Vùng và liên kết vùng trong phát triển kinh tế xã hội

Thứ hai - 05/01/2015 21:12
Trong quá trình điều hành và hoạch định các chính sách kinh tế, nhà nước đã quan tâm nhiều đến việc phân vùng kinh tế và thực hiện việc lập quy hoạch các vùng kinh tế. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác phân khu chức năng, quy hoạch vùng, vùng kinh tế trọng điểm.
1. Khái quát về các vùng kinh tế
Trong quá trình điều hành và hoạch định các chính sách kinh tế, nhà nước đã quan tâm nhiều đến việc phân vùng kinh tế và thực hiện việc lập quy hoạch các vùng kinh tế. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác phân khu chức năng, quy hoạch vùng, vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên việc lập luận xây dựng các vùng kinh tế chủ yếu dựa vào điều kiện tiềm năng tư nhiên và lợi thế tĩnh của vùng là chủ yếu. Cả nước hiện nay nếu theo niêm giám thống kê thì chia thành 6 vùng; theo quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ do Bộ Xây dựng lập trình chính phủ phê duyệt hiện nay có 9 vùng bao gồm: Vùng 1: Vùng thủ đô Hà Nội: (thành phố Hà Nội là hạt nhân và 9 tỉnh là Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình), Vùng 2: Vùng duyên hải Bắc Bộ (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, và Ninh Bình), Vùng 3: Vùng trung du và miền núi phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La), Vùng 4: Vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế), Vùng 5: Vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), Vùng 6: Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận); Vùng 7: Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thành phố Đà Nẵng, Tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), Vùng 8: Vùng Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang), Vùng 9: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long).
Ngoài ra, còn có 4 vùng kinh tế trọng điểm đó là: I - Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm 7 tỉnh và thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc); II- Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ (5 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); III- Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, gồm 8 tỉnh- thành phố  (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang); IV- Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (TP. Cần Thơ, An Giang,   Kiên Giang, Cà Mau).
Bốn vùng này cũng có quá trình hình thành, bắt đầu từ cuối năm 1997 và đầu năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt phê duyệt các quyết định số 747/1997/QĐ-TTg, 1018/1997/QĐ-TTg và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia đến năm 2010, bao gồm vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong 3 vùng kinh tế trọng điểm này, có 13 tỉnh/thành phố được xếp vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm. I-Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương); II- Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi); III - Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai).
Trong Hội nghị các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ ngày 20-21/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới của vùng. Văn phòng Chính phủ sau đó đã ra Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 02/7/2003 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ thêm 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Long An.
Trong Hội nghị các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ ngày 14-15/7/2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới của vùng; sau đó Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 108/TB-VPCP ngày 30/7/2003 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị, trong đó có quyết định "Đồng ý bổ sung 3 tỉnh: Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ".
Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ số 1018/1997/QĐ-TTg ngày 29/11/1997, gồm thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nay quy mô của vùng được mở rộng thêm tỉnh Bình Định.
Ngày 18 tháng 02 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở cấp Trung ương. Cơ cấu, bộ máy của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm bao gồm: Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và các Tổ điều phối của các Bộ, ngành và địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.
Ngày 13 tháng 8 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 145, 146, 148/2004/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế -xã hội vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020. Trong các quyết định này, quy mô của các vùng kinh tế trọng điểm đã được mở rộng thêm 7 tỉnh gồm Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh (Bắc bộ); Bình Định (Trung bộ) và Tây Ninh, Bình Phước, Long An (Nam bộ). Đồng thời, các quyết định này cũng thay thế cho các quyết định số 747/1997/QĐ-TTg, 1018/1997/QĐ-TTg và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg đã ban hành năm 1997 và năm 1998.
Ngày 10 tháng 10 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg, ban hành Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm. Theo Quyết định này, quy mô của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được mở rộng, bao gồm các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Như vậy, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ bao gồm 7 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.
Ngày 16 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau.
Trong quá trình hình thành và phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm đang phát huy lợi thế, tạo ra động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng tỉnh và của vùng cũng như của nền kinh tế quốc dân theo chiều hướng tích cực, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh lân cận. Nhà nước tiếp tục thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh, đồng thời tạo điều kiện và đầu tư thích đáng hơn cho vùng nhiều khó khăn. Thống nhất quy hoạch phát triển trong cả nước, giữa các vùng, tỉnh, thành phố, tạo sự liên kết trực tiếp về sản xuất, thương mại, đầu tư, giúp đỡ kỹ thuật về nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và khu vực, gắn chặt phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ, cải thiện môi trường và quốc phòng an ninh.
2. Ưu điểm đối với hình thành vùng và những vấn đề cấp thiết
Ưu điểm
Từ việc phân vùng theo điều kiện tự nhiên, đã hình thành phân vùng kinh tế trọng điểm. Quá trình hình thành vùng và phân vùng đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đầu tư công, thu hút đầu tư phát triển kinh tế và tạo động lực kinh tế - xã hội.
Mỗi một vùng có một số đặc điểm nổi trội so với các vùng khác, mỗi vùng đều có những thế mạnh và hạn chế đặc thù, tạo ra những lợi thế tuyệt đối và tương đối nhất định đối với quá trình phát triển kinh tế. Liên kết vùng vừa bổ sung những khiếm khuyết do điều kiện tự nhiên đặc thù, gia tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô.
Liên kết giữa các địa phương sẽ hình thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng, đồng bộ, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu là cần thiết, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng, của mỗi địa phương trong vùng.
Liên kết vùng có thể được thúc đẩy hay kìm hãm bởi các chính sách rất cụ thể, sự tương đồng về thể chế và sự đồng thuận của các nhóm xã hội cùng chia sẻ lợi ích chung, trong đó có lợi ích phát triển riêng của mỗi tỉnh, mỗi vùng. Thống nhất có sự điều hành chỉ đạo chung tránh được những khiếm khuyến hiện đã diễn ra phổ biến như: “tranh giành nhà đầu tư”, “tranh giành dự án”, sản phẩm tương đồng khắp mọi nơi …
Những vấn đề cấp thiết
Bối cảnh: “Trình độ kém phát triển; sức cạnh tranh và hiệu quả còn thấp. Nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế so với các nước tương tự. Công nghiệp vật liệu và các sản phẩm chủ yếu tham gia vào chuỗi giá trị trong sản xuất và phân phối sản phẩm toàn cầu rất nhỏ bé. Tỷ lệ nội địa hoá thấp, xuất khẩu ưu thế thuộc về nhà đầu tư nước ngoài…Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy đã được lựa chọn là khâu đột phá, song tính kết nối giữa các phương thức vận tải chưa cao, vẫn đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển”([2]).
Đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng, đảm bảo tính thống nhất trong quan điểm phát triển chung và vì lợi ích phát triển quốc gia là vấn đề then chốt cần làm ngay([3]).
Nhằm đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược (Thể chế kinh tế - nhân lực – kết cấu hạ tầng), thực hiện các mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cần có các giải pháp đột phá mạnh mẽ về thể chế nhằm tạo động lực và thu hút các nguồn lực cho sự phát triển trở thành nhu cầu bắt buộc. Vì vậy, liên kết vùng là một trong những giải pháp thiết thực hiện nay, liên kết để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, cả trong đột phá về thể chế, đột phá về phát triển nhân lực và đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển là rất cấp thiết.
Cần phải nghiên cứu cụ thể về cơ chế vùng, liên vùng và ban hành các văn bản pháp lý cần thiết để điều tiết, kiểm soát, phát huy tối đa khả năng liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Liên kết vùng là vấn đề cần thiết đã được đề cập từ lâu, song chưa có những quy định, chế tài, cơ chế, chính sách cụ thể. Hầu như trong các văn bản pháp lý, phần nói về giải pháp, đều có đề cập đến vấn đề phối hợp giữa các ngành, các địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg về Qui chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, ở văn bản này mới chỉ đề cập đến việc phối hợp điều phối đối với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời vẫn chỉ nêu ra sự phối hợp và chưa có cơ chế quy định cụ thể cả về trách nhiệm và tính chế tài.
Quá trình phân tán nguồn lực theo đơn vị địa lý hành chính (tỉnh) đã dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất về phân bổ nguồn lực, hình thành cuộc chạy đua xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay…), và một số loại sản phẩm với cơ cấu kinh tế tương tự nhau, xuất hiện tình trạng dư cung trong một số lĩnh vực, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Thông tin mất cân xứng và minh bạch, khiến cho việc tìm hiểu môi trường kinh doanh trở nên khó khăn, gia tăng chi phí tìm hiểu và gia nhập thị trường làm giảm sức cạnh tranh.
Tình trạng phân tán đã xuất hiện tình trạng tranh giành tài nguyên, vốn, “vượt rào” mời gọi đầu tư …nhưng những gánh nặng xã hội, môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường thì lại đùn đẩy, né tránh.  Tình trạng này gây ảnh hưởng xấu đến điều hành chung của cả nước và thiếu tính thống nhất nhất quán trong quản lý đều hành chính sách vĩ mô.
3. Đề xuất giải pháp
Để có tính đồng bộ, hệ thống và vận hành nhịp nhàng nhằm đạt được mục tiêu cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế tiên tiến; Quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ của lực l­ượng sản xuất; Đời sống vật chất tinh thần cao; Quốc phòng, an ninh vững chắc chúng ta cần xắp xếp và phân bổ theo vùng và cơ chế vùng cả về nguồn lực, vận hành, kiểm soát và tính thống nhất cụ thể như sau:
Thứ nhất: Về cơ chế chính sách, hoàn thiện cả về cơ chế chiều dọc và cơ chế chiều ngang trong liên kết (bao gồm cả liên kết vùng kinh tế và liên kết trong thể chế bộ máy tổ chức). Đối với liên kết theo chiều dọc, xác định rõ chủ thể, cấp bậc, trên dưới, quy định rõ chức năng nhiệm vụ và các hoạt động chế tài đi kèm một cách rõ ràng minh bạch (tránh tình trạng hiểu “linh hoạt”, “mền dẻo” trong các văn bản pháp luật), nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và không đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực thi các văn bản pháp luật. Đối với liên kết ngang (mang tính tự nguyện) cũng cần có khung văn bản điều chỉnh về lợi ích, cơ chế hợp tác làm cơ sở để điều chỉnh và thực hiện phân định rõ ràng khi tham gia vào các hoạt động liên kết này. Từ đó các quy ước, thỏa thuận mới được thực thi một cách tự giác và đều đặn thường xuyên mang tính ổn định lâu dài và bền vững cả trong phát triển kinh tế, xã hội và trong đạo đức lối sống, môi trường văn hóa xã hội …
Thứ nhì: Xác định lại ngành công nghiệp mũi nhọn, sản phẩm mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của quốc gia thực sự là gì? sản phẩm này được đặt ở vùng nào? Các nguồn cung ứng hỗ trợ (phụ trợ) để sản phẩm này tạo ra bước đột phá được cung ứng từ đâu? Ưu tiên kêu gọi đầu tư dân doanh hay nhà nước tập trung nguồn lực để phát triển? Nếu nhà nước đầu tư để tạo đà chuyển dịch trong hoạt động khơi nguồn thì trong khoảng thời gian (lộ trình) trung hay dài hạn?
Hàng loạt các ngành mũi nhọn như: Cơ khí, điện tử, ô tô, xe gắn máy, đóng tàu, chế biến thực phẩm, thép, hoá dầu, giày da và may mặc, phần mềm, thiết bị hạ tầng thân thiện với môi trường sinh thái, thiết bị máy móc cỡ nặng và máy nông nghiệp. … vẫn chưa có “mũi nhọn” nào “khoan sâu” vào thị trường thế giới thậm chí vẫn loay hoay tìm hướng đi và phải dựa dẫm quá nhiều vào chính sách thuế của Nhà nước, sự bảo hộ để phát triển (ví dụ: ngành công nghiệp ô tô).
Đối với sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, được phát triển theo hướng nào? Dựa vào lợi thế tự nhiên hay dựa vào năng lực sản suất cạnh tranh để phân khúc thị trường và xác định vùng khuyến khích đầu tư hợp lý, tối ưu hóa nguồn lực và sức cạnh tranh tốt.
Về các ngành công nghiệp nền tảng:  Những ngành công nghiệp có tính chất cần thiết, quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của quốc gia, là nền tảng của công nghiệp hoá. Đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và có cơ chế ưu đãi, đó là các ngành: công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp tự động. Cần tập trung vào vùng kinh tế có thế mạnh công nghiệp tiên phong, có khả năng dẫn dắt tạo bước đột phá và hỗ trợ các vùng khác về lĩnh vực này.
Thứ ba: Phân bổ lại ưu tiên về nguồn lực công nghiệp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Đẩy mạnh công nghiệp hóa về giống, chọn công nghiệp hóa về giống là mũi nhọn ưu tiên đầu tư giúp chuyển biến về cách mạng nông nghiệp mà thành công ban đầu là cách mạng giống. Ứng dụng tối đa khả năng sẵn có của công nghệ trên thế giới cho quy trình nghiên cứu phát triển giống, công nghiệp hóa về giống càng sớm càng tốt và cần phải là tiên phong liên tục để chống lạc hậu và suy thoái nguồn lực đầu vào đối với sản xuất nông nghiệp tại các vùng trọng điểm nông nghiệp như vùng ĐBSCL, hay vùng ĐBSH. Quá trình phân bổ nguồn lực này, cần nghiên cứu kèm theo là việc phân bổ lại nguồn lực nghiên cứu khoa học, thay vì phân bổ dàn trải đều cho các tỉnh thành, kinh phí phân tán, con người phân tán, công nghệ phân tán ... thì cần tập trung lại một đầu mối (ví dụ như: vùng ĐBSCL, chỉ cần tập trung vào một đơn vị nghiên cứu cây con giống chủ lực, đầu tư tối đa về vật chất kỹ thuật, con người ...) để đạt được mục tiêu cách mạng giống, hỗ trợ trực tiếp nông nghiệp nông thôn phát triển và tăng trưởng nhanh.
Thứ tư: Đối với các công trình đầu tư mang tính xã hội, công ích có tính chất liên ngành như: xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng, như đường sá, cảng biển, sân bay; cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc; bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu; xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; vùng sản xuất nông nghiệp; trung tâm thương mại, du lịch và dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực và đào tạo; xây dựng và thực thi các chính sách xóa đói giảm nghèo; …cần nghiên cứu cụ thể thực thi mối liên kết hàng dọc có tính quy định và chịu trách nhiệm cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng và chịu tính chế tài cụ thể. Luận chứng xác định cụ thể trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; bố trí kế hoạch đầu tư theo kế hoạch trung hạn, dài hạn, cân đối trên tổng thể vùng, nhất là đối với các tuyến giao thông địa phương cần kết nối; có chính sách ưu đãi phù hợp cho các địa phương bị ảnh hưởng tiêu cực (như xây dựng các khu xử lý chất thải nguy hại, nghĩa trang quy mô vùng...). Phân bổ nguồn lực phát triển mạnh kinh tế biển đảo,… gắn kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển. Phát triển nội lực và các yếu tố liên kết các hành lang, vành đai kinh tế, kết nối với các vùng trong nước và khu vực; hình thành một vài trung tâm hợp tác phát triển vững mạnh cả về kinh tế lẫn quốc phòng.
Thứ năm: Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế dựa theo phân bổ nguồn lực của từng vùng, xây dựng các chỉ tiêu công nghiệp rõ ràng, dựa trên nguồn lực cụ thể của quốc gia, của vùng, phân bổ cơ cấu hợp lý nguồn lực, tránh tình trạng xây dựng các chỉ tiêu công nghiệp rập khuôn tạo sức ép không cần thiết khi thực hiện phấn đấu các chỉ tiêu công nghiệp. Việc tái cơ cấu cũng là cuộc cách mạng thay đổi cả về cơ chế quản lý vận hành và điều phối của nhà nước trong một nền kinh tế thị trường bình đẳng và minh bạch. Vì vậy, liên kết vùng để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có định hướng mới trong phân công và hợp tác giữa các địa phương cũng như quan tâm nhiều hơn đến yếu tố khoa học – công nghệ của sản xuất và sự lựa chọn các đối tác cũng như dự án đầu tư. Sản xuất gắn với khâu phân phối, tiêu thụ,  độc lập về tài chính và dự báo, phòng ngừa rủi ro.
 
Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thanh Liêm - Hành lang thương mại quan trọng
http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_chinhsach/item/24057002.html
2. Bùi Tất Thắng - Liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư
http://khucongnghiep.com.vn/tabid/65/articletype/ArticleView/articleId/1094/default.aspx
3. Nguyễn Văn Huân - Liên kết vùng từ lý luận đến thực tiễn 
http://ecna.gov.vn/ct/ht/Lists/BaiViet/Attachments/174/Lien%20ket%20vung%20-%20tu%20ly%20luan%20den%20thuc%20tien%20-%20TS%20Nguyen%20Van%20Huan.pdf
4. Viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm KHXHVN, Đề tài TN3/X16: Liên kết nội vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, 2013.

([1]) Ths. Bùi Duy Hoàng, Ptp.ĐBSCL – Trung tâm nghiên cứu kinh tế Miền nam – VCL - BKH&ĐT
Đây là bài viết với quan điểm riêng của tác giả (một người làm công tác nghiên cứu), không mang tính chất đại diện cho bất kỳ một tổ chức, cơ quan nào.
([2]) http://www.dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30257&cn_id=643183
([3]) PGS. TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư
http://khucongnghiep.com.vn/tabid/65/articletype/ArticleView/articleId/1094/default.aspx
 
Bùi Duy Hoàng

Nguồn tin: SVEC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1

Hôm nayHôm nay : 313

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 15845

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3843209