Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ tư - 08/11/2023 01:51
(MPI) – Ngày 30/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 325/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm môi trường, sinh thái. Xây dựng Tuyên Quang là Tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Về mục tiêu kinh tế cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 phấn đấu đạt trên 9,5%; Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%; ngành dịch vụ chiếm 40,8%; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 3,2%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người/năm.

Tầm nhìn đến 2050, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển nhanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phương hướng phát triển các ngành, Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 03 ngành quan trọng gồm: Công nghiệp khai thác, chế biến, chế tạo; Du lịch; Nông nghiệp, lâm nghiệp. Về công nghiệp khai thác, chế biến, chế tạo, phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và chất lượng cao.

Về du lịch, phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, gắn với phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh; nâng cao chất lượng các chuyến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo. Thu hút, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch cấp quốc gia; khu, điểm du lịch và hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Về nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, đặc sản; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Thực hiện giao đất, giao rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp, chú trọng phát triển một số diện tích sản xuất, khai thác cây gỗ lớn tại các khu vực có tiềm năng, tiến tới xây dựng, phát triển khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất.

Quyết định cũng nêu rõ 06 giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Một là, nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư, trong đó, tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan toả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án phát triển, đào tạo, nguồn nhân lực: Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp; xây dựng Đề án làm việc trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ. Thực hiện phân công, phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các cấp, ngành, các địa phương. Đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu xử lý chất thải; thiết lập, vận hành có hiệu quả hệ thống đơn vị thu gom chất thải; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư bảo vệ môi trường.

Bốn là, giải pháp về cơ chế chính sách liên kết phát triển, tích cực kết nối với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong nước và nước ngoài để xúc tiến đầu tư, thương mại; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết.

Năm là, giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn, kiểm soát chặt chẽ quỹ đất rừng, tài nguyên - môi trường rừng và tỷ lệ bao phủ rừng, cân bằng và chuyển hóa một phần quỹ đất nông nghiệp hiện có trong đô thị sang đất xây dựng để đáp ứng tiêu chí phát triển đô thị và nhu cầu tăng trưởng kinh tế cho xã hội.

Sáu là, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch, tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch theo Điều 45 Luật Quy hoạch. Lập các kế hoạch 5 năm, hằng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong quá trình thực hiện Quy hoạch; trường hợp cần thiết, phối hợp với tỉnh nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch./.

Nguồn tin: Theo Thúy Quyên - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3

Hôm nayHôm nay : 210

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16687

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3844051