Ảnh minh họa. Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa
Quyết định nêu rõ 05 quan điểm phát triển, một là, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Hai là, phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn. Ba là, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bốn là, phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho Nhân dân; bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển. Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh; trong đó đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu, phát triển kinh tế là trọng tâm. Chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt chú trọng ở các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, hải đảo. Mở rộng các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu tổng quát là, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới. có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu cụ thể về kinh tế: Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021-2030 đạt 10,1% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Đến năm 2030: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%.
Quyết định nêu rõ 03 đột phá phát triển của Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch và công bằng cho phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có chính trị tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực, trách nhiệm, uy tín, tận tụy gắn với xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án trọng điểm, lan tỏa, các dự án hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh đồng bộ với hạ tầng dữ liệu Quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thứ ba, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực; ngành nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản phẩm an toàn; hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh tương thích công dân thông minh.
Về phương hướng phát triển, có 03 ngành quan trọng: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Du lịch. Cụ thể, về công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị và có năng suất cao.
Về nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động.
Về du lịch, đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính là du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Về phương án phát triển, có 04 trung tâm kinh tế động lực và 06 hành lang kinh tế. Theo đó, 04 trung tâm kinh tế động lực gồm: Phía Nam (khu kinh tế Nghi Sơn); Thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn; Phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng); Phía Bắc (Bỉm Sơn - Thạch Thành). Đối với 06 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế ven biển; Hành lang kinh tế Bắc Nam; Hành lang kinh tế trung tâm; Hành lang kinh tế quốc tế; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (Xa lộ nông nghiệp); Hành lang kinh tế Đông Bắc.
Về các dự án ưu tiên thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có 136 dự án thuộc các lĩnh vực: công nghiệp; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng; du lịch; nông nghiệp; y tế.
Nghị quyết cũng nêu rõ 06 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Một là, huy động vốn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa, các công trình cấp bách. Khai thác có hiệu quả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế.
Hai là, cơ chế, chính sách liên kết phát triển, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi do Trung ương ban hành; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng thông thoáng, đúng quy định, hấp dẫn các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đào tạo cho các cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đào tạo, dạy nghề. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo, dạy nghề; áp dụng mô hình đào tạo theo cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Bốn là, bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường.
Năm là, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin khoa học và công nghệ, sàn giao dịch công nghệ, thiết bị Thanh Hóa. Đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động Trung tâm Thông tin ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ Thanh Hóa.
Sáu là, quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn, kịp thời công bố, công khai, kế hoạch triển khai thực hiện các quy hoạch. Rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch; kịp thời phát hiện các vướng mắc để tổng hợp nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Xây dựng lộ trình thích hợp để mở rộng ranh giới các đô thị, nâng hạng đô thị, sau khi đã tiến hành xây dựng, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị tại các khu ở nông thôn giáp cận với ranh giới đô thị./.
Nguồn tin: Theo Thúy Quyên - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 4
Hôm nay : 130
Tháng hiện tại : 1955
Tổng lượt truy cập : 3934453