảm kết nối thông suốt (tập trung hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước năm 2025); hạ tầng du lịch; hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong KCN, KKT; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực then chốt như du lịch, công nghiệp.
Đổi mới hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đảm bảo cho huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tháo bỏ các rào cản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò kiến tạo của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chuyển đổi số nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nhân tài.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp mới, du lịch giá trị cao. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong dạy nghề, giải quyết việc làm để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; từng bước hoàn thiện và nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu….Phát triển công nghiệp trở thành trọng điểm mang tính động lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng và phát triến bền vững.
Định vị Quảng Bình là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Châu Á gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc: du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp...
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Khu du lịch quốc gia, giữ vững các tiêu chí được UNESCO hai lần công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Đến năm 2030, tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 10 - 12% GRDP của tỉnh.
Phấn đấu đưa kinh tế biển tỉnh Quảng Bình cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững kinh tế biển.
Đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15- 20% GRDP của tỉnh; kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố ven biển ước đạt 85 - 90% GRDP của tỉnh. Có từ 50% trở lên diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng./.
Nguồn tin: Theo Minh Hậu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 4
Hôm nay : 125
Tháng hiện tại : 1950
Tổng lượt truy cập : 3934448