Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ bảy - 04/11/2023 05:39
(MPI) - Ngày 27/10/2023, Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn; Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu tham dự Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI

Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh; là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông là Quảng Ninh, phía Nam là Bắc Giang, Bắc Ninh, Thủ đô Hà Nội và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc với 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu song phương và nhiều cửa khẩu/lối mở kết nối khác; là điểm đầu tiên của Việt Nam nằm trên 02 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tỉnh Lạng Sơn có vị trí địa lý rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đặt ra nhiệm vụ trọng yếu trong bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biên giới quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần giải quyết như quy mô kinh tế của tỉnh còn ở mức thấp so với cả nước và không có sự phát triển bứt phá trong giai đoạn 2011-2020, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn quốc, GRDP của vùng và tỷ trọng có xu hướng giảm. Tăng trưởng GRDP của tỉnh cả giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 đều thấp hơn trung bình của vùng và trung bình cả nước; nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ảnh hưởng của yếu tố địa hình, “Độ mở” và “Tính liên kết” của nền kinh tế chưa tương xứng với vị trí chiến lược nằm trên các hành lang kinh tế lớn với hệ thống cửa khẩu trên bộ quan trọng nhất của cả nước trong kết nối với Trung Quốc.

Kết cấu hạ tầng giao thông chưa được mở mang đúng hướng, đúng tầm; liên kết cửa khẩu chủ yếu là liên kết đường bộ, liên kết đường sắt chưa được đầu tư đúng mức khiến kinh tế cửa khẩu phát triển không bền vững, đối diện với nhiều rủi ro, thách thức; hạ tầng công nghiệp chưa đồng hộ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ thương mại còn hạn chế; hạ tầng thủy lợi chưa hoàn chỉnh gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Công tác quy hoạch tại khu kinh tế cửa khẩu còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa có định hướng thu hút đầu tư cũng như phân bổ nguồn lực đúng trọng tâm, trọng điểm; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu dạng thô, chưa qua chế biến, giá trị gia tăng thấp; hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu không cao và phụ thuộc nhiều vào các chính sách về thương mại biên giới của Trung Quốc. Tình trạng thiếu vắng những dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao, do đó, tiềm năng và động lực tăng trưởng trong thời gian tới là chưa thật rõ ràng.

Việc sử dụng đất chưa thật sự tiết kiệm và hiệu quả; tình trạng ô nhiễm môi trường đang là thách thức song hành cùng quá trình phát triển kinh tế; các KCN, CCN tiếp tục tăng thêm sẽ là thách thức lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường, tạo áp lực lớn cho hạ tầng và sự khó khăn trong việc bảm đảm anh ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Do vậy, để giúp Lạng Sơn có bản quy hoạch chất lượng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu một số nội dung đề nghị các thành viên, ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định tập trung cho ý kiến.

Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Quy hoạch tổng thể quốc gia; 16 quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông, điện, khoáng sản) và 14 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Đây là căn cứ, là cơ sở để tỉnh Lạng Sơn xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh thông qua quy hoạch, Thứ trưởng nhấn mạnh.


Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn phát biểu. Ảnh: MPI

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh. Đồng thời cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hạn chế, khó khăn trong phát triển nhanh và bền vững; kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững; phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thương hiệu, giá trị gia tăng cao còn hạn chế; công nghiệp chậm phát triển; số dự án thu hút đầu tư chủ yếu là dự án quy mô nhỏ; hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng còn hạn chế; lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển,...

Nhận thức được những tồn tại, hạn chế trên, việc triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm định hướng phát triển của Tỉnh trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới được Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chính trị hàng đầu trong thời gian qua.

Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, giữ vững quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc.

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Với quan hệ hợp tác tích cực với Trung Quốc và các khu công nghiệp lân cận, Lạng Sơn trở thành vùng đất “xanh” mới hấp dẫn đầu tư nước ngoài, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghiệp hóa và du lịch đẳng cấp thế giới. Lạng Sơn tiếp tục giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung vào 4 khâu đột phá và 8 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, 4 khâu đột phá gồm chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của Lạng Sơn; Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch; Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại.

8 nhiệm vụ trọng tâm được địa phương đề ra là đổi mới và hoàn thiện thể chế; Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã; Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn; Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.


Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: MPI

Cho ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch, thành viên Hội đồng là đại diện các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia - ủy viên phản biện thống nhất đánh giá quy hoạch tỉnh Lạng Sơn cơ bản phù hợp với quan điểm, mục tiêu và nội dung được xác định trong Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 748/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 (Quyết định số 748/QĐ-TTg); đã tổ chức xin ý kiến các Bộ, ngành và UBND các tỉnh trong vùng TDMNPB cũng như các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, một số nội dung cần tiếp tục rà soát, cấu trúc lại Báo cáo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, Nghị định số 58/2023/NĐ-CP và tuân thủ yêu cầu nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 748/QĐ-TTg.

Về phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện đặc thù, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực cho phát triển của tỉnh, một số ý kiến của các thành viên, ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định đề nghị bổ sung, phân tích làm rõ thêm một số vấn đề về vai trò của tỉnh Lạng Sơn đối với vùng/quốc gia; là điểm trung chuyển, kết nối quan trọng của các địa phương trong vùng, có vai trò quan trọng trong kết nối các tỉnh thuộc tiểu vùng Đông Bắc, nhất là Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… Đặc biệt khả năng kết nối Lạng Sơn với Quảng Ninh hướng ra biển (cảng Mũi Chùa, Quảng Ninh); Nhận định rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để có đủ cơ sở và căn cứ hoạch định phát triển một cách đúng đắn, đúng tầm và khả thi. Cần nhìn nhận điểm yếu về kết nối hạ tầng giao thông chủ yếu là sự liên kết đường bộ; liên kết đường sắt còn yếu, chưa được tập trung đầu tư khiến kinh tế cửa khẩu đối diện với nhiều rủi ro, thách thức.

Đánh giá thêm về kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước, xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội; Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh; các ngành ưu tiên và các định hướng mới tạo đột phá phát triển; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; phương án phát triển hạ tầng; Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai;…

Sau khi đã thảo luận, cho ý kiến, Hội đồng thẩm định đã xem xét, biểu quyết vào phiếu đánh giá đối với Quy hoạch tỉnh; Báo cáo ĐMC và dự thảo Báo cáo thẩm định với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cảm ơn ý kiến đóng góp chất lượng, xác đáng của Hội đồng đối với Báo cáo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là những ý kiến rất quan trọng để tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. 

Đồng thời, phát biểu làm rõ thêm một số nội dung được Hội đồng nêu, đặc biệt là về phương án mở rộng địa giới hành chính; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh và phương án phát triển hệ thống đô thị; phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính; kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém giai đoạn vừa qua, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; các quan điểm, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch; các định hướng lớn về bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; các vùng trọng điểm, các hành lang kinh tế…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc của Hội đồng. Qua các ý kiến cho thấy, quy hoạch tỉnh Lạng Sơn được triển khai đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo vệ tài nguyên môi trường; thực hiện nghiêm theo đúng quy định. Nội dung quy hoạch thể hiện được tư duy, tầm nhìn mới, thể hiện khát vọng phát triển của tỉnh.

Để sớm hoàn thiện nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Lạng Sơn khẩn trương lập Báo cáo tiếp thu, giải trình toàn bộ ý kiến tham gia bằng văn bản của các bộ, ngành, chuyên gia, ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự Hội nghị thẩm định, ý kiến của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và kết luận của Hội đồng thẩm định. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong quá trình phát triển của mỗi địa phương, quy hoạch là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thể hiện được khát vọng vươn lên, giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra./.

Nguồn tin: Theo Tùng Linh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Bài mới
Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2

Hôm nayHôm nay : 400

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16531

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 3843895