Phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ sáu - 03/12/2021 08:44
Phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) - Phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra ngày 25/11/2021 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự phiên họp.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê-Kông, là một trong những đồng bằng trù phú, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Riêng nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

Nhận thức rõ các bất cập, hạn chế và thách thức nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặt ra nhiệm vụ cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch có liên quan; giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.

Thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương, các chuyên gia tư vấn xây dựng dự thảo quy hoạch; tổ chức các hội thảo, hội nghị tham vấn, lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương trong vùng ĐBSCL, các địa phương liền kề và trong lưu vực sông; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế về dự thảo Quy hoạch. Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch cũng đã được lấy ý kiến Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 và được thảo luận tại hội nghị trực tuyến Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL được tổ chức vào ngày 03/11/2021 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng chủ trì.

Tại phiên họp, đại diện Tư vấn quy hoạch - Liên danh Haskoningdhv (Hà Lan) và GIZ (CHLB Đức) trình bày về nội dung chính của dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2050, vùng ĐBSCL phát triển là đồng bằng bền vững, là nơi đáng sống và làm việc; là điểm đến hấp dẫn du khách và nhà đầu tư. Mục tiêu tổng quát phát triển Vùng là: Phát triển Vùng thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững trên cơ sở tái cấu trúc ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, cải thiện chuỗi giá trị nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và hệ thống các trung tâm đầu mối; Hình thành các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực, tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng kinh tế biển, tăng cường kết nối vùng và quốc tế; Tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân địa phương gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của Vùng; Duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng lâu dài của vùng.

Trọng tâm của chiến lược phát triển Vùng là “bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường”. Để hỗ trợ cho chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, phân vùng theo độ mặn thành 3 vùng, gồm: Vùng ngọt quanh năm; Vùng chuyển tiếp ngọt - lợ và vùng mặn-lợ. Phân vùng theo sinh thái nông nghiệp thành 14 vùng, bao gồm 6 tiểu vùng trong vùng ngọt quanh năm, 5 tiểu vùng trong vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, 3 tiểu vùng trong vùng mặn-lợ.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày Báo cáo. Ảnh: Chinhphu.vn

Trình bày báo cáo về tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định và Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Quy hoạch đã được xây dựng một cách chặt chẽ, khoa học, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng. Đồng thời nêu các nội dung chính về tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch và Hội đồng điều phối Vùng tại các cuộc họp trước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung các ý kiến góp ý về căn cứ, nguyên tắc, phương pháp lập quy hoạch; phân tích, đánh giá thực trạng; dự báo triển vọng, nhu cầu phát triển, xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển; tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu phát triển; bổ sung quan điểm lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động thích nghi sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên thiên nhiên theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ; bổ sung quan điểm ưu tiên phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo, kết cấu hạ tầng thủy lợi, kết nối giao thông đa phương thức; bổ sung chỉ tiêu dự kiến đạt được đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước và các quy hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt.

Báo cáo cũng làm rõ thêm các ý kiến liên quan đến phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng, phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng, tổ chức không gian phát triển; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng thoát nước ở khu vực đô thị; phương hướng phát triển mạng lưới cấp điện; phát triển hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường; khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện; giải pháp thực hiện quy hoạch;…

Quy hoạch vùng đề xuất phân vùng sinh thái nông nghiệp và phân vùng chức năng của tài nguyên nước dựa vào 2 yếu tố chính, bao gồm: đất (thổ nhưỡng, địa hình) và nước (độ mặn, mức độ ngập lụt hay hạn hán), theo đó phân thành 3 tiểu vùng gồm: vùng ngọt, vùng chuyển tiếp – ngọt lợ và vùng mặn lợ phù hợp với quan điểm coi nước ngọt, nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế và định hướng xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo gắn với các tiểu vùng sinh thái được đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Việc phân vùng sinh thái nông nghiệp và phân vùng chức năng của nguồn nước thành 03 vùng ngọt, vùng chuyển tiếp – ngọt lợ và vùng mặn lợ là phù hợp hơn với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của Vùng thích ứng với BĐKH, coi nước ngọt, nước mặn, nước lợ là tài nguyên theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi cần có sự thay đổi trong tư duy, quan điểm về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước và thay đổi cách thức vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với chuyển đổi mô hình sinh kế nông nghiệp tại từng tiểu vùng sinh thái.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng cơ bản nhất trí và đánh giá cao dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và các đề xuất định hướng có nhiều điểm mới, đột phá; đã nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết một số vấn đề quan trọng của Vùng về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu. 100% thành viên Hội đồng thẩm định tham dự cuộc họp nhất trí thông qua Quy hoạch với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng cũng như nỗ lực của đơn vị tư vấn đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, 13 địa phương trong Vùng để tiến hành nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học, bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng và Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ với quan điểm phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh đến vai trò, vị trí đặc biệt của vùng ĐBSCL, một trong những trọng điểm về đảm bảo quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa-xã hội của đất nước. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên, trong xây dựng chính sách, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù đạt nhiều kết quả trong phát triển, tuy nhiên, vùng ĐBSCL chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của Vùng. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa cao so với các vùng khác. Vì vậy, việc sớm xây dựng, thẩm định, phê duyệt để triển khai đồng bộ quy hoạch Vùng ĐBSCL có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng, xác định được trọng tâm, trọng điểm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt; cập nhật các quy hoạch hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, hạn chế tối đa đầu tư đường dây truyền tải; rà soát, bổ sung thêm các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chú ý hệ thống phúc lợi xã hội,…/.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 3

Hôm nayHôm nay : 604

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10638

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3823037