GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC LIÊN KẾT VÙNG THÚC ĐẨY THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI (FDI) CHO VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG

Thứ hai - 14/09/2015 10:46
Vùng và liên kết vùng không phải là yếu tố xa lạ của nền kinh tế thị trường, tuy nhiên để có sự liên kết tối ưu cần có “bàn tay” tác động của chính phủ. Sự tác động của chính sách bằng văn bản pháp luật giúp cho Vùng tăng khả năng tích hợp, liên kết để thúc đẩy phát triển toàn diện tạo giá trị gia tăng tối ưu và ổn định, mang tính chiến lược lâu dài, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vùng cần có giải pháp chiến lược toàn diện từ chính sách của Chính phủ đến Địa phương, nhằm tạo cơ chế chính sách liên kết vùng, khuyến khích đầu tư và kiểm soát đầu tư cũng như định danh hạng mục ưu tiên đầu tư hợp lý là cơ sở để nâng cao khả năng thu hút dòng vốn FDI vào vùng Kinh tế Trọng điểm Miền Trung (VKTTĐMT). Bài viết này, đánh giá sơ lược về vị thế quan trọng của Vùng và đưa ra các giải pháp kiến nghị về chiến lược liên kết vùng nhằm thúc đẩy thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vàoVKTTĐMT trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Liên kết vùng, đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút nguồn vốn FDI, Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung
Abstract
Region and regional links are obviously recognized factors of the market economy. In order to have the best links, we need the policy from the government. Through policy towards the central, government promotes its abilities in intergrating, linking to develop effectively, creates a huge number of values and brings it stabilities. All of these will amuse the investors in domestic and all over the world. The zone needs a comprehensive solution from the government to the local so that it makes a institutional in linking regions, encourages and controls investments. In addition to, it also projects calling for investment were contralled. They will be considered as the basic elements to increase FDI into the key economic regional of the central. In this speech, we want to get a general comment about the important role of the economic region of the central and give some adviced solutions in linking to enhance FDI invest to the key of economic regional of the central nowadays.
Keywords: Regional links, foreign direct investment (FDI), enhance FDI invest, the Key Economic Regional of the Central
Giới thiệu
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng chính phủ. VKTTĐMT có 5 tỉnh thành gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; nằm không xa hải phận quốc tế…. Đây là vùng kinh tế có vị trí rất quan trọng cả về an ninh quốc phòng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đồng thời có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của cả nước với chiến lược kinh tế biển.
Mặc dù có quyết định thành lập VKTTĐMT từ năm 2008; nhưng đến nay, vấn đề về liên kết vùng vẫn còn là những băn khoăn trăn trở trên nhiều góc độ, vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu cho sự phát triển liên kết vùng. Vùng  cần có giải pháp chiến lược toàn diện từ chính sách của Chính phủ đến Địa phương, nhằm tạo cơ chế chính sách liên kết vùng, khuyến khích đầu tư và kiểm soát đầu tư cũng như nâng cao khả năng thu hút dòng vốn FDI. Với ý nghĩa như vậy, việc đánh giá về vị thế của Vùng và đưa ra các giải pháp về chiến lược liên kết vùng nhằm thúc đẩy thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào VKTTĐMT trong giai đoạn hiện nay là vấn đề thiết thực và cấp thiết cần được nghiên cứu và thảo luận một cách nghiêm túc để tìm ra giải pháp liên kết tối ưu cho Vùng.
1.      Cơ sở lý luận về vùng và liên kết vùng
Nhằm đi sâu vào phân tích liên kết vùng đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư FDI cần nhận diện về vùng và liên kết vùng. Theo một số tác giả đưa ra các khái niệm nhận diện về “vùng” và “vùng kinh tế”, “vùng kinh tế - xã hội” như sau: “Vùng là một khái niệm được sử dụng khá phổ biến trong quá trình phát triển Kinh tế – Xã hội của một số quốc gia. Vùng là không gian, là một trong những hình thái tồn tại của vật chất.”([1])
Vùng kinh tế là “Một bộ phận lãnh thổ nguyên vẹn của nền kinh tế quốc dân, có những dấu hiệu sau: chuyên môn hóa những chức năng kinh tế quốc dân cơ bản; đồng thời nó có tính tổng hợp: được hiểu theo nghĩa rộng như là mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lãnh thổ của vùng, coi vùng như một lãnh thổ toàn vẹn, đơn vị có tổ chức trong bộ máy quản lý lãnh thổ nền kinh tế quốc dân.”([2])
Vùng kinh tế – xã hội là: “Một bộ phận lớn của lãnh thổ quốc gia có các hoạt động kinh tế – xã hội tiêu biểu, thực hiện phân công lao động xã hội trên phạm vi cả nước. Đây là loại vùng có quy mô diện tích, dân số ở cấp lớn nhất, phục vụ việc hoạch định chiến lược, các kế hoạch phát triển theo lãnh thổ cũng như để quản lý các quá trình hình thành phát triển kinh tế – xã hội trên mỗi vùng của đất nước”.([3])
a/ Các dạng liên kết
Các hình thức liên kết tự nhiên của quá trình phát triển, trong đó nổi bật nhất là kiểu liên kết mang tính lan tỏa, lôi kéo giữa trung tâm và ngoại vi, đô thị và nông thôn. Đây là loại liên kết giữa các chủ thể đóng trên địa bàn của các vùng khác nhau với nhau (liên kết theo chiều ngang) và mang nặng tính thị trường, gồm các giao dịch mua bán, các loại hợp đồng,…([4])
Liên kết theo quan hệ phân cấp chính quyền giữa trung ương và địa phương (hành chính) Loại liên kết này chủ yếu bao gồm các lĩnh vực liên kết trong xử lý các vấn đề mang tính liên ngành: xây dựng quy hoạch phát triển ngành và vùng ở từng địa phương, xây dựng và thực thi chính sách thu hút và phân bổ đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng…([5])
Liên kết giữa các vùng (địa phương) với nhau, chủ yếu do các cơ quan quản lý cấp địa phương với nhau (liên kết theo chiều ngang) và mang tính hành chính tự nguyện.
b/ Ưu điểm của việc liên kết vùng
Mỗi một vùng có một số đặc điểm nổi trội so với các vùng khác, mỗi vùng đều có những thế mạnh và hạn chế đặc thù, tạo ra những lợi thế tuyệt đối và tương đối nhất định đối với quá trình phát triển kinh tế. Liên kết vùng vừa bổ sung những khiếm khuyết do điều kiện tự nhiên đặc thù, gia tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô. Liên kết giữa các địa phương sẽ hình thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng, đồng bộ, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu là cần thiết, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng, của mỗi địa phương trong vùng.
2.      Vị trí chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng chính phủ. VKTTĐMT có 5 tỉnh thành gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; có diện tích 27.884 km2, chiếm 8,4% diện tích cả nước; dân số khoảng 7% so với dân số cả nước; bao gồm 7 đô thị lớn là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Vạn Tường, Quảng Ngãi và Quy Nhơn; với 4 khu kinh tế (KKT) nằm dọc trên 609 km bờ biển là KKT Chân Mây – Lăng Cô, KKT mở Chu Lai, KKT Dung Quất và KKT Nhơn Hội. Vùng có 24 khu công nghiệp, khu chế xuất, có 4 cảng hàng không với 2 cảng hàng không quốc tế là Phú Bài và Đà Nẵng; Hệ thống cảng biển gồm Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn. Hầu hết cảng biển này đều là cảng nước sâu, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn (50.000DWT), nằm không xa hải phận quốc tế… tạo cho VKTTĐMT dễ trở thành đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế quan trọng với các nước trong khu vực và thế giới. Đây là vùng kinh tế có vị trí rất quan trọng cả về an ninh quốc phòng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đồng thời có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của cả nước với chiến lược kinh tế biển.
a/ Tài nguyên khoáng sản của vùng([6])
Nhóm khoáng sản nhiên liệu chủ yếu là than bùn, than đá, khai thác để chế biến phân hữu cơ vi sinh. Nhóm vật liệu xây dựng là các nhóm có triển vọng lớn bao gồm pyrit, phosphorit, kaolin, sét, đá granit, đá gabro, đá vôi, cuội sỏi và cát xây dựng, quặng đá vôi, cát trắng (cát thủy tinh), đá hoa cương, đá phiến lợp, đá cuội …
Nhóm khoáng sản kim loại có sắt, titan, chì, kẽm, vàng, thiếc, Uran... với trữ lượng không lớn, trừ sa khoáng titan và mỏ vàng có trữ lượng lớn đang được khai thác như Bồng Miêu (trữ lượng khoảng 12.388 kg), Đăk Sa (trữ lượng khoảng 7.210 kg); …
Tài nguyên nước dưới đất khá phong phú, bao gồm cả nước nhạt và nước khoáng nóng.
Bên cạnh các loại khoáng sản nói trên, vùng thềm lục địa có nhiều triển vọng về dầu khí đã và đang khai thác thăm dò.
b/ Định hướng hạ tầng giao thông của Vùng([7])
Đến năm 2030, kết cấu hạ tầng giao thông Vùng cơ bản được hoàn thiện về mạng lưới, đảm bảo kết nối thuận lợi giữa các địa phương trong Vùng, giữa Vùng với các Vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Chất lượng vận tải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ba trục dọc quốc gia chính xuyên suốt Vùng là đường bộ cao tốc Bắc - Nam, QL1A, đường Hồ Chí Minh (ngoài tuyến ven biển). Bên cạnh đó còn có tuyến Đông Trường Sơn kết nối trong Vùng… Các tuyến đường sắt nhánh nối từ đường sắt quốc gia đến các cảng biển, KCN, KKT, hầm đường sắt qua đèo Hải Vân được xây dựng mới…
Về cảng biển: Phát triển 5 cảng biển có tổng công suất đến năm 2020 đạt 40,0- 50 triệu tấn/năm. Cảng Đà Nẵng (cảng loại IA), cảng Dung Quất: là cảng tổng hợp quốc gia loại I giữ vai trò đầu mối vùng, cảng Quy Nhơn (loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam), cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và khu bến Liên Chiểu.
Cảng hàng khôngKhu vực có 5 cảng, trong đó 4 cảng hàng không quốc tế và 1 cảng hàng không nội địa. Tổng công suất đến năm 2020 là 25 - 30 triệu hành khách/ năm và 3 triệu tấn hàng hóa/năm. Cảng HKQT Đà Nẵng: Đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, đảm bảo tiếp nhận máy bay B747- 400 hoặc tương đương, công suất đạt 10 triệu HK/năm và 200.000 - 300.000 tấn HH/năm vào năm 2020; và sẽ đạt 20 triệu HK/ năm và 500.000 tấn HH/năm vào năm 2030. Cảng HKQT Chu Lai: đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn ICAO...
Như vậy, đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Vùng được xác định cơ bản hoàn thiện về mạng lưới, đảm bảo kết nối thuận lợi giữa các địa phương trong Vùng, giữa Vùng với các Vùng miền trong cả nước và với các nước trong khu vực.
3.      Tác động của vùng, liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tại vùng Kinh tế Trọng điểm Miền Trung
a/ Thực trạng khả năng thu hút FDI của vùng Kinh tế Trọng điểm Miền Trung
Theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 15/12/2014, vùng Kinh tế Trọng điểm Miền Trung có 581 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 17,15 tỷ USD. Quy mô vốn trung bình một dự án FDI của vùng KTTĐMT đạt 29,5  triệu USD, cao gấp đôi so với quy mô vốn trung bình một dự án FDI của toàn quốc tính đến thời điểm hiện nay là 14,3 triệu USD. Vốn FDI trên địa bàn vùng KTTĐMT tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo với 258 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,74 tỷ USD (chiếm 39,3% tổng vốn FDI đăng ký vào vùng). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai có 43 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 6,33 tỷ USD (chiếm 37% tổng vốn FDI đăng ký). Đứng thứ ba là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, có 44 dự án với 1,83 tỷ USD (chiếm 10,7% tổng vốn FDI đăng ký) ([8]).
Mặc dù, vùng KTTĐMT có khả năng thu hút đầu tư FDI đạt kết quả khả quan trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực trạng hạn chế tồn tại của vùng KTTĐMT còn rất lớn như: Chi phí vận tải hàng hoá đi từ các cảng biển trong Vùng như ở Đà Nẵng vẫn còn cao hơn so với xuất hàng đi từ các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, phụ tùng từ các doanh nghiệp trong khu vực Miền Trung cho doanh nghiệp FDI còn rất hạn chế. Quy mô thị trường khu vực miền Trung nhỏ, sức mua còn thấp. Lao động tuy dồi dào, trẻ nhưng kỹ năng lao động không cao, ngoại ngữ yếu, chưa được đào tạo. Hệ thống, pháp luật chính sách liên quan đến đầu tư chưa đồng bộ và thiếu nhất quán. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như chưa tạo điều kiện tốt để dòng vốn đầu tư nước ngoài phát huy hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát về việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập.  Công tác xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả. Từ đó cho thấy rất cần được sự hỗ trợ liên kết của các vùng khác trong và ngoài nước cũng như sự liên kết nội bộ các tỉnh trong vùng KTTĐMT hay toàn  miền Trung nói chung.
b/ Về tác động của vùng và liên kết vùng đối với thu hút FDI
Một ví dụ điển hình của việc liên kết đã tác động mạnh đến thu hút đầu tư như: “Ký kết hợp tác phát triển du lịch, thương mại và du lịch giữa 02 tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông (tháng 6/2011); Hội nghị liên kết xúc tiến đầu tư (XTĐT) Tây Nguyên và thúc đẩy giải ngân cam kết đầu tư, an sinh xã hội (tháng 12/2013)… tình hình thu hút đầu tư vào Vùng kể từ sau Diễn đàn XTĐT Tây Nguyên lần 1 (năm 2009) đã chuyển biến tích cực hơn với tổng vốn đăng ký đạt trên 90.000 tỷ đồng (bình quân 30.000 tỷ đồng/năm), tăng cao so với các năm trước”.([9])  
Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu “Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế Trọng điểm Trung bộ” của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Đại học Đà Nẵng đã nhận định:Phần đông các doanh nghiệp (87%) đều cho rằng sử dụng sản phẩm dịch vụ hỗ trợ được cung ứng từ bên ngoài có lợi hơn so với tự sản xuất. Miền trung, nơi tập hợp hơn 400 doanh nghiệp trong các lĩnh vực may. Các doanh nghiệp may xuất khẩu đang phải nhập khẩu đến 85% nguyên phụ liệu và gần như toàn bộ các loại hoá chất, thuốc nhuộm từ nước ngoài. Các doanh nghiệp cung cấp phụ liệu cho ngành may tại miền Trung chỉ mới đáp ứng chưa được 4,5% nhu cầu([10]). Điều này chứng minh rằng rất cần sự liên kết, nếu liên kết ổn định và vững chắc sẽ là bài toán đáp ứng từ 85% - 95% nhu cầu cung cấp phụ kiện của ngành dệt may miền Trung nói riêng và khoảng 87% sản phẩm dịch vụ hỗ trợ nói chung.
4.      Nhận xét
Phát triển kinh tế vùng là nhằm thúc đẩy và bảo đảm sự phát triển cân đối, bền vững của đất nước, có tính đến các yếu tố đặc thù và cơ hội của toàn lãnh thổ và của các vùng và phát huy những đặc tính riêng về môi trường tự nhiên, văn hóa và tiềm năng phát triển của các vùng. Trong bối cảnh:“Trình độ kém phát triển; sức cạnh tranh và hiệu quả còn thấp. Nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế so với các nước tương tự. Công nghiệp vật liệu và các sản phẩm chủ yếu tham gia vào chuỗi giá trị trong sản xuất và phân phối sản phẩm toàn cầu rất nhỏ bé. Tỷ lệ nội địa hoá thấp, xuất khẩu ưu thế thuộc về nhà đầu tư nước ngoài…Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy đã được lựa chọn là khâu đột phá, song tính kết nối giữa các phương thức vận tải chưa cao, vẫn đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển”([11]). Đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng, đảm bảo tính thống nhất trong quan điểm phát triển chung và vì lợi ích phát triển quốc gia là vấn đề then chốt cần làm ngay([12]).
Nhằm đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược (Thể chế kinh tế - nhân lực –kết cấu hạ tầng), thực hiện các mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cần có các giải pháp đột phá mạnh mẽ về thể chế nhằm tạo động lực và thu hút các nguồn lực cho sự phát triển trở thành nhu cầu bắt buộc. Vì vậy, liên kết vùng là một trong những giải pháp thiết thực hiện nay, liên kết để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, cả trong đột phá về thể chế, đột phá về phát triển nhân lực và đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn FDI đầu tư cho phát triển là rất cấp thiết.
Cần phải nghiên cứu cụ thể về cơ chế vùng, liên vùng và ban hành các văn bản pháp lý cần thiết để điều tiết, kiểm soát, phát huy tối đa khả năng liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Liên kết vùng là vấn đề cần thiết đã được đề cập từ lâu, song chưa có những quy định, chế tài, cơ chế, chính sách cụ thể. Hầu như trong các văn bản pháp lý, phần nói về giải pháp, đều có đề cập đến vấn đề phối hợp giữa các ngành, các địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg về Qui chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, ở văn bản này mới chỉ đề cập đến việc phối hợp điều phối đối với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời vẫn chỉ nêu ra sự phối hợp và chưa có cơ chế quy định cụ thể cả về trách nhiệm và tính chế tài.
Quá trình phân tán nguồn lực theo đơn vị địa lý hành chính (tỉnh) đã dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất về phân bổ nguồn lực, hình thành cuộc chạy đua xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay…), và một số loại sản phẩm với cơ cấu kinh tế tương tự nhau, xuất hiện tình trạng dư cung trong một số lĩnh vực, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Thông tin mất cân xứng và thiếu minh bạch, khiến cho việc tìm hiểu môi trường kinh doanh trở nên khó khăn, gia tăng chi phí tìm hiểu và gia nhập thị trường làm giảm sức cạnh tranh.
5.      Kiến nghị về giải pháp chiến lược
Để tăng khả năng thu hút FDI vào các lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư cần có tính đồng bộ, hệ thống và vận hành nhịp nhàng nhằm đạt được mục tiêu cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế tiên tiến; Quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ của lực l­ượng sản xuất; Đời sống vật chất tinh thần cao; Quốc phòng, an ninh vững chắc chúng ta cần xắp xếp và phân bổ theo vùng và cơ chế vùng cả về nguồn lực, vận hành, kiểm soát và tính thống nhất như sau:
Thứ nhất: Về cơ chế chính sách, hoàn thiện cả về cơ chế chiều dọc và cơ chế chiều ngang trong liên kết (bao gồm cả liên kết vùng kinh tế và liên kết trong thể chế bộ máy tổ chức). Đối với liên kết theo chiều dọc, xác định rõ chủ thể, cấp bậc, trên dưới, quy định rõ chức năng nhiệm vụ và các hoạt động chế tài đi kèm một cách rõ ràng minh bạch (tránh tình trạng hiểu “linh hoạt”, “mền dẻo” trong các văn bản pháp luật), nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và không đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực thi các văn bản pháp luật. Đối với liên kết ngang (mang tính tự nguyện) cũng cần có khung văn bản điều chỉnh về lợi ích, cơ chế hợp tác làm cơ sở để điều chỉnh và thực hiện phân định rõ ràng khi tham gia vào các hoạt động liên kết này.
Thứ nhì: Xác định lại ngành công nghiệp mũi nhọn, sản phẩm mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của vùng, các nguồn cung ứng hỗ trợ (phụ trợ) để sản phẩm này tạo ra bước đột phá. Đối với sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần xác định vùng khuyến khích đầu tư hợp lý, tối ưu hóa nguồn lực và sức cạnh tranh tốt. Cần tập trung vào tỉnh kinh tế có thế mạnh công nghiệp tiên phong, có khả năng dẫn dắt tạo bước đột phá và hỗ trợ các vùng khác về lĩnh vực này đồng thời tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư của nguồn vốn FDI.
Thứ ba: Đối với các công trình đầu tư mang tính xã hội, công ích có tính chất liên ngành như: xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng, như đường sá, cảng biển, sân bay; cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc; bệnh viện, …cần nghiên cứu cụ thể thực thi mối liên kết hàng dọc có tính quy định và chịu trách nhiệm cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng và chịu tính chế tài cụ thể. Phân bổ nguồn lực phát triển mạnh kinh tế biển đảo,… gắn kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.
Thứ tư: Đổi mới tư duy về thu hút và sử dụng vốn FDI vào vùng KTTĐMT theo hướng tạo thuận lợi các điều kiện dễ quản lý hơn. Các địa phương trong toàn Vùng cần phối hợp xây dựng chiến lược thu hút và sử dụng có hiệu quả dòng vốn FDI, lồng ghép chiến lược này vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Vùng và của cả nước phù hợp với từng giai đoạn, cũng như gắn liền với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Các địa phương trong Vùng cũng cần tìm hiểu cơ chế hoạt động và thông tin từ Tổ chức Xúc tiến Đầu tư Thế giới (WAIPA), nhằm nắm bắt được những xu hướng phát triển mới nhất của FDI trên thế giới và học hỏi các kinh nghiệm tốt nhất trong việc xúc tiến đầu tư.
Các địa phương trong Vùng quyết định các chính sách phát triển kinh tế có liên quan đến toàn Vùng. Đề ra các biện pháp và chính sách mang tính chất đặc thù áp dụng cho Vùng để thu hút có hiệu quả nguồn vốn FDI. Thành lập hội đồng tư vấn cho các địa phương trong Vùng xây dựng, phân loại ưu tiên các trọng điểm đầu tư và các dự án đầu tư lớn có tính chất khả thi, hiệu quả và phù hợp với quy hoạch tổng thể.Các dự án đầu tư trong quá trình xây dựng và hoạt động, nếu có các vấn đề nảy sinh và vướng mắc về cơ chế và mối quan hệ giữa các địa phương thì hội đồng sẽ xem xét thẩm định các vấn đề đó, đề xuất có ý kiến giải quyết kịp thời. Hướng mạnh ra bên ngoài, tạo cho nền kinh tế có độ mở lớn ở trong nước và thế giới.
Hướng dẫn, thông tin và tư vấn cho các nhà đầu tư lựa chọn mục tiêu và lĩnh vực đầu tư; tìm nguồn vốn, môi giới giữa quỹ phát triển vùng với các dự án đầu tư, giúp quỹ lựa chọn các dự án khả thi để tài trợ. Thực hiện các chức năng về nghiên cứu và phát triển (R&D) trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, pháp chế, đào tạo và huấn luyện cán bộ, các hoạt động môi giới khác. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa rộng như: dịch vụ du lịch, phân phối, vận tải, logistics và các dịch vụ cảng biển, nhằm tận dụng vị thế địa kinh tế của Vùng.
Phát triển kinh tế và thu hút FDI trong Vùng luôn gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội, từng bước thực hiện công bằng xã hội, củng cố và tăng cường an ninh quốc phòng trên đất liền, Vùng biển và vùng trời toàn khu vực. Các phương án thu hút FDI trong vùng, trước mắt cũng như lâu dài phải đảm bảo tính hiệu quả và sự hài hòa giữa các ngành, lãnh thổ và có bước đi thích hợp.
 
Đội ngũ Lãnh đạo của các địa phương trong Vùng phải giữ vai trò xúc tác và chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung liên kết đối với từng địa phương. Lãnh đạo chính quyền 05 tỉnh cần tăng cường hợp tác trong việc hoàn thiện quy hoạch, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, đô thị, các KKT, KCN, những dự án liên vùng như: nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ, các trục giao thông huyết mạch nối với TP. HCM, Tây Nguyên, các thành phố, cảng biển, Đông Nam Bộ và các quốc gia trong Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Hỗ trợ nhau trong việc tiếp đón nhà đầu tư đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư; thành lập tổ liên ngành, liên vùng giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… Các địa phương vùng cần phối hợp trong thực thi chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư của Trung ương và địa phương nhất quán và minh bạch, chăm sóc tốt nhà đầu tư tại chỗ… Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ XTĐT của Vùng trực tuyến (online) trên internet với thông tin đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và thường xuyên cập nhật./.
 
Tài liệu tham khảo
1.      Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW - Báo Cáo Khảo Sát – Liên Kết Giữa Các Địa Phương Trong Phát Triển Vùng Tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, 10 -201.
2.      Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: tiềm năng và lợi thế - Phần 1 http://www.vietrade.gov.vn/vung-kinh-te-trong-diem-mien-trung/3555-vung-kinh-t-trng-im-min-trung-tim-nng-va-li-th.html
3.      TS. Lý Huy Tuấn - Nguyễn Huy Hoàng - Phát Triển, Liên Kết Phát Triển Kết Cấu Hạ Tầng - Giao Thông Tại Vùng 7 Tỉnh Duyên Hải Miền Trung - Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải - Bộ Giao thông vận tảiHội thảo Khoa học - Liên kết Phát triển 7 tỉnh Duyên hải miền Trung - Đà Nẵng, tháng 7 năm 2011.
4.      Bùi Duy Hoàng - Vùng và liên kết vùng trong phát triển kinh tế xã hội http://svec.org.vn/index.php/nghien-cuu/Nghien-cuu-Trao-doi/Vung-va-lien-ket-vung-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-44/
5.      PGS. TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư
http://khucongnghiep.com.vn/tabid/65/articletype/ArticleView/articleId/1094/default.aspx
6.      TS. Lê Thu Hoa: Kinh tế vùng ở Việt Nam – Từ lý luận đến thực tiễn, Nxb. Lao động – Xã hội, 2007
7.      GS.TS Trương Bá Thanh: Liên kết kinh tế miền Trung và Tây Nguyên – Từ lý luậnđến thực tiễn, tạp chí Khoa học công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 03/2009.
8.      Ts. Nguyễn Đình Hiển - Liên kết kinh tế vùng Duyên hải miền Trung - http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/92-1201-lien-ket-vunggiai-phap-toi-uu-de-thu-hut-fdi.html
9.      PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Đại học Đà Nẵng“Phát Triển Công Nghiệp Hỗ Trợ Tại Các Tỉnh Thuộc Vùng Kinh Tế Trọng Điểm Trung Bộ”http://ncstp.gov.vn/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-tai-cac-tinh-thuoc-vung-kinh-te-trong-diem-trung-bo/
10.  Báo cáo Tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và đầu tư.


([1]) Thôi Công Hào, Ngụy Thanh Tuyền, Trần Tôn Hưng: Phân tích vùng và quy hoạch vùng, Nxb. Đại học Trung Quốc, 2002 (Hàn Ngọc Lương dịch).
([2]) Alaev: Từ điển thuật ngữ về địa lý kinh tế xã hội. Moscow, 1983.
([3])Viện Chiến lược phát triển: Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
([4])PGS. TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư
http://khucongnghiep.com.vn/tabid/65/articletype/ArticleView/articleId/1094/default.aspx
([5])PGS. TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư
http://khucongnghiep.com.vn/tabid/65/articletype/ArticleView/articleId/1094/default.aspx

 
([6]) Tổng hợp từ trang web của 5 tỉnh thuộc  VKTTĐMT
([7]) TS. Lý Huy Tuấn - Nguyễn Huy Hoàng - Phát Triển, Liên Kết Phát Triển Kết Cấu Hạ Tầng - Giao Thông Tại Vùng 7 Tỉnh Duyên Hải Miền Trung - Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải - Bộ Giao thông vận tảiHội thảo Khoa học - Liên kết Phát triển 7 tỉnh Duyên hải miền Trung - Đà Nẵng, tháng 7 năm 2011.
 
([9]) ThS. Nguyễn Quang Anh - Trung tâm XTĐT miền Trung (Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - http://centralinvest.gov.vn/view/lien-ket-vung-trong-hoat-dong-xuc-tien-dau-tu-giai-phap-thuc-day-su-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-cua-vung-tay-nguyen-424.aspx
([10] )PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Đại học Đà Nẵng - Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế Trọng điểm Trung bộ - http://ncstp.gov.vn/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-tai-cac-tinh-thuoc-vung-kinh-te-trong-diem-trung-bo/
([12]) PGS. TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư
http://khucongnghiep.com.vn/tabid/65/articletype/ArticleView/articleId/1094/default.aspx
 

Nguồn tin: Ths. Bùi Duy Hoàng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 4

Hôm nayHôm nay : 429

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15391

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3842755