Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư thừa nhận mặt trái của vốn FDI

Thứ bảy - 12/10/2013 16:03
Việt Nam đã qua giai đoạn thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà cần lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm lực, thương hiệu, công nghệ tân tiến, thân thiện với môi trường..., Bộ trưởng Đầu tư - Bùi Quang Vinh chia sẻ với báo chí bên hàng lang Quốc hội.
Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư thừa nhận mặt trái của vốn FDI

Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư thừa nhận mặt trái của vốn FDI

Thưa bộ trưởng đã có thời các địa phương thi nhau trải thảm đỏ để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tại sao thời điểm này lại đặt vấn đề siết?

- Đối với vốn FDI, chúng ta cần phải nhìn nhận ở 2 khía cạnh lợi và hại. Cái lợi trước hết là giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời tạo ra các khu kinh tế, làm ra nhiều sản phẩm tốt cho đất nước...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ta cũng nhận ra được mặt trái của nó. Việc các địa phương thi nhau trải thảm đỏ để thu hút vốn ngoại bằng mọi giá đã nảy sinh nhiều vấn đề. Chính sách ưu đãi áp dụng tràn lan, xé rào và ở mức thấp dưới ngưỡng cần thiết.

Tôi nói thí dụ, tiền thuê đất miễn giảm cho doanh nghiệp FDI đã đến mức tối đa, trong khi đó, đất ta phải thuê của dân. Bên cạnh đó, các loại thuế như thu nhập doanh nghiệp cũng được ưu đãi đến mức tối đa. Ta miễn thuế 5 năm đầu tiên, 5 năm sau thu có mấy phần trăm. Hơn 10 năm sau chỉ có 10% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, mức hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đóng là 25%.

Ưu đãi như vậy thử hỏi rằng là doanh nghiệp nuôi địa phương hay địa phương đang nuôi doanh nghiệp? Suốt chừng ấy năm chúng ta chẳng thu được tiền thuê đất; trong khi nhiều vấn đề khác như ô nhiễm môi trường, tiền trong nước chảy ra nước ngoài... lại xuất hiện.

- Vấn đề nổi cộm nhất trong các doanh nghiệp FDI hiện nay là gì thưa Bộ trưởng?

- Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết đánh giá lại xuyên suốt hơn 20 năm qua về vốn FDI. Trong đó, Bộ đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo cáo tình hình vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Mục đích của FDI là kêu gọi vốn ngoại, nhưng doanh nghiệp nước ngoài vào họ không mang vốn theo mà lại huy động vốn ngay tại Việt Nam, điều này là không được. Do vậy, kiểm tra vừa rồi là kiểm tra xem doanh nghiệp FDI đã huy động vốn từ đâu, như thế nào. Anh mang bao nhiêu vốn từ nước ngoài và vay bao nhiêu tiền tại Việt Nam để có hướng xử lý. Đấy là tôi chưa nói đến hiện tượng chuyển giá tồn tại ở nhiều doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp báo lỗ, lỗ trầm trọng, lỗ liên tục nhưng quy mô sản xuất lại ngày càng mở rộng. Điều này là phản quy luật, làm ăn không chính đáng. Do vậy, cái này cần phải kiểm tra.

- Vấn đề chuyển giá đã được dư luận xới lên từ lâu, sao bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề kiểm soát, thưa ông?

- Đúng là chuyển giá đã diễn ra từ lâu, nhưng trước đây, quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế của chúng ta thời gian qua ở vào tình cảnh cần phải thu hút vốn đầu tư nên có thể, lúc đó chưa phân tích hết. Tuy nhiên, dần dần trong quá trình quản lý ta thấy bộc lộ những cái bất cập cần quản lý, cần siết lại.

- Vậy định hướng thu hút vốn đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?

- Đã qua rồi cái thời kỳ trải thảm đỏ bằng mọi giá để hút đầu tư. Giai đoạn tiếp theo, chúng ta thu hút vốn FDI có chọn lọc, doanh nghiệp, tập đoàn có thực lực kinh tế, có giá trị, có thương hiệu, sản phẩm không chỉ phục vụ riêng cho đất nước Việt Nam, mà còn tham gia giá trị toàn cầu sẽ được lựa chọn. Việt Nam thu hút vốn FDI trên cơ sở doanh nghiệp phải đưa công nghệ tiên tiến vào, đặc biệt là công nghệ thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, không phải chúng ta siết vốn ngoại mà đã đến lúc cần lập lại trật tự, chấn chỉnh các hoạt động đầu tư khắc phục những vấn đề bất cập trước đây.
Hồng Anh

Nguồn tin: Theo Vnexpress

Những tin mới hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 4

Hôm nayHôm nay : 540

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15502

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3842866