Hướng tới tăng trưởng bền vững, cạnh tranh và toàn diện

Thứ sáu - 29/11/2013 05:08
Ngày 14/11/2013, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã có buổi làm việc với đại diện các Sứ quán và các Tổ chức quốc tế về việc chuẩn bị Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển (VDPF) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 05/12 với chủ đề Hướng tới tăng trưởng bền vững, cạnh tranh và toàn diện. VDPF là một bước tiến so với các Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) trước đó.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại buổi làm việc.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, để thích ứng với những thay đổi trong chính sách viện trợ đối với một nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam sẽ chủ động hợp tác với các nhà tài trợ xây dựng VDPF với mong muốn Diễn đàn này thật sự hữu ích cho việc đối thoại chính sách phát triển, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Chính phủ và các nhà tài trợ, các đối tác trong, ngoài nước tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam.
Tại cuộc họp, các đối tác đã thảo luận về việc lựa chọn hai kịch bản cho VDPF. Trong đó, kịch bản 1 sẽ chỉ tập trung vào hai chủ đề chính và nghe báo cáo hai chủ đề kỹ thuật, không có phần thảo luận vĩ mô. Kịch bản 2 đưa thêm phần thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô và định hướng 2013 - 2015.
Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam Bà Pratibha Mehta phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Thảo luận về vấn đề này, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam Bà Pratibha Mehta cho rằng, kỷ niệm 20 quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, VDPF nên đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm sắp tới của Việt Nam và mối liên hệ giữa Hội nghị CG và VPDF.
Đồng ý với những thay đổi của mô hình, Đại sứ Đức tại Việt Nam, Bà Jutta Frasch cho rằng để đạt được mục tiêu thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, Việt Nam cần có những hành động cụ thể. Là đối tác đồng chủ tọa về hợp tác kỹ thuật Đức tin rằng, VPDF sẽ là điểm khởi đầu cho sự hợp tác mới nên Hội nghị cần đưa thêm những khuyến nghị và cần có sự giám sát.
Đại sứ Đức tại Việt Nam, Bà Jutta Frasch phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Theo Bà Jutta Frasch, Hội nghị không nên chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mà cần có cả các doanh nghiệp Việt Nam, để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Đại sứ Niu Di-lân Haike Manning cho rằng, trong VPDF các đối tác nên chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2015 – 2020, chúng ta sẽ xây dựng gì cho quan hệ đối tác, những nhu cầu, mục tiêu trong giai đoạn này khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình ODA chỉ chiếm một phần nhỏ.
Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, việc trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp là một thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng mang lại những thách thức mới cho Việt Nam khi các mối quan hệ đối tác và các nguồn tại trợ bắt đầu có sự thay đổi với nhiều khó khăn trong thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong giai đoạn tiếp theo.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Bên cạnh đó, vấn đề tài trợ sau ODA cần có thảo luận về chiến lược do đó Chính phủ Việt Nam cần có thời gian nghiên cứu và xác định nhiệm vụ trong hai năm còn lại của kế hoạch 2010-2015.
Kết thúc buổi họp, các đối tác phát triển đã đi đến một sự đồng thuận chung là Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 05/12 với 05 chủ đề về xóa đói giảm nghèo, hợp tác tư nhân, đào tạo kỹ năng và môi trường và tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam./.
Thúy Quyên

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1

Hôm nayHôm nay : 1105

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 14849

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3842213