Cuộc họp xin ý kiến về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thứ sáu - 14/05/2021 12:12
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Viện Chiến lược phát triển chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng "Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2021 - 2025”. Tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 về Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, tên gọi của Chương trình hành động đã được điều chỉnh thành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (Chương trình hành động).
Cuộc họp xin ý kiến về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Cuộc họp xin ý kiến về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Để việc xây dựng Chương trình hành động đáp ứng yêu cầu; đề xuất, lựa chọn đúng những nhiệm vụ cần thiết, quan trọng, sáng ngày 23 tháng 4 năm 2021, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển tổ chức cuộc họp để tham vấn ý kiến chuyên gia đối với Chương trình hành động nêu trên. Cuộc họp do Viện trưởng Trần Hồng Quang chủ trì.

Tham dự cuộ họp có các chuyên gia đương nhiệm và nguyên là lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu hàng đầu Việt Nam như: TS. Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; TS. Nguyễn Bá Ân, Nguyên Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Nguyên Chánh Văn phòng Tổ Biên tập của Tiểu Ban kinh tế - xã hội; TS. Dương Đình Giám, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương; TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW và TS. Đoàn Hồng Quang, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng các lãnh đạo Viện, lãnh đạo các đơn vị của Viện Chiến lược phát triển.

Phát biểu tại cuộc họp, Viện trưởng Trần Hồng Quang cho biết, để thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở chủ động nghiên cứu và đề xuất của các bộ, ngành, Viện Chiến lược phát triển đã nghiên cứu, lựa chọn những nhiệm vụ có tính chiến lược, quy hoạch và có ảnh hưởng dài hạn, tổng thể cho toàn bộ thời kỳ 2021 - 2030 để đưa vào dự thảo Chương trình hành động. Viện trưởng hy vọng buổi họp hôm nay sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý xác đáng của các chuyên gia trong từng lĩnh vực.

Đại diện ban soạn thảo, ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban Ban tổng hợp đã tóm tắt Dự thảo Chương trình hành động. Mục đích của Chương trình hành động là nhằm thể hiện rõ những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ; là căn cứ để các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương xây dựng chương trình hành động của từng bộ, ngành, cơ quan và địa phương. Đồng thời, Chương trình hành động cũng quán triệt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và các quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết Đại hội XIII; trong đó đặc biệt chú trọng sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược.

Dự thảo Chương trình đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia tham dự, các ý kiến liên quan đến vấn đề: Nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường: xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp; Phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo: có thể là đi mua công nghệ hoặc phát hiện một loại công nghệ riêng của mình; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đại học; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, cân bằng giữa chứng khoán và tín dụng; Lồng ghép các đột phá vào Chương trình hành động; Các bộ, ngành phải cụ thể hóa các nhiệm vụ của mình. Và các chuyên gia cũng đề xuất Viện chiến lược phát triển cần xây dựng bổ sung Tờ trình để thể hiện rõ hơn quan điểm, cách tiếp cận của Chương trình hành động.

Viện trưởng Trần Hồng Quang ghi nhận và chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Dựa trên các ý kiến góp ý của các chuyên gia, Viện Chiến lược phát triển sẽ hoàn thiện Dự thảo Chương trình hành động để trình lên cấp có thẩm quyền./.

Nguồn tin: Viện Chiến lược phát triển

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 5

Hôm nayHôm nay : 178

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12955

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 4017166