Phát triển kinh tế ven biển ở nước ta theo tinh thần chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020

Thứ bảy - 18/04/2015 14:47
Khu vực Biển Đông được xem là "chỗ dựa” của hơn 500 triệu người dân và sinh kế "trực tiếp” của hơn 300 triệu ngư dân thuộc 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nằm trên vùng Biển Đông, Việt Nam được xem là quốc gia biển với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và hơn 7 năm triển khai Chiến lược Biển Việt Nam, kinh tế biển và vùng ven biển ngày càng phát triển và có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội của nước nhà và góp phần sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.
Những tư tưởng lớn trong khai thác lợi thế vùng biển để phát triển kinh tế:

Mặc dù nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hầu hết các quốc gia có biển đã, đang và vẫn tiếp tục đẩy mạnh khai thác và sử dụng mọi nguồn lực của biển để phát triển kinh tế. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, Ông vua cơ sở hạ tầng Châu Á (Gordon Wu) đã có ý tưởng thiết lập "Hệ thống siêu xa lộ” trên dòng sông Mê Kông chạy từ Tây Nam Trung Quốc tới bán đảo Đông Dương và khu vực Đông Nam Á, qua Miến Điện tới Ấn Độ và một nhánh đi qua Ma-lai-xi-a, nối liền Châu Á với hai hòn đảo lớn Sumatra và Java của In-đô-nê-xi-a nhằm tạo bệ phóng để đưa Châu Á vào quỹ đạo của các quốc gia giàu có trên thế giới. Mới đây, Thủ tướng nước Nga V. Putin đã đề cập tại Hội thảo quốc tế "Bắc cực - lãnh thổ của đối thoại” (Iaroslav, 9/2011) về dự án phối hợp xây dựng tuyến đường biển Bắc, nối Châu Á - Thái Bình Dương với Bắc Âu, qua đó có thể làm giảm 34% đoạn đường so với tuyến đường hiện hành; Trung Quốc đang triển khai một siêu dự án về kênh đào Ni-ca-ra-goa, có chiều dài 280 km (gấp 3 lần kênh đào Panama).

Vùng biển Việt Nam có trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ và hơn 200 đảo xa bờ. Đường bờ biển trải dài trên 3.260 km, tỷ lệ giữa diện tích lục địa và chiều dài bờ biển đạt 100 km2/1km; có 114 cửa sông, 12 đầm phá, có 50 vũng/vịnh ven bờ. Những đặc điểm này tạo cho Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển và kinh tế vùng ven biển.

Hội nghị lần thứ 4 ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/2/2007 "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó đã phấn đấu đến năm 2020 "kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước; xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển”.

 Tính thực tiễn của Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam trong phát triển kinh tế vùng ven biển[1]:

 Kinh tế biển và vùng ven biển nước ta đã có những chuyển biến tích cực và đóng góp lớn vào sự phát triển chung của kinh tế nước nhà: Quy mô kinh tế vùng ven biển phát triển theo chiều hướng tính cực và đã có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp rất lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ cho quốc gia. Mức sống của người dân vùng ven biển ngày càng được cải thiện, khả năng hưởng thụ các thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội được nâng cao. Kinh tế ven biển đã chú trọng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, hướng tới phát triển kinh tế biển xanh. Kết cấu hạ tầng vùng ven biển đã được cải thiện nhờ được quan tâm, chỉ đạo đầu tư tương đối đồng bộ hơn; xây dựng được hệ thống các đường dẫn đến các cảng biển, sân bay, khu du lịch, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư. Đã có chủ trương trong thiết lập một số "Đặc khu hành chính-kinh tế” tại khu vực ven biển và huyện đảo, hi vọng sẽ góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

 Kinh tế vùng ven biển Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá và đóng góp rất lớn vào công cuộc đổi mới đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình tiến ra biển bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc: Trong giai đoạn 2010-2012, kinh tế vùng ven biển đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,0%/năm, trong đó ngành nông nghiệp tăng 3,5%/năm, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 7,3%/năm và ngành dịch vụ tăng 8,1%/năm. Riêng năm 2012, GDP toàn vùng ven biển đạt 792 nghìn tỷ đồng (chiếm 17,2% GDP của toàn quốc), trong đó nông nghiệp 132 nghìn tỷ đồng, công nghiệp 283 nghìn tỷ đồng và dịch vụ 377 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu các ngành kinh tế vùng ven biển cũng có sự thay đổi tuy chưa mạnh và rõ nét: tỷ trọng GDP nông nghiệp trong tổng GDP từ kinh tế vùng ven biển giảm từ 17,8% năm 2010 xuống 16,6% năm 2012; tỷ trọng GDP ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 35,6% năm 2010 lên 35,8% năm 2012; các con số tương ứng đối với ngành dịch vụ là 46,7% và 47,6%.

 Khai thác về địa chính trị và địa kinh tế để đẩy mạnh phát triển các vùng biển, ven biển, đảo của tổ quốc:

Vùng biển và ven biển phía Bắc: gồm 22 huyện, thị trấn trực tiếp giáp biển (có 4 huyện đảo) của 5 tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương trực tiếp giáp biển. Diện tích 6.421 km2, dân số năm 2013 là hơn 2,82 triệu người. Đã tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật phát triển kinh tế biển của khu vực Hải Phòng-Hạ Long trở thành khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế biển và nhiệm vụ quốc phòng vững chắc của tổ quốc. Nhiều dự án, chương trình đã được đầu tư và đi vào khai thác sử dụng đối với phát triển du lịch biển, đảo. Nâng cấp cảng biển, cầu cảng Lạch Huyện, Cái Lân và Đình Vũ; hình thành khu kinh tế và khu công nghiệp ven biển với ưu thế cạng tranh nổi trội, đặc biệt đang nghiên cứu hình thành Đặc khu hành chính-kinh tế Vân Đồn.

Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ: bao gồm 75 huyện, thị trấn trực tiếp giáp biển, của 14 tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương. Tổng diện tích tự nhiên của vùng 2.877,46 km2, dân số vùng ven biển năm 2013 là 10,81 triệu người. Đã xây dựng thành phố Đà Nẵng thành trung tâm phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của vùng. Xây dựng hành lang kinh tế trên cơ sở tuyến đường bộ và đường biển cao tốc Bắc - Nam, các cảng nước sâu, sân bay quốc tế, phát triển các đô thị ven biển. Xây dựng các khu kinh tế tổng hợp; chú trọng phát triển kinh tế hàng hải, du lịch; sản xuất muối công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đang nghiên cứu hình thành Đặc khu hành chính-kinh tế Bắc Vân Phong.

Vùng biển và ven biển Đông Nam: Vùng biển và ven biển Nam Bộ bao gồm 8 huyện, thị trực tiếp giáp biển, của 2 tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương có biển (từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến thành phố Hồ Chí Minh), diện tích 2.205 km2, dân số năm 2013 là hơn 0,96 triệu người. Đang đẩy mạnh đầu tư để đưa thành phố Vũng Tàu thành trung tâm hướng ra biển của vùng; dần hình thành các tuyến hành lang kinh tế, các khu công nghiệp, đặc biệt tuyến hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 51, đường ven biển Vũng Tàu-Long Hải-Bình Châu, đường và cầu từ Vũng Tàu đi Gò Găng; đang thi công Tuyến đường cảng Thị Vải-Cái Mép. Hình thành, phát triển một số đô thị mới ven biển nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía nam.

Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ: bao gồm 29 huyện, thị của 7 tỉnh có biển từ Tiền Giang đến tỉnh Kiên Giang. Diện tích tự nhiên vùng ven biển 12.094 km2, dân số năm 2013 là hơn 3,61 triệu người. Đang đẩy mạnh đầu tư để huyện đảo Phú Quốc thành trung tâm kinh tế lớn của vùng hướng mạnh ra biển. Hoàn thành và đi vào khai thác Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc; các khu du lịch sinh thái chất lượng cao và hệ thống cảng biển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão. Các tuyến đường nhánh nối đường trục Bắc-Nam đến đường vòng quanh đảo và kết nối đến các khu du lịch trọng điểm trên đảo đang được gấp rút hoàn thành; phát triển các tuyến hành lang kinh tế ven biển phía Tây và tuyến hành lang kinh tế ven biển phía Đông gắn với xây dựng khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Đã đưa được điện lưới quốc gia ra đảo và đang nghiên cứu hình thành Đặc khu hành chính-kinh tế Phú Quốc.

1 Chúng ta đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, xây mới hạ tầng vùng ven biển tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng ven biển, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển:

Hệ thống cảng và dịch vụ cảng biểnsau 06 năm thực hiện Chiến lược biển, số chiều dài cầu cảng tăng thêm 5 km, đưa tổng chiều dài cầu cảng trong cả nước lên 45 km và tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển lên trên 259 triệu tấn. Hiện đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng 02 cảng loại A1 (Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện); nâng cấp, mở rộng và đầu tư phát triển chiều sâu trang thiết bị các cảng đầu mối và hệ thống các cảng địa phương, cảng chuyên dùng.

Hệ thống sân bay ven biển: Đến nay, khu vực ven biển có 07 cảng hàng không quốc tế (Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Chu Lai, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi), 06 cảng hàng không nội địa (Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa, Rạch Giá và Cà Mau) và hệ thống sân bay quân sự vùng ven biển, đảo.

Hệ thống đường bộ ven biển và các tuyến nối nội địa với các vùng biểnHiện đang triển khai thi công các tuyến theo Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010, trong đó đoạn từ Bình Tiên - Cà Ná, đã hoàn thành đoạn Ninh Chữ - Phan Rang và những đoạn đường ven biển đi trùng với các quốc lộ, tỉnh lộ đã hoàn thành; một số đoạn đang thi công như Dung Quất - Sa Huỳnh, Mỹ Khê - Trà Khúc và còn một số đoạn vẫn chưa được triển khai, chủ yếu do thiếu vốn. Đến nay chúng ta đã tập trung đầu tư và hoàn thành việc xây dựng tuyến nối từ Cảng Tiên Sa đến cửa khẩu La Bảo, tuyến nối cảng Vũng Áng với cửa khẩu Cha Lo; đang triển khai thi công nâng cấp tuyến QL8, QL24, QL19, QL14B. Đối với các dự án đường bộ cao tốc thuộc hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, đã hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, đang thi công tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đang lập dự án tuyến Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long-Móng Cái.   

Hệ thống các cảng cá, bến cá và dịch vụ hậu cần nghề cá: cả nước hiện có 79 cảng cá, trong đó 57 cảng thuộc vùng ven biển và 18 cảng cá thuộc tuyến đảo; có 81 bến cá, trong đó 10 bến cá đã được đầu tư xây dựng cầu cảng và kè bờ với tổng chiều dài hơn 1.200 mét cầu cảng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản xa bờ (tổng sản lượng hải sản thông qua cảng cá và bến cá 1,9 triệu tấn/năm, bao gồm cảng cá 1,6 triệu tấn, bến cá 0,3 triệu tấn). Hiện có hơn 702 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, 10 cơ sở gia công sản xuất lưới sợi quy mô lớn, trên 643 kho lạnh (tổng sức chứa 79.000 tấn và 14 kho cho thuê với sức chứa 46.000 tấn), 120 nhà máy sản xuất nước đá có khả năng cung cấp nước đá 2.875 tấn/ngày. Hiện chỉ có 81 chợ cá, có 564 cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản và nhiều cơ sở chế biến thủy sản thủ công, quy mô nhỏ ở các địa phương ven biển. Đã đầu tư và đưa vào hoạt động 03 Trung tâm quốc gia giống hải sản (Bắc, Trung, Nam), 03 Trung tâm Giống hải sản cấp 1 (Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kiên Giang) và 06 khu sản xuất giống hải sản tập trung (Ninh Phước, Ninh Vân, Ngọc Hiển, Hiệp Thành, Phú Quốc, Thăng Bình).    

Đã quan tâm đầu tư, đẩy mạnh tổ chức sản xuất  nông nghiệpvùng ven biển: Trong giai đoạn 2005-2012, giá trị sản xuất nông nghiệp của các tỉnh ven biển có tốc độ tăng trưởng khá và đạt bình quân 23,5%/năm. Năm 2005 giá trị sản xuất đạt 133 nghìn tỷ đồng và đến năm 2012 đạt 584 nghìn tỷ đồng, tăng 451 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành). Trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành nông - lâm - ngư nghiệp của các tỉnh vùng ven biển, nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chủ yếu. Năm 2012 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 366 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,6 % toàn ngành, lâm nghiệp chiếm 3,5% và thủy sản chiếm 33,9%. Nghề muối được xem là một trong những nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và là một trong những nghề được xác định trong Chiến lược biển Việt Nam và hiện cả nước có 21 tỉnh sản xuất muối, trải dài từ Hải Phòng đến Cà Mau; tổng diện tích sản xuất muối 14,5 nghìn ha, năng suất bình quân 60 tấn/ha, tổng sản lượng muối 0,87 triệu tấn và tạo công ăn việc làm cho 74 nghìn lao động (hơn 30 nghìn hộ).

Đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và đặc khu kinh tế - hành chính nhằm tạo động lực cho phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam:

- Đặc khu hành chính - kinh tế: tại Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khoá XI) nêu rõ "Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập "Đặc khu hành chính-kinh tế”, theo đó có 3 khu ở vùng ven biển, đảo gồm Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong. Như vậy, hy vọng việc xây dựng các đặc khu kinh tế sẽ là tâm điểm để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những cực tăng trưởng, thúc đẩy các vùng kinh tế vùng ven biển.

- Khu kinh tế ven biển: trong 15 Khu kinh tế được thành lập, chỉ có 12 Khu đã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng và đang đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bước đầu đi vào hoạt động, còn 03 Khu (Vân Đồn, Hòn La và Năm Căn) đang tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng. Trong 15 Khu kinh tế được thành lập trên tổng diện tích tự nhiên 0,66 triệu ha, trong đó có 10% diện tích đất được sử dụng cho sản xuất trực tiếp và phần lớn trong diện tích đất còn lại là đất hành chính, đất mặt nước, đồi núi, đất sử dụng cho mục đích công cộng, phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khu nào thực sự được giới đầu tư quốc tế, nhất là các công ty đa quốc gia, quan tâm; các KKT hiện vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và từ các Tập đoàn kinh tế quốc doanh; chưa thể hiện được mối liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động mặc dù một số khu có vị trí địa lý và hạ tầng giao thông thuận lợi.

- Đối với các Khu công nghiệp ven biển: Trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển, tính đến nay các khu công nghiệp ven biển chiếm 40% tổng số khu công nghiệp cả nước, với tổng diện tích đất tự nhiên 0,29 triệu ha, trong đó diện tích có thể cho thuê 0,19 triệu ha và đạt tỷ lệ lấp đầy 59% (toàn quốc đạt 68%). Doanh thu từ các KCN biển hàng năm đạt 7-8 tỷ USD và 15-16 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 5-6 tỷ USD. Nhìn chung, quá trình phát triển và xây dựng các khu công nghiệp vùng ven biển còn chậm; tỷ lệ đất lấp đầy còn thấp.

Khai thác tài nguyên khoáng sản vùng ven biển trên nguyên tắc vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường:Đến nay, tổng trữ lượng Ti-tan được cấp phép khai thác là 12,5 triệu tấn, với công suất khai thác 0,85 triệu tấn. Khai thác quặng sắt đã được nghiên cứu, đầu tư như Mỏ sắt Thạch Khê và việc chế biến quặng sắt vùng ven biển nước ta chủ yếu mới bắt đầu triển khai thông qua các dự án với quy mô vốn đầu tư còn nhỏ và sớm nhất trong năm 2014 một số dự án mới hoàn thành và đi vào hoạt động. Khai thác cát thủy tinh phục vụ trong nước và xuất khẩu đã được triển khai, nhưng quy mô và sản lượng chưa lớn.

Phát triển hệ thống điện tái tạo, sử dụng năng lượng điện gió: hiện nước ta có 48 dự án điện gió (tổng công suất đăng ký 4.916 MW), nhưng chỉ có 3 dự án mới đi vào hoạt động, với tổng công suất 52 MW, bao gồm dự án ở xã Vịnh Trạch Đông (Bạc Liêu) công suất 16 MW, dự án ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) công suất 6 MW và dự án ở xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) công suất 30 MW.

Du lịch vùng ven biển, đảo: hiện đã đầu tư nâng cấp 30 bãi biển để phát triển du lịch, đã phát triển các tuyến du lịch biển như vịnh Hạ Long - Hải Phòng - Cát Bà, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Vân Phong - Đại Lãnh - Nha Trang, Vũng Tàu - Long Hải - Côn Đảo, Hà Tiên - Phú Quốc và Phan Thiết - Mũi Né - Phú Quý. Hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch biển không ngừng tăng lên, số cơ sở lưu trú đẳng cấp 3 sao trở lên ngày càng được đầu tư và đưa vào khai thác. Hàng năm đóng góp của du lịch biển đảo nước ta chiếm 70% tổng doanh thu của ngành du lịch cả nước, chiếm 77% về lượt khách quốc tế và chiếm 57% về lượt khách du lịch nội địa của du lịch cả nước.

Những hạn chế, yếu kém: Hoạt động kinh tế vùng ven biển chưa phát triển mạnh, công tác đầu tư cho phát triển kinh tế vùng ven biển còn dàn trải, quy mô đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng.        Kinh tế thủy sản còn gặp nhiều rủi ro và thiếu tính bền vững, tàu thuyền phổ biến là vỏ gỗ, máy cũ, trang bị lạc hậu và        khả năng vươn khơi còn yếu. Ngành dầu khí có xu hướng chững lại, ngành vận tải biển và dịch vụ vận tải biển chưa phát huy thế mạnh, năng lực dịch vụ cảng còn yếu, kết cấu còn thấp. Du lịch biển đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng dịch vụ, tại nhiều vùng mức đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng. Chưa thành lập được Đặc khu hành chính-kinh tế mang tầm quốc tế, việc phát triển các Khu kinh tế biển còn dàn trải, chưa xứng tầm. Khu công nghiệp đầu tư chưa nhiều, hiệu quả sử dụng đất thấp, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư chưa đủ mạnh, chưa đạt tầm khu vực; an sinh xã hội trong các khu công nghiệp chưa được giải quyết thảo đáng.

Hướng đi nào trong khai thác lợi thế về vùng ven biển để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020:

Phát triển kinh tế vùng ven biển phải được tập trung đầu tư, đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực theo hướng bền vững: Đưa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 lên 6,7%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 7,3%/năm. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế vùng ven biển, trong đó tỷ trọng ngành nông – lâm - ngư nghiệp giảm từ 17,8% năm 2010 xuống 15% năm 2015 và tiếp tục giảm xuống còn 12,1% năm 2020; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 35,6% năm 2010 lên 36% năm 2015 và đạt mức 36,3% năm 2020; ngành dịch vụ tăng từ 46,7% năm 2010 lên 48,9% năm 2015 và 51,7% năm 2020. Đến năm 2020, GDP toàn vùng ven biển đạt 1.296 nghìn tỷ đồng, trong đó ngành nông - lâm – ngư nghiệp đạt 156 nghìn tỷ đồng, ngành công nghiệp - xây dựng đạt 470 nghìn tỷ đồng và ngành dịch vụ đạt 670 nghìn tỷ đổng. Trong đó, lấy huyện đảo Phú Quốc, thành phố Vũng Tàu, thành phố Đà Nẵng, khu vực Hải Phòng-Hạ Long làm trung tâm tạo động lực và đầu tàu lôi kéo cả vùng biển Việt Nam phát triển, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh.

Khai thác lợi thế của địa kinh tế vùng ven biển để tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế biển: Sắp xếp, tổ chức lại và kết nối không gian vùng biển và vùng bờ (đất liền) tạo thế vững chắc, liên hoàn sẵn sàng vươn khơi, bám biển để phát triển kinh tế biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thiết lập hệ thống cơ chế, chính sách đủ mạnh trong quản lý, khai thác, sử dụng tiềm lực vùng ven biển một cách bền vững và hiệu quả:

   Khu vực Bắc Bộ: Phát triển công nghiệp đóng tàu thủy ở Quảng Ninh-Hải Phòng; Phát triển cảng biển Cái Lân, Hải Phòng (bao gồn cảng Lạch Huyện) và các cảng khác của Quảng Ninh-Hải Phòng; Khai thác tổng hợp tài nguyên du lịch biển đảo Hạ Long-Cát Bà-Đồ Sơn. Xây dựng một quần thể các công trình thể thao-giải trí với các phương tiện du lịch hiện đại. Khai thác dầu khí, khoáng sản than và dần hình thành khu dịch vụ dầu khí trong vùng. Tổ chức lại không gian kinh tế của các tiểu vùng được đặt trong mối quan hệ tổng thể gắn kết chặt chẽ với các vùng nội địa; tổ chức không gian các tuyến trục và hành lang kinh tế, với Tuyến kinh tế ven biển Hạ Long-Móng Cái, tuyến kinh tế Hạ Long- Móng Cái. Hình thành và phát triển các khu cụm công nghiệp ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu và thiết lập Đặc khu hành chính-kinh tế Vân Đồn.

   Khu vực Trung bộ: Phát triển cảng biển nước sâu và cảng trung chuyển quốc tế ở khu vực Miền Trung gắn với phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dầu khí và các phẩm dầu. Phát triển du lịch biển, đảo. Đẩy mạnh khai thác và chế biến hải sản, phát triển khai thác muối chất lượng cao, khai thác khoáng sản ven biển như quặng sắt, titan cát thủy tinh. Tổ chức không gian phát triển theo các Tiểu vùng và trọng điểm, tạo ra những mũi đột phá, những trục động lực từ phía biển, từ đó tạo đà đi lên cho cả Miền Trung. Tổ chức các tuyến và dải hành lang phát triển kinh tế với các Tuyến hành lang kinh tế ven biển, lấy hành lang Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt, tuyến đường xuyên Á (hành lang Đông Tây) và các cực đô thị làm khu phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển; gắn với hệ thống cảng biển, sân bay, đầu mối giao thông từ các cảng biển tỏa đến các vùng trong nội địa, nối với các nước lân cận thông qua các tuyến đường xuyên Á. Tiếp tục xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của vùng và là một trong ba trung tâm kinh tế biển và một trung tâm lớn về dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng của cả nước và thiết lập Đặc khu hành chính-kinh tế Bắc Vân Phong   .

- Khu vực Đông Nam bộ: Tổ chức sắp xếp lại hợp lý thành phố Vũng Tàu để phát triển thành trung tâm kinh tế biển lớn của vùng và của cả nước theo chức năng của một thành phố công nghiệp và dịch vụ tổng hợp biển. Hình thành các tuyến hành lang kinh tế để phát triển hài hoà các khu vực, tránh sự tập trung quá mức vào các đô thị lớn; lấy Tuyến hành lang đường 51 là tuyến kinh tế lớn nhất của cả vùng Nam Bộ, liên kết Vũng Tàu với Biên Hoà, TP. Hồ Chí Minh và các nước trong khu vực thông qua tuyến đường xuyên á phía Nam và xây dựng tuyến này thành một hành lang kinh tế phát triển mạnh cả về công nghiệp, thương mại dịch vụ và mở rộng giao lưu quốc tế, làm động lực cho phát triển của vùng. Xây dựng các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất dọc theo tuyến dựa trên cơ sở các nguyên liệu từ biển và lợi thế về cảng biển sẽ tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, phát triển và thu hút nhiều lao động của vùng cũng như vùng lân cận.

   Khu vực Tây Nam bộ: Phát triển toàn diện ngành hải sản, bao gồm cả khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản và hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển, đưa thủy sản thành ngành kinh tế biển mũi nhọn của tiểu vùng và của cả nước; xây dựng Rạch Giá thành trung tâm nghề cá và dịch vụ lớn của cả nước. Hình thành và phát triển các tuyến hành lang kinh tế ven biển gồm Tuyến kinh tế Cần Thơ-Sóc Trăng (chủ yếu phát triển công nghiệp chế biến nông, hải sản và công nghiệp nhẹ phục vụ xuất khẩu, phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá); Tuyến hành lang kinh tế ven biển phía Tây (Rạch Giá - Hà Tiên), chủ yếu tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm khai thác chế biến hải sản, công nghiệp vật liệu xây dựng và du lịch dịch vụ; và Tuyến hành lang kinh tế ven biển phía Đông (Bạc Liêu-Gành Hào-Cà Mau-Năm Căn), tập trung nguồn nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu lớn nhất cả nước, mà còn là khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tiểu vùng. Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch sinh thái đảo - biển của các nước và khu vực và thiết lập Đặc khu hành chính-kinh tế Phú Quốc.

Một lần nữa khẳng Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/2/2007 về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” có tầm nhìn chiến lược rộng, tính bao quát cao, thể hiện chủ trương đúng đắn, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm và đánh giá đúng tầm quan trọng của biển, đảo trong xây dựng phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng ven biển gắn với bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia. Nghị quyết số 09-NQ/TW đã tạo ra nhận thức sâu rộng hơn về biển, đảo của ta, làm cơ sở vững chắc trong công tác chỉ đạo về đối ngoại, hợp tác kinh tế, quốc phòng - an ninh trên biển, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền trên vùng biển, thềm lục địa và ổn định chính trị, xã hội ở các vùng biển, ven biển, hải đảo và tạo tiền đề để sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Phan Ngọc Mai Phương, Hồ Công Hường, Nguyễn Văn Vinh

(bài đăng trên báo Tạp chí Thông tin đối ngoại, số (124) 07 năm 2014)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2

Hôm nayHôm nay : 235

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12973

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3840337